Khắc phục sự cố dầu loang bằng công nghệ Việt Nam
Ông giải thích dầu loang gồm 2 loại lỏng và đặc, vì vậy có thể dùng vật liệu hút dầu để hút dầu lỏng và dùng lưới dày để gạn dầu đặc sau khi đã thả phao vây lại để dầu không lan rộng.
Công nghệ xử lý dầu loang này được nghiên cứu bởi một nhóm nhà khoa học ở TP Hồ Chí Minh gồm TS Nguyễn Trần Dương, kỹ sư Lê Ngọc Khánh, TS Trần Trí Luân và giáo sư Nguyễn Hữu Niếu.
Tấm sợi hút dầu Sow.Th
Tấm sợi và phao hút dầu. |
Khi những tấm này hút đầy dầu, thay các tấm mới để tiếp tục hút đến hết, đồng thời đưa các tấm đã hút đầy dầu lên tàu (thuyền) để vắt lấy dầu. Vấn đề mấu chốt ở đây là tấm sợi hút dầu và phao chắn hút dầu được làm bằng gì, công dụng ra sao, thời gian sử dụng thế nào.
Ông Khánh đưa cho phóng viên xem mỗi tấm sợi hút dầu và phao hút dầu đều có hình chữ nhật, dài khoảng 1,5 m, ngang khoảng 30 cm, dày khoảng 10 cm.
TS Nguyễn Trần Dương, chủ nhiệm công trình này, cho biết: Tấm hút dầu được làm từ một loại sợi tổng hợp hút dầu Petro-Abs, có 2 loại, ký hiệu Sow.Th.1 và Sow.Th.2. Sow.Th.1 chủ yếu hút các loại dầu nhẹ: diesel, dầu hỏa, dung môi hữu cơ, dầu thực vật... Mỗi kg vật liệu hút mỗi lần được 25-30 kg dầu, khả năng tái sử dụng đến 400 lần. Sow.Th.2 dùng để hút các loại dầu thô, FO, cao su lỏng, nhớt... Mỗi kg vật liệu có thể hút từ 60-65 kg dầu, có thể tái sử dụng trên 600 lần, như vậy mỗi kg có thể thu được từ 40-50 tấn dầu. Sau khi dầu được hút vào các tấm hút, công đoạn tiếp theo là đưa lên tàu để vắt lấy dầu (bằng máy).
Máy tách dầu khỏi nước
Những sáng chế “Phương pháp sản xuất vật liệu thu gom dầu loang dạng sợi” và “Thiết bị tách dầu-nước” của kỹ sư Lê Ngọc Khánh đã được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 1999 và bằng sáng chế của Cục Sáng chế Nhật Bản. |
Kỹ sư Lê Ngọc Khánh còn giới thiệu một loại máy tách dầu ra khỏi nước có tên là OWS do ông chế tạo cách đây gần 10 năm.
Ông đổ hỗn hợp dầu - nước vào máy, chỉ tích tắc nước ra đằng nước, dầu ra đằng dầu bằng 2 vòi khác nhau. Thiết bị này có công suất 50 m3/ngày (mô hình thử nghiệm). Máy có khả năng xử lý nước thải chứa dầu tới độ sạch dưới 1 ppm.
Kỹ sư Khánh giải thích nguyên lý hoạt động của máy: Trong ruột máy có một tấm lưới mỏng, lỗ to cỡ 1-2 cm, bằng hợp kim đặc biệt. Khi hỗn hợp dầu - nước đổ vào thùng, máy sẽ làm cho tấm lưới rung, tạo ra điện từ trường và chính điện từ trường này tác động lên dầu và đẩy dầu lên nửa phía trên của thùng máy chảy ra ngoài theo một vòi riêng, còn nước chìm xuống nửa dưới chảy theo ống khác.
Điều đặc biệt là máy tự hoạt động khi có hỗn hợp dầu - nước đổ vào, không cần dòng điện. Máy này được gắn trên tàu chuyên xử lý sự cố tràn dầu. Đến vùng có dầu loang, chỉ cần đặt ống dẫn hút dầu – nước lên, cho chảy qua máy này, dầu sẽ được tách ra, còn nước chảy xuống biển.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thiết bị có thể xử lý 200 m3 nước nhiễm dầu/ngày và có thể ghép 10 máy lại với nhau cho tổng công suất xử lý lên 2.000 m3/ngày.
Giá thành “cực rẻ” Kỹ sư Lê Ngọc Khánh cho biết: Với sự cố tràn dầu hiện nay chỉ cần dùng máy bay trực thăng hoặc tàu ứng cứu tràn dầu chở vật liệu hút dầu ra khu vực có dầu (đã phong tỏa bằng phao) thả xuống để hút dầu. Một tấn vật liệu hút dầu có thể hút được 40.000 – 50.000 tấn dầu. Giá thành mỗi tấn vật liệu hút dầu của Việt Nam “cực rẻ” so với vật liệu hút dầu của nước ngoài. Với cách xử lý như trên, thời gian khắc phục sự cố sẽ được rút ngắn rất nhiều so với cách thu gom thủ công hiện nay và môi trường được làm sạch triệt để. Ông Khánh nói sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng khắc phục sự cố dầu loang trên biển. |