Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 23/07/2009 16:25 (GMT+7)

Hoàng Xuân Hãn với Nội các Trần Trọng Kim

Từ trước đến nay chỉ có rất ít công trình nghiênn cứu đề cập đến vai trò và hoạt động cụ thể của Hoàng Xuân Hãn và nhóm trí thức yêu nước trong Nội các Trần Trọng Kim. Bản thân Hoàng Xuân Hãn cũng không công bố tài liệu gì, ngoại trừ một bài ông viết để tưởng nhớ người bạn tâm giao, người đồng sự, đồng chí hướng một thời là luật sư Phan Anh (1). Bên cạnh những thông tin khá ít ỏi từ tài liệu báo chí, lưu trữ và một vài công trình nghiên cứu được công bố ở Việt Nam và nước ngoài, những cuốn hồi ký của một số nhân chứng lịch sử, như Phạm Khắc Hòe (2) và Vũ Đình Hòe (3) và những trang hồi tưởng của Lê Trọng Nghĩa (4) góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu và phục dựng một phần sự thật lịch sử.

Trí thức yêu nước Hà Nội

Để hiểu rõ hơn về vai trò và hoạt động của Hoàng Xuân Hãn trong Nội các Trần Trọng Kim trước hết phải hiểu rõ thái độ và thế ứng xử của cả nhóm trí thức yêu nước ở Hà Nội trong thời kỳ Thế chiến thứ II trước khi nổ ra cuộc đảo chính Nhật - Pháp.

Trong số các chính đảng của người Việt Nam vào thời điểm bùng nổ Chiến tranh thế giới có không ít chính đảng và phong trào đã phân tích và dự đoán sai về xu hướng diễn biến của thời cuộc ở những mức độ khác nhau. Có những người vẫn còn tin vào sự phục hưng của nước mẹ Đại Pháp (dưới chính thể Pétain hay sau này nhờ vào tay tướng de Gaulle). Lại có một số đảng phái hay nhóm người tin vào sức mạnh và thắng lợi của phe Trục, vào sứ mệnh giải phóng của “anh cả da vàng” Nhật Bản. Có nhóm người lại muốn tạm dựa vào thể lực quân phiệt Trung Hoa, chờ đợi thời cơ đến từ cuộc “Hoa quân nhập Việt”…

Trong bối cảnh đó chỉ có Cộng sản Đông Dương từ rất sớm đã vững tin vào thắng lợi cuối cùng của các lực lượng tiến bộ chống phát xít, vào thắng lợi của phe Đồng Minh và vào tiền đồ của Cách mạng Việt Nam. Căn cứ vào sự dự cảm, niềm tin và sự phân tích tình hình khoa học, tỉnh táo đó mà ngay khi Thế chiến II vừa bùng nổ, Đảng đã phán đoán rằng cuộc vận động cách mạng ở Việt Nam sẽ tiến tới bước đường giải phóng dân tộc.

Trong bối cảnh như trên, diễn biến thái độ của các nhóm trí thức Việt Nam hết sức phức tạp. Một bộ phận không nhỏ, chủ yếu là trí thức – công chức, vẫn cố giấu mình trong khuôn khổ cuộc sống chức nghiệp yên phận, thụ động và yếm thế. Trong khi đó, phần đông trí thức Việt Nam đều đã trở nên hết sức nhạy cảm. Tuy vậy, mỗi nhóm trí thức lại có cách nhìn nhận và cách hành xử khác nhau đối với thời cuộc. Điều này không chỉ phụ thuộc vào vị thế xã hội và mối liên hệ của họ với các đảng phái, phong trào chính trị, mà còn phụ thuộc cả vào địa bàn cư trú, nghề nghiệp, những mối liên hệ gia đình và cá nhân họ… Đương nhiên, không chỉ các đảng phái và các phong trào chinh trị mà cả tập đoàn thống trị thực dân Pháp đã phát xít hóa do Jean Decoux đứng đầu và cả bộ máy chiếm đóng quân sự Nhật Bản ở Việt Nam cùng ra sức vận động, tranh thủ, lôi kéo trí thức Việt Nam về phía họ bằng những cách khác nhau.

Trong tình hình như vậy, ở Hà Nội đã dần dần hình thành một số nhóm trí thức. Các nhóm này cùng có điểm giống nhau rất quan trọng là: họ cùng thức tỉnh và có ý thức rõ ràng về vai trò của người trí thức chân chính trước vận mệnh dân tộc nhưng họ đều rất băn khoăn, không biết ngả theo xu hướng chính trị nào. Sự khác nhau giữa các nhóm chỉ là khá mong manh, do họ khác nhau về độ tuổi, về sự trưởng thành trong nghề nghiệp hoặc do quy tụ xung quanh những “hạt nhân” khác nhau. Do đó mà họ thường có và dễ có quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Nhóm “trẻ” nhất là nhóm tập trung ở khu học xá của Đại học Đông Dương, bao gồm nhiều thanh niên sinh viên yêu nước quy tụ xung quanh Dương Đức Hiền, Đặng Ngọc Tốt, Phan Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh, Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ… nhóm thứ hai gồm các trí thức trẻ có trình độ cao quy tụ xung quanh Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền, Hoàng Thúc Tấn, Lê Huy Vân… Nhóm thứ ba gồm “các nhà khoa học đứng tuổi” - theo cách nói của Vũ Đình Hòe, nhưng thực ra là nhóm của các trí thức có danh vọng, uy tín nhất thời đó, như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Nguyễn Đình Hào, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên., Nguyễn Tường Phượng, Đào Duy Anh… (5).

Ba nhóm trí thức nói trên tập trung ở Hà Nọi, nhưng có uy tín và tầm ảnh hưởng trong giới trí thức khắp cả ba kỳ. Mỗi nhóm lại có bản sắc riêng của mình trong các tổ chức hoạt động chung và nhất là trong cách bộc lộ thái độ trước thời cuộc và trước vận mệnh dân tộc. Nhóm “trẻ” ở Khu học xá Đông Dương tỏ ra nhạy cảm nhất và sớm tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi nhất, bộc lộ sớm và rõ nhất sự quan tâm với thời cuộc và lòng yêu nước sục sôi. Đây cũng là nhóm trí thức đầu tiên đứng dưới ngọn cờ cứu quốc của Đảng và Mặt trận Việt Minh với nhiều hoạt động sôi động tạo được tiếng vang mạnh mẽ ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Nhóm thứ hai và thứ ba đều bao gồm các trí thức có trình độ cao và uy tín hơn. Họ cũng sớm tỏ ra rất quan tâm đến thời cuộc và nhận thức được đầy đủ trọng trách của người trí thức trước vận mệnh dân tộc. Tuy nhiên, cách thức bộ lộ thái độ và lòng yêu nước của họ tỏ ra thận trọng hơn, có phần do dự, cân nhắc kỹ càng trước nhiều xu hướng, nhiều khả năng lựa chọn, trước khi quyết định công khai, trực tiếp tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội sôi nổi sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp (9 - 3 - 1945).

Nhóm thứ hai của Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Vũ Văn Hiền… lúc đầu - như lời kể lại của Vũ Đình Hòe, đơn giản “… chỉ là dăm ba bạn bè trước cùng học một trường, một lớp, thường gặp nhau trò truyện, tào lao nhiều hơn là đứng đắn. Trong không khí oi bức báo hiệu giông tố lớn ở châu Âu, họ cũng băn khoăn như mọi người sẵn tâm huyết. Nhưng ít lâu sau khi trao đổi về thời cuộc, vấn đề tiền đồ của Tổ quốc làm họ nhức nhối. Họ muốn tìm một cách gì phục vụ đất nước còn chìm đắm trong cảnh nô lệ, trước một thế giới sắp đổi dời. Chưa tìm được cách gì để thích đáng họ đành lai rai, lúc này lúc khác, nghiên cứu, nói, viết về một số vấn đề do đời sống đặt ra, bằng sở học của mỗi người đã tích lũy được, theo sở trường đã có thể nghiệm trong thực tiễn hành nghề” (6). Đây chính là nguyên nhân, là cơ sở để nhóm này lập ra tờ báo Thanh Nghịở Hà Nội, ra số đầu tiên vào ngày 15 tháng 5 năm 1941, vừa là diễn đàn, vừa là một nơi hội tụ những trí thức yêu nước, tiến bộ đồng chí hướng.

Lời bộc bạch bên trên của Vũ Đình Hòe về “Nhóm Thanh Nghị” có lẽ cũng mô tả đúng tình hình và thái độ của nhóm trí thức thứ ba. Cũng theo các trên, nhóm này đã lập ra tờ báo Tri tânvào năm 1941 (nên cũng còn được gọi là “Nhóm Tri tân”). Tuy ba nhóm có cách thức bộc lộ thái độ và tổ chức hoạt động mang bản sắc khác nhau, nhưng cả ba nhóm đều có những mối liên hệ khăng khít với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, dựa trên sự đồng thuận về động cơ yêu nước và ý thức trách nhiệm với vận mệnh dân tộc. Quan trọng hơn, cả ba nhóm này đều có những “hạt nhân” có uy tín và ảnh hưởng lớn, lại có quan hệ cá nhân hết sức thân thiết, tin cậy. Các hạt nhân gắn kết cả ba nhóm trí thức nói trên chính là Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hoè và Dương Đức Hiền. Trong đó, Hoàng Xuân Hãn nổi lên như một vị huynh trưởng, xét cả về tuổi đời, uy tín và danh vọng. Ảnh hưởng của ông trong cả ba nhóm, đặc biệt là trong nhóm Tri tân và nhóm Thanh Nghị là rất lớn, trong khi dường như Phan Anh lại có nhiều ảnh hưởng với nhóm sinh viên và nhóm Thanh Nghị hơn.

Hoàng Xuân Hãn thuộc vào thế hệ trí thức Tây học mà như ông từng nhận xét là “có đủ tài cán chuyên nghề, nhiều lòng muốn phục vụ Tổ quốc” (7). Giống như nhiều trí thức thuộc thế hệ của ông, Hoàng Xuân Hãn có cách yêu nước và phụng sự dân tộc riêng của mình. Ngay sau khi về nước tham gia giảng dạy ở Trường Bưởi ông đã dốc sức, chuyên tâm vào nghề dạy học và nghề khảo cứu, đồng thời tích cực tham gia vào hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ.

Khi Thế chiến II nổ ra, ông và các bạn trí thức tâm giao nặng lòng về đất nước đều nhận thấy “lòng ái quốc nồng nàn của nhân dân, nhất là của thanh niên đã bộc lộ” (8), nhưng như đã nói ở trên, Hoàng Xuân Hãn và nhóm trí thức “cao cấp” ở Hà Nội có cách bộc lộ lòng yêu nước và ý thức vận mệnh dân tộc riêng của mình. Thận trọng, có phần do dự nên các ông không hăm hở lao vào các phong trào, các xu hướng yêu nước khác nhau, mà ngược lại, tiếp tục dốc sức vào hoạt động chuyên môn theo sở trường. Đó không phải là cách các ông tự giấu mình trong “tháp ngà” khoa học, mà là một cách chuẩn bị cho tương lai, tiền đồ của dân tộc. Khi Phan Anh trao đổi với ông về việc một nhóm trí thức ở Hà Nội dự định lập ra tờ báo Thanh Nghị,Hoàng Xuân Hãn nói: “Bây giờ trăm mắt đổ xô vào hành động của thanh niên trí thức ta: quốc dân, chính quyền thực dân Pháp và cả quan sát nhân Nhật. Tuy trong thực tế mình không có quyền chính trị, nhưng hãy cứ tự coi mình như con dân một nước độc lập. Đối với mọi việc đáng suy nghĩ, thì cứ nêu lên mà bàn với tư tưởng mới, thực tế. Chắc rằng toà kiểm duyệt cũng không cầm viết, mà độc giả sẽ dần quen với những suy nghĩ đứng đắn và trách nhiệm. Ví như tôi, tôi nghĩ một dân tộc độc lập phải có đủ danh từ để biểu diễn mọi ý về văn hoá. Vì lẽ ấy tôi đã soạn một tập Danh từ khoa họcvà đang bàn với anh em khoa học cho ra một tạp chí khoa học” (9). Đó là cách lý giải thái độ và lựa chọn của Hoàng Xuân Hãn và nhiều trí thức Việt Nam chân chính trước những diễn biến mau lẹ, phức tạp của tình hình để vừa rèn đúc tâm trí, ý thức phụng sự dân tộc, lại vừa không bị lôi cuốn và các trào lưu chính trị thân Nhật hay thân Pháp.

Sự lựa chọn sau ngày Nhật đảo chính

Sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, xuất phát từ tính toán thực dụng, vị kỷ của họ, quân đội Nhật Bản đã quyết định không lựa chọn Hoàng thân Cường Để, Ngô Đình Diệm, Phục Quốc hay bất kỳ lực lượng “dân tộc chủ nghĩa” thân Nhật nào để giao cho nhiệm vụ lập chính phủ bù nhìn thân Nhật ở Việt Nam. Quân Nhật không muốn có bất kỳ sự đảo lộn nào trong “trật tự bản xứ”, vì vậy, một mặt, tướng Yuchi Tsushihashi cùng các sĩ quan và quan chức Nhật tự mình thay thế người Pháp, đảm đương các chức vụ cai trị trước đây của tập đoàn thống trị Decoux. Mặt khác, quân Nhật đề nghị Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố nền độc lập của “Việt Nam đế quốc” và ủng hộ việc nhà vua tiếp tục tại vị.

Sau khi tuyên bố độc lập vào ngày 11 - 3 - 1945, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố tự mình cầm quyền chính với phương châm trị nước an dân mới theo nguyên tắc “dân vi quý” (10). Bản thân Bảo Đại lúc đó cũng tỏ ra hiểu rõ vị thế của mình và thời cuộc. Ông từng nói rõ với Trần Trọng Kim về sách lược và phương châm chính trị của mình: “Trước khi người chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta” (11).

Cuộc họp mặt của cộng tác viên Thanh Nghị năm 1937
Cuộc họp mặt của cộng tác viên Thanh Nghị năm 1937

Với suy nghĩ có thể nói là khôn ngoan và thức thời đó, ngày 19 - 3 - 1945, Bảo Đại đã giải tán Cơ Mật viện, cho cả 6 vị Thượng thư từ chức và yêu cầu Phạm Khắc Hoè tham vấn ý kiến một số nhân sĩ để khẩn trương mời các nhân tài về Huế lập chính phủ mới, giúp rập Hoàng đế giữa lúc vận nước đứng trước thời khắc đổi thay quan trọng. Sau khi cân nhắc, Bảo Đại đã cho gửi điện mời 8 người, trong đó có Hoàng Xuân Hãn. Theo Phạm Khắc Hoè - Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Hoàng đế, thì 8 người đó là: “1) Trần Đình Nam; 2) Hồ Tá Khanh; 3) Lưu Văn Lang; 4) Hoàng Trọng Phu; 5) Trần Văn Thông; 6) Hoàng Xuân Hãn; 7) Phan Anh; 8) Vũ Văn Hiền hoặc Trịnh Văn Bính tuỳ theo sự lựa chọn của Hoàng Xuân Hãn” (12). Qua cách nói như trên thì có thể thấy Hoàng Xuân Hãn ngay từ đầu đã được Bảo Đại rất coi trọng. Theo Hoàng Xuân Hãn thì ngày 23 - 3 - 1945 viên lãnh sự Nhật ở Hà Nội đã tìm tới ông để chuyển ba bức điện mời của Hoàng đế Bảo Đại (13). Thay vì chọn Trịnh Văn Bính, Hoàng Xuân Hãn đã chọn Vũ Văn Hiền, một thành viên của nhóm Thanh Nghị. Sau đó ba người, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và Vũ Văn Hiền đã đi Huế. Ngày 27 - 3 các ông tới Huế, ngày hôm sau thì lần lượt từng người yết kiến Hoàng đế Bảo Đại bàn về việc lập chính phủ mới.

Xung quanh việc Hoàng Xuân Hãn cùng với hai người bạn tâm giao, hai trí thức là Phan Anh và Vũ Văn Hiền nhận lời mời của Bảo Đại ra tham chính vào một thời điểm hết sức nhạy cảm của lịch sử đó còn có nhiều điều tồn nghi chưa bao giờ có được lời giải đáp thoả đáng.

Về phía dưới Nhật, vấn đề là tại sao họ không mời thủ lĩnh của những đảng phái thân Nhật từng có “thâm niên” cộng tác với Nhật và hơn nữa, lại có chút lực lượng và kinh nghiệm chính trị đã được chuẩn bị từ trước? Như các nghiên cứu của Shiraishi Masaya (14), David G. Marr (15), Phạm Hồng Tung và một số học giả khác đã chỉ ra (16) thì điều này bắc nguồn từ việc người Nhật không muốn có bất kỳ sự đảo lộn nào đối với “trật tự bản xứ”, tránh mọi bất lợi cho việc chiếm đóng và tổ chức phòng thủ, chống quân Đồng Minh của Nhật ở Đông Dương.

Về phía Bảo Đại, như trên đã chỉ ra, dù hiểu rõ nền độc lập mà ông vừa tuyên bố chỉ là một thứ “độc lập bánh vẽ”, nhưng nhà vua vẫn muốn tranh thủ thời cơ, lập ra một chính phủ mới “tỏ ra có đủ tư cách để độc lập”. Vì vậy mà Bảo Đại muốn mời cho được các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, có uy tín và danh vọng mà ông gọi là “nhân tài” ra tham chính. Đây vừa là một chiêu bài chính trị, nhưng có lẽ cũng là cách nhà vua “Tây hoá” Bảo Đại học theo lối “cầu hiền” của các bậc minh quân Việt Nam xưa.

Quan trọng hơn là về phía Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và một số trí thức vốn chưa từng có bất cứ hoạt động chính trị gì, nhưng tại sao đã dường như ngay lập tức chấp nhận lời mời của vua Bảo Đại?

Sau này Hoàng Xuân Hãn lý giải như sau: “… Kim (Trần Trọng Kim), Hiền (Vũ Văn Hiền), Anh (Phan Anh) và tôi đồng ý rằng: “Thế Nhật Bản chỉ còn đứng được hơn 1 năm là cùng. Chính phủ nào bắt đầu từ bây giờ cũng chỉ có chừng này để củng cố thế độc lập của nước ta mà thôi”. Và ông nói rõ thêm suy tính của mình: “Còn mục tiêu chung thì gấp rút trong khoảng một năm, tập cho quốc dân quen với tính cách độc lập tự tin để đến khi hoà bình trở lại, Đồng Minh không có cớ đặt ách ngoại trị vào cổ dân ta” (17).

Để hiểu rõ hơn suy nghĩ của Hoàng Xuân Hãn và nhóm trí thức tham gia vào Nội các Trần Trọng Kim cần phải dẫn ra ý kiến của Phan Anh trong một cuộc trao đổi với sứ giả người Na Uy, ông Stein Tonnnesson và năm 1989. Trả lời cho câu trả hỏi thẳng thắn của Tonnesson: “Vậy các ông nghĩ thế nào mà lại nhận lời mời của Bảo Đại?”. Phan Anh cho biết quyết định ra tham chính của các ông không chỉ xuất phát từ lòng yêu nước và ý thức phụng sự dân tộc, mà còn dựa trên một sự phân tích tình hình và cân nhắc kỹ càng. Ông cho biết, rằng lúc ấy các trí thưc như ông không ai có ảo tưởng gì về người Nhật và nền độc lập mà họ ban cho. Nhưng có hai tình hình buộc các ông phải đứng ra đảm đương nhiệm vụ. Thứ nhất là “… có một cuộc vận động không những lung tung mà còn nhơ bẩn, lộn mửa”. Thứ hai là việc “những công chức người Pháp vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ có mưu mô”. Mưu mô của họ là nhẫn nhục chờ thời để khôi phục lại chế độ thực dân Pháp. Vì vậy, Phan Anh giải thích: “Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp và người Nhật đánh lừa mình”. Và các ông đã quyết định tham chính: “Chúng tôi tham gia chính phủ để phụng sự với khẩu hiệu là Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập” (18).

Chúng ta có thể tin chắc vào động cơ yêu nước và phụng sự dân tộc của Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và một số trí thức khác khi ra tham mưu chính theo lời mời của vua Bảo Đại. Song, rõ ràng là sự phân tích của các ông vào thời điểm đó cũng không khỏi có phần ngây thơ và mạo hiểm về mặt chính trị. Dẫu thế nào chăng nữa, một chính phủ được lập ra do sự cho phép và nằm trong tầm kiểm soát của quân Nhật tại một lãnh thổ do quân Nhật chiếm đóng đều không thoát khỏi địa vị của một chính phủ bù nhìn, và nguy hiểm hơn, bị phe Đồng Minh buộc cho tội “hợp tác với phe Trục” và có thể bị trừng phạt sau khi chiến tranh kết thúc. Đây chính là điều mà Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và các trí thức khác không tính đến, cho dù các ông biết quân Nhật sắp thua đến nơi.

Trở lại với chuyến đi Huế của Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và Vũ Văn Hiền cuối tháng 3 - 1945. Ngay sau khi yết kiến vua Bảo Đạo, Hoàng Xuân Hãn đã gặp Trần Trọng Kim, và chính ông là người đề nghị Phạm Khắc Hoè thu xếp để ông Trần yết kiến Hoàng đế Bảo Đại.

Theo hồi ký của Trần Trọng Kim thì Hoàng Xuân Hãn đã đóng một vai trò nhất định trong việc xác định thành phần nhân sự của Nội các do ông đứng đầu. Dựa trên tất cả các nguồn tài liệu hiện có thì có thể khẳng định chắc chắn rằng người Nhật đã chuẩn bị Trần Trọng Kim như một quân bài bí mật suốt từ mùa thu năm 1943 để sau khi lật đổ thực dân Pháp thì lựa chọn đưa về Huế lập ra chính phủ bù nhìn, thực hệin kế hoạch cai trị Việt Nam sau cuộc đảo chính. Cần phải nhắc lại rằng trước đó Bảo Đại không có ý định chọn Trần Trọng Kim, mà là chọn Ngô Đình Diệm làm người đứng ra thành lập Nội các. Việc này được cả Hoàng Xuân Hãn ủng hộ (19). Nhưng người Nhật đã bố trí để Ngô Đình Diệm không thể ra Huế gặp Bảo Đại. Cuối cùng Bảo Đại đã buộc phải “mời” Trần Trọng Kim đứng ra lập Nội các. Tuy nhiên, bản thân Trần Trọng Kim lại hầu như không có được uy tín, danh vọng và đặc biệt là mối quan hệ thân thiết với các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng ở cả ba kỳ. Vì vậy, ông đã đem việc lựa chọn nhân sự của Nội các bàn bạc với Hoàng Xuân Hãn (20). Đây chính là cơ hội để Hoàng Xuân Hãn giới thiệu những trí thức có tài năng và tâm huyết phụng sự dân tộc ra tham chính. Vì vậy mà chúng ta thấy trong Nội các, ngoại trừ Trần Trọng Kim là người đã được người Nhật chuẩn bị từ trước, thì đều bao gồm các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, tiêu biểu của ba kỳ (21).

Chú thích

1) Hoàng Xuân Hãn,Tưởng nhớ Phan Anh, in trong: Vũ Đình Hoè, Hồi ký Thanh Nghị, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr 610 - 625.

2) Phạm Khắc Hoè,Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1987.

3) Vũ Đình Hoè,Hồi ký Thanh Nghị, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1997.

4) Lê Trọng Nghĩa,Câu chuyện về những cuộc đấu tranh và tiếp xúc giữa Việt Minh với Chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội, in trong: Hội khoa học lịch sử Vệit Nam : 19 – 8,Cách mạng là sáng tạo, Hà Nội, 1995, tr 50 - 86.

5) Vũ Đình Hoè, sđd, tr 14 - 27

6) Như trên, tr 12.

7) Hoàng Xuân Hãn,Tưởng nhớ Phan Anh, sđd, tr 610.

8) Như trên, tr 611.

9) Hoàng Xuân Hãn, Sđd, tr 612.

10) Xem: Phạm Khắc Hoè, Sđd, tr 22 - 23.

11) Dẫn lại theo: Trần Trọng Kim,Một cơn gió bụi, Nxb Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969, tr 51.

12) Phạm Khắc Hoè, sđd. Tr 25 - 26.

13) Hoàng Xuân Hãn, sđd, tr 615.

14) Masaya Shiraishi,The Background to the Formation of the Tran Trong Kim Cabine in April 1945: Japanese Plan for Governing Viet Nam, in trong: Takashi Shiraishi and Motoo Furuta, Indochina in the 1940s and 1950s, Southeast Asia Program, Cornel University, Ithaca, New York, 1992, tr 113 – 142.

15) Marr, David G.Viet Nam 1945: the Quest for Power, Universityof CaliforniaPress, Berkeley , 1995.

16) Phạm Hồng Tung,Nội các Trần Trọng Kim và vị trí lịch sử của nó, Đề tài QG. 06. 37, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.

17) Hoàng Xuân Hãn, sđd, tr 616 và 617

18) Tonnesson, Stein, sđd, tr 600 và 602

19) Hoàng Xuân Hãn, sđd tr 616, Phạm Khắc Hoè, sđd, tr 26 và 28.

20, 21) Trong hồi ký của mình, Trần Trọng Kim viết: “Tôi ra bàn với ông Hoàng Xuân Hãn để tìm người xứng đáng làm bộ trưởng. Nguyên tắc của tôi định trước là lựa chọn những người có đủ hai điều kiện. Một: phải có đủ học thức và tư tưởng về mặt chính trị; hai: phải có đức hạnh chắc chắn để dân chúng kính phục”, Trần Trọng Kim, sđd, tr 51.

Trong số đó có nhiều người đã nằm trong danh sách vua Bảo Đại gửi điện mời trước đó:

1. Trần Trọng Kim, Giáo sư, Nội các Tổng trưởng.

2. Trần Đình Nam, Y sĩ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

3. Trần Văn Chương, Luật sư, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

4. Trịnh Đình Thảo, Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

5. Hoàng Xuân Hãn, Thạc sĩ Toán học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghệt Thuật

6. Vũ Văn Hiền, Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

7. Phan Anh, Luật sư, Bộ trưởng Bộ Thanh niên.

8. Lưu Văn Lang, Kỹ sư, Bộ trưởng Bộ Công chính.

9. Vũ Ngọc Anh, Bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế.

10. Hồ Tá Khanh, Bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Kinh tế.

11. Nguyễn Hữu Thí, Y sĩ, Bộ trưởng Bộ tiếp tế.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.