Hoàng Thành Thăng long - Di sản không chỉ của Việt Nam
Giá trị hơn nhiều di sản thế giới khác
TS Andrew Hardy - Trưởng đại diện của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại VN, GS Leidulff Mudland - Viện Bảo tồn di sản Na Uy, bà GS Silvana Rizzo - Viện Bảo tồn di sản Roma, cùng toàn bộ đoàn chuyên gia tư vấn Nhật sáu người đều nồng nhiệt ca ngợi giá trị của khu di chỉ vừa được khai quật.
Theo các chuyên gia này: " Khu khai quật Ba Đình đã thể hiện lịch sử hơn 1.000 năm của VN. Trong những quần thể dấu vết kiến trúc, cái sớm nhất được xác định trước nhà lý và khả năng thuộc thời An Nam đô hộ ph.
Dù có nhiều hiện tượng xây dựng lại và kiến trúc thời sau phá kiến trúc thời trước, nhưng nói chung tình hình lưu giữ những di tích khảo cổ học trong lòng đất khá tốt và hầu như ở châu á không có khu di tích cung điện nào có được sự bảo tồn trong lòng đất khá tốt như ở Thăng long.
Trên thế giới có nhiều di tích cố đô nổi tiếng như Fono Romano (ý), Trường An (Trung Quốc) hay HeijoKyo ( Nara - Nhật, tất cả đều được thừa nhận như di sản văn hoá chung của nhân loại và xếp vào hàng di sản thế giới.
Giờ đây có một di tích có giá trị tương đồng và còn hay hơn các di tích cố đô trên - đó là hoàng thành Thăng long.
Bởi vì khu di tích này nằm ngay giữa lòng đất của đô thị lớn, hiện đại, lại có nhiều tầng văn hoá chồng lấp lên nhau. Nếu so sánh với kinh đô Nara của Nhật thì con số 1.300 năm của Thăng long sẽ rất có ý nghĩa so với 74 năm của Nara. Còn các kinh đô cổ của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chưa được khi quật nhiều".
TS Hardy đã đưa ông đại sử Pháp đến thăm khu di chỉ hồi tháng 2-2004 và đã vận động đại sứ quán Pháp tại VN cùng Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp lập dự án để giúp các nhà khoa học VN tiến hành tốt công việc nghiên cứu của mình.
GS. Ueno Kunikazu - trưởng đoàn chuyên gia tư vấn Nhật - thậm chí còn đưa ra những dự báo xa hơn cho những người dân Nhật bình thường: " Với người Nhật có biết về lịch sử, An Nam đô hộ phủ là một tên đặc biệt rất nhớ và quen. Vì lịch sử ghi chép trong thời gian ngắn có ông Abe Ankamaro đã từng có mặt ở đó thời kỳ này. Ông này để lại một số thơ văn và các tác phẩm đó rất nổi tiếng ở Nhật, do vậy người Nhật sẽ rất chú ý tham quan di tích này".
GS. Yun Hyeung Won - chuyên gia của Cục di sản Hàn Quốc - còn nồng nhiệt hơn " Hoàng Thành Thăng Long có nhiều nét giống cố đô Silla của Hàn Quốc nhưng qui mô rộng lớn hơn. Đây không chỉ là di sản của Vn mà còn là của cả thế giới. Cần phải gây quỹ hỗ trợ tài chính để tiếp tục nghiên cứu khu di chỉ đặc biệt này".
Nỗi lo lắng và đề nghị của các nhà khoa học.
KTS Franoise Magnier và GS Piere Pichard của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - những người từng góp sức trùng tu Huế từ cuối những năm 1970, ăngkor Wat những năm 1990 tỏ ra lo lắng:" Đây là khu di tích rất rộng, và tương lai mở rộng khai quật sẽ còn rộng hơn, lại ở một vị trí rất thấp (3-4m sâu hơn so với hè phố), xung quanh có nhiều điểm tích nước nên mưa lớn thì sẽ ngập nếu không bơm thường xuyên. Bởi vậy sẽ rất khó khăn cho công việc bảo tồn. Vừa khó vừa tốn kém, cho nên chúng ta cần có cái nhìn thực tế".
"Cái nhìn thực tế" - theo các chuyên gia nước ngoài - là trước tiên các nhà khoa học VN phải đưa ra được quan điểm bảo tồn của mình: giữ lại toàn bộ khu di tích hay giữ lại một phần? Bảo tồn theo kiểu chọn lọc hay phục hồi nguyên trạng di tích ? Và điều quan trọng hơn nữa là phải đặt khu di chỉ hoàng thành trong quy hoạch tổng thể của một đô thị Hà Nội đang phát triển.
Các chuyên gia Nhật khuyến cáo: " Trong lịch sử VN có nhiều cuộc chiến tranh tại Hà Nội, và vào thời hiện đại cũng có hai cuộc chiến tranh lớn, kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, nhưng di tích kinh thành Thăng Long đã vượt qua những cuộc chiến tranh đó và vẫn tồn tại tốt. Nếu chúng ta phá huỷ di tích này chỉ vì lý do nhu cầu khai thác đất để xây dựng, chúng ta sẽ mang tội với tổ tiên và con cháu chúng ta".
Các chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác cổ thì đề nghị: " Cần có một bảo tàng mở được xây dựng ngay tại địa điểm khai quật, lựa chọn những kiến trúc quan trọng nhất đã được khai quật cùng những di vật đã được phát lộ để trưng bày, những phần chưa khai quật được nên lấp cát để gìn giữ cho tương lai, 15-20 năm sau nữa khi có điều kiện thế hệ sau sẽ nghiên cứu tiếp".
Và điểm cuối cùng mà đoàn chuyên gia tư vấn của Nhật tha thiết, cũng là ý kiến của nhiều nhà khoa học châu Âu, là: " Phải mở cửa và giới thiệu tính chất và giá trị của khu di tích này cho nhân dân. Hoạt động này rất quan trọng để nhận được sự ủng hộ về bảo vệ di tích.
Những người có quan tâm đến lịch sử đất nước mình không phải số lượng nhỏ và nhiều người muốn biết tổ tiên đã góp sức thế nào để hình thành nhà nước, giữ gìn độc lập và cải cách đất nước đến bây giờ. Tất cả các di tích và di vật đều là nhân chứng để chúng ta hiểu điều đó.
Nếu mất di tích, nghĩa là chúng ta xoá bỏ lịch sử của mình. Các chuyên gia nước ngoài cũng có khả năng ủng hộ và giúp đỡ việc bảo vệ, bảo tồn nhưng cả nhân dân và nhà nước VN đều phải chịu trách nhiệm cuối cùng".
Nguồn:Văn hiến Việt Nam , số 8 (40), 2004, tr 8-9.