Kỹ thuật sản xuất và ương giống cá tai tượng
Trước nhất, nông dân phân biệt cá đực - cái, tỉ lệ và mật độ nuôi vỗ. Cá đưa vào nuôi vỗ phải tương đối đều nhau về kích thước và lứa tuổi, cá khỏe mạnh, không bị xây xát, không bị dị hình dị tật.
Cách phân biệt cá đực, cá cái:
Đặc điểm | Cá đực | Cá cái |
Hàm dưới | Màu vàng, phát triển | Màu trắng |
Môi | Dày | Mỏng |
Gốc vây ngực | Màu trắng | Có chấm đen hay xám |
Vây lưng, vây hậu môn | Nhọn | Tròn |
Cá tai tượng thành thục lần đầu lúc được hai năm tuổi (trọng lượng 1kg - 1,5kg/con), tuy nhiên để đạt được kết quả sinh sản tốt nên sử dụng cá từ 3 - 7 năm tuổi, trọng lượng trên 1,5 kg/con.
Tỉ lệ nuôi vỗ đực:cái = 1:2 hoặc 2:3, mật độ 0,3 - 0,5 kg/m 2(có thể ghép thêm một ít cá sặc hay cá chép để tận dụng thức ăn tự nhiên trong ao). Trước khi thả cá xuống ao nên tắm cá trong nước muối khoảng 3% trong 10 - 15 phút.
Hình thức nuôi vỗ: đối với cá tai tượng thường nuôi vỗ chung cá đực và cái trong một ao.
Thứ hai, thức ăn dùng để nuôi vỗ là thức ăn viên công nghiệp, lượng thức ăn viên hàng ngày khoảng 2 -3 % trọng lượng đàn cá. Có thể dùng thức ăn hỗn hợp: 50% cám gạo, 25% bột cá, 25% bánh dầu; thức ăn được nấu chín vò thành viên để vô sàng cho cá ăn; lượng thức ăn hằng ngày khoảng 3 - 5% tổng trọng lượng đàn cá. Ngày cho ăn hai lần vào sáng sớm và chiều mát.
Ngoài ra, nông dân cần cho cá ăn thêm 5 - 10% tổng trọng lượng cá các loại rau có thân mềm như rau muống, rau lang, bắp cải, khoai mì, giá... Thường xuyên thay nước ao, giữ cho ao không bị ô nhiễm do thức ăn dư thừa và chất thải của cá.
Thứ ba, người nuôi biết cách chọn cá bố mẹ cho đẻ. Cá đực: Lườn bụng màu vàng nhạt, vẩy đều, bóng, mõm có màu vàng hay vàng cam. Dùng tay vuốt gần lỗ sinh dục có tiết ra một ít tinh dịch màu trắng sữa.
Cá cái: Có bụng hơi to (bụng không mềm như các cá khác do có vẩy cứng và thịt ở bụng nhiều), lỗ sinh dục hơi sưng ửng hồng và lồi to.
Chú ý: Đối với cá tai tượng do bụng có hình chữ V nên khi vuốt tinh hoặc trứng vuốt theo kiểu hình lưỡi liềm không vuốt thẳng như những cá khác.
Thứ tư, phương pháp cho cá đẻ tự nhiên trong ao. Hiện nay, người nuôi thường cho cá tai tượng đẻ tự nhiên ngay trong ao nuôi vỗ. Cá bố mẹ thành thục tự bắt cặp với nhau, người ta chỉ cần cung cấp vật liệu làm tổ và theo dõi, rồi thu lấy trứng đã được thụ tinh đem ấp trong thau hoặc các dụng cụ ấp trứng khác.
Đến mùa sinh sản của cá tai tượng (tập trung vào những tháng ấm và không mưa - từ tháng 2 đến tháng 5) chọn nơi trong ao có nguồn nước trong mát, yên tĩnh, đặt những khung tổ ở ven bờ ao, cách mặt nước 10 - 20cm. Số khung tổ bằng 2/3 số cá nuôi vỗ trong ao, tổ được đặt cách nhau ít nhất 2m để tránh sự xung đột do tranh giành khu vực tổ đẻ.
Khung tổ là những giỏ tre hình nón có cán giống tổ chim lật ngược, đường kính tổ 20 - 30cm, sâu 20 - 40cm, tổ đặt nghiêng một góc khoảng 300 so với mặt nước, miệng tổ thấp hơn chóp và phải có sẵn một ít xơ thực vật.
Xơ thực vật thường là xơ mo cau hoặc xơ dừa khô, xơ bao cọng lá dừa, được xé tơi, làm sạch, cắt thành đoạn dài khoảng 20cm để cá dễ sử dụng, xơ thực vật được rải đều trên thanh tre hoặc dây vắt ngang mặt nước gần khung tổ. Chú ý: Phải cung cấp đủ xơ cá mới đẻ được.
Vào thời gian cá đẻ và kéo xơ làm tổ, người ta dễ dàng quan sát để nhận biết và khi cần thiết có thể bổ sung xơ làm tổ cho cá. Có thể cho cá đẻ riêng từng cặp trong bể xi măng, đạt năng suất cao hơn nhưng chi phí đầu tư cao.
Biện pháp cho cá đẻ đồng loạt: Khi kiểm tra cá cho đẻ, nếu tỉ lệ cá thành thục thấp, thời gian đẻ sẽ kéo dài suốt tháng, do đó lượng cá bột không tập trung. Khắc phục điều này bằng cách rút nước xuống bớt để lộ ổ đẻ trên mặt nước, để những con có tuyến sinh dục phát triển chờ những con có tuyến sinh dục chưa phát triển, khi cá đã thành thục nhiều dâng nước lên cá sẽ đẻ đồng loạt.
