Hiện tượng nhiễm điện do đường dây 500kV tại Đà Nẵng: Dân “tê” vì điện
Mất gần một giờ để vượt các con dốc đầy bụi và đá, chúng tôi mới đến được thôn Phú Thượng. Đến bất cứ nhà nào ở đây, chúng tôi đều được nghe phản ảnh hiện tượng nhiễm điện. Ông Nguyễn Đức Khanh, trưởng thôn Phú Thượng, xã Hoà Sơn cho biết: “Gần 4 năm nay, từ khi 2 mạch của lưới điện 500kV được đưa vào hoạt động, các hộ dân thuộc các tổ 6, 8 thôn Phú Thượng và các thôn khác nằm bên dưới đường dây 500kv đi qua, các thiết bị thu sóng như tivi, radio đều bị nhiễu sóng, không thể xem được. Đặc biệt vào những lúc thời tiết xấu, độ ẩm cao thì hiện tượng nhiễm điện càng rõ, các tiếng lè xè, lép bép do điện phóng thường xuyên xảy ra. Nghiêm trọng hơn, tình trạng mệt mỏi, nhức khớp, đau đầu chóng mặt đã xuất hiện, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý người dân”.
![]() |
Mặc dù điện đã được ngắt, nhưng bút thử điện vẫn sáng |
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thi, Trưởng khoa Y tế lao động, TT Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết: tuỳ theo mức độ nhiễm điện mà người sinh sống trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nhiều hay ít. Với tình trạng tích điện sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, những cảm giác ở da, thay đổi phản xạ. Sự thoát điện sẽ gây ảnh hưởng đến tim mạch như loạn nhịp tim, khó thở, gây tâm lý sợ hãi, có những phản xạ ngoài ý muốn và có thể gây ra tai nạn. Ngoài ra điện từ trường còn có thể gây những tổn thương như: xung huyết, phù nề hoặc hoại tử. Mặc dù chưa rõ ràng, nhưng theo nghiên cứu tại Đài Loan thì có sự liên quan giữa tác hại của điện từ trường đến các triệu chứng suy nhược cơ thể, rối loạn sinh sản...thậm chí cả ung thư. Tại các khu vực bị nhiễm điện từ trường, tần suất ung thư vú, não, máu cao hơn các khu vực khác. Chính vì vậy, không nên xây dựng giới hạn cho phép đối với điện từ trường vì nguy cơ ảnh hưởng có thể xảy ra ở mọi giới hạn.
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Pháp-Trưởng phòng quản lý điện Sở Công nghiệp TP Đà Nẵng, cho biết: “Trong quá trình vận hành lưới điện, đặc biệt là hành lang lưới điện 500kV, Sở đã rất nhiều lần yêu cầu đơn vị quản lý xử lý sự cố. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm điện tại các khu dân cư bên cạnh đường dây 500kV là khó tránh khỏi. Do dòng điện áp lớn nên khi đóng điện tất yếu sẽ sinh ra sóng điện từ trường và gây nhiễm điện. Nhưng mức độ nhiễm điện đến đâu thì đến nay chúng tôi vẫn chưa có kết quả cụ thể. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, đo đạc lại. Riêng đối với 15 hộ thuộc thôn Phước Thuận, xã Hoà Nhơn thì vẫn nằm trong giới hạn cho phép, song chúng tôi đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan có kế hoạch di dời dân. Theo kế hoạch, hồ sơ thủ tục sẽ hoàn thành trong tháng 11/2006”.
TP. Đà Nẵng đang trong mùa mưa, tình trạng nhiễm điện tại các khu dân cư này sẽ còn phức tạp, ẩn chứa nhiều hiểm hoạ, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Các hộ dân ở đây đang mong chờ các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp để tránh xảy ra những tai nạn trước khi quá muộn.
Người dân sinh sống xung quanh khu vực bị nhiễm điện cần lưu ý:
- Di dời để ổn định cuộc sống, tuân thủ các hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành về điện.
- Đối với các vật dụng kim loại nên sử dụng các dây tiếp địa và tham khảo ý kiến của các kỹ sư, chuyên gia về điện.
- Đối với phụ nữ mang thai nên hạn chế tiếp xúc với khu vực bị nhiễm điện từ trường vì những tổn thương có thể xảy ra. Nếu tiếp xúc cần có phương tiện bảo hộ.
Theo Nghị định 106/2005NĐ-CP của thủ tướng Chính phủ ngày 17/8/2005, về quy định hướng dẫn thi hành Luật điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp : Đối với điện áp 500kV, khoảng cách không gian trên không tính về 2 phía đường dây đến các công trình phải lớn hơn 7m. Các nhà tồn tại trong hành lang lưới điện 220kV phải có cường độ điện trường nhỏ hơn 5kv/m tại bất kỳ điểm nào ngoài nhà, cách mặt đất 1m và nhỏ hơn 1kV/m tại bất cứ điểm nào trong nhà.
Nguồn: KH&ĐS Số 95 Thứ Hai 27/11/2006