Lisa Randall: Giáo sư - Người đẹp
Ngôi sao giải thưởng
Lisa Randall (sinh năm 1962) là một nhà vật lý lý thuyết người Mỹ, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vật lý phân tử và vũ trụ học. Bà giành được học vị tiến sĩ tại Đại học Harvard trong lĩnh vực nghiên cứu này khi mới 25 tuổi. Sau đó làm trợ giáo, phó giáo sư rồi giáo sư tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Princeton, trước khi trở lại Đại học Havard với cương vị giáo sư vào năm 2001. Lisa Randall từng là nữ giáo sư đầu tiên được giảng dạy môn vật lý tại Đại học Princeton; là nhà nữ vật lý lý thuyết đầu tiên của cả MIT và Harvard, những cơ sở giảng dạy nghiên cứu nổi tiếng toàn cầu.
Bà là thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ, thành viên Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ. Từ khi còn rất trẻ bà đã giành được nhiều giải thưởng khoa học như giải thưởng của Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Alfred P. Sloan, giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ Quốc gia, giải thưởng Tài năng Khoa học Xuất chúng DOE, giải thưởng Tìm kiếm Tài năng Khoa học trẻ Westinghouse...
Tác phẩm Chặng đường vòng vèo: Hé mở bí mật của các chiều đo vũ trụ còn ẩn giấu (Warped Passages: Unraveling the Mysteries of the Universe"s Hidden Dimensions) của Randall được báo New York Times chọn là một trong 100 cuốn sách nổi tiếng nhất năm 2005.
Không gian chiều thứ năm
Phạm vi nghiên cứu của bà là "lý thuyết vật lý năng lượng cao". Trong vật lý có một thứ được gọi là mô hình tiêu chuẩn, dùng để mô tả các hạt của vật chất và các lực tự nhiên cơ bản. Những nhà khoa học như Randall muốn tìm hiểu vì sao vật chất và các lực lại có nét đặc trưng như hiện nay. Trong một lần làm thí nghiệm về hạt cơ bản, Lisa Randall bất ngờ phát hiện thấy có những hạt bỗng dưng biến mất - điều này mâu thuẫn lớn với Thuyết tương đối nghĩa rộng của Einstein. Liệu các hạt này đã bay vào Không gian chiều thứ 5 cho nên mới bỗng dưng biến mất tăm như thế? Randall cho rằng trên Trái đất có tồn tại không gian chiều thứ 5. Theo bà, vũ trụ của chúng ta tương tự như một cái màng 3 chiều, dao động tự do trong một không gian vô tận, có những chiều đặc biệt cho không gian đó. Gần ngay bên cạnh chúng ta có một vũ trụ song song như là cái màng thứ hai. Cả hai đều không liên kết với nhau, chỉ có lực hấp dẫn có thể từ thế giới song song đó tác động vào thế giới của chúng ta. Trong vũ trụ đó, lực hấp dẫn cũng mạnh như tất cả các lực tự nhiên cơ bản khác. Ở thế giới chúng ta nó yếu hơn, bởi vì nó đến từ bên ngoài. Có lẽ đó là một lực hơn cả lực ngoài trái đất, nó là lực ngoại vũ trụ.
Mặc dù lý thuyết của Randall có nhiều điều chưa được chứng minh, nhưng nó vẫn mang những chuỗi tư tưởng rất lôgic, và mở ra những chân trời nghiên cứu mới cho các nhà thực hành trong phòng thí nghiệm.
Nguồn: KH&ĐS, số 97, 12/8/2008, tr 12