Hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam còn nhiều bất cập
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm đánh giá các loại xét nghiệm; thống kê các loại trang thiết bị xét nghiệm hiện đang sử dụng, đánh giá trình độ chuyên môn của cán bộ xét nghiệm; nhu cầu và khả năng đáp ứng về hoạt động xét nghiệm tại một số TTYTDP tại 11 tỉnh/thành phố.
YTDP thực chất là hoạt động phòng bệnh. Đây là một hoạt động quan trọng của ngành y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, lại có nghịch lý là người ta quan tâm đến chữa bệnh nhiều hơn phòng bệnh. TP Hồ Chí Minh là một thành phố lớn nhất cả nước nhưng mức đầu tư cho YTDP mới đạt 1.000đ/người/năm. Việc đầu tư cho YTDP rất cần thiết nhằm đẩy mạnh công tác phòng bệnh nhất là đối với những đại dịch lớn như SARS, cúm gia cầm, HIV/AIDS... |
Hầu hết các TTYTDP của các tỉnh/thành phố đều có tổ chức (khoa) và hoạt động xét nghiệm tuỳ thuộc vào điều kiện và sự phát triển về kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, phạm vi và mức độ xét nghiệm do đó cũng khác nhau. Hoạt động xét nghiệm chủ yếu là xét nghiệm chất lượng vệ sinh nước - thực phẩm - vệ sinh môi trường, hàm lượng iot trong muối ăn, các vi sinh vật gây dịch bệnh. Do mỗi địa phương có điều kiện riêng khác nhau nên chính sách thu hút nguồn lực cho công tác YTDP ở mỗi địa phương cũng khác nhau và tồn tại nhiều bất cập.
Qua điều tra, nhóm nghiên cứu đã thống kê được 22 chủng loại thiết bị chuyên dụng và 19 chủng loại thiết bị phụ trợ. Số thiết bị có mặt tại 11 tỉnh rất hiếm - chỉ có là tủ sấy. Hầu hết các thiết bị này đều nghèo về chủng loại, lạc hậu, không đồng bộ, khấu hao cao. Kinh phí sử dụng cho xét nghiệm tại các địa phương rất tuỳ tiện, không có quy định chung, có nơi quá ít: 3 triệu đồng/năm, có nơi khá lớn: 1,6 tỷ đồng/năm. Chế độ ưu đãi đối với cán bộ làm công tác YTDP còn thấp so với những người làm công tác khám, chữa bệnh (54% cán bộ có mức thu nhập trung bình, còn lại là thấp). Cán bộ xét nghiệm chưa được đầu tư thoả đáng. Tỷ lệ cán bộ xét nghiệm chưa được đào tạo nghề chiếm từ 17 đến 20%, tỷ lệ chưa được đào tạo lại là 44% (về vi sinh vật) và 22% (về hoá học vệ sinh).
Thực trạng trên cho thấy, để nâng cao chất lượng của công tác YTDP, không thể không đầu tư các trang thiết bị, vật tư, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành tương xứng. Nhà nước nên có chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế giỏi tham gia công tác YTDP, giảm khoảng cách chênh lệch giữa người làm công tác khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc với người làm công tác YTDP. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống YTDP, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, huy động cộng đồng tự giác tham gia công tác chăm sóc sức khoẻ.
Tại buổi nghiệm thu ngày 5/10/2005, Hội đồng khoa học của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam do PGS.TS Bùi Thanh Tâm làm Chủ tịch đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả và nhất trí cho đề tài đạt loại Xuất sắc.