“Kỹ sư làng” ra tay cứu môi trường
Sản phẩm đầu tiên của anh là chiếc máy xử lý khói, bụi và hệ thống lò đốt rác thải. "Cứ mỗi lần nhìn thấy việc bức xúc là tôi luôn nghĩ ra một ý tưởng để thực hiện", anh Loan nói.
Làm nghề thuốc nên anh có điều kiện đi nhiều nơi và được chứng kiến tình trạng ô nhiễm ở rất nhiều khu vực đang ngày càng trầm trọng. Nhất là mỗi lần đón vợ dạy học ở tỉnh Phú Thọ, phải đi ngang qua Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, bụi và không khí do Nhà máy thải ra khiến anh lo ngại. Vậy là trách nhiệm "phải cứu lấy môi trường" đã hình thành trong anh.
"Kỹ sư làng" Nguyễn Văn Loan đã thuê một ông bán sắt vụn biết nghề hàn. Nguyên vật liệu làm máy là thùng phi và sắt vụn. Chẳng cần bản vẽ, anh tự hình dung ra những công đoạn rồi hướng dẫn người thợ hàn thực hiện theo. Anh bảo, nói thì chẳng ai tin, nhưng trong đầu tôi tự định hình được sơ đồ của một chiếc máy hoàn chỉnh. Mà làm chỉ một lần là xong, sau mấy ngày chiếc máy hoàn thành. Anh đã cho đốt một đống phế liệu gồm rác thải, giấy, nhựa, cao su... ở giữa sân nhà tạo nên khói đen và mùi khét rất khó chịu. Sau vài phút vận hành máy, khói, bụi và mùi khét đã được hút hết, bị dồn ép, quay, xả qua các hệ thống bình lọc và lắng lại thành nước bùn có màu nâu, vàng. Đặc biệt ở hệ thống ống xả không còn vương mùi khói. Một ví dụ khác cũng khẳng định tác dụng của hệ thống này là: Lấy một chiếc khăn sạch phủ lên đầu ống xả khí trong khi máy đang chạy thì chiếc khăn vẫn trắng và sạch.
Để khẳng định tính ưu việt của sản phẩm mới, anh đã đem chiếc máy tự sáng chế đi kiểm nghiệm tại các lò gạch ở Hải Dương. Kết quả mang lại thật bất ngờ, khói của lò gạch được xử lý triệt để. Thêm một lần nữa, anh cho thử nghiệm chiếc máy tại một lò nấu nhôm thủ công ở Sài Gòn. Chủ lò đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa lò vì sự phản đối quyết liệt của người dân, do để ô nhiễm không khí, tiếng ồn… ảnh hưởng môi trường xung quanh. Ngay sau khi máy được đưa vào vận hành, khói, bụi lò nấu nhôm không còn. Vậy là anh đã "cứu sống" được một lò nấu nhôm trước nguy cơ đóng cửa.
Hệ thống xử lý khói, bụi, khí thải có ưu điểm là cấu trúc đơn giản, dễ sản xuất, ít hư hỏng, dễ sử dụng, điện năng tiêu thụ ít hơn một nửa nên giá thành rất rẻ. Toàn bộ chất thải từ khi xử lý có thể triệt tiêu được hoàn toàn các loại khí độc, biến nó thành một dạng bùn lỏng vô hại. Thậm chí, tùy từng chất liệu đất mà có thể tái sử dụng vào các việc có ích như : Bón cây, đóng gạch, làm tượng thạch cao...
Từ nguyên lý chế tạo chiếc máy này anh còn thiết kế chiếc bô xử lý khói ở xe máy. Máy chính được làm theo nguyên tắc bình thông nhau (có cấu trúc, nguyên lý vận hành khác nhau với cánh quạt, hệ thống trục đảo kiểu đĩa xoắn và nhiều que gạt). Một hệ thống phụ gồm 2 bộ phận dùng để đưa nước hoặc dung dịch vào máy, chứa nước thải đã qua xử lý. Phía sau chiếc bô có một cánh quạt, lợi dụng sức khí thải ra cánh quạt này sẽ quay. Khí thải được dồn ép trong dung dịch (nước vôi trong) và được xử lý ngay trong ống bô. Hôm anh làm xong lắp thử vào chiếc xe Tàu của mình, quả là không còn khói.
Sản phẩm mới đây nhất của anh là chiếc lò đốt rác. Lò được làm bằng những chiếc thùng phuy bỏ đi. Hiện chiếc lò đốt này đang được ứng dụng tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Mới đầu, anh cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục lãnh đạo bệnh viện tin vào sự kỳ diệu của chiếc máy này và anh đã làm một thí nghiệm khiến ban lãnh đạo bệnh viện hoàn toàn khâm phục. Rác thải của bệnh viện ba ngày mới đủ một mẻ cho lò đốt hoạt động, mỗi lần đốt chỉ hết khoảng 0,75 lít dầu, rác ướt xúc vào đều được đốt sạch, không thải khói ra môi trường.
Anh từng được nhận bằng sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ trao cho Hệ thống xử lý, khói, bụi và khí thải. "Tôi đang ấp ủ nhiều dự định rất lớn như làm cho sông Tô Lịch của Thủ đô Hà Nội không còn ô nhiễm, chống vỡ đê...", anh Loan tâm sự.