Hóa ra Đông và Tây nhìn đời khác hẳn nhau
Các nhà khoa học ở Đại học Michigan, Hoa Kỳ đã làm một cuộc thí nghiệm xem hình. Họ mời một nhóm gồm những người Mỹ gốc châu Âu và một nhóm các sinh viên Trung Quốc nhìn nhanh vào các hình ảnh.
Sau đó những người này phải mô tả lại những hình ảnh đó, trong lúc các nhà khoa học dùng máy theo dõi ánh mắt của họ và đo xem thời gian hai nhóm nhìn vào từng điểm là bao lâu.
Trả lời phóng viên Anu Anand của BBC, chương trình World Today, bà Hannah Faye Chwa, người phụ trách thí nghiệm này cho biết:
"Trong giai đoạn đầu, họ được yêu cầu nhìn 36 hình ảnh, mỗi hình một lần, thời gian là ba giây. Sau đó các bạn Trung Quốc và Mỹ được mời đánh giá điều gì họ thích về các bức hình đó".
Hannah Faye Chwa nói rằng nghiên cứu này cho thấy người Đông Á và người Tây Âu không chỉ nhìn thế giới khác nhau về mặt triết học và chính trị, mà khác nhau về mặt nhìn nhận vật thể một cách vật chất nhất.
Chẳng hạn như khi nhìn vào bức hình con hổ đứng bên dòng suối, người Mỹ gốc Âu nhìn lâu vào chính con hổ, tức là đối tượng chính giữa hình, còn người Trung Quốc thì nhìn chăm chú hơn vào chi tiết của nền cảnh (background details), như khu rừng đằng sau chú cọp.
Và điều thú vị là sự khác biệt trong cách nhìn của hai nhóm được ghi nhận ngay trong nửa giây đầu của mỗi lần nhìn.
Hannah Faye Chwa nói điều này đúng với sự khác biệt trong ứng xử văn hóa của người Phương Đông và Phương Tây.
Tại Đông Á, thành công phụ thuộc nhiều vào cách mỗi cá nhân duy trì sự bình ổn với môi trường xung quanh, và tập trung sự chú ý vào chỗ làm sao họ thích ứng với xã hội.
Còn thành công ở Phương Tây được đo bằng khả năng của từng cá nhân nhiều hơn là bối cảnh vốn bị coi là không quan trọng bằng.
Nguồn: bbc.co.uk 24/8/2005