Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 25/07/2008 22:45 (GMT+7)

Kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sỹ 27/7: Người thầy thuốc - chiến sĩ

Tôi được biết ông từ trước không phải về việc khám chữa bệnh mà là về những chuyện văn chương. Hồi ấy vào những năm 1970, tôi đang biên tập một tuyển tập truyện ngắn Mỹ và được dịch giả giới thiệu với GS. Trần Đỗ Trinh - một thày thuốc rất yêu văn học và giỏi ngoại ngữ. Giáo sư góp ý cho tôi rất nhiều trong việc tìm các từ tiếng Anh thích hợp của từng tác giả, như O. Henry, Hemingway, Condwen, Jaclondon...

Được biết giáo sư từ lâu, tôi quyết định tìm hiểu về công việc và các mối quan tâm của ông hiện nay khi đã ở tuổi bát tuần.

Khám xong cho người bệnh, ông quay lại tôi, nở nụ cười thân mật với nét mặt dường như bảo: “Có gì đâu mà anh tìm hiểu!”.

Rồi ông lại khám tiếp cho một thương bệnh binh, tuổi còn trẻ nhưng vừa bị trải qua stress lại đau tức ngực. Anh đã đi nhiều bệnh viện tư khám bệnh và làm nhiều xét nghiệm. Bác sĩ chủ nhiệm khoa một bệnh viện kết luận anh bị bệnh mạch vành. Người bệnh vô cùng lo lắng, nhất là sau khi uống thuốc lại càng mệt thêm, đã tìm đến cầu cứu thầy Trần Đỗ Trinh. Sau khi chăm chú nghiên cứu điện tâm đồ và các kết quả xét nghiệm, giáo sư trầm ngâm rất lâu, có dễ chừng đến 15 - 20 phút trôi qua. Rời mắt khỏi tập bệnh án, giáo sư nhìn người bệnh với ánh mắt nhân hậu: “Tôi đã xem xét khá kỹ kết quả điện tâm đồ. Khả năng có đến 99% không phải là bệnh mạch vành. Mà quả tình phân tích phán đoán ca điện tâm đồ này các bác sĩ trẻ thiếu kinh nghiệm thường dễ nhầm lắm. Ở đây có một cái bẫy đối với người thiếu hiểu biết sâu sắc về phân tích điện tâm đồ. Thực ra đây là biểu hiện của dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật ...”. Giáo sư kê cho người bệnh một đơn thuốc thật dễ kiếm và rẻ tiền, chỉ có mấy lọ cao lạc tiên, vài hộp vitamin 3B. Giáo sư tâm sự, nay tuổi đã cao, hoàn cảnh gia đình lại dễ chịu, con cháu đều thành đạt, tuy nhiên là một chuyên gia về tim mạch, ông không nỡ ngồi nhìn nhiều người bệnh bị chết oan vì nhà nghèo không lo nổi tiền chữa bệnh và vì sự thiếu hiểu biết hoặc vô trách nhiệm của một số bác sĩ.

GS. Trần Đỗ Trinh xuất thân trong một gia đình trí thức lâu đời ở Hà Nội. Từ tuổi thanh niên, lúc còn thời kỳ Pháp thuộc, là học sinh trường Bưởi, đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia vào Tiểu tổ Việt minh, hoạt động tuyên truyền yêu nước, tổ chức mít tinh, rải truyền đơn, truyền bá sách báo cách mạng bí mật, tổ chức tự vệ chiến đấu…

Sau khi nhiệt tình tham gia cuộc mít tinh trong Cách mạng Tháng Tám ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, Trần Đỗ Trinh được phân công vào đội thanh niên cứu quốc khu Đồng Xuân. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, người học sinh trường Bưởi giàu lòng yêu nước đã lập tức gia nhập bộ đội năm 1947, công tác tại Đơn vị Quân y Khu 10 Việt Bắc. Những năm kháng chiến gian khổ, vừa phục vụ chiến trường, Trần Đỗ Trinh vừa hăng say học tập, mong muốn nâng cao trình độ học vấn, nên được đơn vị chú ý cho đi đào tạo, học ở Trường trung học kháng chiến Chu Văn An, rồi năm 1950 được vào trường Đại học Y khoa Hà Nội, lúc đó sơ tán lên Việt Bắc. Nhớ lại buổi chia tay rời trường học đang sơ tán ở Đào Dã , Phú Thọ để ra chiến dịch, Trần Đỗ Trinh đã ghi vào sổ lưu niệm của cô bạn học cùng lớp thế này: “Chúc Lan Anh lên đường luôn luôn mạnh khỏe và có được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Hẹn gặp lại tại Đại học Sorbonne, Paris ”. Mơ mộng là thế, nhưng đó là động lực mạnh mẽ để chàng trai vươn lên đỉnh cao khoa học. Trong thời gian học tập, cứ đến các kỳ chiến địch thu - đông hằng năm, Trần Đỗ Trinh lại được điều về quân ngũ, làm cán bộ quân y phục vụ tiền tuyến, lần lượt ở Bệnh viện quân y AVT2, rồi các Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Trung đoàn 63, Sư đoàn 351, tham gia cứu chữa thương bệnh binh trong các chiến dịch Hồng Quảng, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên...Không ngại gian khổ hy sinh, chiến đấu ác liệt, Trần Đỗ Trinh đã hoàn thành tốt đẹp mọi nhiệm vụ được giao.

Hòa bình lập lại năm 1954, được về tiếp tục học tập ở Trường Đại học Y Hà Nội và được kéo dài thời gian học tập thành 8 năm để bù vào các thời gian đi chiến dịch; đến năm 1958, Trần Đỗ Trinh thi ra trường đã được Hội đồng giám khảo do GS Hồ Đắc Di làm chủ tịch, xếp hạng “xuất sắc”.

Với thành tích đó, khi phân công công tác, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch nhận thấy Trần Đỗ Trinh có khả năng về Tim mạch, đã quyết định đưa về Bệnh viện Bạch Mai, làm trợ lý cho GS. Đặng Văn Chung, tham gia vào tổ Hội chẩn tim mạch. Bác sĩ Trinh đã kiên trì bền bỉ xây dựng tổ chức nghiên cứu tim mạch của Bệnh viện. Với sự ủng hộ của lãnh đạo và tập thể, bắt đầu từ sáng kiến lập Phòng khám chuyên khoa tim mạch đầu tiên, lập Tổ nghiên cứu bệnh tim mạch, thành lập Bệnh phòng chuyên về tim mạch, dẫn tới việc thành lập Khoa tim mạch đầu ngành rồi trở thành Viện Tim mạch Quốc gia, sau đó sáng lập Hội tim mạch Hà Nội rồi Hội Tim mạch Việt Nam. Trần Đỗ Trinh là người đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng lập các tổ chức này.

Trần Đỗ Trinh say mê nghiên cứu, vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại, cùng với tập thể đồng nghiệp ứng dụng một cách rất sáng tạo và thành công các kỹ thuật tim mạch lần đầu tiên ở nước ta. Năm 1959, lúc khoa học Điện tâm đồ còn sơ khai, Trần Đỗ Trinh đã mày mò nghiên cứu, phổ biến ứng dụng hàng loạt, tổng kết và viết nên mấy bộ sách về Điện tâm đồ với chất lượng cao; đến nay qua 40 năm thử thách, vẫn được các bác sĩ và sinh viên coi là bộ sách “khai tâm” để học tập tham khảo, mới đây lại được tái bản lần thứ 10. Với Luận án về Bệnh hẹp van hai lá, dưới sự chỉ đạo của GS. Đặng Văn Chung, Trần Đỗ Trinh đã là người phụ trách chuẩn bị và trình bày về ca bệnh hẹp van hai lá trước Hội đồng hội chẩn có cả nhiều giáo sư Đông Âu và Liên Xô (cũ) tham dự, do GS. Tôn Thất Tùng chù trì và quyết định phẫu thuật. Đó là ca mổ tim đầu tiên thành công ở Việt Nam .

Cùng thời gian đó, Trần Đỗ Trinh lãnh đạo Tổ tim mạch tích cực đẩy mạnh kỹ thuật thông tim vốn còn rất mới mẻ ở nước ta, sau này tổng kết viết thành cuốn sách “Huyết động học trong lâm sàng”. Từ đó Trần Đỗ Trinh đã mạnh dạn chủ trì nghiên cứu thực hiện thành công ca sốc điện và các công trình tạo nhịp tim đầu tiên ở nước ta.

Cho đến này, GS. Trần Đỗ Trinh đã viết được 12 cuốn sách tim mạch chuyên khảo, chủ biên dịch 15 cuốn sách, 15 tài liệu chuyên đề, 93 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có những công trình cấp Nhà nước, cấp Bộ hoặc hợp tác Quốc tế, với nội dung rất phong phú, đề cập hầu hết các chuyên đề về tim mạch. Có những công trình từng được báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế. GS. Trần Đỗ Trinh từng tu nghiệp ở nhiều nước tiên tiến, được công nhận là Nghiên cứu viên của Học viện tim mạch Hoa Kỳ (FACC) và các tổ chức tim mạch của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với Bệnh viện Bạch Mai , GS. Trần Đỗ Trinh đã gắn bó trong suốt hơn 40 năm qua, luôn cố gắng bền bỉ đóng góp công sức xây dựng trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của Bệnh viện, kể cả những ngày bị địch đánh bom B52 ác liệt, đi công tác Campuchia gian khổ, tổ chức và tổng kết thành công nhiều hội nghị khoa học, chủ trì 19 khóa học chuyên khoa Tim mạch cho các Bác sĩ từ các tỉnh, thành về học, luôn với một tác phong đặc biệt nghiêm túc và một phương pháp tổ chức khoa học. Trần Đỗ Trinh lần lượt được đề bạt từ bác sĩ điều trị, bác sĩ Trưởng phòng, Chủ nhiệm khoa Tim mạch, Phó giám đốc Bệnh viện, Viện trưởng Viện tim mạch, được phong chức danh Giáo sư, học vị Tiến sĩ và được đông đảo đồng nghiệp trong ngành y tế tin cậy, kính trọng, được các đồng nghiệp tim mạch trong toàn quốc tín nhiệm bầu làm Chủ tịch đầu tiên Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam. Từ năm 1993 đến năm 2003, Hội hoạt động sôi nổi từ Bắc chí Nam và mở rộng quan hệ hợp tác Quốc tế rất hiệu quả. GS.Trần Đỗ Trinh được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương của Nhà nước. Và tới nay giáo sư đã được Nhà nước ta công nhận là Thầy thuốc nhân dân và được tặng thưởng Huân chương Độc lập cao quý.

Viết về GS. Trần Đỗ Trinh, tôi bỗng nghĩ tới các nhà khoa học- chiến sĩ trong ngành Y ở nước ta như GS. Phạm Ngọc Thạch, GS. Tôn Thất Tùng, GS. Lê Cao Đài, GS. Lê Thế Trung… Ở họ đều có một nét chung là lòng nhân hậu và sức sáng tạo khoa học không mệt mỏi nhằm cứu chữa người bệnh và đóng góp cho nền Y học nước nhà. Được gặp giáo sư lần này, tôi nhắc lại một câu châm ngôn của người Đức mà hai thầy trò chúng tôi thường tâm đắc: “Cầu mong cho tôi quyết chí làm và làm bằng được những gì tôi có khả năng. Cầu mong cho tôi dám từ chối những gì tôi không có khả năng làm. Và cầu mong cho tôi đủ sáng suốt để biết mình có thể làm được những gì và không thể làm được những gì”. GS Trần Đỗ Trinh nhìn tôi thân ái, nở nụ cười hiền hậu và nói thêm phương châm sống của mình: “Cái gì xét thấy cần làm thì phải làm ngay, nếu không làm ngay sẽ có nhiều khả năng là không làm được. Và khi đã làm thì phải quyết đẩy công việc tới kết quả cuối cùng”.

Ngọn lửa nhiệt tình sáng tạo khoa học và lòng say mê cứu chữa người bệnh ở GS. Trần Đỗ Trinh là như vậy!

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.