Khu bảo tồn đất ngập nước Ramsa Xuân Thủy (Nam Định)
1.Điều kiện tự nhiên.
Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy được coi là đại diện điển hình cho các khu đất ngập nước vùng ven biển Đồng bằng Sông Hồng bao gồm các sinh cảnh là các cồn cát, đầm lầy mặn giữa các cồn, các bãi sậy phát triển ở các đầm lầy và rừng ngập mặn (sú vẹt) mọc ở các bãi bùn ven các cồn. Có 3 lạch thoát nước từ cửa Sông Hồng là Vọp, Trà và Lu chạy giữa các cồn. Độ cao so với mực nước biển 0-1,2m. Các cồn Ngạn, Lu, Xanh được hình thành cách đây khoảng 4-5 vạn năm do quá trình bồi tụ của phù sa Sông Hồng.
Thủy triều cực đại 4m. Độ muối giao động 0,05% 0- 3% 0, pH của nước 8,0 - 8,4. Nhiệt độ nước vào mùa hè 27 - 30 0C vào mùa đông 24 - 26 0C. Tổng lượng bức xạ năm 85-105 Kcal/cm 2/năm. Lượng mưa trung bình 1715 mm. Độ ẩm trung bình 84%. Lượng bốc hơi trung bình năm 8174mm. Gió thịnh hành mùa hè là gió Đông và Đông Nam và mùa đông là Bắc và Đông. Bão thường xảy ra từ tháng 5-10, trung bình 2,5 cơn bão/ năm. Cấu tạo đất của khu Bảo Tồn đất ngập nước phần lớn là đất sét nhẹ và đất cát. Địa hình của khu Bảo tồn đất ngập nước dốc theo hướng Bắc- Nam . Điểm cao nhất thuộc Cồn Lu 1,2m so với mực nước biển.
2.Hệ thực vật của Khu bảo tồn đất ngập nước.
Hệ thực vật ở đây được phân ra 3 nhóm: nhóm các loài sống ở nước, nhóm các loài sống ở cạn và nhóm các loài sống ở ven bờ nước giáp ranh giữa nước và cạn và cũng chính là nhóm các loài vi tảo sống nổi và loài rong biển đáng lưu ý là các loài rong tóc đốt (Chaetomorpha), rong bún (Enteromorpha) đặc biệt là loài rau câu chỉ vàng (Gracilaria verrucosa) phát triển tự nhiên ở các ao đầm nước lợ.
Nhóm các loài sống ở cạn mọc trên các cồn cát và bờ đê quai có các loài như muống biển (Ipomea pescarpae), sam biển (Sesuvium portulacastrum), muối biển (Suaeda maritime), cỏ roi ngựa (Chorodendron inerme), củ gấu (Cyperus rotundus), cóc đỏ (Lumnitzera littorea), giá (Excoercaria agallochea). Phần phía Bắc Cồn Lu nơi có cồn cát cao nhân dân đã trồng phi lao (Casuarina equisetifolia)
Nhóm các loài sống ven bờ nước gồm hai hội đoàn sậy (Phragmites communis), cói (Cyperus malaccensis) mọc ở đầm lầy mặn giữa Cồn Lu và hội đoàn rừng ngập mặn gồm trang ( Kandelia candel), sú (Aegiceras comiculayum), bần chua (Sonneratia caseolaris). Diện tích hội đoàn sậy chiếm diện tích khoảng 300 ha được coi là bãi sậy lớn nất của vùng cửa sông Hồng . Diện tích hội đoàn rừng ngập mặn cả tự nhiên hoặc cây trồng khoảng 2000 ha. Hệ thực vật ở đây đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ động vật đặc biệt các loài chim nước và phòng hộ chống xói lở, chắn song, bão, bảo vệ các cồn và khu dân cư trong đất liền.
3. Hệ động vật khu bảo tồn đất ngập nước
Hệ động vật của khi bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy đa dạng và phong phú đại diện điển hình của vùng ven biển cửa song đồng bằng Bắc bộ. Hệ động vật nước bao gồm các động vật nổi, động vật đáy và cá. Số lượng động vật nổi khoảng 50 loài, động vật đây có khoảng 10 loài giun nhiều tơ, 30 loài giáp xác, 100 loài thân mềm, cá khoảng 100 loài. Các loài có giá trị kinh tế đau khai thác với sản lượng cao gồm: các loài tôm (Penaeus ssp), cua biển (Scylla serrata), các loài ngao (Meretrix ssp), sò (Arca ssp), vọp (Cyrena sumatrencis), vang (Gomphina aequilatera), don (Aloides laeris). Cá có thể kể các loài cá đối (Mugil ssp), cá vược (Lates calcarifer), cá liệt (Gerres ssp, Leisgnathus ssp) cá bơn vĩ (Tephrinectes sinensis), bống (Gobius ssp), nhệch (Pisoodonophis boro)… Đời sống các loài động vật sống ở nước phụ thuộc chặt chẽ vào hệ thực vật ở nước và nhất là vào rừng ngập mặn ở đây.
Nói về khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy là phải nói tới khu hệ chim di cư, đặc biệt là nhóm chim nước. Số lượng các loài của nhóm lên tới 150 loài và lúc đông nhất là số lượng cá thể đếm được trên 3 vạn cá thể. Có 7 loài chim quý hiếm đang bị đe dọa tiêu diệt cần được bảo vệ tuyệt đối: choắt lớn mỏ vàng ( Tringa guttifer), choắt chân màng lớn (Limnodromus semipaimatus), choắt mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus), mòng bể mỏ ngắn (Laus saundersi), có trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes), cò mỏ thìa (Platalea minor), bồ nông (Pelecanus crispus). Ở vùng cửa sông này theo nhân dân cho biết trước đây có gặp cá heo (Delphinus delphis), cá lợn (Neophocaena phocanoides).
4.Tình hình khai thác đa dạng sinh học ở khu bảo tồn đát ngập nước.
Không giống như mục tiêu là bảo vệ nghiêm ngặt đa dạng sinh học ở các Vườn Quốc Gia, ở đây khu bảo tồn đất ngập nước được phép sử dụng khai thác “khôn khéo” sao cho vẫn bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học. Trừ khu bảo vệ tuyệt đối, phần còn lại được khai thác tài nguyên như các vùng khác. Tại đây nhân dân địa phương đã khai thác các nguồn lợi hải sản như rau câu, thân mềm, tôm cua và cá. Các bãi cỏ cồn lu cũng được dung để chăn thả dê và trâu bò. Rừng ngập mặn để cho các đàn ong lấy phấn và nhân dân lấy củi. Loài củ gấu mọc ở cồn Lu cũng được thu hái để làm thuốc với sản lượng khai thác khá lớn, năm 1995 lên tới 2 tạ. Sống quanh khu bảo tồn đất ngập nước có tới gần 10 vạn dân nên việc quản lý khai thác và bảo vệ đa dạng sinh học ở đây rất khó khăn.
Từ ngày thành lập đến nay được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, ý thức bảo vệ thiên nhiên của nhân dân được nâng cao và mặc dù yêu cầu phải đạt được về bảo vệ của một khu bảo tồn đất ngập nước Ramsa quốc tế vẫn còn chưa tốt, nhưng khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy hiện nay rất xứng đáng để cho mọi người đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Nguồn T/C sinh học ngày nay, số 1/2001, tr.13.