Lập bản đồ công trình ngầm ở Hà Nội
Nghiên cứu này tạo tiền đề cơ sở cho việc nghiên cứu lý luận và áp dụng thực tiễn sau này cho các địa phương khác.
Chuyện đường giao thông vừa làm xong lại bị “cày” đã quá quen thuộc. Nhưng ít người biết rằng có khá nhiều công trình trong số ấy trong quá trình thi công đã đụng phải “bạn bất đắc dĩ”; thường thấy nhất là “ông” giao thông đụng với “ông” nước. Điều này đã xảy ra ở mương Hào Nam, Ngã Tư Sở và nhiều nơi khác, gây lãng phí không nhỏ. Một nguyên nhân của tình trạng trên là do Thành phố chưa có bản đồ công trình ngầm trên diện rộng.
PGS - TS Phan Văn Hiến cho biết, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ hiện đại để vẽ hiện trạng bản đồ công trình ngầm khu vực hồ Hoàn Kiếm gồm các tuyến phố: Hàng Khay - Tràng Tiền - Ngô Quyền - Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Huân - Hàng Thùng - Cầu Gỗ - Đinh Liệt - Hàng Bạc - Hàng Bồ - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ.
Quá trình nghiên cứu thực địa cho thấy, hồ sơ công trình ngầm của Hà Nội không đầy đủ. Khá nhiều công trình ngầm chỉ có tên trên bảng thống kê mà không có bản vẽ, không xác định được mặt phẳng và độ sâu. Trong hồ sơ công trình ngầm không có bản đồ hoàn công đúng nghĩa, hầu hết chỉ có bản vẽ thiết kế và được gọi là “bản đồ hoàn công” với độ chính xác thấp. Hồ sơ công trình ngầm thành phố được quản lý phân tán ở nhiều nơi khác nhau nên khi có nhu cầu sử dụng rất bất tiện. Hệ thống mốc khống chế mặt phẳng và độ cao mất đi nhiều, trong số 22 mốc địa chính cấp 2 chỉ tìm được 7 mốc tại các khu vực công cộng. Mặt khác, Hà Nội chưa có bản đồ thể hiện đầy đủ các loại công trình ngầm với độ chính xác quy định, trong một hệ tọa độ và độ cao thống nhất của toàn Thành phố.
Nhóm nghiên cứu đã chia công trình ngầm dân dụng ở Hà Nội thành sáu loại: đường ống cấp nước, cống ngầm thoát nước, cáp ngầm viễn thông, cáp ngầm điện lực, cáp ngầm điện chiếu sáng công cộng và cáp ngầm đèn tín hiệu giao thông. Do chưa có hộp tuy - nen kỹ thuật nên các công trình này được bố trí dọc theo đường phố, lắp đặt riêng biệt. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho đề tài là phải làm rõ vị trí mặt phẳng, độ sâu hoặc độ cao, hướng đi, quy cách, chất liệu của công trình ngầm hiện có.
Sau khi nghiên cứu các công nghệ hiện có trên thế giới, nhóm nghiên cứu sử dụng chủ yếu phương pháp đo vẽ trực tiếp, gián tiếp bằng loại ra-đa xuyên đất GPR/RAMAC-X3M (Thụy Điển) có ứng dụng nguyên lý công nghệ thành lập bản đồ số. Thông qua việc đo đạc, xử lý số liệu, tập hợp hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu, các tác giả xây dựng riêng một quy trình công nghệ điều tra, đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm có khả năng áp dụng thực tế cao, chi phí rẻ hơn nhiều so với công nghệ nước ngoài.
Toàn bộ công việc đó được “gói” trong hệ thống quản trị dữ liệu riêng trên phần mềm PickUBase gồm nhiều chức năng: gắn các thuộc tính cho công trình ngầm, lưu trữ, cập nhật, chỉnh sửa, tìm kiếm, sắp xếp và khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có. Quy trình này cũng cho phép tận dụng các loại máy móc thiết bị truyền thống hiện có như máy dò công trình ngầm hoạt động theo nguyên tắc cảm ứng điện từ để dò công trình ngầm kim loại và đang dẫn điện. Nhờ vậy, sẽ góp phần tăng nhanh tiến độ dò, đo đạc và bảo đảm chất lượng bản đồ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, để việc quản lý công trình ngầm xây mới không lặp lại những sự cố từng xảy ra ở nhiều nơi, thành phố nên sớm ban hành quy chuẩn chung trong thiết kế công trình ngầm. Đó là, công trình ngầm phải được tiến hành trên cơ sở bản đồ địa hình hoặc bản đồ địa chính tỷ lệ lớn nhất hiện có, trong hệ tọa độ mặt phẳng và độ cao thống nhất của toàn thành phố. Việc hoàn thiện bản đồ công trình ngầm áp dụng phương pháp đo vẽ trực tiếp là sản phẩm bắt buộc khi nghiệm thu, thanh quyết toán công trình xây dựng. Ngoài việc giao nộp cho đơn vị sử dụng sản phẩm còn phải nộp cho cơ quan quản lý toàn bộ sản phẩm đo vẽ hoàn công công trình ngầm để kịp thời cập nhật tài liệu, bản đồ công trình ngầm của Thành phố.
PGS - TS Phan Văn Hiến cho biết thêm, nếu dự án điều tra, đo đạc, thành lập bản đồ với các công trình ngầm mới chỉ cần tiến hành thiết kế, bố trí, đo vẽ hoàn công theo đúng quy trình này là có thể cập nhật bản đồ công trình ngầm đã có để được hệ thống bản đồ công trình ngầm hoàn chỉnh của Hà Nội mà không phải dò tìm như hiện nay. Như vậy, Thành phố nên xem xét cho lập Ban quản lý dự án đo vẽ bản đồ công trình ngầm để chỉ đạo, giám sát thực hiện. Sau đó, mở rộng theo hướng hình thành trung tâm tư liệu để quản lý, khai thác sử dụng và thường xuyên cập nhật bản đồ công trình ngầm. Với sự phát triển mạnh của Thành phố, đặc biệt là dự án xây dựng tàu điện ngầm đang được nghiên cứu, ý kiến trên rất đáng để suy nghĩ...
Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học Thành phố đã đánh giá công trình nghiên cứu này là một sản phẩm sáng tạo, bảo đảm độ chính xác, tin cậy ở mức cao, có thể ứng dụng trong nhiều ngành nghề và lập bản đồ công trình ngầm cho nhiều vùng ở Hà Nội và cả nước.
Nguồn: nhandan.com.vn 7/12/2005