VUSTA tham dự Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới
Diễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới được tổ chức từ ngày 26-31/01/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Oman. Đại diện VUSTA có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tham dự.
Đây là một sự kiện quốc tế lớn tập trung vào khoa học và đổi mới sáng tạo, được Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo Oman phối hợp với Hội đồng Khoa học Thế giới (ISC) chủ trì tổ chức, dưới sự bảo trợ của H H Sayyid Asaad bin Tarik al Said, Phó Thủ tướng phụ trách Quan hệ quốc tế và Hợp tác và là Đại diện riêng của Đức vua Oman.
Sự kiện toàn cầu này thu hút 450 đại biểu từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, bao gồm đại diện từ các quốc gia thành viên ISC, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, học giả; lãnh đạo công ty công nghệ lớn, các tổ chức khoa học, chính sách và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu; đối tác từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau; những người đoạt giải Nobel, các nhà nghiên cứu hàng đầu từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu nổi tiếng.
![tm-img-alt](https://vusta.vnmediacdn.com/images/2025/02/10/9917-1739175259-htqt-10-02-25-21.jpg)
Đại biểu tham dự sự kiện
Diễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat diễn ra từ ngày 27-28/01/2025, là một hoạt động quan trọng bên lề Hội nghị lần thứ ba của Đại hội đồng Khoa học Thế giới để thảo luận về hợp tác khoa học và chính sách khoa học toàn cầu. Qua đó, xác định các ưu tiên cho hợp tác khoa học trong tương lai, định hình tương lai của khoa học và vai trò của khoa học trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Các phiên thảo luận liên ngành tập trung vào ba chủ đề chính, bao gồm: tương lai của các hệ thống khoa học, các công nghệ mới nổi AI và khoa học mở; vai trò của khoa học trong việc thúc đẩy các chuyển đổi bền vững về môi trường và xã hội; thúc đẩy niềm tin vào khoa học trong giải quyết các vấn đề về bình đẳng và gắn kết xã hội.
Kết quả của Diễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị của Đại Hội đồng ISC có ý nghĩa sâu rộng đối với cộng đồng khoa học thế giới. Một trong những kết quả cụ thể là Tuyên bố Muscat về khoa học toàn cầu. Tài liệu quan trọng này, được tất cả các tổ chức thành viên chấp thuận, nhấn mạnh khoa học là một lợi ích công cộng toàn cầu và kêu gọi tiếp cận tri thức một cách công bằng. Tuyên bố Muscat ủng hộ vai trò hợp tác và chuyển đổi của khoa học để giải quyết các thách thức toàn cầu. Tuyên bố nhấn mạnh nhu cầu về sự hợp tác toàn cầu mạnh mẽ hơn, minh bạch khoa học và đổi mới có trách nhiệm. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng những tiến bộ khoa học mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, đặc biệt tập trung vào việc khắc phục bất bình đẳng và giải quyết các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và tính bền vững. Hơn nữa, Tuyên bố cũng nhấn mạnh nhu cầu về các chính sách khuyến khích sự cởi mở, công bằng và trách nhiệm giải trình trong khoa học, đặc biệt là liên quan đến các công nghệ mới nổi.
Ông Peter Gluckman, Chủ tịch ISC khẳng định Hội đồng Khoa học Thế giới là một tổ chức trung tâm ủng hộ việc sử dụng bằng chứng khoa học trong hoạch định chính sách, thúc đẩy hợp tác đa ngành để giải quyết những thách thức phức tạp và cho biết: “Những cuộc đối thoại này thu hẹp khoảng cách giữa khoa học và chính trị, giải quyết các bối cảnh khu vực và toàn cầu”.
![tm-img-alt](https://vusta.vnmediacdn.com/images/2025/02/10/9917-1739175259-htqt-10-02-25-22.jpg)
Ông Peter Gluckman, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Thế giới
Hội nghị Đại Hội đồng ISC họp bốn năm một lần và là nền tảng cao nhất cho các thành viên và đối tác thảo luận các vấn đề chiến lược, khám phá những con đường mới cho sự hợp tác khoa học quốc tế. Các đại hội trước đã giải quyết các thách thức toàn cầu cấp bách, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, sức khỏe toàn cầu và đổi mới công nghệ. Từ ngày 29-30/01/2025 đã diễn ra các cuộc họp phiên toàn thể và họp nhóm của Đại hội đồng Khoa học Thế giới lần thứ ba.
Các phiên họp của Hội đồng Khoa học Thế giới liên quan đến các nội dung: sửa đổi quy chế/điều lệ, phát triển tổ chức, phát triển thành viên, công tác tài chính, kế hoạch hoạt động nhiệm kì tiếp theo 2025-2028 v.v. Trong khuôn khổ sự kiện, VUSTA đã trình chiếu, giới thiệu về hoạt động của VUSTA và các tổ chức thành viên. Với vai trò là thành viên chính thức của Hội đồng Khoa học Thế giới, Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh đại diện VUSTA đã tham gia các phiên họp của Hội đồng và bỏ phiếu thông qua hai nội dung quan trọng: Quy chế/ điều lệ sửa đổi của ISC và Quy chế tài chính nhiệm kỳ 2025-2028.
![tm-img-alt](https://vusta.vnmediacdn.com/images/2025/02/10/9917-1739175259-htqt-10-02-25-23.jpg)
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tham dựHội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới
![tm-img-alt](https://vusta.vnmediacdn.com/images/2025/02/10/9917-1739175605-htqt-10-02-25-24-11.jpg)
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh chụp ảnh cùng Giáo sư Yongguan Zhu, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, người vừa được bầu là Phó Chủ tịch (phụ trách thành viên) Hội đồng Khoa học Thế giới nhiệm kỳ 2025-2028
Trong vai trò là thành viên Hội đồng tư vấn của ISC khu vực châu Á – Thái Bình Dương (The advisory council of the ISC Regional Focal Point for Asia-Pacific), Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tham gia các cuộc họp nội bộ của các đầu mối khu vực châu Á Thái Bình Dương, thảo luận về các sáng kiến, kế hoạch hoạt động, giải thưởng v.v. liên quan đến hợp tác trong khoa học, kĩ thuật, chính sách của khu vực.
![tm-img-alt](https://vusta.vnmediacdn.com/images/2025/02/10/9917-1739175259-htqt-10-02-25-25.jpg)
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tại phiên thảo luận củaDiễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat
Tại sự kiện lần này đã diễn ra lễ kí kết thành lập văn phòng khu vực của ISC tại Trung Đông, đặt tại Muscat và triển khai chương trình phối hợp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhân dịp này, ngày 31/01/2025, Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo Oman tổ chức chuyến đi thăm quan, tìm hiểu lịch sử đất nước Oman cho tất cả đại biểu tham dự nhằm tăng cường kết nối, giao lưu văn hóa, khoa học giữa các đại biểu và các đối tác.
Từ năm 2023 VUSTA đã tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội đồng Khoa học Thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức. Tuy nhiên, với mạng lưới các tổ chức thành viên rộng lớn khắp cả nước, VUSTA cần đẩy mạnh sự tham gia vào cơ chế này một cách sâu rộng và hiệu quả hơn nữa trong những năm tiếp theo. Thông qua việc huy động sự tham gia của các tổ chức thành viên và các tổ chức trực thuộc, VUSTA sẽ phát huy được vai trò là cầu nối, trao đổi, hợp tác khoa học và công nghệ toàn cầu.