Lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Quốc ngữ năm 1659
Theo ông Đỗ Quang Chính, mặc dù tài liệu không ghi tên tác giả và thời gian soạn thảo, nhưng căn cứ vào chữ viết của tài liệu hoàn toàn giống nét chữ trong bức thư của một Thầy giảng đạo tên là Bento Thiện, người này gửi một bức thư cho Linh mục Marini năm 1659, từ đó có thể xác định rằng, tài liệu này do Bento Thiện soạn thảo cùng với thời gian trên. Với độ dài 12 trang giấy, chữ nhỏ li ti; 11 trang đầu viết trong khổ 19x28cm, trang cuối cùng viết trong khổ 19x6cm và chỉ có 9 dòng. Trang cuối cùng, tác giả không ghi dấu gì chứng tỏ là phần kết thúc, nhưng qua nội dung, ta thấy có lẽ tác giả đã chấm dứt ở đây.
Nhìn chung, vì đây là một trong những văn bản đầu tiên được viết bằng chữ Quốc ngữ trong giai đoạn phôi thai, vì thế chữ viết thời kỳ này rất khó đọc, chỉ có chừng 50% là có tự dạng giống như ngày nay. Theo tác giả Hoàng Tiến trong cuốn Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết thì căn cứ vào Từ điển Việt Bồ La của Giám mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 thì chữ viết hồi ấy khác với bây giờ. Thí dụ: mlẽ -> lẽ; dea -> da; uà -> và; bua -> vua; bó ngựa -> vó ngựa; dè dẹ -> nhè nhẹ; blái núi -> trái núi; con tlâu -> con trâu; blả ơn -> trả ơn; dối lá -> dối trá; blúc blác -> lúc lắc… Hơn nữa, lời văn trong văn bản trình bày không được suôn sẻ, phần nhiều trúc trắc khó hiểu. Tuy thế, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, nó vẫn có giá trị đặc biệt về phương diện lịch sử và ngôn ngữ. Về phương diện xã hội, tài liệu cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn bộ mặt Việt Nam thời bấy giờ.
Tập tài liệu không được phân chia từng chương mục rõ rệt, tác giả chỉ trình bày nội dung từng phần theo thứ tự: lược sử các triều đại, các sinh hoạt xã hội, việc thi cử, hành chính, tín ngưỡng…
Riêng phần lược sử chiếm 50% tài liệu, số còn lại dành cho các phần còn lại. Với mục đích để người đọc hiểu thêm về nội dung tác phẩm này, chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn trích được tác giả Đỗ Quang Chính chuyển sang lối viết ngày nay cho dễ đọc, dễ hiểu. Đồng thời cũng xin phép tác giả sao chụp lại 1 vài trang viết có nội dung được trích:
Về giai đoạn lịch sử anh hùng Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, tài liệu ghi chép khá chính xác và cụ thể:
“Đến ngày sau vua Lê Thái Tổ là người đất Thanh Hóa, quê ở Lam Sơn, làm quan phụ đạo, nuôi được bốn nghìn quân, cơm chín(?), ai có tài khôn ngoan thì nuôi. Trời lại cho gươm gọi là Thần kiếm. Đêm ngày lo toan chước, sắm sửa đánh trả Ngô; thì Ngô thấy vậy thì sai quân đánh vua Lê Thái Tổ. Vua Lê liền chạy lên đàng đòi voi(?). Làng liền cho voi mệnh(mạnh), mới mở xuống Quảng Nam, Nghệ An, mà đánh ra đến đâu thì quân Ngô chạy đấy, mà giết nhiều người lắm. Ngô lại sai tướng Liễu Thăng cùng nhiều quân lắm. Người ta rằng, mài gươm mòn trái núi, ngựa thì uống cạn nước sông, đến đâu thì cày cấy ăn đấy. Vua Lê Thái Tổ đuổi Ngô chạy, liền chém được tướng Liễu Thăng, lại bắt được Hoàng Phúc, quân chết bỏ đầy đồng. Nhà Ngô liền thề, liền trở về, rằng, từ nay về sau chẳng sang ở đến đây nữa. Vua Lê Thái Tổ dẹp đã an thiên hạ, mới đổi tên là Thuận Thiên, trị được ba năm lại đổi tên khác là Thái Báu. Thiên hạ bằng an. Vua đã tám mươi tuổi già, liền để quyền cho Thái Tông, lên trị được 10 năm, làm nên đền các…” (Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Sdd, tr.160).
