Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 31/08/2005 14:49 (GMT+7)

Khoai tây ‘Made in Việt Nam’ từ công nghệ cấy phôi

Tuy vậy, một khó khăn đang đặt ra trong việc phát triển cây khoai tây hiện nay là giống, bởi cho đến nay, Việt Nam chưa có hệ thống sản xuất, xác nhận và cung ứng giống khoai tây hoàn chỉnh. Do vậy, sau khi nghiên cứu, sản xuất thành công hệ thống khoai tây sạch bệnh, các nhà khoa học hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ chủ động sản xuất được khoai tây giống trong nước với năng suất, chất lượng cao, đặc biệt sẽ đưa cây khoai tây trở thành một nghề mũi nhọn cho nông dân...

Khoai tây "made inViệt Nam"

Mặc dù sản lượng khoai tây cả nước đã đạt khoảng 25.000-40.000 tấn/năm, năng suất trung bình 20-27 tấn/ha, nhưng hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu hàng chục nghìn tấn khoai tây từ nước ngoài về cung cấp cho các tỉnh phía Nam. GS.TS. Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp, cho biết: “Vấn đề nan giải đặt ra cho việc phát triển cây khoai tây hiện nay không phải do thiếu diện tích canh tác, mà là chúng ta không đủ giống có chất lượng để cung ứng vào sản xuất”.

Hầu hết nguồn giống để sản xuất hiện nay đều phải nhập từ các nước Đức, Hà Lan, Trung Quốc. Chính việc phụ thuộc vào giống của nước ngoài đã hạn chế đáng kể tới khả năng phát triển của cây khoai tây do các giống của Đức, Hà Lan thì giá quá cao (12.000 đồng/kg), còn giống của Trung Quốc tuy rẻ (2.000 đồng/kg), nhưng chất lượng lại không đảm bảo, giống không chuẩn, mang nhiều nguồn bệnh gây ô nhiễm đồng ruộng. Thông thường tất cả các giống khoai tây có độ ổn định rất ngắn, chỉ trong vòng 3-4 vụ sẽ bị thoái hoá do virus (không thể chữa được) và buộc phải thay giống. Ông Nguyễn Tiến Hợp, một nông dân trồng khoai tây ở Việt Hùng, Quế Võ (Bắc Ninh), cho biết: “Cái khó của người trồng khoai chúng tôi là không thể chủ động được giống, vụ nào cũng vậy muốn trồng lại phải đi mua, mà vào lúc chính vụ mua được một vài chục kg giống đâu phải dễ”.

Tính đến nay, sau nhiều năm nghiên cứu, bước đầu Viện Sinh học nông nghiệp đã cơ bản hoàn thiện công nghệ nhân giống khoai tây Việt Nam bằng hệ thống nhà lưới theo các quy trình chặt chẽ từ nhân nuôi cấy mô, nhân nhanh cây sạch trong phòng thí nghiệm, tạo củ sạch trong ống nghiệm đến trồng cây nuôi cấy mô trong nhà màn để sản xuất ra củ mini, tạo ra củ nguyên chủng (củ bi) và sản xuất ra củ giống xác nhận (dùng để trồng đại trà). GS Thạch khẳng định: “Đây là công nghệ hoàn thiện nhất và lần đầu tiên được sản xuất ngay tại Việt Nam với năng suất, chất lượng không hề thua kém các giống của châu Âu”.

"Chuyển" nhưng chưa "giao"

Đến nay, bằng các hệ thống nhân giống hiện đại được xây dựng ở Lào Cai, Đà Lạt... Viện Sinh học Nông nghiệp đã sản xuất được 1,2 triệu củ giống siêu nguyên chủng, có khả năng trồng trên diện tích 10-15ha trong năm nay. Từ diện tích trên, Viện sẽ nhân được 100ha củ giống xác nhận (tương đương 1.000 tấn) như các giống Diaman, Solara, 3810 và ATC 53, nên tiềm năng sản xuất còn rất lớn. Song, có một khó khăn đang “đè nặng” các nhà khoa học là vấn đề chuyển giao các loại giống này vào sản xuất đại trà cho bà con nông dân. Theo đó, mặc dù giá bán giống xác nhận tuy đã giảm 40% (7.000-8.000 đồng/kg), song phần lớn người dân vẫn chưa mặn mà đón nhận. GS.TS. Nguyễn Quang Thạch bày tỏ: “Muốn đưa một giống cây trồng nhanh chóng đến với người nông dân đòi hỏi chúng ta phải có chính sách hỗ trợ cho họ. Điều này rất khó thực hiện đối với một đơn vị nghiên cứu khoa học như chúng tôi mà cần phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, cũng như chính sách trợ giá của Nhà nước”.

Tháo gỡ thế nào?

Cả nước hiện còn khoảng 200.000 ha đất có thể trồng được khoai tây ở các vùng như đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên với tiềm năng năng suất tối đa có thể đạt 40 tấn/ha. Nếu phát triển tốt, trong tương lai chúng ta có khả năng xuất khẩu khoai tây.

Để tháo gỡ khó khăn trên, được biết Bộ NN&PTNT đã “kéo” được “Dự án khoai tây Việt - Đức” (do Chính phủ CHLB Đức tài trợ) tham gia vào chương trình này và theo kế hoạch đã được kiến nghị, trong năm 2005, dự án sẽ hỗ trợ 50% giá củ bi và 5 triệu đồng cho một ha giống nguyên chủng 1, đồng thời, kết hợp tập huấn KHKT cho nông dân, xây dựng mô hình áp dụng giống xác nhận và những giống khoai tây mới. Một kiến nghị khác cũng được nhiều nhà khoa học đưa ra để các giống khoai tây sản xuất trong nước sớm đến với người nông dân là các địa phương chấm dứt ngay việc trợ giá cho khoai tây giống Trung Quốc, thay vào đó hỗ trợ họ tổ chức, xây dựng các vùng nhân khoai tây giống và vùng sản xuất khoai tây thương phẩm trên quy mô lớn, tập trung.

Ngoài Viện Sinh học nông nghiệp, hiện cũng còn rất nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học khác như Viện Sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Viện KHKT Nông Nghiệp Việt Nam... cũng “nhảy” vào lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất các giống khoai tây sạch bệnh chất lượng cao đầy tiềm năng này. Bởi thế, dù còn nhiều khó khăn song các nhà khoa học nhận định chỉ trong vòng 2-3 năm tới, khoai tây giống nước ta sẽ hoàn toàn chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

Nguồn: Trung tâm Tin học Bộ NN&PTNT (2005-08-12)

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.