Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 26/04/2006 23:03 (GMT+7)

Khoa học công nghệ ở đồng bằng sông Cửu Long – những vấn đề đang đặt ra: Loay hoay với tôm, cá

Nuôi tôm: Đầy bất ổn!

Những cánh đồng rộng ngút ngàn, xanh mướt năm nào giờ chỉ còn màu xám của đất và lấp lóa nước… mặn. Năm 2000, diện tích nuôi tôm của Cà Mau là 153.373 ha thì năm 2006, con số đó xấp xỉ 250.000 ha. Tương tự, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… đều có diện tích nuôi tôm lớn. Hệ sinh thái mặn đã tạo cho bộ mặt “mỏ tôm” một màu xám đơn điệu.

Sau những vụ mùa bội thu, bắt đầu từ năm 2002 đến nay, tôm chết nhiều. Có mùa, cứ thả giống xuống là chết. Hơn 5 năm lao theo hấp lực mê hồn của tôm sú, không ít người đổi đời, nhưng cũng không ít người trắng tay. Một bộ phận nông dân càng khó khăn hơn vì thất bát. Bà con nói vui: “Người nuôi tôm bây giờ hiền lắm. Nắng không dám than, mưa không dám thở. Hỏi tại sao thì ai cũng bảo rằng nếu lỡ bạo mồm bạo miệng chửi… thề hay chửi… ông trời thì tôm chết ráng chịu!”. Mô hình lúa – tôm từng được xem là lý tưởng nhất của nghề tôm quảng canh, nhưng giờ đã đi vào bế tắc. Ở một số huyện của Cà Mau, mấy năm đầu chuyển dịch còn trồng được vài chục ngàn hécta lúa trên đất nuôi tôm, nhưng gần đây, năng suất lúa giảm đáng kể, có nơi chỉ đạt 1 tấn/ha.

Tôm chết có nhiều nguyên nhân: do bệnh đốm trắng, do thời tiết bất thường và đôi khi nông dân không hiểu vì sao tôm lại chết. Điều chắc chắn là môi trường đã không còn tốt như thời mới chuyển dịch. Ăn theo tôm, chế phẩm sinh học từ các công ty nước ngoài ào ạt đổ xuống đồng tôm, vuông tôm, nhưng hầu như người nuôi không thể hiểu nổi ngoài tác dụng cho tôm chóng lớn, nó còn có tác hại gì. Chỉ thấy rằng chất thải từ “tôm công nghiệp” càng ngày càng nhiều, mà hệ thống thủy lợi thì không thể “thông” nổi.

Toàn bộ hệ thống kênh mương cống bọng sử dụng cho nuôi tôm hiện nay được thừa hưởng từ quá trình ngọt hóa trồng lúa trước kia. Oái oăm, nuôi tôm lại cần một hệ thống thủy lợi khác, mà điều này thì chưa ai có kinh nghiệm. Nguyên tắc đầu - cuối trong xả nước, lấy nước vào vuông tôm cực kỳ lộn xộn do thủy lợi thiếu hoàn chỉnh. Nhà Mát, một phường giáp biển của Thị xã Bạc Liêu mấy năm nay cũng chuyển dịch sang nuôi tôm, nhưng giờ đây, nhiều dòng kênh bồi lắng, cạn kiệt, khiến việc lấy, xả nước vô cùng trắc trở. Khu vực này, chỉ cần một hộ có tôm bị bệnh đốm trắng thì coi như xung quanh chịu chết, bởi người thì xả nước thải, ô nhiễm ra kênh, người khác lại lấy vào vuông tôm, tránh sao được rủi ro?

Cả một vùng tôm rộng lớn như thế, nhưng đến nay vẫn chưa có trại giống tập trung, và chợ tôm quy mô thế nào thì phải… nghiên cứu thêm. Trung bình mỗi năm, cả “mỏ tôm” cần từ 30-35 tỷ con giống, nhưng hơn phân nửa số này phải nhập từ miền Trung. Trong đó, hơn 50% là giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Một cán bộ ngành thủy sản chân tình nói: Như vậy đã là khá lắm rồi, mấy năm trước, phải hơn 80% lượng giống kém. Để giải quyết vấn đề này, nhiều địa phương trong vùng đã bắt đầu trang bị máy xét nghiệm bệnh tôm, chủ yếu để kiểm tra chất lượng tôm giống. Tuy nhiên, cũng dở cười dở khóc. Gần đây, có một xét nghiệm ở địa phương nọ kết luận gan con tôm giống bị… nhiễm mỡ! Nhưng như vậy đã là có tiến bộ. Con tôm sú giống chỉ lớn hơn sợi tóc một chút xíu, nhưng trước đây việc xét nghiệm bệnh tôm chủ yếu bằng… mắt thường!

Phó Giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng Nguyễn Văn Lai cho rằng, công nghệ sinh học có thể giải quyết được mọi vấn đề, từ ô nhiễm môi trường đến con giống. Gen lúa đã được giải mã, nhưng bộ gen tôm, cá thì chưa. Bao giờ thì nhà khoa học và nhà nông mới gặp được nhau để đưa nghề nuôi tôm lên mức… bền vững?

Nghề cá đang “rụm” dần!

Dọc các cửa biển miền Tây bây giờ, cảnh tàu biển nằm bờ hiện ra trước mắt giống như một bức tranh ảm đạm. Sinh khí nghề cá hàng mấy chục năm nay giờ bỗng chùng xuống như một quả bóng xì hơi. Những thị trấn, thị tứ một thời sung túc và được đánh giá có bước phát triển chưa từng thấy ở vùng biển cực Nam Tổ quốc đang “rụm” dần. Quốc doanh đánh cá Kiên Giang một thời hào hùng là vậy, nhưng giờ cũng đang sống… thoi thóp. Nhiều người từng gắn bó với những địa danh Sông Đốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm, Bảy Háp, Gành Hào, Trần Đề... nói trong niềm xót xa: “Với đà làm ăn như hiện nay thì không bao lâu nữa, ngư dân nơi đây sẽ được xếp vào diện... nghèo và nợ nhiều nhất nước”.

Hiện nay, vật lực phục vụ việc đánh bắt xa bờ rất hạn chế. Cả vùng biển TâyNamchỉ có một số tàu trang bị được máy định vị, tầm ngư, còn lại là họ chỉ trang bị cho hệ thống thông tin liên lạc và tầm ngư bằng… kinh nghiệm. Chỉ tính riêng hệ thống liên lạc của các tàu cá cũng đã thấy lắm vấn đề. Hầu hết máy móc đều được mua từ nhiều nguồn, không có chủng loại gì cả. Khi cần liên lạc thì dò tần số như… dò radio. Chính vì điều này mà mỗi lần có bão, việc gọi tàu vào đất liền là một việc cực kỳ khó.

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên dưới 1.043 tàu thuyền khai thác biển các loại, trong đó chỉ có 368 chiếc có khả năng đánh bắt xa bờ, chiếm 35,28%. Trong tổng số tàu thuyền này chỉ có 394 chiếc là làm nghề lưới kéo, còn lại làm lưới rê, câu mực, te, xiệp. Nguyên nhân chính là do ngư cụ khai thác biển của ngư dân đa số còn đơn nghề, thiết kế ngư cụ còn mang tính truyền thống, nhiều nhược điểm và chậm được cải tiến. Hầu hết ngư dân thiếu thông tin, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiết kế ngư cụ kém, chưa phù hợp.

Với đội tàu trên 4.500 chiếc các loại, trong đó có khoảng 1.063 chiếc đánh bắt xa bờ, Cà Mau được xếp vào hàng “anh chị” trong cả nước. Thế nhưng, thiết bị phục vụ cho việc khai thác biển chưa được quan tâm đúng mức. Không có vốn để trang bị máy móc đã đành, nhưng một phần cũng do tình hình an ninh trên biển không tốt nên ngư dân không dám mua những thiết bị phụ trợ đắt tiền. Chú Bảy Kim, một ngư phủ lâu đời tại thị trấn Sông Đốc khua tay: “Tình trạng cướp biển xảy ra liên tục trên vùng biểnTâyNamtrong những năm gần đây làm cho ngư dân ngán ngại đầu tư. Máy tầm ngư, định vị… mỗi cái trên 150 triệu đồng, chưa kể tới những ngư cụ khác và vỏ tàu, nếu bị bắt một chiếc là coi như ôm nợ cả tỷ đồng. Ngư dân ở đây chẳng ai dám mua sắm, trang bị thêm máy móc. Làm bằng kinh nghiệm là chính, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”.

Để đánh bắt xa bờ có hiệu quả, người dân có được lãi cao cần phải có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá tốt. Hiện nay mọi thứ từ nguyên vật liệu, nhiên liệu… phục vụ đánh bắt xa bờ đều biến động, trong khi giá cả lại thấp nên ngư dân đòi hỏi nhà nước làm sao hỗ trợ tốt công tác hậu cần. Thay vì sau khi đánh được cá, ngư dân phải chạy hàng trăm cây số vào bờ tiếp thêm nhiên liệu, bán cá thì nay họ cần làm việc ấy ngay trên biển.

Bao giờ thì ngư dân- ngoài kinh nghiệm đánh bắt truyền thống còn kết hợp được với kiến thức, thiết bị hiện đại và sản lượng làm ra - có chỗ tiêu thụ với giá cao, thành phẩm tinh chế, xuất ngoại như mong muốn? 

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng13/4/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới