Hình ảnh con gà từ thần thoại đến ca dao
Trong thần thoại người Việt, một loại hình nghệ thuật của thời nguyên thuỷ, con gà là tướng của ông Trời, một “gia tướng” đã từng được giao nhiệm vụ trừng phạt thần Sét. Truyện kể rằng, có lần thần Sét đánh lầm người vô tội dưới thế gian nên bị Trời phạt. Trời bắt thần Sét nằm im ở một góc rừng trên trời và sai gà thần thỉnh thoảng đến mổ một cái đau điếng. Từ khi được tha cho đến mãi sau này, Thiên Lôi cứ nghe thấy tiếng gà là giật mình. Nhân vật Cường Bạo trong truyện “Cường Bạo đại vương”, đã lợi dụng nhược điểm này nên khi chuẩn bị đánh nhau với thần Sét đã mang con gà trống theo, và dĩ nhiên chiến thắng trong lần đó. Như vậy, con gà là một con vật linh thiêng trong tư duy người xưa. Nếu trong truyện “Thần Sét”, gà là một vị thần thì trong truyện “Cường Bạo đại vương”, gà chỉ là một con vật thiêng ở trần gian. Trong tín ngưỡng dân gian cho tới ngày hôm nay, người dân còn giữ thói quen cúng tế (cầu xin hoặc tạ ơn) thần linh bằng con gà trống. Con gà là vật thiêng với con gà là vật hiến sinh có lẽ là những dấu ấn của những thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì con người cũng đã dùng con gà làm phương tiện giao tiếp với thần linh. Trong lễ mở cửa mả của người Việt, con gà được dắt đi quanh mộ ba vòng, để gọi hồn người vừa chết. Ở châu Phi xa xôi, cư dân cũng có cách nghĩ tương tự như người Việt. “Trong các nghi lễ thụ pháp và bói toán của bộ tộc Bantou ở vùng trung xứ Công, con gà mái có vai trò sứ giả dẫn hồn người chết” và “ở châu Phi da đen có tục hiến sinh gà mái để liên lạc với người đã chết…” [1, 341]. Người ta tin rằng, nếu con gà đi vòng quanh mộ là con gà mái thì sau này nó sẽ đẻ rất dày. Niềm tin này đã giữ con gà ở lại thế giới trần tục khi nó làm xong nhiệm vụ giao nối với cõi vô hình. Ở cõi trần, nó tham gia vào sinh hoạt đời sống.
Trong kho tàng ca dạo người Việt, hình ảnh con gà mang một số ý nghĩa mà qua đó phản ánh quá trình quan sát, liên tưởng phong phú của tác giả dân gian. Bài viết này, chúng tôi dừng lại với hình ảnh con gà trong ca dao Nam bộ, một bộ phận ca dao ra đời muộn so với lịch sử hình thành và phát triển của văn học dân gian dân tộc.
Khảo sát quyển “Ca dao dân ca Nam bộ” [2], chúng tôi tìm được 24 lời ca dao có chứa hình ảnh con gà, trong đó:
- Con gà, một con vật nuôi quen thuộc, là nguồn thực phẩm quý giá: 7 lời.
- Tiếng gà gáy là dấu hiệu của thời gian, đêm về sáng: 8 lời.
- Con gà là hình ảnh ẩn dụ cho một tính cách nào đó của con người: 9 lời.
Số liệu trên cho thấy tác giả dân gian có khuynh hướng sử dụng hình ảnh con gà (hoặc tiếng gà) với nghĩa tượng trưng, nghĩa là con gà trong một bộ phận ca dao không mang nghĩa biểu vật như cách nói thông thường.
Trước hết, con gà được nhìn nhận như con vật nuôi quen thuộc của người bình dân. Từ góc nhìn này, những đặc điểm cơ bản nhất của con gà đã được tác giả ca dao đề cập. Đó là con gà đi kiếm ăn bằng động tác “bươi rác bươi rơm”, gà mái nuôi cùng lúc cả bầy con, con gà trống ngoài tiếng gáy vẫn thường đá nhau… Trong số này hình ảnh con gà mái nuôi cả bầy con gợi lên bóng dáng của một người mẹ đảm đang:
Con rắn không chân đi rừng bảy rú,
Con gà không vú nuôi chín mười con.
Gà trống thích đá nhau, đây là đặc điểm thuộc về bản năng vì tạo hoá ban cho chúng hai cái cựa làm vũ khí. Người xưa đã từng gửi gắm khát vọng chiến thắng qua thú chọi gà. Trò chơi này từng được làng xã tổ chức trong mùa lễ hội. Vì vậy, có một chú gà hay hoặc “huấn luyện” để có được một chiến tướng gà dũng mãnh là điều đáng nói. Hơn nữa có gà trống đá hay là niêm tự hào của một vùng quê:
Gà nào hay bằng gà Cao lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu,
Anh thương em chẳng nại sang giàu…
Tất nhiên từ rất xưa người ta biết nuôi gà để thi đấu, coi như là nuôi một “đấu thủ” trong thể thao nhưng trước hết gà là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và vì thế gà là món ăn ngon và sang. Cùng với tục ngữ, ca dao đã nêu lên những kinh nghiệm chế biến thịt gà:
Gà cồ ăn quẩn cối xay,
Rau răm muối ớt xé phay gà cồ,
Vì là món ăn, có giá trị dinh dưỡng nên người Nam bộ vốn hiếu khách, trân trọng tình cảm của chàng trai đã dùng món gà để thể hiện tấm chân tình:
Sài Gòn xa chợ Mĩ không xa,
Anh đi phải ghé vô nhà,
Nghèo em em chịu, làm gà đãi anh,
Có giá trị như một loại thực phẩm trong đời sống thường nhật, gà đã trở thành một thứ hàng hoá cao cấp đối với người dân quê ngày xưa.
Gà đã gáy hàng ngàn năm sau những luỹ tre, bên bờ kinh của làng quê Việt Nam và nó đi vào thơ ca như một biểu tượng của thời gian. Trong ca dao tiếng gà không đơn thuần là dấu hiệu của đêm đang chuyển về sáng mà còn là hình ảnh của một thứ thời gian tâm trạng. Đó là thời điểm hẹn hò, thời gian chờ đợi, là thước đo thời gian trăn trở, nhớ thương (vì chủ thể trữ tình đã không ngủ cho đến lúc nghe tiếng gà…)
Con chim đậu trên núi,
Nó kêu con gà dưới suối,
Gà gáy chầu đôi chầu ba,
Đêm năm canh không ngủ lại ngồi
Trong người thục nữ bồi hồi lá gan.
Miễu thần gà gáy tiếng đôi,
Trông bậu trông đứng trông ngồi,
Trông người có nghĩa bồi hồi lá gan.
Có lẽ đáng nói hơn cả là những trường hợp con gà tượng trưng cho nhân vật và tâm trạng trong ca dao, đó là:
a. Chàng trai trong quan hệ lứa đôi với tâm trạng đau khổ trước cảnh chia lìa:
Gà lạc bầy kêu chíu chít,
Phụng lìa loan phụng lại biếng bay,
Xa em từ mấy bữa rày,
Cơm ăn không đặng áo dài hở bâu.
b. Người mẹ trong quan hệ mẹ ghẻ con chồng:
Mẹ gà con vịt chít chiu,
Mấy đời dì ghẻ mà yêu con chồng,
Mẹ gà con vịt chít chiu,
Quạ nuôi tu hú, con diều ai nuôi?
c. Người có thực tài, không quá chú ý hình thức bên ngoài:
Chớ thấy áo rách mà cười,
Cái giống gà nòi lông nó lơ thơ
d. Người lao động bình thường:
Con quạ xé lá lợp nhà,
Con cu chẻ lạt, con gà dựng phên.
Những nét nghĩa trên cho thấy hình ảnh con gà được tác giả dân gian sử dụng trong tất cả đề tài cơ bản của ca dao: quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, quan hệ xã hội. Qua đó con gà tượng trưng cho các nhân vật thường gặp trong ca dao mà quá trình liên tưởng so sánh dựa trên các phạm trù: đặc điểm - tính chất, môi trường sinh tồn. Điều này cho thấy người bình dân đã từng có những quan sát, tích luỹ được trí thức về loài gà. Quan trọng hơn, loài vật này thực sự giữ một vai trò nhất định trong đời sống vật chất và tinh thần của người bình dân.
Để kết thúc bài viết chúng tôi xin dẫn thêm một hình ảnh gà mà tác giả dân gian dùng để chỉ một thành viên trong gia đình:
Khôn ngoan đối đáp người ngoài;
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Bài ca dao hướng tới một tình thương theo quan hệ huyết thống. Tuy nhiên ý nghĩa của nó không dừng lại ở đó mà hướng tới tình đoàn kết trong cộng đồng, từ xóm làng đến dân tộc.
Từ thần thoại đến ca dao: “con gà” về với thế giới trần tục, trở nên gần gũi với đời sống người Việt. Đó là quá trình từ chỗ quan sát, tìm hiểu những con gà hoang đến việc con người biết thuần dưỡng loài gà; dân gian nuôi gà để thi đấu, nuôi gà để làm thực phẩm, dùng tiếng gà gáy làm phương tiện báo thời gian. Người Việt đã ứng xử với tự nhiên một cách có lợi nhất trong quá trình xây dựng nền văn hoá của mình.
Tài liệu tham khảo
1. Jean Chevalier, Alain Gheebrant, 1997. Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới (Nhiều người dịch), Nxb Đà Nẵng, Hà Nội.
2. Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị, 1984, Kho tàng Ca dao dân ca Nam bộ, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
3. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Thị Huế, 1995. Kho tàng thần thoại Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.