Đoạn khác, những sinh hoạt trong phủ chúa thời Lê – Trịnh cũng như của người dân trong dịp Tết Nguyên đán cũng đã được tác giả thuật lại chi tiết:
“Thói nước An Nam, đầu năm, mùng Một tháng Giêng gọi là ngày Tết. Thiên hạ đi lạy vua, đoạn lạy chúa, mới lạy ông bà ông vải, cha mẹ cùng kẻ cả bề trên. Quan quyền thì lạy vua chúa, thứ dân thì lạy Bụt trước. Ăn tết 3 ngày, mà một ngày trước mà xem ngày mùng hai mùng ba, ngày nào tốt, thì vua chúa đi đền giao, gọi là nhà thờ Trời, hiệu Thiên Thượng Đế Hoàng Địa Kì. Vua chúa đi lạy mà xin cho thiên hạ được mùa cùng dân an, đến mùng bảy mùng tám mới hết cúng, làm cỗ cho thiên hạ ăn, 10 ngày. Lại xem ngày nào tốt, mới mở ấn ra cho thiên hạ đi chầu cùng làm việc quan, cùng hỏi kiện mọi việc(…). Đến hạ tuần tháng Giêng, chúa lại tế Kí đạo dưới bãi cát, làm đàn thờ. Trước thì thờ thiên chúa thượng đế một đàn, là một đàn từ vua Lê Thái Tổ cho đến nay, một đàn thì thờ Thần Kỳ đạo, chúa lạy ba đàn này đoạn đến đàn Thần Kỳ đạo, chúa lạy đoạn liền chỉ gươm cùng chém lại bắn cung. Đoạn lại đánh trống, mà chỉ gươm cho thiên hạ bắn súng mới đuổi đi, thì gọi là khao quân. Đoạn liền về tập voi, tập ngựa gọi rằng đã hết năm mới… Đến tháng Chạp ai có mồ mả cha mẹ, anh em, vợ chồng thì làm cỏ cùng đắp lại cho tốt cùng sạch sẽ. Cũng có làm cỗ mà đơm. Đến gần ngày Tết, vua chúa ban lịch cho thiên hạ xem ngày, đến ngày 30, thì chúa đi giội, gọi là bỏ mọi sự cũ đi mà chịu mọi sự mới, đến mùng một, liền lên nêu mọi nhà…”(Sdd, tr.167).
“Bằng sự cái phép tế các nơi, đầu năm là tế thượng đế nghĩa là Thiên chúa, tế xã tắc nghĩa là tế Thiên thần, tế Khổng Vân, là tế kẻ làm mưa gió, tế thánh là tế Ông Khổng, thì phủ huyện quan tế các Thần mọi nơi thiên hạ” (Sdd,tr.167).
Về phong tục tập quán, tác giả cho người đọc biết được một số hình thức về tục cưới hỏi, tang ma của người Việt thời đó:
“Bằng phép lấy vợ, trước thì xem hai bên có đẹp lòng chăng,thì nhà trai đi hỏi, lấy trầu cau đến mà nói cùng nhau. Nhà gái có gả thì nhà trai liền xem tuổi cùng xem số có tốt chăng, mới đi hỏi lại. Nhà giàu thì con lợn hay con bò, như của làm tin cậy; nhà khó thì cá hay gà. Trai thì đi làm rể ở nhà cha vợ ba năm mà hai bên xem ý nhau, có đẹp lòng cùng hiền lành thì mới lấy. Liền đi chịu lời là hẹn ngày, hoặc là bò lợn cho họ ăn, đoạn mới cưới, hoặc là trọng hèn thì cho nhà trai ngày trước, đoạn liền để một bàn độc giữa nhà; có ai cho của gì, vàng bạc lụa tiền vải vóc các sự thì để lên bàn độc ấy cho. Đoạn hai vợ chồng ra lạy họ hàng. Đến ngày sau nhà gái mới lại ăn cưới, có con hát hát mừng. Đoạn xem ngày nào tốt cho nhà gái, mới đưa con về cho nhà trai, mới cho của cải ruộng nương tiền bạc lúa thóc trâu bò gà lợn các vật, cho con về cùng chồng. Đến ngày có con được 7 ngày thì đơm mộ bà: con trai thì 7 ngày, con gái thì 9 ngày. Năm sau đến ngày ấy làm cỗ cho người ta ăn, gọi là ăn tôi. Họ hàng có đi ăn thì lại cho tiền bạc ngày ấy. Vua chúa cùng nhà quan thì gọi là Vía, đạo đức Chúa trời thì gọi là Sinh nhật, vua chúa có rước Vía, thì thiên hạ đi lạy cúng đem của đi tiến cho vua chúa, mà người lại ban cho các con, quan thì cho áo cùng tiền, quân dân thì ăn cỗ”(Sđd, tr.169).
“Bằng phép để tang cho cha mẹ đã chết, anh, em, chú bác, cô, cậu, dì, mợ thì đã có thứ. Con để cho cha mẹ 3 năm; vì mẹ còn ở cùng cha cho đến già thì để tang 3 năm. Cha chết trước, hay là cha để mẹ, mà mẹ lấy chồng khác, thì con để tang 1 năm. Vợ phải để cho chồng cũng 3 năm, mà chồng để cho vợ 1 năm. Song le mặc ý ai, sự ấy chẳng có bắt. Song le sự sau này, ai chẳng có giữ cho nên thì có vạ: cháu trai chẳng còn cha, để cho ông 3 năm, còn cho thì để 1 năm, cháu gái để 5 tháng. Anh để cho em 1 năm, em để cho anh cũng vậy. Em cha hay chị cha, con gọi là bác cùng chú hay cô, cũng để 1 năm. Ví bằng cô đã có chồng, thì cháu để cho 9 tháng. Anh mẹ hay là em mẹ, gọi là cậu dì, thì cháu để cho 3 tháng. Có ở cùng cha ghẻ thì để 1 năm, chẳng có thì 3 tháng…”(Sđd, tr.168).
Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù tác giả làm công việc của một chức sắc tôn giáo, nhưng ông cũng rất am hiểu về việc thi cử của triều đình: “Bằng sự bên văn, ba năm lại thi một lần, gọi là Hương thi, trước thi đi khảo xã, ai có hay chữ mới lấy tên: đại xã hai mươi người, trung xã mười lăm người, tiểu xã mười người. Đoạn xem ai có hay chữ thì dâng sổ cho nhà huyện, thì học trò, đi khảo nhà huyện có đỗ, thi lại khảo nhà phủ, ai hơn thì cho tên nhất, gọi là ưu, thứ hai là tứ tràng, thứ ba tam tràng. Đoạn mới họp lại làm một xứ là tràng mà thi. Có quan giữ áp tràng, bên văn thì quan Tấn sĩ, bên vũ thì quan Đô đốc, Công đàn cùng nhà Ti, nhà Hiến. Mà học trò vào tràng thứ nhất gọi là Kinh nghĩa, khảo sách mười ngày, liền ra bảng cho thiên hạ xem tên ai đỗ ngày Lục thì lại vào ngày Phú. Đỗ ngày Phú, thì gọi là Sinh đồ. Lại thi một ngày nữa gọi là ngày Sách. Ai đỗ ngày Sách, thì gọi là Hương cống”.
Đến năm sau, những kẻ Hương cống mới ra thi ngoài Kẻ Chợ trong Đèn, có vua chúa quan triều cùng thiên hạ đi ngày ấy, thì gọi là Hội thi. Ai đỗ 4 ngày mới gọi là Tấn sĩ, liền ra bảng cho thiên hạ biết. Những quan Tấn sĩ ấy liền đi lạy vua chúa, đoạn lại về đi học một tháng mới thi lại. Ai thuộc chữ hơn, đứng thứ nhất gọi là Trạng nguyên; thứ hai là Bãng nhãn; thứ ba gọi là Thám hoa; thứ bốn là Hoàng Giáp; thứ năm là chính Tấn sĩ; thứ sáu là đồng Tấn sĩ. Ngày sau chúa cho đi làm quan các xứ…”(Sđd, tr.171).
Phần cuối chép các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa đông tây nam bắc:
Thanh Hóa: có 4 phủ, 17 huyện cùng có 3 chu(…)
Nghệ An: 9 phủ, 12 huyện, 2 chu(…)
Thuận Hóa: 2 phủ, 7 huyện, 341 xã, 73 sách.
Bố Chính: 60 xã, 40 trại(…)
Quảng Nam xứ: 4 phủ, 7 huyện, 218 xã, 34 trại(…)
Hải Dương xứ: 4 phủ, 7 huyện, 280 xã, 34 trại(…)
Sơn Tây xứ: 6 phủ, 4 huyện, 2 chu(…)
Kinh Bắc xứ: 4 phủ, 20 huyện(…)
An Bang xứ: 1 phủ, 3 huyện, 84 xã, 120 trại(…)
Kình sơn xứ: 1 phủ tràng Kênh, phủ Bãi Chu, 131 xã, 26 trại.
Thái Nguyên xứ: phủ Bằng Phủ, 7 huyện, 2 chu, 124 xã, 130 trại(…)
Cả và thiên hạ: 51 phủ, 172 huyện, 48 chu, 7.987 xã…”(Sđd, tr176).
Như đã nói, tập tài liệu lịch sử này có nội dung ngắn gọn và sơ lược, hơn nữa lại được viết bằng văn phong khó hiểu, tuy vậy ta vẫn thấy được người viết đã trình bày nhiều vấn đề quan trọng của xã hội thời đó. Nội dung cũng cho thấy, tác giả là một người có học thức vững vàng, bằng chứng là ông rất rành về thể lệ thi cử, cách phân định cấp quan văn võ của triều đình; về địa dư hành chính cũng như các sinh hoạt, phong tục của người dân.
Tóm lại, trong một mức độ nhất định, tập tài liệu lịch sử An Nam đã giúp cho chúng ta hiểu rộng hơn xã hội Việt Nam giữa thế kỷ XVII.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, An Tôn(HK) xuất bản, 2007.
- Hoàng Tiến, Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ XX, Nxb Lao Động, 1994.
Câu mở đầu về vua Lê Thái Tổ.
Cuốn sách Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes. Cuốn sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam được in tại Rome, Italia, 1651. Hiện lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên.