Khắc tinh của “đinh tặc”
Cái khó ló cái khôn
Ông Trần Dân Tiến, ngụ tại 24 Lê Công Nghiệp, quận Bình Tân, TPHCM (điện thoại: (08) 8.754932) cho biết, ý tưởng chế tạo loại bơm hơi tiện dụng và keo tự vá này xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân. Ông kể, cách đây hơn 10 năm, trong một lần chạy xe gắn máy từ Bình Dương về TPHCM không may chiếc xe máy mà ông Tiến đang điều khiển với tốc độ gần 70km/h bất ngờ cán phải đinh và xẹp bánh. Mặc dù là thợ sửa chữa xe gắn máy chuyên nghiệp nhưng lúc đó, ông Tiến đành bó tay vì không đem theo đồ nghề. “Đồng hồ trên tay tôi chỉ 2 giờ sáng và xung quanh đường vắng tanh, tôi vô cùng hoang mang nhưng cũng tự nhủ là cố gắng dắt bộ đến đoạn có người. Từ đó, tôi nung nấu ý định sáng chế ra loại keo tự vá, để có thể chủ động tự mình có thể vá xe bất kỳ lúc nào nếu không may xe bị xẹp bánh giữa đường”, ông Tiến cho biết.
Rồi ông tự mò mẫm, chế tạo keo tự vá xe. Thành phần chính của loại keo tự vá gồm cao su dạng lỏng cùng với một số phụ gia để không làm nhão ruột xe, đồng thời, có tác dụng bít các lỗ thủng rất hiệu quả. Sau thành công với keo tự vá, ông Tiến tiếp tục suy nghĩ cách sáng chế ra loại bơm hơi tiện dụng thay thế cho loại bơm hơi thông thường vốn cồng kềnh, không thể lúc nào cũng đem kèm theo bên xe. Bơm hơi tiện dụng do ông Tiến chế tạo hoạt động theo nguyên lý lấy hơi từ pitton để bơm trực tiếp vào bánh xe thông qua dây bơm hơi.
Ông Tiến cho biết, phải mất tới 6 năm kể từ khi xuất hiện ý tưởng, cộng thêm 4 năm mày mò nghiên cứu thì mới làm ra được keo tự vá và bơm hơi tiện dụng. Đã không biết bao nhiêu lần, ông đã có ý định bỏ cuộc bởi chi phí cho nghiên cứu và tiến hành sản xuất thử sản phẩm quá tốn kém... Ông đã mất đến tiền triệu để mua đồ về thử nghiệm, thử rồi lại bổ sung những tính năng mới để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình.
55 ngàn đồng mua được sự an tâm
Ông Tiến cho rằng, bỏ ra 55.000đ để “thủ sẵn” theo bộ keo và bơm này trong xe thì sẽ không lo những chuyện trục trặc như thủng xăm, bánh xe bị hết hơi hoặc non hơi khi đang đi ở đoạn đường vắng, nhất là khi đi qua những con đường bị nạn “đinh tặc”. Bộ keo và bơm hơi này hiện đang được bán rộng rãi trên thị trường TPHCM, tác giả đang tìm đối tác để có thể phát triển sản phẩm ra thị trường miền Bắc. Cuối năm 2007, ông Tiến đã quyết định lập ra cơ sở sản xuất để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Hiện nay, một tuần ông Tiến tiêu thụ được khoảng 2.500 - 3.000 chai keo, 1.500 - 2.000 bộ bơm hơi. Hai sản phẩm này đã được ông đăng ký sở hữu trí tuệ. Bỏ tiền túi ra để nuôi lớn sáng chế, ông Tiến đã thành công khi được thị trường đón nhận một cách nhiệt tình.
PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, trưởng khoa Điện tử viễn thông, đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đây là một ý tưởng sáng tạo mang nhiều tính ứng dụng hơn là tính sáng chế phát minh. Bản thân chất để làm keo tự vá rất phổ biến, kết hợp với một số phụ gia khác là có thể tạo ra được một lớp keo tự kết dính bên trong chiếc săm thông thường. Đây có thể coi là một giải pháp hữu ích cho xe gắn máy, đặc biệt là trên những tuyến đường “đinh tặc” hoành hành.
Ông Tiến cho biết rất sẵn sàng hợp tác với những nhà đầu tư để phát triển hai sản phẩm này. Ông Tiến cũng cho hay rằng sắp đưa ra thị trường sản phẩm keo tự vá dành cho xe đạp và đang bắt tay vào nghiên cứu keo tự vá dành cho xe ô tô.
Cách sử dụng chai keo tự vá và bơm hơi tiện dụng Chai keo tự vá ruột xe gắn máy từ giá 25.000đ/chai (200ml): bơm hết chai keo vào săm xe trước khi lưu thông (thông qua vòi của săm xe), khi nghiến phải đinh, săm xe sẽ không bị xì, không cần phải rút đinh ra, xe vẫn có thể chạy như bình thường mà không cần phải vá săm. Sau một thời gian sử dụng, nếu bánh xe bị mềm thì tiếp tục bơm thêm 1 chai keo nữa vào săm (keo sau khi bơm vào trong săm xe có tác dụng từ 2 - 6 tháng), bơm thêm hơi cho bánh xe và tiếp tục lưu thông. Bộ bơm hơi tiện dụng (30.000đ) nhỏ gọn, có thể cất vào cốp xe, sử dụng như sau: mở chỗ bugi của xe gắn máy, lắp van một chiều của bộ bơm hơi vào đây (không cần siết cứng), đầu còn lại của bộ bơm hơi cắm vào van săm xe. Đạp máy khoảng 15 - 20 lần là đầy hơi, bánh xe sẽ đủ cứng. Trường hợp bơm bánh sau thì phải trả về số 0, để chống nghiêng khi đạp máy; xe tay ga thì phải bóp phanh sau (vì khi đạp máy hay đề bánh xe sau sẽ quay, làm kéo đứt dây bơm). |
Nguồn: KH&ĐS, số 59, 15/5/2008, tr 4