Hội chứng rối loạn sinh sản và hô háp(PRRS), phương pháp phòng và trị
1. Dịch tễ học:
Thời gian gần đây tại một số địa phương xuất hiện một hiện tượng bệnh với các đặc điểm rất điển hình như sau:
+ Bệnh xuất hiện ở tất cả các hình thức chăn nuột lợn: chăn nuôi gia đình, thả rông, vừa nhốt vừa thả, nuôi nhốt theo kiểu trang trại.
+ Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi lợn, nhưng thường thấy bắt đầu từ nái chửa, nái đẻ rồi lây sang lợn con theo mẹ, lợn lúc cai sữa và vỗ béo.
+ Bệnh có xu hướng lây lan mạnh và rất nhanh từ nhà này sang nhà khác, từ xóm này sang đến xóm khác do tiếp xúc trực tiếp nhưng bệnh cũng có khả năng truyền qua phôi thai, tinh dịch...
+ Bệnh do virút chứa ARN, viết tắt là PRRS.
2. Biểu hiện lâm sàng:
Bệnh có các biểu hiện điển hình như sau:
a. Lợn nái chửa và nái đẻ:
- Bệnh xuất hiện từ từ bằng việc chảy nước mắt dàn dụa, mệt mỏi, lờ đờ hoặc lúc ăn lúc không.
- Lợn bệnh sốt không cao từ 40 - 41 0C và chỉ sốt 1 - 2 ngày đầu hoặc sốt ngắt quãng, da ửng đỏ (phát ban).
- Sau 5 - 7 ngày thì thấy một số nái chết bị sẩy thai đặc biệt là vào cuối kỳ II hoặc đẻ sớm 5 -7 ngày hoặc đẻ chậm 3 - 7 ngày do chết thai, lợn con đẻ ra nhợt nhạt rất yếu, trong đó có một số con chết từ trước (thai khô). Số lợn con sống sót ngơ ngác, không linh hoạt, chân choạng rộng ra, đứng không vững, run rẩy.
- Trong đàn nái đẻ ta thấy một số con nái ốm bị táo bón, một số khác bị tiêu chảy. Chúng vẫn có phản xạ ăn, nhất là rau xanh nhưng chỉ ăn ít rồi bỏ.
- Lợn đực giống: thiếu hung hăng, không chịu nhảy đực, tinh trùng loãng và hay nằm.
Lợn ốm rất dễ bị bệnh bội nhiễm nên tùy thuộc vào căn nguyên thứ phát để có thêm bức tranh lâm sàng.
b. Lợn con theo mẹ, lợn cai sữa và lợn choai:
- Khác với lợn mẹ ở lợn con sơ sinh bệnh xảy ra đột ngột: mệt mỏi, lờ đờ và kèm theo sự khó thở và sốt khoảng 40 - 41 0C, run rẩy và rất yếu:
- Lợn bệnh bị viêm phổi nặng khi xua đuổi thì lợn nhanh mệt và ngồi thở kiểu chó ngồi rất giống bệnh suyễn, tim đập nhanh, mạnh và lợn dễ bị chết do trụy hô hấp.
- Đa phần lợn ốm đều có sự phát ban đỏ trên da, đặc biệt là rìa tai và chỏm tai, sau vài ngày rìa tai và chỏm tai có màu xanh tím do đó bệnh được một số người gọi là bệnh tai xanh. Hiện tượng viêm tím xanh tai đã dẫn đến hoại tử quăn tai gây tò mò cho những lợn khác cắn gặm làm chảy máu tai và tạo điều kiện cho bệnh thứ phát.
- Một số khác chảy nước mắt dàn dụa và phát ban đỏ xung quanh mắt sau chuyển thành màu thâm tạo quầng, mắt lõm sâu cho ta có cảm giác như lợn đeo kính dâm.
- Một số khác bị tiêu chảy nặng, phân có mùi khó chịu. Lợn ốm nằm chụm đống lại với nhau. Tỷ lệ chết rất cao do bệnh thứ phát.
3. Bệnh tích PRRS:
Mổ khám lợn chết chúng ta thấy:
+ Bệnh tích đặc trưng ở lợn nái là thai bị sảy, lợn con chết yểu hoặc bị chết lưu thai.
+ Phổi bị viêm hoại tử tạo ra các đám rắn chắc tập trung ở thuỳ đỉnh hoặc thuỳ giữa nhưng cũng thấy ở thùy phụ và nửa dưới thùy hoành.
+ Thùy phổi bệnh có màu xám đỏ, có mủ đặc và chắc. Nếu cắt ngang ta thấy mô phổi lồi ra có màu loang lổ như tuyến ức.
Ở lợn con:
- Trên xác lợn con bị chết lưu đã thấy một số đám bị hoại tử thối rữa.
- Lợn con sinh ra nhợt nhạt, chết yểu và bệnh tích cũng tập trung chủ yếu ở phổi.
Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy bệnh tích rất đa dạng trong một số trường hợp bị bệnh kế phát.
4. Chẩn đoán bệnh PRRS:
Xét các bệnh có các triệu chứng: Sẩy thai, thai chết lưu, sinh con chết yểu. Các triệu chứng của đường hô hấp, sốt ngắt quãng, sốt không cao, lợn bệnh sút chậm, có phản xạ ăn nhưng không ăn, lúc táo bón, lúc tiêu chảy thì liên quan đến các bệnh:
a. Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp PRRS.
b. Bệnh do xoắn khuẩn - Leptospyrosis
c. Bệnh dịch tả lợn (Pestis suum - Classical swine Fever).
d. Bệnh viêm não và cơ tim do virút Nhật Bản -Japnanis Encephalitis.
e. Bệnh giả dại - Aujeszky.
Chẩn đoán phân biệt:
1. Bệnh viêm não Nhật Bản:
- Các thai chết vào các giai đoạn phát triển khác nhau.
- Các thai bị dị dạng.
- Lợn con sinh ra cũng bị dị dạng, có triệu chứng thần kinh.
- Tràn dịch não.
- Khuyết tật não.
- Lợn đực bị phù nề tinh hoàn, tụ huyết thâm tím, tinh hoàn.
2. Bệnh giả dại:
- Sảy thai và chết thai, lợn con sinh ra có triệu chứng thần kinh, đạp 2 chân bơi trong không khí.
- Xuất huyết lấm tấm ở thận, hoại tử gan.
- Xét nghiệm não có virút
3. Bệnh cúm lợn:
- Lợn con bị sốt buồn bã nằm chụm đống với nhau.
- Thở nhanh, ho nặng kèm sổ mũi.
- Khí quản chứa đầy chất nhầy, nhiều bọt.
- Phổi bị viêm gan hóa.
4. Viêm màng phổi:
- Lợn ốm ủ rũ hay nằm, tím tái toàn thân.
- Ứ đọng dịch đỏ ở lồng ngực, màng phổi bị viêm dính.
- Phổi, màng phổi bị viêm kèm theo xuất hiện sợi huyết
- Phổi bị mưng mủ có màu trắng xám.
- Phân lập được vi khuẩn Actinobaccilus (-).
5. Bệnh suyễn:
- Bệnh tích tập trung ở thùy trước và thuỳ giữa của phổi và luôn bị đối xứng.
- Không có sẩy thai.
6. Bệnh do Toxoplasma
- Viêm dính kết mạc mắt
- Xanh tím ở tai.
- Phổi lốm đốm xuất huyết phù nề.
- Màng treo ruột bị xung huyết xuất huyết và bị phù nề.
- Hạch bách huyệt bị viêm hoại tử.
Song theo những gì mà bệnh đang xuất hiện trên thực tế thì chúng tôi nghi đó là bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản - viết tắt là PRRS.
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, các chủ chăn nuôi cần lưu ý theo dõi 3 chỉ tiêu để khẳng định là bệnh PRRS gồm:
+ Trong đàn nái có hiện tượng đẻ non và sảy thai vượt quá 80%/tổng đàn nái.
+ Các ổ đẻ có thai chết vượt quá 20%.
+ Lợn con sơ sinh chết trong tuần đầu vượt quá 25%.
5. Điều trị:
* Bệnh PRRS là do virút Lelystad gây ra, do đó về nguyên tắc thì không có thuốc đặc trị. Nhưng do bản chất bệnh rất bị bội nhiễm với các vi khuẩn khác nên chúng ra có thể áp dụng một số phác đồ điều trị sau để giảm bớt thiệt hại.
Bước 1: Tiêm an thần Vnathazin: 1m/10kgP/lần.
Bước 2: Sau 5 - 10 phút tiêm Lincosep: 1 ml/8kgP đối với lợn choai và lợn lớn, tiêm 1ml/5kgP đối với lợn con theo mẹ.
Để giảm ho trợ tim ta có thể dùng thêm Bromhexin 1ml/10kgP và thuốc bổ cafein 1ml/5-7kgP, vitamin E + Selen; Bogama 1ml/10kgP.
- Ta có thể thay Lincosep bằng Vidan.T hoặc Spectilin, Spectyl.
- Nếu lợn con bị tiêu chảy nặng ta cho chúng uống 1 trong các loại: PTLC, Fatra, T.Tere.
- Riêng nái đẻ hoặc sảy thai thì phải thụt rửa bằng thuốc T.Metrion 50ml/lần/nái, ngày thụt rửa 2 lần, liên tục 2 - 3 ngày.
6. Phòng bệnh:
a. Phòng bệnh bằng việc áp dụng các nguyên tắc vệ sinh thú y nghiêm ngặt
b. Có một số loại vacxin bước đầu đang sử dụng ở nước ta như:
+ Porcillis PRRS của Hà Lan.
+ BSL- PS. 100 của Singapo.
- Hầu hết các loại vacxin đều sử dụng cho lợn nái ngay sau khi cai sữa hoặc 15 ngày trước khi đẻ.
- Đối với lợn đực giống: phải tiêm phòng 01 tháng trước khi sử dụng lấy tinh phối giống hoặc cho nhảy trực tiếp.
- Đối với lợn con: tiêm vacxin lần 1 lúc 15 ngày tuổi và tiêm nhắc lại sau 3 tuần.
Tuy nhiên hiệu lực của các loại vacxin nêu trên chưa đáp ứng được mong muốn của người chăn nuôi.
Nguồn: T/c Chăn nuôi, 6/2007, tr 47