Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 15/07/2009 23:19 (GMT+7)

Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn

16 tuổi lấy vợ. Đó là một cô gái xinh đẹp hơn ông 4 tuổi học đến bậc tiểu học. Nhân duyên này không phải do “cha mẹ đặt đâu ngồi đấy” như thời bấy giờ mà ông chủ động bày tỏ tình cảm, đôi bên thuận thảo rồi ông mới về thưa với song thân. Ở trường sư phạm, ông học khá giỏi, tham gia các tổ chức quần chúng yêu nước. Nguyễn Công Thu được Nguyễn Ái Quốc phái về nước đón thanh niên ra nước ngoài học tập. Chuyến xuất dương bí mật này có hai người: Vũ Nguyên Bác và Tư Chính.

Học tập và chiến đấu ở Trung Quốc

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam trên đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu. Nhóm Nguyễn Sơn đến thì khoá I đang học. Trong lúc chờ đợi khoá tiếp theo, ông học tiếng và chữ Trung Quốc. Thấy ông thông minh, nhanh nhẹn Nguyễn Ái Quốc sử dụng ông làm liên lạc viên với các vị Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Bái, Lý Phú Xuân và cả Bôrôđin đang giảng bài ở một lớp huấn luyện gần đấy, mời các đồng chí đến giảng giúp. Thế là ông có cơ hội làm quen với các vị kể trên sau này trở thành đàn anh cách mạng của ông.

Tháng 11 - 1925, lớp huấn luyện chính trị khoá 2 khai giảng, ông chính thức tham gia học tập. Lớp có khoảng 40 học viên, trong số đó có Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan.

Thời gian học tập, Vũ Nguyên Bác được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Kết thúc lớp học, phần đông trở về nước hoạt động. Một số học viên được tiếp tục vào trường quân sự Hoàng Phố nhằm đào tạo cán bộ quân sự gồm có: Vũ Nguyên Bác, Lê Hồng phong, Lê Hồng Sơn, Lê Quốc Vọng (tức Lê Thiết Hùng), Phùng Chí Kiên, Lương Văn Chi… Các vị trở thành học viên khoá 4 trường quân sự Hoàng Phố nổi tiếng vào mùa xuân năm 1926.

Quốc cộng đang thời kỳ hợp tác. Tháng 10 - 1926, khoá 4 trường quân sự Hoàng Phố bế giảng. Ông được giữ lại trường. Trong thời gian này, ông tự theo dõi tình hình, thực hiện bí mật một số công việc của Nguyễn Ái Quốc giao phó.

Tôn Trung Sơn tạ thế. Không còn ai kìm hãm, tháng 4 - 1927, Tưởng Giới Thạch phát động cuộc đảo chính phản cách mạng. Trước khi rời Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho một số cán bộ Việt Nam tiếp tục làm việc tại trường Hoàng Phố, kiên trì đấu tranh. Tháng 8 - 1927, Vũ Nguyên Bác gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc với lời thề Xin sống vì Đảng, chết vì Đảng.

Ngày 11 tháng 12 năm 1927, công nông binh Quảng Châu tổ chức khởi nghĩa vũ trang. Đoàn giáo viên trường Hoàng Phố do đồng chí Diệp Kiếm Anh, Nhiếp Vĩnh Trân tham gia chỉ huy cuộc khởi nghĩa, trong đó có các cán bộ quân sự Việt Nam cùng Vũ Nguyên Bác. Đây là lần thử lửa đầu tiên của ông. Sau ba ngày cuộc khởi nghĩa thất bại. Đã bị lộ là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông được lệnh sang Xiêm để tránh khủng bố trắng với tên mới là Hồng Thuỷ. Sang năm 1928, ông quay lại Hương Cảng, hoạt động trong phong trào Công hội Thuỷ thủ.

Năm 1929, do yêu cầu phát triển lực lượng vũ trang, theo chỉ thị của Đảng, Vũ Nguyên Bác rời Hương Cảng đến Đông Giang gia nhập Hồng quân. Tháng 12 - 1929, ông làm chính trị viên đại đội 1, trung đoàn Hồng quân 46.

Ngày 30 - 10 - 1930, ở Long Cương, huyện Vĩnh Phong, tỉnh Giang Tây xảy ra một cuộc chiến đấu ác liệt đôi bên cấp quân đoàn. Bên Hồng quân, Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ huy, Hồng Thuỷ là chính uỷ trung đoàn.

Cuối năm 1931, tại Khu Xô viết Trung ương, trường Quân chính Trung ương của Hồng quân chính thức thành lập, ông được bổ nhiệm làm trưởng phòng tuyên truyền, giáo viên chính trị văn hoá. Và cũng từ đấy về sau, đại bộ phận thời gian ở Trung Quốc, ông làm công tác văn hoá trong quân đội. Thời gian ba năm ở khu căn cứ Thuỵ Kim, có mấy sự kiện trong cuộc đời của Vũ Nguyên Bác - Hồng Thuỷ.

Một là cuối năm 1932, cùng với các đồng chí lãnh đạo khác, ông tổ chức Đoàn kịch Công nông do ông làm trưởng đoàn, dựng vở kịch nổi tiếng Ngọn lửa Thượng Hải. Ông có thủ một vai chính. Vở diễn được nhân dân và các vị lãnh đạo tán thưởng. Trong lịch sử quân đội cách mạng Trung Quốc, đây là đoàn kịch đầu tiên.

Hai là vào tháng 1 - 1934, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai nước Cộng hoà Xô viết Trung Hoa, ông được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương nước Cộng hoà Xô viết Trung Hoa với tư cách là đại biểu “dân tộc ít người” cùng với một người Triều Tiên.

Ba là, cùng trong năm này, đoàn kịch bị kiểm tra sổ sách bất ngờ. Đoàn kiểm tra phát hiện thiếu mất 20 đồng. Ông bị khai trừ đảng tịch, chuyển về trường Đảng làm giáo viên. Mãi đến khi trường chinh đến Tuân Nghĩa, các đồng chí phụ trách mới khôi phục đảng tịch cho ông.

Sau thất bại 4 lần vây quét, tháng 9 - 1933, Tưởng Giới Thạch điều động một triệu quân, hai trăm máy bay, mở cuộc tiến công vào khu Xô viết, bắt đầu cuộc vây quét lần thứ 5. Đồng thời y thay đổi phương thức tác chiến “đánh nhanh tiến nhanh” trước đây thành phương thức “nhích dần từng bước” thực hiện ý đồ thu hẹp khu Xô viết, tiến tới tiêu diệt Hồng quân ngay trong khu Xô viết.

Do tranh giành vị trí lãnh đạo, do sai lầm phương thức tác chiến, Hồng quân liên tục thất bại trong chống vây quét, khu Xô viết bị thu hẹp dần dẫn đến tình thế muốn bảo tồn lực lượng phải di chuyển sang địa bàn khác.

Từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 10 năm 1935, trong thời gian 1 năm, Hồng quân Trung ương xuất phát từ khu Xô viết Giang Tây, đi qua Hồ Nam - Quý Châu - Vân Nam - Tứ Xuyên - Cam Túc… tất cả 11 tỉnh, cuối cùng đã đến miền Bắc Thiểm Tây của vùng tây bắc - Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch mong tiêu diệt Hồng quân trên đường trường chinh, nhưng Hồng quân đã đánh tan 410 trung đoàn địch, vô số thổ phỉ, chiếm 54 thành thị, mở rộng khu giải phóng để chống Nhật.

Chuẩn bị cho cuộc trường chinh, Hồng Thuỷ đang là giảng viên chính trị của nhà trường. Được ChuĐức, Lưu Bá Thừa quan tâm nên được xếp vào đội hình trực thuộc. Quá trình trường chinh, quân số hao hụt, đội hình hành quân sắp xếp lại. Hồng Thuỷ đi theo cánh tả cùng với ChuĐức, Lưu Bá Thừa, Trương Quốc Đào. Trong đấu tranh nội bộ, Hồng Thuỷ ủng hộ Chu, Lưu chống lại Trương, chống chủ nghĩa chia rẽ và chạy trốn của Trương. Hồng Thuỷ bị Trương chụp cho cái mũ gián điệp quốc tế. Một lần nữa ông bị khai trừ đảng tịch và âm mưu giết hại. Thoát nạn nhờ sự che chở của hai vị Chu, Lưu và mãi đến 1936 tại Diên An, Hồng Thuỷ mới được khôi phục đảng tịch.

Trong một trận chiến đấu ác liệt, đơn vị của Hồng Thuỷ bị đánh tan, hai tháng sau ông mới tới được Diên An, trong bộ áo quần người Tạng rách tả tơi, người chỉ còn dúm xương, nhiều đồng chí không nhận ra ông, đều cảm kích trước tinh thần cách mạng của ông.

Tháng 6 - 1936, tại Diên An, Hồng Thuỷ vào học trường Đại học Hồng quân Công nông Trung Quốc.

Từ 1937 - 1943, ông tham gia kháng Nhật ở đông bắc tỉnh Sơn Tây. Bấy giờ, Quốc Cộng hợp tác kháng Nhật, thành lập Mặt trận phản đế. Trong thời kỳ này có một sự kiện động trời, dám vuốt râu Diêm Tích Sơn.

Đó là theo cách diễn đạt của Hồng Thuỷ: Dùng phương pháp không đúng để tiến hành chính sách đúng. Diêm Tích Sơn là tướng quân phiệt vùng Sơn Tây. Gia đình bố vợ Diêm cậy thế con rể làm tư lệnh nên có súng có tiền không cho Mặt trận phản đế mượn. Hồng Thủy thuyết phục mãi không được bèn mượn uy của Bát Lộ quân cùng quần chúng đột nhập vào dinh cơ bố vợ Diêm Tư lệnh, trước hết là thuyết phục, sau đó là lục soát, thu được mấy trăm khẩu súng phân phát cho dân quân. Diêm căm chuyện này lắm, áp lực với Chu Ân Lai thi hành kỷ luật Hồng Thuỷ. Mượn cớ Hồng Thủy cưới bà Trần Kiếm Qua mà tổ chức chưa kịp cho phép, Đảng uỷ Khu bắt làm kiểm điểm và khai trừ đảng tịch chuyển về làm báo. Trong một số báo, ông cho đăng bản kiểm điểm của chính ông cho độc giả xem. Ai xấu mặt nào? Diêm tư lệnh hay Hồng Thuỷ?

Từ tháng 6 - 1943 đến tháng 6 - 1945, hai vợ chồng Hồng Thuỷ và Trần Kiếm Qua được điều về Diên An học trường Đảng.

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc thắng lợi. Cách mạng tháng Tám tại Việt Nam thành công.

Lưỡng quốc tướng quân xin về Việt Nam . Cùng chuyến đi về với ông còn có Hoàng Tấn Quang tức Nguyễn Khánh Toàn (học ở Liên Xô về, Thứ trưởng Bộ Giáo dục) và Lương Kim Sinh (hoa kiều tại Việt Nam) ông đến chào từ biệt các vị lãnh đạo Chủ tịch Mao Trạch Đông, Phó Chủ tịch Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh. Biết tính nết của Hồng Thuỷ các vị căn dặn những lời ân tình.

Về Việt Nam ông lấy tên Nguyễn Sơn.

Vị chủ tịch Uỷ Ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam (UBKCMNVN)

Trong bối cảnh khó khăn của nền độc lập non trẻ cuối 1945 đầu 1946, Nguyễn Sơn nhậm chức Chủ tịch UBKCMNVN đặt trụ sở tại Quảng Ngãi kiêm tư lệnh Liên khu V. Ông bắt tay ngay vào việc tổ chức lực lượng vũ trang. Mỗi tỉnh có một trung đoàn, bên dưới có dân quân tự vệ, làng chiến đấu. Đề án thành lập Dân quân du kích được trình bày trước Đảng uỷ quân sự Liên khu V, sau này 1949, ông viết lại và được bộ Tổng Tham mưu in thành sách.

Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là cán bộ chỉ huy chưa qua huấn luyện, chưa có kiến thức quân sự. Ông giao nhiệm vụ cho các chi đội (tương đương trung đoàn) các tỉnh tự tổ chức trường quân chính đào tạo cán bộ tiểu đội. Riêng UBKCMNVN tổ chức trường chính quy đào tạo cán bộ trung đội. Trường Sĩ quan Lục quân Quảng Ngãi ra đời, khai giảng ngày 1 - 6 - 1946.

Ngoài ra, Nguyễn Sơn còn tổ chức những buổi giảng bài về chiến thuật, cách cầm quân, những điều tối thiểu mà người chỉ huy phải có cho đối tượng cán bộ trung tâm tiểu đoàn. Ông mở rộng đề tài sang lĩnh vực Cộng sản với gia đình, Cộng sản với tôn giáocho các đối tượng trí thức, nhân sĩ, chức sắc tôn giáo…

Ngày đó Vạn Giã là cứ điểm do một đại đội Âu - Phi chốt giữ với lô cốt dây thép gai. Quân ta chưa có kinh nghiệm, đánh mấy lần không dứt điểm. Ông Nguyễn Sơn cho trinh sát cẩn thận biết cách bố phòng, lập sa bàn đồn Vạn Giã như thật, đích thân chỉ huy chiến sĩ luyện tập cách đánh, cách khắc phụ khó khăn và động viên bộ đội quyết tâm tiêu diệt địch. Ngày 13 - 5 - 1946, đồn Vạn Giã bị tiêu diệt, hai đồn kế cận mất tinh thần bỏ chạy luôn. Một dấu son cuộc đời binh nghiệp của ông khi trở về Việt Nam .

Cuối năm 1946, cục diện chiến tranh thay đổi, UBKCMNVN giải thể. Đồng chí Phạm Văn Đồng được điều về làm đại diện Chính phủ Trung ương tại Liên khu V. Đồng chí Nguyễn Sơn rút về Bộ Quốc phòng phụ trách Cục Quân huấn kiêm Hiệu trưởng trường võ bị Trần Quốc Tuấn.

Khu trưởng Liên khu IV

Ông nhận nhiệm vụ khu trưởng Liên khu IV ngày 18 - 7 - 1947. Đây là thời kỳ khó khăn. Giặc Pháp đánh mạnh ra vùng tự do. Mặt trận Huế bị vỡ, quân dân không yên lòng. Hai nhiệm vụ nặng nề đặt ra với Khu trưởng:

- Một là chặn đứng bước tiến của giặc, tổ chức lực lượng đánh trả.

- Hai là bảo vệ lực lượng ta, xây dựng Liên khu thành hậu phương vững chắc cho kháng chiến.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn thành lập được Trung đoàn 18 - Quảng Bình, Trung đoàn 85 - Quảng Trị, Trung đoàn 101 - Thừa Thiên.

Dưới sự chỉ đạo của ông, lực lượng quân sự địa phương cũng lớn mạnh, dân quân tự vệ phát triển, các làng xã chiến đấu được giữ vững, nối liền Nam Bắc. Từ Bình Trị Thiên khói lửa nối đến Thanh Nghệ Tĩnh được củng cố vững chắc làm hậu phương trực tiếp cho kháng chiến.

Ở Liên khu IV, bên cạnh khu trưởng Nguyễn Sơn có bí thư Khu uỷ là cụ Hồ Tùng Mậu. Họ quen biết nhau từ năm 1925. Đôi bên kính nể nhau làm thành một cặp lãnh đạo.

Khi mặt trận Huế bị vỡ, cán bộ chiến sĩ tứ tán về Nghệ Tĩnh. Có người yêu cầu kỷ luật một số cán bộ. Nhưng Nguyễn Sơn không đồng tình. Ông cho rằng trước một đội quân nhà nghề như Pháp, với hỏa lực quá mạnh, việc một đội quân công nông mới ghép lại, chưa huấn luyện kỹ lưỡng, không có chỉ huy dày dạn, thất bại là chuyện đương nhiên. Ông đề nghị khoan dung anh em, đừng để anh em lo sợ, lập trạm thu dung đón tiếp anh em, phát quần áo mới, lo chỗ ăn nghỉ, chữa bệnh, đi phép về thăm nhà…

Bên cạnh đó, một số các em thiếu nhi làm liên lạc cho các đơn vị bị giải thể trở nên bơ vơ. Trong hoàn cảnh chiến tranh có những trẻ thất lạc gia đình cần sự chăm sóc. Và ngay cả trong phòng ban Khu bộ cũng có nhiều em quá nhỏ cần được học tập. Ông cho gom tất cả những em đó lại thành lập trường Thiếu sinh quân. Có lúc sĩ số lên đến 1.000 em. Ngày 6 - 1 - 1948, trường Thiếu sinh quân khai giảng. Trong bức thư gửi dến Ban Giám hiệu, ông viết: “Việc đào tạo rèn luyện đội ngũ này thành công sẽ cung cấp bổ sung hàng loạt cán bộ nòng cốt tương lai cho quân đội và cho cơ quan Đảng và Nhà nước sau này…”.

Chiếm được Quảng Bình, địch tiến đánh phía tây sông Gianh, chiếm làng Troóc lập đồn, hòng ngăn chặn đường tiếp tế liên lạc của ta với mặt trận Bình Trị Thiên và đường đi về Liên khu V và Nam bộ. Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Bí thư khu uỷ ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho quân khu, cụ thể là đồng chí Nguyễn Sơn, trong thời gian ngắn nhất phải tiêu diệt đồn Troóc, giải phóng nhân dân, đánh thông đường liên lạc giữa Bắc và Nam. Ông bàn với quân khu uỷ thống nhất kế hoạch:

Trước hết là mở đường giao thông mới tạm thời để liên lạc với phía Nam, đồng thời tổ chức cho nhân dân làm vườn không nhà trống, sơ tán để tránh thiệt hại lúc giao tranh.

Sau đó, bộ đội và dân quân du kích bao vây cô lập đồn, tổ chức bắn tỉa, không cho địch nống ra. Lúc đầu địch hung hăng coi thường bắn trả ác liệt, nhưng hễ ló ra khỏi đồn tên nào là chết tên đó. Địch phải tiếp tế cho đồn bằng máy bay, và bí quá địch phải rút khỏi đồn bỏ chạy. Ông Sơn và quân khu uỷ đã hoàn thành nhiệm vụ với khu uỷ giao phó.

Từ trận công kiên đồn Vạn Giã đến bức rút đồn làng Troóc, đó là tư duy sáng tạo, ông không hề lặp lại chính mình.

Văn hoá kháng chiến

Nguyễn Sơn không chỉ giỏi về quân sự mà còn là một cán bộ lý luận xuất sắc với tài nói năng hoạt bát, lý lẽ chặt chẽ, hấp dẫn người nghe. Ông còn là một nhà văn hoá, ghi một dấu ấn đậm nét trong 4 năm công tác ở Liên khu IV, biến vùng đất này thành một trung tâm văn hoá lớn của nước Việt Nam kháng chiến.

Đội kèn của Bảo an binh Hà Nội, khi tản cư mất cả kèn, ông cho tập hợp lại thành một đoàn nhạc khí với 40 cây sáo trúc.

Phòng chính trị quân khu có ban văn nghệ. Khi ta đánh đắm thông báo hạm Amiot d’Inville, ông gợi ý cho nhà văn Nguyễn Đình Lạp viết về đề tài này. Mấy tháng sau nhà văn hoàn thành truyện Chiếc Va Ly.

Một cán bộ trẻ nhận chỉ thị thành lập đội tuyên truyền Vệ Quốc Đoàn Liên khu IV. Anh phát hoảng lên vì mình mới 18 tuổi làm sao đảm đương một việc lớn đến thế. Anh cầu cứu đến ông. Ông dành cho người bạn trẻ hai buổi để nói một vấn đề: Kịch là gì? Diễn viên là ai? Sân khấu ở đâu? Đề tài kịch tìm ở đâu? Phương châm là bình dân, gọn nhẹ, không cao xa, lê thê dài dòng, ít cảnh ít màn. Tất cả đều trên ba lô. Chú ý: Không phân biệt tôn giáo, dân tộc đi tới đâu Đội phải làm công tác dân vận tới đó… Anh cán bộ trẻ lắng nghe như nuốt từng lời, từng lời một, đã mở đường nghệ thuật cho anh đi suốt nhiều năm tháng về sau.

Thụ phong Thiếu tướng

Tướng Nguyễn Sơn thứ hai từ phải sang, hàng thứ nhất
Tướng Nguyễn Sơn thứ hai từ phải sang, hàng thứ nhất
Ngày 20 - 1 - 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 111-SL phong quân hàm Thiếu tướng cho Nguyễn Sơn cùng 8 vị khác.

Sau khi có Sắc lệnh, tin đồn đến Việt Bắc là Nguyễn Sơn đã trì hoãn lễ thụ phong do UBKCHCLK 4, được Chủ tịch nước uỷ nhiệm tổ chức.

Hay tin, Hồ Chí Minh viết một tấm thiếp với mấy dòng chữ Hán sau đây:

Tặng Sơn đệ,

Đảm dục đại. Tâm dục tế. Trí dục viên. Hạnh dục phương.

Hồ Chí Minh

Dịch nghĩa như sau: Cái mật phải cho lớn, gan rộng rãi; cái tâm địa mình phải cho tế nhị chín chắn; cái trí phải cho tròn trịa mềm mỏng; cái nết thì phải vuông vức ngay thẳng, cứng cáp. Ấy là phép người.

Câu này của Tôn Tư Mạo còn hai mệnh đề nữa, nhưng Hồ Chủ tịch không viết ra, coi như Nguyễn Sơn đã biết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chép tặng một bài thơ, coi như không hay biết việc gì, khen Nguyễn Sơn đã làm được như 12 chữ của Tôn Tư Mạo, nhưng khuyên phải làm tốt hơn nữa.

Cử đặc phái viên của Chính phủ và của Chủ tịch nước là Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một Bộ trưởng đã hoạt động cách mạng trước 1945, có quen biết với Nguyễn Sơn vào Khu 4 chủ trì lễ phong cho Nguyễn Sơn (mà không để cán bộ khu chủ trì).

Khi đọc thiếp của Chủ tịch, Nguyễn Sơn phải thốt lên: “Ông Cụ khiếp thật!”. Liền đó, ông báo cho anh em khu bộ chuẩn bị đón Đặc phái viên và nhận sắc phong ngay.

Trở lại Trung Quốc

Mùa hè 1950, do phân công công tác ông trở lại Bắc Kinh.

Tại đây, ông là một trong số 72 công thần hiện còn ở lại Bắc Kinh lúc bấy giờ nên được Đảng, Nhà nước trọng nể, nhà cửa bố trí sẵn cho ông và gia đình trong khu Trung Nam Hải.

Khi mới về Trung Quốc, ông được bố trí làm chuyên viên cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề Việt Nam .

Sau đó, ông đi học Học Viện quân sự Nam Kinh. Tại đây ông trở thành quyển sách sống về lịch sử cách mạng Trung Quốc, luôn được mời đi giảng bài, kể chuyện vì những người cách mạng Trung Hoa có mặt liên tục từ thời Hoàng Phố, Quảng Châu Công xã, 5 lần chống vây quét vào khu Thuỵ Kim, Vạn lý trường chinh, tám năm kháng chiến chống Nhật không còn nhiều và không phải ai cũng có mặt đầy đủ những sự kiện lịch sử kể trên suốt 20 năm từ 1925 - 1945. Ông tốt nghiệp Học viện quân sự Nam Kinh loại ưu.

Ngày 27 - 5 - 1955, buổi lễ trọng thể tổ chức tại Hoài Nhân đường, ông được phong quân hàm Thiếu tướng cấp Sư trưởng, được thưởng Huân chương Bát Nhất hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Giải phóng hạng Nhất để biểu dương cống hiến lớn lao của ông trong các thời kỳ cách mạng của Trung Quốc. Sau đó mấy ngày, Mao Chủ tịch chỉ đạo điều chỉnh ông là Tướng quân bậc Quân đoàn trưởng.

Đầu năm 1956, có những biểu hiện cho biết ông bị mắc ung thư phổi. Biết khó lòng qua khỏi, ông xin Đảng và Chính phủ Trung Quốc cho về Việt Nam .

Tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, buổi tiễn biệt giữa các vị nguyên thủ, khai quốc công thần với tướng quân Hồng Thuỷ diễn ra trong tình cảm mừng mừng tủi tủi.

Ngày 27 - 9 - 1956, đoàn tàu đặc biệt đưa tướng quân Hồng Thuỷ về nước. Ra ga tiễn có các vị Bành Đức Hoài, Diệp Kiếm Anh… đại sứ Hoàng Văn Hoan.

Khi qua các thành phố thị trấn lớn, đoàn tàu đều dừng lại để các cán bộ chủ chốt của địa phương lên tận toa xe thăm hỏi.

Về Hà Nội, ông được Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời lên thăm hỏi, dùng cơm thân mật.

Ngày 1 - 10 - 1956, ông được ăn mừng sinh nhật lần thứ 48 của mình trên quê hương Hà Nội.

15 giờ 30 ngày 21 - 10 - 1956 ông trút hơi thở cuối cùng trên đất mẹ, để lại cho dân tộc, cho Tổ quốc niềm tự hào lớn lao về huyền thoại: Lưỡng quốc tướng quân.

Tài liệu tham khảo

-Minh Quang , Nguyễn Sơn. Vị tướng huyền thoại. Nxb Trẻ.

-Nhiều hồi ức các nhà quân sự.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.