Hiện tượng “điện giật tê tay” khi sống kề cận đường dây 500kV
Trước khi bàn về hiện tượng “tê vì điện” xảy ra dưới các đường dây siêu cao áp ta hãy làm quen với khái niệm trường điện từ. Bất cứ một vật nào mang điện cũng đều phát ra không gian bao quanh nó một loại từ trường đặc biệt gọi là "trường điện từ"". Loại từ trường này không thể trông thấy, không thể nghe thấy, không thể cảm thấy, chỉ có các máy đo chuyên dụng mới phát hiện được. Trường điện từ của một đường dây bao giờ cũng có hai thành phần: điện trường và từ trường. Riêng đối với đường dây xoay chiều, hai thành phần này có dạng hình sin và luôn vuông góc với nhau trong không gian như biểu thị trên hình.
![]() |
Theo lập luận trên thì nếu mạng điện gia đình nhà bạn không mang tải (tức công tơ điện đứng yên), bạn chỉ bị ảnh hưởng bởi điện trường mà thôi. Điều may mắn là điện trường không gây tác hại nhiều lắm đến sức khoẻ. Một người đứng dưới đường dây cao thế cũng chỉ chịu cường độ điện trường bằng 1,5 lần khi đắp tấm chăn điện mà thôi. Vấn đề gây nhiều phiền toái ở đây chính là từ trường. Nó là ""nghi can", đã gây ra nhiều chứng bệnh cho con người như ung thư, thai tật, rối loạn thần kinh v.v. mà các nhà khoa học hiện nay vẫn tranh luận chưa ngã ngũ. Từ trường cũng chính là nguyên nhân gây nên điện áp cảm ứng mà chúng ta sẽ phân tích trong bài báo này.
Khi một vật dẫn điện nằm trong phạm vi hoạt động của từ trường xoay chiều nó sẽ trở thành một nguồn phát điện mới, nếu đo hai đầu sẽ thấy phát sinh điện áp. Đây là hiện tượng cảm ứng điện từ. Điện áp cảm ứng có tần số đúng bằng tần số của từ trường, ở đây là 50hz. Người ta lợi dụng hiện tượng này để thiết kế các máy biến áp, suýt vôn tơ, động cơ điện v.v. Sở dĩ chúng ta cầm các đồ dùng kim loại trong nhà không thấy bị giật là vì điện áp cảm ứng này quá yếu, chỉ khoảng vài phần trăm vôn. Nhưng điều này lại không đúng đối với các nhà ở gần các đường dây siêu cao áp, từ trường ở đây rất mạnh do đó điện áp cảm ứng có thể gây ra nhiều điều phiền toái, nhưng không nguy hiểm cho con người.
Trong kỹ thuật điện, cường độ từ trường được đo bằng đơn vị Tesla (T) hoặc Gauxơ (G). Một Tesla bằng 10.000 Gauxơ. Tuy vậy các đơn vị này vẫn còn quá lớn do đó người ta thường dùng đơn vị khác nhỏ hơn, đó là milligauxơ (mg). Một milligauxơ bằng 1/1000 gauxơ. Nếu đứng dưới đường dây siêu cao áp 500 kV, bạn có thể bị tác động của từ trường có cường độ khoảng 140 mg. Một vật dẫn điện có kích thước đủ dài nếu nằm trong từ trường này và ở tư thế thích hợp (có thể gây nên điện áp cảm ứng làm ta nhận biết được). Chính vì hiệu ứng này mà những cán bộ công nhân mang máy trợ tim không được phép làm việc ở các trạm 500 kV. Khách tham quan cũng vậy nếu vị nào có mang trong người máy trợ tim xin cảm phiền dừng chân trước cổng trạm để ngắm nhìn từ xa.
Nếu bạn ở khoảng cách xa gấp đôi, cường độ từ trường sẽ giảm đi không phải hai lần mà là bốn lần. Thông thường nhà ở của dân phải cách hành lang bảo vệ của đường dây một cự ly tối thiểu, cự ly này được ghi rõ trong các quy định của ngành điện. Nếu bảo đảm đúng cự ly này thì đời sống của người dân không có gì đáng lo ngại. Tuy vậy quy định trên chỉ mang tính tổng quát, nếu những vùng đường dây đi qua có khí hậu ẩm ướt mưa nhiều hoặc đất đai có điện trở thấp... cần phải quy định nhà dân ở xa hơn rất nhiều để đảm bảo an toàn cho con người. Nguyên nhân là do hiện tượng điện giật nặng hay nhẹ không chỉ phụ thuộc vào điện áp cảm ứng mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: độ ẩm của các vật dụng trong nhà và tình trạng cách điện đối với đất của những người sống trong ngôi nhà đó.
Về bản chất, các vật phi kim loại như: gỗ, tre, nền gạch, tường xi măng, áo quần... là vật không dẫn điện. Nhưng điều này chỉ đúng khi chúng ở trạng thái khô tuyệt đối, nếu bị ẩm, chúng vẫn dẫn điện như thường và vẫn sinh ra điện áp cảm ứng như đối với các vật bằng kim loại. Nếu đứng trên nền đất mang dép ướt và chạm tay vào tường gạch hoặc vách liếp ẩm thì vẫn có khả năng bị điện giật. Nếu dí bút thử điện vào vách, vào cột vẫn thấy đèn neon sáng. Đây là hiện tượng cá biệt mà các phương tiện truyền thông đã từng nói đến về một số khu dân cư ở cạnh các đường dây 500kV. Nếu không có biện pháp phòng ngừa thích ứng, đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Cách tốt nhất và đơn giản nhất là ngành điện cần phối hợp với chính quyền địa phương tìm một khu đất khác cách xa nơi đường dây có nền đất cao để tránh các hiện tượng trên. Hiện tượng "tê tay"" chỉ là chuyện nhỏ, việc sống trong môi trường có điện từ trường biến đổi mạnh chắc chắc sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với cơ thể. Trong những ngày khí hậu ẩm ướt, trên các đường dây siêu cao áp còn phát sinh hiện tượng vầng quang, nổ lách tách. Hiện tượng này không gây nguy hiểm cho người mà gây nhiễu cho sóng Radio.
Ngoài ra, đối với đường dây nói chung thường xảy ra một số trường hợp khá nguy hiểm như: hiện tượng rò điện do cách điện xuống cấp, dây pha đứt rơi xuống do cành cây đổ, dây tiếp địa bị đứt hoặc xuất hiện dòng điện mất cân bằng, sứ đường dây bị đánh lửa hay vỡ do sét... nhưng đa số những hiện tượng này chỉ gặp ở các lưới điện hạ áp. Các đường dây siêu cao áp có hệ số an toàn rất cao và được trang bị hệ thống bảo vệ hiện đại nên chúng ta có thể yên tâm.