Kỹ thuật mới điều trị bệnh: Tăng thể tích chứa máu trong chạy thận nhân tạo
Bảy năm làm việc tại phòng chạy thận nhân tạo, khoa Thận máu nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, điều dưỡng viên Nguyễn Đình Vũ đã chứng kiến rất nhiều các em bé chạy thận nhân tạo với những cơn đau đớn khi bị tìm ven lớn để tiêm. Có nhiều ca phải bộc lộ tĩnh mạch (xẻ da thịt để tìm tĩnh mạch) để tìm ven và luồn kim vào truyền.
Điều dưỡng viên Nguyễn Đình Vũ đã nghiên cứu và tìm ra những nhược điểm của máy lọc máu để khắc phục. Anh Vũ cho biết, máy lọc máu của bệnh nhân chạy thận nhân tạo loại 1 kim - 2 máy bơm, có bộ dây dài do phải sử dụng cho 2 máy bơm (dây dùng chung cho người lớn) nên phải lấy máu ra ngoài cơ thể nhiều hơn 40 ml, gây thiếu máu cho trẻ em khi chạy thận nhân tạo và phải truyền thêm máu. Do không có màng lọc thích hợp cho trẻ nhỏ dưới 7 tuổi mà phải sử dụng bộ lọc máu lớn nên lượng máu lấy ra ngoài cơ thể nhiều gây sốc cho bệnh nhi. Bên cạnh đó, bộ dây này phải nhập từ nước ngoài, giá thành cao và hiếm.
Loại máy lọc máu kiểu 2 kim - 1 máy bơm thì quá nhiều phức tạp, chi phí tốn kém và lại gây đau nhiều cho bệnh nhân vì tĩnh mạch bị vỡ. Đối với trẻ em, tĩnh mạch ngoại biên nhỏ và lưu lượng máu trả về cơ thể chậm, khi đi qua màng lọc máu bị cô đặc dẫn đến tình trạng áp lực tĩnh mạch trở về cơ thể càng cao dễ gây viêm, tắc hoặc vỡ tĩnh mạch. Đặc biệt là rất khó khăn cho các ca bệnh nhi cấp cứu hoặc những ca chờ làm thông rò động-tĩnh mạch.
Phương pháp “Cải tiến hệ thống áp lực và kim đơn trong chạy thận nhân tạo” thiết kế lại máy chạy thận nhân tạo lọc máu kiểu 1 kim - 1 máy bơm có cải tiến trên buồng chứa máu lọc để lọc, không cần phải truyền thêm máu cho bệnh nhân. Khoa chạy thận nhân tạo đã không phải phụ thuộc vào bộ dây lọc của kiểu máy lọc máu 1 kim - 2 máy bơm và cũng không phải tốn nhiều nhân lực, gây đau đớn cho bệnh nhân như loại máy lọc 2 kim - 1 máy bơm.
Với cải tiến này, bầu chứa máu ở bộ dây lọc có thể chứa được 30ml vẫn có thể chứa thêm nhưng do bị áp lực khống chế ở mức tối đa 300mmHg để tránh làm viêm, vỡ tĩnh mạch. Anh Vũ đã dùng buồng khí chứa khí phụ mắc nối tiếp vào hệ thống đo áp lực để tăng thể tích bơm vào bầu chứa máu và làm giảm sự cô đặc máu.
Phương pháp cải tiến của điều dưỡng viên Nguyễn Đình Vũ đã được Bệnh viện Nhi Đồng 2 áp dụng cho khoảng 2.000 suất chạy thận nhân tạo và cho cả những trẻ nhỏ cân nặng 10kg. Với cải tiến này không cần sợi dây lọc máu kiểu 1 kim - 2 máy bơm giảm được 100.000đ cho mỗi lần chạy thận. Người bệnh cũng không phải tốn nhiều chi phí vật dụng y tế như kim luồn, dây nối, dao mổ, kim chỉ. Tính cụ thể, cải tiến của điều dưỡng viên Nguyễn Đình Vũ đã giảm chi phí cho bệnh nhân hơn 20%.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là máy không gây đau cho bệnh nhân vì không phải chích ven ngoại biên hay bộc lộ tĩnh mạch, hạn chế các tai biến. Nó cũng hạn chế được tối đa máu tái tuần hoàn, rút nước ra khỏi cơ thể bệnh nhân theo ý muốn mà không bị máy báo động. Thao tác của nhân viên y tế cũng đơn giản hơn, giảm thời gian và công sức của điều dưỡng và bác sĩ trong việc lọc máu.
Nguồn: KH&ĐS, số 61, 20/5/2008, tr 14