Hội tụ tiến hoá ở loài ếch độc
Valerie Clark từ Đại học Cornell (Mỹ) và cộng sự đã tìm thấy những con ếch độc ở Madagascar và Nam Mỹ cần đến loại thức ăn tương tự nhau để có được độc tính của mình.
Ếch độc có bộ da phủ đầy chất alkanoid làm vũ khí tự vệ chống lại kẻ thù. Vì không thể tự mình tiết ra độc chất này, chúng đánh cắp từ kiến bằng cách duy trì chế độ ăn đều đặn gồm những con kiến rất giàu alkanoid.
Quá trình tiến hoá hội tụ diễn ra như sau: Đầu tiên, các loài kiến có hàm lượng alkanoid cao xuất hiện trên hai lục địa độc lập. Sau đó, những con ếch đã phát triển khả năng kháng lại alkanoid: thay vì khạc kiến ra hoặc thải alkanoid qua hệ thống tiêu hoá, chúng giữ kiến lại làm bữa tối. Tiếp đến ếch tiến hoá để tự mình sử dụng các alkanoid này.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra thức ăn trong dạ dày của 21 con ếch thuộc chi Mantella và tìm thấy những con kiến giàu alkanoid chiếm tới 67% khối lượng thức ăn của chúng.
Không chỉ có thế, họ còn tìm thấy nicotin - hoá chất có mặt trong thuốc lá - ở 1 trong số 22 con ếch được kiểm tra. Nicotin do thực vật sinh ra, và đôi khi có thể tìm thấy trên động vật ăn những thực vật này. Song tới nay, không có loài cây tiết nicotin nào được tìm thấy trong vùng mà loài ếch trên sinh sống. Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học quan sát được hiện tượng này và họ không rõ bằng cách nào chất trên đi vào cơ thể của ếch.
“Nhóm của chúng tôi chưa khảo sát về những loài có thể chứa nicotin trong vùng tìm thấy ếch-nicotin, cũng không tìm thấy mẫu côn trùng nào chứa nicotin. Tuy nhiên đây là một số bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy chuỗi thức ăn độc thực vật-côn trùng-ếch là tồn tại”.
Ếch Madagascar cũng có chung nhiều đặc điểm khác với họ hàng Nam Mỹ của chúng như đẻ trứng trên đất, kích cỡ cơ thể nhỏ và hàm không răng. Bên cạnh đó, cả ếch ở Nam Mỹ và Madagascar đều tiến hoá màu da “đừng có động vào tôi” – màu da khiến kẻ thù phải cao chạy xa bay - bước cuối cùng trong sự tiến hoá hội tụ đa cấp.
Nguồn: vnn.vn 10/8/2005