Khắc ghi lời dạy của Bác “… bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”
Người đã ba lần về thăm bộ đội Hải quân và khi Bác về thăm lần thứ hai (ngày 15 tháng 3 năm 1961), Bác dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy Hải quân về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam và căn dặn bộ đội Hải quân phải tìm cách bảo vệ đảo sao cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển, hải đảo của ta và vũ khí trang bị Hải quân hiện có. Bác khen ngợi bộ đội Hải quân vì những thành tích bước đầu nhưng lưu ý về nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho và động viên cán bộ chiến sĩ Hải quân cố gắng để tiến bộ nhiều hơn.
Đến khi ra vịnh Hạ Long, lúc thuyền đưa Bác vào thăm hang Dấu Gỗ - nơi Trần Hưng Đạo dùng làm căn cứ hậu cần sản xuất cọc gỗ để cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên – Mông xâm lược, Bác căn dặn: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ lấy nó.
Khắc ghi lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng đã không tiếc máu xương, quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Hải quân nhân Việt Nam đã chiến đấu và xây dựng quân chủng lớn mạnh không ngừng. Chiến công đầu tiên mãi mãi đi vào lịch sử như một huyền thoại của chiến thuật “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”. Đó là vào đầu tháng 8 – 1964, Hải quân ta đã đánh đuổi tàu Ma đốc của hạm đội Mỹ xâm nhập hải phận miền Bắc ngày 2 và 5 – 8 – 1964, buộc chúng phải tháo chạy khỏi vùng biển nước ta. Với chiến công ấy, ngày 5 – 8 – 1964 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Suốt chặng đường đánh Mỹ, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến tích vang dội, một trong những chiến tích đó là việc khai sinh Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Đây là tuyến đường vận tải vũ khí bí mật của lực lượng hải quân cho chiến trường miền Nam. Trong 10 năm từ 1962 đến 1972, đã có gần một trăm lượt con tàu bí mật của Đoàn 125 xuất phát, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, phương tiện và hàng trăm cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, gắn với tên tuổi nhiều anh hùng như Nguyễn Phan Vinh và con tàu 235 – một bản anh hùng ca bất tử trên vùng biển Hòn Hèo, Khánh Hòa.
Đất nước độc lập, thống nhất, Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hàng trăm chiến sỹ ngày đêm sống giữa biển khơi, họ coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Họ quên nỗi khó khăn, vất vả và sự hy sinh bản thân mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc (sự kiện ngày 14 – 3 – 1988 ở Trường Sa). Ngoài nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Tổ quốc, Hải quân nhân dân Việt Nam còn có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, cùng các lực lượng khác trong quân đội tìm kiếm, cứu vớt nhiều tàu thuyền và tính mạng của người dân trong và ngoài nước. Vì những thành tích to lớn và vẻ vang của mình, hải quân nhân dân Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xứng dáng với lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa.
Lời dạy của Bác không chỉ đối với lực lượng hải quân mà đó còn là lời căn dặn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển là một chiến lược vô cùng quan trọng của chúng ta. Lịch sử chống giặc ngoại xâm cho thấy, trong mười ba lần xâm lược nước ta đã có mười lần kẻ thù xâm nhập từ hướng biển. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển đảo, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện chính sách nhất quán về chủ quyền vùng biển và hải đảo. Nghị quyết hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 với nhận định thế kỷ 21 là “Thế kỷ của đại dương”, phấn đấu đến năm 2020 nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển. Thực hiện nghị quyết của đảng, thời gian qua, Nhà nước và các địa phương đã có nhiều chính sách và việc làm thiết thực đối với nhân dân và chiến sĩ hoạt động trên biển như việc phủ sóng Đài tiếng nói Việt Nam đến toàn bộ khu vực lãnh hải Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hoạt động phối hợp giai đoạn 2008 – 2012 về phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, thanh niên cả nước về vị trí chiến lược của biển, đảo; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Theo chương trình, tuổi trẻ cả nước sẽ ủng hộ 50 tủ sách “Tri thức xanh”, xây dựng 80 cột điện sử dụng năng lượng mặt trời, lắp đặt 11 phòng máy vi tính trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Tổ chức thực hiện chương trình tàu thanh niên “Hành trình tuổi trẻ vè Trường Sa thân yêu”; Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức tuyên truyền biển, đảo cho 29 tỉnh thành ven biển; Tháng 10 vừa qua, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Chính trị Hải quân tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Hát về Trường Sa thân yêu – hát về biển đảo Tổ quốc” tại hai điểm cầu: Thành phố Hồ Chí minh và đảo Trường Sa lớn, huyện đảo Trường Sa. Chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa dù còn nhiều khó khăn vất vả nhưng ấm lòng hơn vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay chung sức của cả nước hướng về Trường Sa thân yêu.
Với hơn 3.260 km kéo dài từ Bắc đến Nam, cùng với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế rộng hươn 200 hải lý, thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán rộng hơn một triệu kilomet vuông với nhiều vịnh biển có giá trị và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ ngoài cửa biển. Việt Nam được coi trọng là nước có vị trí chiến lược thuận lợi về biển. Những lợi ích mà biển đem lại là điều không thể phủ nhận, trong đó có lợi ích về quốc phòng an ninh là quan trọng nhất. Do vị trí chiến lược thuận lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và an ninh quốc phòng cho nên vấn đề khai thác nguồn lợi và quản lý bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc đã được đặt ra như một tất yếu từ rất sớm trong quá trình xây dựng, phát triển đối với dân tộc ta.
Ngày nay, để trở thành quốc gia “mạnh về biển”, chúng ta còn nhiều việc phải làm, phải phấn đấu như phải có chính sách đầu tư tương xứng hơn cho lực lượng hải quân bởi phương tiện, trang thiết bị như hiện nay chưa tương xứng với vai trò và nhiệm vụ của lực lượng này, trong khi lực lượng hải quân các nước trong khu vực như Trung Quốc đã mạnh lên rất nhiều. Trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII tháng 10 vừa qua có ý kiến cho rằng cần phân bổ ngân sách hợp lý hơn để tăng cường bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; Nhà nước cần đầu tư, quan tâm hơn nữa đến đời sống cán bộ, chiến sĩ đang từng ngày bám trụ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên các hải đảo xa xôi. Đó là các ý kiến chân thành, những nhận thức rất sáng suốt với tình cảm và trách nhiệm to lớn đối với đất nước, với lực lượng Hải quân và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng từ hướng biển.
Để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình hiện nay, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền biển đảo cho toàn dân như cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương lần đầu tiên phát động và khởi xướng là một hình thức tuyên truyền rất hiệu quả để nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của biển đảo đối với quốc phòng, an ninh, đối với phát triển kinh tế để phát huy sức mạnh của toàn dân hướng ra biển. Khuyến khích các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm giúp đỡ, động viên bộ đội hải quân nói chung và các chiến sĩ, nhân dân Trường Sa nói riêng về cả vật chất và tinh thần để họ yên tâm huấn luyện, chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió, nơi hải đảo xa xôi bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra cần có chiến lược hợp lý giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh; có chính sách động viên khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ vì ngoài việc phát triển kinh tế, họ còn là lực lượng to lớn trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Nhà nước sẵn sàng bảo vệ ngư dân khi họ bị các lực lượng nước ngoài vô cớ…
Thực hiện tốt các nội dung trên là chúng ta đã làm theo lời Bác dạy, chúng ta đã biết “giữ gìn lấy nó”. Giữ gìn, theo Bác không có nghĩa chỉ là bảo vệ mà còn phải biết khai thác sử dụng hợp lý để phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đây cũng là một trong những nội dung mà cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động mong muốn.