Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 02/12/2008 00:07 (GMT+7)

Lòng đam mê đền đáp

Sinh năm 1970 tại Hà Nội, ngày thống nhất đất nước, Phong Lan theo gia đình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Chị bảo, cái tên Phong Lan là do cha đặt để kỷ niệm những ngày ông sống tại Trường Sơn, nơi rất nhiều hoa phong lan. Trong câu chuyện kể về con đường khoa học của mình, chị luôn tự nhận là người may mắn.

Thuở nhỏ, chị rất muốn làm cô giáo, nhưng khi thi đại học lại chọn y-dược vì thời đó ai cũng nói "nhất y, nhì dược...". Chị thú nhận: "Nội, ngoại ở nhà không ai theo ngành y cả, nhưng để "lấy oai" với bạn bè, tôi chọn ngành này. Tuy nhiên, học dược phù hợp với phụ nữ hơn".

Hoàn tất năm năm đại học, ra trường năm 1994 với danh hiệu thủ khoa, do vốn Pháp văn khá tốt, chị may mắn nhận được học bổng thạc sĩ y dược của Pháp dành cho các tài năng trẻ ngành dược Việt Nam lúc đó và trở thành nữ nghiên cứu sinh người Việt duy nhất tại Viện Nghiên cứu Caen (Pháp).

Tại đây, Phong Lan lần lượt bảo vệ thành công luận án thạc sĩ rồi được chọn làm nghiên cứu sinh lên tiến sĩ. Ðề tài luận án tiến sĩ của Phong Lan về hóa trị liệu mang tên "Tổng hợp và đánh giá hoạt tính kháng ung thư các dẫn chất Cyclopenta[c]thiophen".

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học rất quan tâm tới hệ dị vòng mới cyclopenta[c]-thiophen. Qua quá trình nghiên cứu và sàng lọc cấu trúc, người ta đã tổng hợp được một số dẫn chất mới, đã và đang được thử nghiệm đặc tính kháng ung thư tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), cho kết quả ban đầu rất hứa hẹn, nhất là trên ung thư bạch huyết. Một số dẫn chất ấy đang được thử nghiệm giai đoạn độc tính và lâm sàng. Năm 29 tuổi chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với xếp loại tối danh dự (trên cả xuất sắc) và nhận được nhiều khen ngợi của hội đồng giám khảo.

Ðề tài trên được chị đem về nước và tiếp tục triển khai nghiên cứu thêm những hướng mới có ý nghĩa đặc biệt với ngành dược Việt Nam . Chị cho biết: Trong ngành dược thường có hai hướng để có được hoạt chất làm nguyên liệu sản xuất thuốc: một là từ thiên nhiên, hai là tổng hợp hóa dược. Trong đó, hóa trị liệu là chuyên ngành rất "hóc búa" nhưng thú vị, với mục tiêu đi từ những cấu trúc có tiềm năng, thực hiện các biến đổi hóa học để cho ra những cấu trúc mới với hy vọng gia tăng hoạt tính và giảm độc tính nhằm ứng dụng trong trị bệnh.

Hiện nay trên thế giới có đến hai phần ba các hoạt chất được sử dụng làm thuốc đều là hóa chất tổng hợp mà Việt Nam chưa làm được việc này nên ngành dược Việt Nam hiện nay dù đã có những phát triển vượt bậc nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức nhập nguyên liệu về sản xuất thành thành phẩm. Ðiều này khiến ngành dược hoàn toàn bị động, phụ thuộc nguồn nguyên liệu, khiến cho giá thuốc, đặc biệt là giá các loại thuốc đặc trị rất cao. Hơn nữa, khi chưa có được hoạt chất độc quyền riêng của mình để sản xuất những loại thuốc riêng, các công ty dược khó lòng định vị được thương hiệu của mình trong lãnh địa ngành dược thế giới.

Ðích đến của ngành dược Việt Namkhông thể bỏ qua hướng sản xuất nguyên liệu mới, điều mà trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Chính vì thế, TS Phong Lan đã quyết tâm đầu tư vào hướng nghiên cứu mới này. Ðề tài của chị nếu thành công sẽ góp phần giúp ngành dược tạo được một loại thuốc kháng ung thư mang thương hiệu Việt. Hiện nay, với sự hợp tác chặt chẽ của Trung tâm Nghiên cứu dược phẩm Normandie, PGS. TS Phong Lan vẫn tiếp tục tổng hợp các dẫn chất cyclopenta[c]thio-phen mới tạo tiền đề cho thử nghiệm kháng ung thư cũng như một số họ hợp chất khác (indan, pyrrolizin, thienopyridon...) để thử nghiệm sinh học.

Những nghiên cứu của chị đã có thử nghiệm độc tính trên lâm sàng (thực hiện tại Pháp) với kết quả rất đáng khích lệ đặc biệt là trên ung thư bạch huyết. Nói về công việc của mình, chị tin tưởng: "Dù hiện nay ngành hóa trị liệu nước ta còn mới mẻ, nhưng tôi tin vào tương lai công nghiệp dược nước nhà. Cách đây hơn 10 năm, không ai nghĩ Việt Nam sẽ có những nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP, GLP, GSP của ASEAN chứ đừng nói là chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vậy mà giờ đây nước mình có hàng chục nhà máy đạt chuẩn này".

Trở thành tiến sĩ với một đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao, TS Phong Lan hoàn toàn có thể ở lại Pháp với những lời chào mời giá trị từ các hãng dược phẩm lớn. Nhưng chị đã trở về nước tiếp tục công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại bộ môn Hóa hữu cơ, Khoa Dược - Trường đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh với mong muốn được tri ân những người thầy đã ủng hộ mình và cũng là thực hiện lời hứa với ba má là sẽ sống và làm việc tại Việt Nam.

Tự cho mình là một người khá bận rộn, chị dành toàn bộ thời gian cho công việc chuyên môn và nghiên cứu. Nói về bí quyết thành công, chị khẳng định không gì ngoài sự đam mê. Có đam mê và lòng nhiệt huyết thì bất cứ việc gì dù khó cũng xong. Ðam mê nghiên cứu, tranh thủ nắm lấy cơ hội và biến nó thành cái riêng của mình.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.