Kỷ niệm 63 năm quốc khánh 2/9 - GS.VS Trần Đại Nghĩa và những công trình "bom tấn"
Trong căn phòng nhỏ được bày biện giản dị tại phố Hàng Chuối (Hà Nội), người đại tá về hưu, con trai trưởng của GS.VS Trần Đại Nghĩa lần giở những chuyện của cha mình. Ký ức ùa về, nhiều lúc đại tá Trần Dũng Trí không giấu nổi sự xúc động: "Ba tôi: giản dị và nghiêm khắc"...
Kỳ 1: Bỏ nệm gấm, về lều tranh giết giặc
Từ bỏ mức lương 22 lạng vàng/tháng, Phạm Quang Lễ quyết định theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, bắt tay vào nghiên cứu khoa học phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng còn quá mới mẻ tại Việt Nam .
Tìm đường học chế tạo vũ khí
Sinh ngày 13/9/1913 tại thị xã Vĩnh Long trong một gia đình có người cha là giáo viên tiểu học, cậu bé Phạm Quang Lễ (sau này được Bác Hồ đổi tên là Trần Đại Nghĩa) sớm ham thích tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên, thiên văn. Được cha kèm cặp, Lễ học rất thông minh và luôn có những suy luận đúng.
Năm Lễ được 7 tuổi, người cha đột ngột qua đời. Mất trụ cột, cuộc sống của gia đình Lễ trở nên khốn khó. May thay, một đồng nghiệp của cha Lễ đã nhận cậu vào trọ học. Từ biệt gia đình, Lễ đã tự hứa với lòng mình phải quyết tâm học thật giỏi để không phụ công mẹ và chị gái ở quê một nắng hai sương tần tảo lo cho mình. 5 năm sau, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào trường Trung học Mỹ Tho. Nhờ lực học rất khá - đặc biệt là các môn tự nhiên, Lễ đã được nhà trường cấp học bổng.
Năm 20 tuổi, Lễ đã ghi danh "bảng vàng" khi thi đỗ cả tú tài Tây và tú tài Bản xứ. Nhưng bởi gia cảnh khó khăn, Lễ mặc dù thừa đủ tiêu chuẩn ra Hà Nội học cũng đành ngậm ngùi ở lại rồi xin vào làm ở tòa sứ Mỹ Tho. Tại đây, Lễ luôn cố gắng tìm cơ hội đi học ở nước ngoài để học hỏi cách chế tạo vũ khí bởi khi lần giở lịch sử, anh nhận thấy rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã bị thất bại do thiếu vũ khí.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, Phạm Quang Lễ đã được hội Ái hữu của trường Chasseloup- Laubat cấp học bổng 1 năm sang Pháp. 22 tuổi, Lễ khăn gói quả mướp bước chân lên tàu thủy vượt đại dương đến "kinh đô ánh sáng". Tại đây, nếu như người ta mất 2 năm để học trước khi thi đại học thì Lễ đã vạch ra kế hoạch để rút ngắn chương trình còn 1 năm. Lựa chọn thi đại học, ước mong lớn nhất của Lễ là học về ngành chế tạo vũ khí nhưng chuyện ấy đâu có dễ dàng khi điều ấy là vô cùng bí mật của mỗi quốc gia. Hơn nữa, Phạm Quang Lễ lại là người của nước thuộc địa...
11 năm nghiên cứu bí mật
Biết là không thể trực tiếp học về ngành chế tạo vũ khí, Lễ bèn chuyển hướng sang những ngành gần gũi với nó như kỹ thuật dân dụng... Anh thi đỗ vào Trường Đại học quốc gia Cầu - Đường Paris . Sau đó, Phạm Quang Lễ còn theo học các trường đại học Điện, Mỏ, Bách khoa và Học viện Kỹ thuật hàng không. Nhờ thông minh và chăm chỉ, Phạm Quang Lễ đỗ nhiều bằng kỹ sư và thi lấy nhiều chứng chỉ về khoa học cơ bản ở Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne...
Trong suốt thời gian học tập và sau đó ra trường đi làm, Phạm Quang Lễ luôn tận dụng những mối quan hệ của mình để tìm tư liệu về vũ khí và tranh thủ bất kỳ lúc nào rảnh rỗi để vùi đầu vào đống sách vở. "Bạn bè hầu như không bao giờ thấy ba tôi đi khiêu vũ hay hội hè", ông Trí nhớ lại. Ngày ấy, những người biết Phạm Quang Lễ luôn thấy chàng kỹ sư trẻ thường xuyên tới các nhà máy, xí nghiệp, vào thư viện và đứng hàng giờ trước những thiết bị khí tài trong Viện bảo tàng vũ khí. Thời gian làm việc tại phòng thiết kế của hãng máy bay, Lễ đã được tiếp xúc với rất nhiều tài liệu quân sự, vũ khí vì hãng nọ còn sản xuất cả máy bay quân sự.
Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của Phạm Quang Lễ chính là lần gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946. Lúc ấy, Lễ tham gia vào đoàn đại biểu Việt kiều đến thăm Bác Hồ và anh đã thực sự xúc động bởi sự ân tình của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam . Bác hỏi thăm lần lượt từng người và động viên họ trong cuộc sống cũng như khuyến khích có những đóng góp cho nước nhà còn non trẻ. Đến lượt Lễ, Bác hỏi: "Nguyện vọng của chú lúc này là gì?". Như được cởi lòng mình, Lễ trả lời rất nhanh cái điều đã ôm ấp từ buổi đầu xuất ngoại: "Kính thưa Cụ. Nguyện vọng cao nhất của cháu là được trở về Tổ quốc cống hiến".
Sau khi nhận được ánh mắt trìu mến của Bác, Phạm Quang Lễ đã quyết định từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng của hãng nghiên cứu, chế tạo máy bay với đồng lương tương đương 22 lạng vàng một tháng để theo Bác Hồ về nước. Lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận từ bỏ cuộc sống nơi nệm gấm để về núi rừng Việt Bắc nghiên cứu các loại vũ khí quân sự, phục vụ nền công nghiệp quốc phòng nước nhà. Sau 11 năm trời tại Pháp, Phạm Quang Lễ trở về, hành lý mang theo là hàng tấn sách, tài liệu vũ khí quân sự...
Nguồn: KH&ĐS, số 105, 30/8/2008, tr 12