Cá thường đẻ tập trung trong thời gian nắng ấm buổi chiều, sau khi lót lớp xơ đầu tiên, cặp cá bố mẹ bắt đầu đẻ và phóng tinh, trứng nhẹ hơn nước nên nổi và mắc kẹt phía dưới lớp xơ, lớp trứng đầu tiên được đẻ xong thì cá lại kéo lớp xơ khác vào tổ đẻ phủ lên lớp trứng rồi đẻ tiếp, cứ 1 lớp xơ 1 lớp trứng đến khi cá phủ lớp xơ cuối cùng là từ 1 - 3 giờ, mỗi tổ thường có 4 - 6 lớp trứng và xơ nhưng có khi đến 19 lớp. Số lớp trứng và xơ tùy vào kích cỡ cá và lượng trứng cá cái.
Sau khoảng 17 giờ chiều có thể bắt đầu kiểm tra tổ và thu tổ trứng. Vì cá tai tượng có tập tính bảo vệ tổ và trong thời gian này rất hiếu chiến, nên trước khi kiểm tra tổ cần dùng gậy đuổi cá để tránh bị cá cắn.
Dấu hiệu nhận biết cá đã đẻ xong: Tổ gần như bịt kín bằng xơ, trên mặt nước gần tổ có những giọt dầu hoặc những hạt trứng màu vàng cam còn rơi khỏi tổ nổi trên mặt nước, nếu trường hợp váng dầu quá nhiều là dấu hiệu của trứng hư.
Thứ năm, về kỹ thuật thu và ấp trứng. Người nuôi vớt tổ trứng lên đặt tổ ngập trong thau nước, nhẹ nhàng lấy từng lớp xơ ra, trứng thoát khỏi tổ nổi trên mặt nước, vớt trứng chuyển sang thau nước sạch khác, mật độ ấp 1.000 - 2.000 trứng/ thau nhựa có đường kính 50 - 60 cm, nhiệt độ thích hợp cho ấp là 28 - 300C, một tổ thường khoảng 3.000 - 5.000 trứng.
Để các thau trứng nơi mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào thau, trong quá trình ấp vớt bỏ những trứng hư có màu trắng đục, thay 80 - 100% nước mỗi ngày/1 lần, sau 30 - 36 giờ trứng nở.
Sau khi nở, cá bột dinh dưỡng bằng noãn hoàng khoảng 7 - 10 ngày, trong thời gian này vẫn phải thay nước mỗi ngày, cho vào khoảng 4 - 5 tai bèo hoặc rong vào mỗi thau để làm giá thể cho cá bột bám vào. Sau khi tiêu hết noãn hoàng (7 - 10 ngày sau khi nở) cá con cần được cho ăn và chuyển sang bể hoặc ao ương.
Thứ sáu, về kỹ thuật ương cá giống.
* Ương trong bể xi măng hoặc bể lót bạt:
Bể ương cá bột có hình chữ nhật, diện tích 4 - 10 m 2, chiều cao mực nước 0,5 - 0,6m, có mái che để tránh nhiệt độ tăng giảm đột ngột ảnh hưởng sức khỏe của cá.
Mật độ ương: 1.000 - 1.500 con/m 2.
Thức ăn đầu tiên cho cá có thể là lòng đỏ trứng luộc chín, bóp nhuyễn hòa với nước, rải đều khắp bể cho cá ăn, số lượng 10 trứng/10.000 cá bột/ ngày.
Sau đó cho ăn các loại phiêu sinh động vật như: Moina (trứng nước) 01 lon sữa bò/ 10.000 cá bột/ ngày. Sau một tháng, cho ăn trùn chỉ, cung quăng, bột cá xay nhuyễn vừa miệng cá, thức ăn mảnh; tấm cám, ruốc nấu chín; bèo tấm, bèo cám hoặc thực vật thân mềm cắt nhuyễn vừa miệng cá.
Ương trong bể có tỉ lệ sống cao nhưng phải thay nước và xiphon đáy thường xuyên, vớt thức ăn dư thừa và những con cá bị chết, loại bỏ những cá yếu, ương khoảng 2 tháng chuyển sang nuôi thịt.
Định kỳ nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho cá.
* Ương trong ao đất
Ao có diện tích từ 100 - 500 m 2. Ao gần nguồn nước sạch để dễ dàng cho việc cấp thoát nước, chiều cao mực nước 0,8 - 1,2m.
Chuẩn bị ao thực hiện giống các bước chuẩn bị ao (sên vét, bón vôi, phơi ao) đã được trình bày trong phần kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ.
Thả cá bột : cá bột cần được thả vào ao ương trong vòng 24 giờ sau khi lấy nước vào, để cho những địch hại của cá bột (giáp xác chân chèo, nòng nọc, bọ gạo, bắp cày...) chưa kịp phát triển. Sau đó thức ăn dư thừa của cá bột (bột đậu, cám,...) sẽ cung cấp thêm dinh dưỡng giúp tảo phát triển gây màu cho ao. Trường hợp sau khi lấy nước vào ao ương hơn 02 ngày vẫn chưa thả cá bột thì nên tháo cạn nước, cải tạo lại từ đầu.
Mật độ thả: 100 - 150 con/m 2, cá thả một ao phải cùng ngày tuổi để tránh tình trạng cá lớn không đều, có thể ăn thịt lẫn nhau.
Thành phần thức ăn giống như ương cá trong bể.
Ương cá trong ao đất, tỉ lệ sống thấp hơn ương trong bể nhưng giảm được chi phí xây dựng và thức ăn. Sau hai tháng ương cá đạt cỡ 1,5 - 2cm là đạt yêu cầu cá giống, xuất bán để nuôi cá thương phẩm.