Hiện trạng ô nhiễm bụi trên địa bàn Hà Nội
Trong những năm gần đây, cả nước ta nói chung cũng như Hà Nội nói riêng có những bước phát triển vượt bậc. Đâu đâu cũng có thể thấy những công trường đang xây dựng. Những khu chung cư cao tầng, khu đô thị mới mọc lên khắp nơi. Những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như các cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Xuân Thủy; những cây cầu vượt sông Hồng như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy và nhiều công trình lớn khác… đã và đang được xây dựng. Những công trình này thể hiện một sự phát triển của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, chính việc xây dựng những công trình này lại gây ra một thực trạng đáng báo động ở Hà Nội: đó là tình trạng ô nhiễm không khí do bụi.
Trình trạng ô nhiễm môi trường do bụi trên địa bàn TP Hà Nội đã ở mức báo động. Kết quả quan trắc về nồng độ trên địa bàn thành phố cho thấy: Nồng độ bụi ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ ba đến bốn lần. Trong đó, địa bàn quận Đống Đa, Long Biên có nồng độ bụi cao nhất 0,8mg/m3, gấp bốn lần tiêu chuẩn cho phép, tiếp đến là địa bàn Tây Hồ, Hoàng Mai 0,78/m3… Các khu vực được coi là trọng điểm bụi trên địa bàn là khu vực Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, đường Nam Thăng Long, đường Nguyễn Tam Trinh, đường Hoàng Quốc Việt.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy, tại 250 điểm đo kiểm có tới 180 điểm đo (chiếm 72%) có hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Cụ thể, đường Nguyễn Trãi có vị trí vượt TCCP tới 11 lần; đường Nguyễn Văn Linh vượt 10,8 lần; ngã ba Tam Trinh – Lĩnh Nam có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn 5,2 lần; đường Phạm Văn Đồng vượt 3,6 lần; đường 428 Pháp Vân tại ngã ba Guột có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn 4,4 lần. Một loạt các “phố bụi” khác như Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Kim Giang, Khương Đình có nồng độ bụi cao gấp 3,8 đến 6,3 lần so với tiêu chuẩn.
So sánh kết quả quan trắc bụi tại 45 điểm trong 2 năm cho thấy, có những đường phố có hàm lượng bụi cao gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần chỉ trong vòng 1 năm. Cụ thể như đường Hoàng Quốc Việt năm 2007 nồng độ bụi là 222,2 microgam/m3, sang năm 2008 lên tới 414,3 micrôgam.m3; đường Trần Duy Hưng năm 2007 nồng độ bụi là 328,3 micrôgam/m3 đến năm 2008 lến tới 861,4 micrôgam/m3.
Đường Nguyễn Chí Thanh chỉ sau 1 năm, nồng độ này cũng tăng lên đáng kể, từ 172,2 micrôgam/m3 lên 244,2 micrôgam/m3 nồng độ tại đường Bưởi cũng tăng lêng gấp 3 – 4 lần từ 227,2 micrôgam lên 808,5 micrôgam/m3.
Tại một số tuyến phố, nồng độ bụi vọt lên 1.000 micrôgam như An Dương Vương từ 244,3 lên 1.002,3 micrôgam/m3; Ngô Gia Tự 287,0 lên 1.278,6 micrôgam/m3; Khuất Duy Tiến tử 831,1 lên 1.138,1 micrôgam/m3; nồng độ bụi trên đường Xuân Thủy từ 225,3 vọt lên 1.202,8 micorôgam/m3 cũng chỉ sau 1 năm. Một loạt các phố khác như Nguyễn Khoái, Minh Khai, khu vực Trung tâm hội nghị quốc gia, Trần Quang Khải cũng trong tình trạng tương tự.
Tại khu vực Hà Nội mới, tinh trạng ô nhiễm không khí do bụi, tiếng ồn và các khí thải gây ra cũng trong tinh trạng báo động. Trên nút giao của đường 71 và đường 32 trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hàm lượng bụi đo được vượt tiêu chuẩn 6,3 lần; nút giao đường Láng – Hòa Lạc và đường 21 tại huyện Thạch Thất vượt 4 lần tiêu chuẩn quy định; ngã ba 429 tại thị trấn Phú Minh huyện Phú Xuyên vó nồng độ bụi vượt 5,5 lần. Các khu vực như Sơn Lộc, (Sơn Tây); dọc quốc lộ 32; đường cao tốc Láng – Hòa Lạc; thị trấn Chúc Sơn, Xuân Mai, Miếu Môn thuộc huyện Chương Mỹ; Phùng Xá thuộc Thạch Thất…đều có hàm lượng bụi cao gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép, giao động ở mức 1.199 micrôgam/m3.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội không còn là “nguy cơ” hay “báo động” mà đã thực sự ảnh hưởng tới đời sống của tất cả người dân. Nhận thức rõ về mức độ ô nhiễm, chỉ có 2% người dân được hỏi cho rằng, không khí Hà Nội còn trong lành. Người dân cũng xác định, để “cứu” bầu không khí Thủ đô, không nên chỉ trông chờ các cơ quan chức năng mà còn có trách nhiệm của mỗi công dân thành phố.
Tại các khu vực đang xây dựng, sửa chữa công trình và một số đường giao thông vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nồng độ bụi gấp 7 – 10 lần. Ước tính, thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra đối với Hà Nội khoảng 1 tỷ đồng/ngày, chưa tính đến thiệt hại đến nông nghiệp và cây xanh.
Khu vực giao thông Pháp Vân (quận Hoàng Mai) đứng đầu về ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Trong khi nồng độ bụi lơ lửng ở Hà Nội cao hơn tiêu chuẩn cho phép (TCCP) 2,5 lần thì khu vực Pháp Vân có nồng độ cao gấp 4,1 lần TCCP. Đối với nồng độ bụi mịn, nồng độ bụi asen, khí CO, khí NO2, khí SO2… thì khu vực Pháp Vân cũng đứng vị trí cao nhất. Khu vực này còn ô nhiễm rất cao về nồng độ vi sinh vật, nấm mốc. Tổng số vi khuẩn tan máu/m3 cũng cao hơn 100 lần TCCP vào mùa lạnh vào cao hơn 400 lần vào mùa nóng.
Đa số người dân cho rằng, thủ phạm gây ô nhiễm không khí là khói ô tô, xe máy (84%) và cát bụi, vật liệu xây dựng (73%). Theo Sở tài nguyên Môi trường Hà Nội, xe máy chiếm 87% tổng lưu lượng xe hoạt động trong nội thành Hà Nội.
Đây là đối tượng chính gây ô nhiễm không khí cho thành phố. Ngoài ra, còn hàng loạt tác nhân nguy hiểm khác như khói công nghiệp, khí thải công nghiệp, khói lò than, nước thải, bếp củi, mùi xăng dầu.
Các nguồn phát sinh bụi
Bụi phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu từ các phương tiện chở vật liệu xây dựng rời, các công trình xây dựng và các điểm khai thác và buôn bán vật liệu xây dựng.
Theo các số liệu khảo sát bằng các trạm quan trắc không khí tại ven các đường giao thông tại Hà Nội cho thấy có tới 40% lượng chất ô nhiễm trong không khí xuất phát từ giao thông. Còn lại 20% từ đốt rác thải, rơm rạ, 20% là chất thứ phát (hình thành trong không khí), còn lại từ các hoạt động công nghiệp, đun nấu thức ăn và các nguồn ô nhiễm đến từ khu vực khác (do gió đưa đến).
Theo con số thống kê tại bốn địa điểm là khu vực Đuôi Cá, đê sông Hồng, đường Láng – Hòa Lạc và chân cầu Thăng Long thì có đến 95% số xe tải chở vật liệu xây dựng rời không đảm bảo yêu cầu vệ sinh như thùng xe không kín khít, không có nắp đậy thùng hoặc nắp đậy kín, chở vật liệu quá thùng nên rơi vãi vật liệu ra đường, gây bụi bẩn. Nhiều xe đi ra từ các công trường xây dựng bị dính bẩn ở lốp, gầm xe nhưng không được rửa sạch, từ đó dây bẩn tới khắp các tuyến đường khác.
Bụi còn phát sinh từ các công trình xây dựng. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra khá nhanh, thành phố như một công trường lớn. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố luôn có hơn 1.000 công trình xây dựng lớn nhỏ được thi công. Trong đó có đến hàng chục dự án cải tạo, xây dựng các nút giao thông, các khu đô thị mới, quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài hàng năm, gây ô nhiễm bụi cả khu vực rộng.
Theo thống kê mỗi tháng tại Hà Nội còn có khoảng 10 nghìn m2 đường bị đào xới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Bụi cũng phát sinh từ điểm khai thác, buôn bán vật liệu xây dựng. Hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 300 điểm tập trung buôn bán vật liệu xây dựng. Phần lớn những điểm buôn bán không có đủ điều kiện kinh doanh bảo đảm vệ sinh môi trường, diện tích nhở hẹp, không có hàng rào che chắn, thường sử dụng vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu vì vậy luôn phát tán bụi trong môi trường. Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi ở Hà Nội đến mức báo động, giảm chất lượng môi trường sống, gây ra các bệnh về mắt, về đường hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe của người dân, mất mỹ quan thành phố, ảnh hưởng hoạt động du lịch.
Nguồn công nghiệp
Hà Nội không có nguồn công nghiệp phát sinh bụi lớn như nhà máy nhiệt điện chạy than hay nhà máy xi măng. Tuy nhiên mật độ các xí nghiệp, nhà máy quy mô vừa và nhỏ lại khá lớn. Phần lớn các nhà máy đều sử dụng than hoặc dầu là nhiên liệu chính. Lượng than đốt của mỗi nhà máy không nhiều chỉ khoảng vài nghìn đến vài chục nghìn tấn than trong một năm. Hiện tại có một số khu vực công nghiệp đã và đang tồn tại với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau: dệt, hóa chất, cao su, cơ khí.
Những nhà máy lớn thải bụi qua các ống khói, trong đó phần lớn các ống khói dưới 35m. Theo đánh giá của nhiều đề tài thì đa số các nhà máy không có hệ thống lọc bụi trước khi thải vào khí quyển. Vì vậy nguồn công nghiệp vẫn phải được coi là nguồn phát thải bụi chính trên địa bàn Hà Nội.
Nguồn giao thông
Theo sự phát triển chung, hoạt động giao thông đang diễn ra sôi động trên địa bàn Hà Nội với nhiều loại phương tiện khác nhau. Ngoài vận chuyển hành khách và hàng hóa trong phạm vi Hà Nội còn nhiều loại phương tiện quá cảnh theo cả hướng Tây – Đông và Bắc – Nam. Nhiều loại phương tiện đã quá cũ, không chỉ tiêu thụ nhiên liệu nhiều, dễ gây tai nạn mà còn phát thải nhiều bụi vào môi trường không khí. Hiện tại, cơ sở hạ tầng giao thông như đường xá, bến bãi, chỗ đỗ xe còn rất hạn chế. Đường Hà Nội vẫn còn chật và rất bẩn, nhiều đất, bụi. Vì vậy khi xe cộ chạy qua đã cuốn theo đã cuốn theo lượng bụi lớn, cần phải tính đến trong đóng góp chung của hoạt động giao thông. Nguồn phát thải ở những cung đường đủ dài, với mức phát thải cao có thể coi là nguồn đường hoặc nguồn dạng tuyến.
Nguồn sinh hoạt
Hoạt động sống của con người diễn ra tấp nập trên địa bàn Hà Nội. Với số dân gần 3 triệu người, trong đó một nửa sống trong nội thành chật chội, hàng ngày phải dùng lượng nhiên liệu khá lớn để đun nấu thức ăn, làm nghề. Nhiên liệu sử dụng trong sinh hoạt khá đa dạng bao gồm than tổ ong, than cục, dầu hỏa, khí đốt, lượng than tổ ong tiêu thụ ở Hà Nội khá lớn, không chỉ phát thải nhiều loại khí độc mà còn phát sinh nhiều bụi vào khí quyển. Mức độ phát thải tại nơi tập trung dân cư, các khu vực tập thể cao tầng thuộc diện lớn và có thể coi nguồn phát thải là nguồn mặt.
Đôi khi, không thể tách riêng mức thải của từng loại nguồn kể trên mà phải gộp chúng trong loại nguồn mặt với mức phát thải được đo bằng lượng bụi phát sinh trên một đơn vị diện tích trên một đơn vị thời gian (thường là mg/m2/s).
Các biện pháp để ngăn chặn phát sinh bụi
Ngăn chặn từ nguồn: Theo quy định của UBND TP Hà Nội các phương tiện chở vật liệu rời (đất, cát, sỏi, đá, bùn, phế thải, xây dựng) phải được đựng đậy kín không để rơi vãi khi vận chuyển, hoặc phải sử dụng xe chuyên dùng để vận chuyển, không vận chuyển quá tải trọng quy định. Trước khi ra khỏi công trình xây dựng hoặc các điểm khai thác và buôn bán vật liệu hay các nơi tập kết chuyển chở phải rửa sạch bên ngoài, lốp xe, gầm xe đảm bảo không gây bẩn ra đường phố.
Nghiêm cấm các hoạt động khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng không có giấy phép. Việc quy hoạch, cấp phép và quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng phải thực hiện theo đúng Thông tư số 04/1999 TT-BXD ngày 15/7/1999 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị Định số 11/1999/NĐ-CP đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện.
Kiên quyết xử lỹ đối tượng vi phạm: Để có không khí trong lành, thành phố sẽ ban hành các hình thức xử lý vi phạm mạnh hơn, mức phạt lớn hơn các quy định hiện hành. Theo đó, các mức phạt đưa ra là 500.000đ, 1 triệu và 2 triệu đồng, kèm theo các biện pháp: tạm giữ ô tô từ 15 đến 30 ngày, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 90 – 180 ngày hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh tùy theo từng hình thức vi phạm và mức độ vi phạm. Nếu vi phạm 3 lần trở lên sẽ bị thu hồi giây phép. UBND Thành phố Hà Nội
Biện pháp tăng cường rửa đường đang được triển khai ở 22 quận, huyện trọng điểm. Với những tuyến dẫn vào nội thành như Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tụng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Phong Sắc, Trần Duy Hưng… sẽ được rửa 1 lần/ngày vào lúc 16 – 18h. Các tuyến phố văn minh thương mại như Điện Biên Phủ, Hàng Khay, Quán Thánh, Trần Nhân Tông… rửa 2 ngày/ lần
Kiến nghị
1. Cần duy trì và tiếp tục nâng cao hiệu quả hệ thống monitoring chất lượng môi trường không khí nói chung và nồng độ bụi có tiếng. Trong đó, cần sớm xử lý và đưa số liệu thu thập được từ các trạm quan trắc tự động vào hệ thống đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm bụi trên địa bàn Hà Nội.
2. Tất cả giải pháp, kế hoạch, chương trình giảm thiểu ô nhiễm bụi sẽ có tính hiệu quả trong trường hợp có sự quản lý, tổ chức thực hiện tốt và đặc biệt là có đủ nguồn kinh phí. Vì vậy, cần có sự nỗ lực không chỉ của cơ quan quản lý tài nguyên, môi trường mà của nhiều ngành nghề, nhiều tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Phải luôn có quan niệm rõ ràng là, trong một chứng mực nào đó thì mỗi chúng ta không chỉ là nạn nhân mà còn là tác nhân gây ô nhiễm bụi. Có như vậy mới huy động được sức mạnh của cộng đồng tham gia công tác giảm thiểu bụi dưới nhiều hình thức khác nhau.
3.Cần thống nhất hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí nói chung và ồ nhiễm bụi nói riêng trong một tổ chức thống nhất. Tổ chức này phải có đủ quyền lực, có thể huy động được các nguồn lực phục vụ công tác này. Vì vậy, có thể đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của UBND Thành phố hoặc bộ phận riêng của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất.