Tuyên bố Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat
Đối thoại Tri thức Toàn cầu là một sáng kiến của Hội đồng Khoa học Thế giới (International Science Council (ISC).
Đối thoại Tri thức Toàn cầu được tổ chức định kỳ nhằm xem xét các vấn đề quan trọng về giao điểm giữa khoa học - xã hội và khoa học – chính sách. Diễn đàn năm nay được tổ chức bởi ISC và Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo của Vương Quốc Oman tại Muscat từ ngày 27-28/01/2025.
![tm-img-alt](https://vusta.vnmediacdn.com/images/2025/02/10/9917-1739174702-htqt-10-02-25-11.jpg)
Đối thoại Tri thức Toàn cầu là một sự kiện quan trọng được tổ chức cùng Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới, cơ quan tập hợp các thành viên trên toàn cầu gồm 250 liên đoàn và hiệp hội khoa học quốc tế, các tổ chức khoa học quốc gia và khu vực, bao gồm các Viện Hàn lâm, Cơ quan chính phủ và các Bộ ngành, các Hội đồng Nghiên cứu và Khoa học, các Liên đoàn và Hiệp hội khoa học quốc tế, cũng như các tổ chức khoa học trẻ.
Sự kiện toàn cầu này thu hút 450 đại biểu từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, bao gồm đại diện từ các quốc gia thành viên ISC, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, học giả; lãnh đạo công ty công nghệ lớn, tổ chức trong lĩnh vực khoa học, chính sách và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu; đối tác từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau; những người đoạt giải Nobel, các nhà nghiên cứu hàng đầu từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu nổi tiếng.
![tm-img-alt](https://vusta.vnmediacdn.com/images/2025/02/10/9917-1739174702-htqt-10-02-25-12.jpg)
Hàng loạt chủ đề đã được thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn, bao gồm: tương lai của các hệ thống khoa học, các công nghệ mới nổi như AI và khoa học mở; vai trò của khoa học trong việc thúc đẩy các chuyển đổi bền vững về môi trường và xã hội; và thúc đẩy niềm tin vào khoa học trong khi giải quyết các vấn đề về bình đẳng và gắn kết xã hội. Các hội thảo khoa học và các phiên họp, thảo luận theo từng chủ đề bao gồm: Tự do và trách nhiệm trong khoa học; Tăng cường vai trò và tầm nhìn của khoa học xã hội trong chính sách và thực tiễn phát triển bền vững; Phát huy tư cách thành viên ISC để tăng cường tư vấn khoa học cho chính sách; Chính sách và kỹ năng quản lí dữ liệu trong một thế giới thay đổi nhanh chóng; Hội thảo về trí tuệ nhân tạo; Nhìn lại sự hợp tác khoa học quốc tế trong thế giới ngày nay; Đổi mới khoa học: khoa học mở, đánh giá nghiên cứu, xuất bản khoa học; Khoa học đại dương vì sự bền vững; Thay đổi bối cảnh cho ngoại giao khoa học; Công nghệ mới nổi và sự phát triển của khoa học; Trí tuệ nhân tạo và tác động của nó đến hệ thống khoa học; Thập kỷ khoa học vì sự bền vững: Chương trình nghị sự sau năm 2030; Từ rào cản đến đột phá: Định hình tương lai của bình đẳng giới trong khoa học; Giáo dục khoa học cho tương lai của chúng ta – xây dựng năng lực cho những thách thức toàn cầu; Khoa học địa cực và Năm địa cực quốc tế; Sự gắn kết xã hội và bất bình đẳng.
![tm-img-alt](https://vusta.vnmediacdn.com/images/2025/02/10/9917-1739174702-htqt-10-02-25-13.jpg)
Đại biểu tham dự sự kiện
Kết quả của Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat là Tuyên bố Muscat về khoa học toàn cầu, đã được tất cả các tổ chức thành viên thông qua. Tuyên bố nhấn mạnh khoa học là một lợi ích công toàn cầu, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và kêu gọi tiếp cận tri thức một cách công bằng. Tuyên bố Muscat ủng hộ vai trò hợp tác và chuyển đổi của khoa học để giải quyết các thách thức toàn cầu, nêu nhu cầu về sự hợp tác toàn cầu mạnh mẽ hơn, minh bạch khoa học và đổi mới có trách nhiệm, nhu cầu về các chính sách khuyến khích sự cởi mở, công bằng và trách nhiệm giải trình trong khoa học, đặc biệt là liên quan đến các công nghệ mới nổi.
Sau đây là nội dung chi tiết của Tuyên bố Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat
Nhắc lại tầm nhìn của ISC về khoa học như là lợi ích công cộng toàn cầu, nghĩa là tri thức khoa học và thực hành khoa học nên được coi là nguồn tài nguyên chung, và tất cả mọi người đều nên được hưởng lợi,
Công nhận sự đa dạng về khát vọng, thách thức, cơ hội và tiếp cận tới khoa học toàn cầu, sự gia tăng chênh lệch về năng lực nghiên cứu và chất lượng giáo dục giữa các quốc gia và khu vực, và nhu cầu thu hẹp sự chênh lệch để thúc đẩy tiến bộ toàn cầu,
Nhắc lại rằng để hiện thực hoá tầm nhìn này, sứ mệnh của ISC là cung cấp tiếng nói toàn cầu về khoa học mạnh mẽ, hiệu quả, và đáng tin cậy.
Cân nhắc bối cảnh toàn cầu của hoạt động khoa học đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua, và công nghệ mới nổi đang tiếp tục thay đổi các mô hình nghiên cứu khoa học,
Lưu ý rằng trong bối cảnh này, khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công bằng xã hội, hoà bình, an ninh, và bền vững,
Cân nhắc vai trò của ISC trong việc củng cố tiếng nói của các nhà khoa học và sự đa dạng của họ, tăng cường sự tự do và an toàn của họ, và thúc đẩy quyền tham gia và hưởng lợi từ khoa học.
TUYÊN BỐ HÀNH ĐỘNG
Do đó,nhữngngười tham gia vào Đối thoạiTrithứcToàncầu Muscat,
Bảo vệ và thúc đẩy thực hành khoa học với sự tự do và trách nhiệm bằng cách:
Tăng cường quyền tham gia và hưởng lợi khoa học, hơn nữa khẳng định vai trò khoa học như là một lợi ích công cộng toàn cầu,
Duy trì hợp tác khoa học xuyên biên giới ngay cả trong thời kỳ căng thẳng và khủng hoảng
Ủng hộ sự bảo vệ hệ thống khoa học và các nhà khoa học trong trường hợp khẩn cấp và xung đột, đặc biệt chú trọng đến các nhà khoa học phải di rời.
Ủng hộ thực hành khoa học tự do, an toàn, có đạo đức, bao trùm, có trách nhiệm và công bằng,
Khuyến khích và hỗ trợ hợp tác quốc tế, liên ngành và xuyên ngành trong nghiên cứu khoa học và học bổng trong các vấn đề đang được quan tâm toàn cầu, bao gồm:
Tích cực hỗ trợ “Thập kỉ khoa học quốc tế vì Phát triển bền vững” của Liên hợp quốc như là một công cụ để thúc đẩy chương trình nghị sự về phát triển bền vững,
Huy động nguồn lực cho Năm Địa cực quốc tế 2023 – 2033 và Thập kỷ khoa học Băng Quyển của Liên hợp quốc,
Tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, tích hợp tất cả các lĩnh vực khoa học chính thống và ứng dụng khoa học (tự nhiên, y tế, xã hội, con người, kỹ thuật khoa học) là điều cần thiết để giải quyết các thách thức phức tạp,
Khuyến khích nghiên cứu về bất bình đằng hoặc gắn kết xã hội, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực khoa học có vai trò hiệu quả,
Kêu gọi tài trợ từ các tổ chức, các quỹ từ thiện và các viện khoa học hàng đầu thế giới để có các bước chủ động hỗ trợ các khu vực thiếu nguồn lực thông qua đầu tư vào các sáng kiến xây dựng năng lực,
Hợp tác để phát triển các giải pháp thực tiễn để ngăn ngừa hoặc giảm ô nhiễm và hướng tới tầm nhìn phát thải bằng không,
Đóng góp tới sự phát triển công bằng của các hệ thống khoa học, trong bối cảnh các công nghệ mới nổi và bất bình đằng toàn cầu, bao gồm:
Hợp tác với các tổ chức tài trợ nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan để cung cấp hướng dẫn chuyên môn về chuyển đổi và cải cách hệ thống khoa học (ví dụ, khoa học mở, đánh giá nghiên cứu, và xuất bản khoa học) và sự nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, bao trùm và liêm chính của các hệ thống này,
Thúc đẩy chuyển đổi môi trường giáo dục đại học, trang bị cho các nhà khoa học tương lai trên toàn cầu những kiến thức, công cụ và kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường cấp bách, phức tạp,
Đánh giá nghiêm túc về các tác động tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới nổi khác đối với khía cạnh của hệ thống khoa học và giáo dục,
Bảo đảm rằng các dữ liệu khoa học được tạo ra, lưu trữ, quản lý và truy cập theo cách giúp giải quyết các thách thức lớn mang tính liên lĩnh vực,
Hỗ trợ các viện hàn lâm và các hiệp hội của các nhà khoa học trẻ.
Tiếp tục ủng hộ các giá trị của khoa học và thúc đẩy việc ra quyết định dựa trên bằng chứng ở mọi cấp độ,
Thúc đẩy năng lực sáng kiến xây dựng, đào tạo phù hợp, và áp dụng các nguyên tắc và mô hình nhằm củng cố vai trò khoa học trong hệ thống đa phương,
Thúc đẩy và hỗ trợ việc sử dụng ngoại giao khoa học để phục vụ lợi ích chung và giải quyết các thách thức toàn cầu,
Kêu gọi duy trì và gia tăng đầu tư vào các chương trình khoa học quốc tế, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ tri thức tự do và cởi mở,
Khuyến khích sự đóng góp của nghiên cứu khoa học và đổi mới đối với các mục tiêu hòa bình toàn cầu, phúc lợi con người, quản trị hành tinh và phát triển bền vững toàn cầu,
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao tính đại diện của các nhà khoa học nữ và các nhóm chưa được đại diện đầy đủ trong công tác quản trị các tổ chức khoa học cũng như trong các hoạt động khoa học nói chung,
Kết luận rằng khoa học là một nỗ lực phổ quát, có thể đóng vai trò như một lực lượng tích cực để thu hẹp khoảng cách, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hành động tập thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu chung ở nhiều cấp độ.