Kinh nghiệm trồng chuối tây
Thời vụ
Để có chuối tây bán vào dịp hè như ý muốn, cần có ba yếu tố chính: Thời vụ trồng vào tháng 5-6; chọn cây đủ tiêu chuẩn giống tốt và thâm canh cao. Trồng thời vụ này nhiệt độ và độ ẩm thuận lợi, nếu được chăm sóc tốt dễ cho năng suất cao.
Kỹ thuật trồng trọt
Chọn đất phù sa, thịt nhẹ, cát pha nhiều màu, chủ động nước, độ dốc nhỏ hơn 12 0. Chọn cây chuối con thứ 2 - 3 ở những cây mẹ không bị sâu bệnh phá hoại, đã trổ buồng. Tiêu chuẩn cây chuối con tốt là: Cây có đường kính gốc lớn hơn 20cm; cao 1,2 đến 1,5m. Thân hình búp măng, mặt cắt củ chuối giữa cây con và cây mẹ màu trắng, không bị khoanh măng hay vàng nâu, nếu bị khoanh măng là bị sâu đục thân hoặc bị bệnh hại cần loại bỏ.
Dùng mai hay thuổng sắc đào phía ngoài cây con cho lộ củ, sau đó xắn sâu vào giữa cây mẹ và cây con để tách lấy cây giống. Dùng dao sắc cắt hết rễ ở cây con, lá khô, lá vàng và 2/3 lá xanh. Đem dựng cây con vào chỗ râm mát trong 5 đến 7 ngày cho liền vết thương, sau trồng đỡ chột. Nên xử lý cây con như sau: Nhúng củ cây con vào tro bếp nguội hoặc hỗn hợp nhão gồm có 1 đến 2kg lân supe + 40 đến 50 kg phân chuồng hoai mục + đất vừa nhào. Xử lý xong đặt cây con vào chỗ râm mát trong 5 đến 7 ngày thì trồng được.
Mật độ, cách trồng: nên trồng chuối tây với khoảng cách 3m x 2,5m x 1 cây. Đất bằng lên luống rộng 7 đến 8m, cao 30 đến 40cm theo hướng đông - tây, trồng hai hàng trên luống chách nhau 3m, cây cách 2,5m. Đất dốc 5 đến 10 0trồng theo đường đồng mức, cắt ngang dòng dòng chảy, đất dốc 10 - 12 0 cần tạo bậc thang để chống xói mòn. Đào hố rộng 60 đến 80cm, sâu 40 đến 60cm.
Rãnh thoát nước rộng 0,5 đến 0,7cm, các rãnh được nối liền với mương tiêu. Đồng thời chú ý trồng xen cây họ đậu, cây phân xanh để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại và tăng độ phì cho đất. Chú ý để mặt cắt của củ theo cùng một hướng (lưu ý là bao giờ cây chuối cũng trổ buồng về phía đối diện với phía mặt cắt của củ, nên khi trồng chuối trên đất đồi dốc thì để mặt cắt của củ hướng xuống phía dưới chân đồi, để khi trổ buồng hướng về phía đỉnh đồi, buồng sẽ kéo cây trở lại, đỡ bị đổ, bị nghiêng cây). Trong cùng một vườn chuối nên trồng các cây con có cùng đường kính gốc, cùng chiều cao để chúng khỏi tranh chấp ánh sáng, cùng trổ buồng, cùng thời gian thu hoạch, thực hiện phương châm “xấu đều hơn tốt lỏi”.
Lượng phân bón và cách bón phân: tính trung bình bón cho một cây chuối/năm. Phân chuồng hoai mục từ 20 đến 25 kg; phân đạm ure 0,8 đến 1kg; supe lân 1 đến 1,5kg; kali clorua 2 đến 3 kg.
Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân + 0,1kg đạm + 0,1g kali. Trộn kỹ phân với đất, đào lỗ vừa với gốc cây chuối con. Đặt cây giống vào chính giữa hố, lấp đất xung quanh. Sau đó giậm chặt, tưới nước, phủ rác xung quanh để giữ ẩm.
Sau khi trồng 7 đến 10 ngày nếu không có mưa thì cần tưới ẩm mỗi ngày một lần, sao cho đất xung quanh gốc đảm bảo độ ẩm 70 đến 80% cho cây mau bén rễ, hồi xanh. Thường xuyên theo dõi, nếu thấy cây chết hoặc bị sâu bệnh hại, sinh trưởng kém thì loại bỏ, thay cây khác vào ngay, nên chọn cây khoẻ, cùng tuổi để giặm đảm bảo mật độ.
Vườn trồng chuối nên giữ thoáng, sạch không để mọc cỏ dại. Trung bình cứ 20 đến 30 ngày làm cỏ một lần, cắt bỏ những lá khô, lá vàng, lá vống cho thông thoáng tán, giảm sâu bệnh hại. Chú ý khi xới xáo nên cách xa gốc 50 đến 60cm. Chuối tây không chịu được ngập úng, cần độ ẩm từ 70 đến 80% độ ẩm đất trong suốt quá trình sinh trưởng mới cho năng suất cao.
Bón thúc lần 1:Sau trồng 25 đến 30 ngày, kết hợp với làm cỏ, xới xáo xung quanh gốc. Bón 1/2 lượng đạm và 1/3 lượng kali còn lại cách gốc 30 đến 40cm.
Bón thúc lần 2: Khi thấy chuối có biểu hiện trổ buồng (lá trên cùng nhọn ngắn, thẳng đứng, không uốn câu như các lá dưới). Bón nốt lượng đạm và lượng kali còn lại cách gốc 1m.
Cách bón:Đào 4 hốc xung quanh gốc, lấp phân sâu 7 đến 10cm. Tiến hành bón khi đất có đủ độ ẩm 70 đến 80% độ ẩm đồng ruộng (sau mưa hoặc tưới ẩm) thì cây mới hút được phân khoáng.
Khi chuối trổ buồng được 15 đến 20 ngày có thể dùng bao nilông màu trắng thủng hai đầu trùm kín buồng (chỉ buộc kín một phía đầu trên, hở đầu dưới cho nước mưa thoát ra ngoài) có tác dụng hạn chế sâu bệnh phá bệnh phá hại, làm cho nải chuối đẹp mã nâng cao giá trị thương phẩm lúc bán.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Chú ý phòng trừ sâu đục thân hại chuối bằng cách thường xuyên loại bỏ lá già, lá vàng, lá khô cho tán thông thoáng hạn chế nơi trú ngụ của bọ trưởng thành. Bón thuốc Vibasu 10H hoặc Vibam 5H với lượng 50g/gốc sau khi trồng 2 đến 4 tháng.
Thu hoạch
Sau khi trổ buồng được 3,5 đến 4 tháng, quả căng, đẫy chuyển từ màu xanh thẫm sang xanh nhạt thì tiến hành thu hoạch. Cắt thu buồng về, dựng đứng buồng chuối vào nơi thoáng mát, cho chảy bớt nhựa trong 2 đến 3 ngày. Dùng dao, kéo sắc cắt nải đem giấm, ủ kín trong 24 giờ, sau để rải nơi thoáng cho lên mã vàng, đẹp.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 35 (1753), ngày 2/5/2005