Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 14/10/2005 14:21 (GMT+7)

Hãy uống nước sạch

Điều mà 22, 23 năm trước đã gây “chưng hửng”, thậm chí bị gièm pha trong y giới, không lâu sau đã trở thành một chân lý: phần lớn trường hợp viêm dạ dày tá tràng là hậu quả của sự nhiễm khuẩnHelicobacter pylori(từ đây viết tắt làHelicobacter) trong dạ dày.


Phát kiến của hai nhà khoa học này càng cho thấy tầm quan trọng của nước sạch, càng hiểu thêm tại sao nước sạch lại là một trong tám mục tiêu của chương trình thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và tại sao Ngân hàng Thế giới (WB) liên tiếp cho vay hàng trăm triệu USD cho các dự án nước sạch ở Việt Nam. Và cũng từ đó không thể xem nhẹ vấn đề xử lý nước ở TP.

Hồ Chí Minhvốn đã kéo dài quá lâu.


Hãy trở lại với những năm 1980. Bệnh nhân đau bao tử, như ở
Việt Nam, “ôm miết” các loại thuốc có thành phần aluminium hydroxide, magnésium hydroxide, thêm chút thuốc an thần giảm stress cho bớt đau; đau dữ dội quá, đi cấp cứu thì được chích thêm mũi atropine. Cứ thế mà đau miết năm này sang năm khác và cứ thế mà mua thuốc... hoặc nhai cơm nếp!


Hai nhà khoa học Úc Robin Warren và Barry Marshall

Hai nhà khoa học Úc Robin Warren và Barry Marshall

Cho đến ngày mà TS Robin Warren, một nhà bệnh lý học ở Bệnh viện hoàng gia TP Perth, cùng bác sĩ trẻ Barry Marshall mới xấp xỉ tuổi 30 dám nghĩ và dám làm điều ngược lại một chân lý khoa họclúc bấy giờ cho rằng không gì sống được trong môi trường acid.


Chưa kể đằng sau đó là những thành trì nhân danh y lý nhưng thật ra là lợi nhuận của các hãng sản xuất thuốc chống acid đang hốt bạc tỉ. Barry Marshall hồi tưởng cái thành trì tư tưởng đó: “Thời đó, y giới cố thủ trong những lý giải rằng loét dạ dày là do stress. Ngay cả bây giờ xem phim Mỹ cũng còn thấy cảnh loét dạ dày là do stress. Có thể do các vị ấy chưa nghe biết rằng vi khuẩn gây loét”.


Bởi thế, trong thông cáo báo chí chính thức loan báo giải Nobel y học năm nay đã ghi rõ công lao “khai sơn phá thạch” này của hai ông: “Năm 1982, khi vi khuẩn này được Marshall và Warren phát hiện thì stress và lối sống đang được xem như là các nguyên nhân chủ yếu của chứng loét dạ dày tá tràng.


Nay có thể khẳng định rằng Helicobacter pylori là nguyên nhân của đến 90% số ca loét tá tràng và 80% ca loét dạ dày. Nhờ phát hiện tiên phong của Marshallvà Warren , chứng loét dạ dày tá tràng không còn là bệnh kinh niên nữa mà chỉ còn là một bệnh có thể điều trị ngắn ngày với kháng sinh và các chất chống tiết dịch dạ dày”.


Từ lâu ở
Việt Nam, các xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter có xâm lấn (nội soi, sinh thiết) hay không xâm lấn (xét nghiệm hơi thở...) đã trở thành thường qui, các phác đồ điều trị đã trở thành đại trà, thuốc men dễ kiếm, không đắt. Thế nhưng, một khi đã biết Helicobacter là nguyên nhân thì cũng có thể phòng ngừa nguyên nhân này, chứ không chỉ giải quyết hậu quả ở bệnh viện mà thôi.


GS Barry Marshall đã nhắc trong phỏng vấn hôm 3/10/2005 sau khi được tin đoạt giải Nobel: “Ngày nay không có mấy ca loét dạ dày nữa tại các nước phát triển. Thế nhưng, ở nhiều nước, bệnh này vẫn còn là phổ biến”.


Những nước khốn khổ này là những nước nào? Thông cáo báo chí Nobel y khoa 2005 có ghi rõ: “Tại các nước có tiêu chuẩn kinh tế xã hội cao, sự nhiễm bệnh ít hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển, nơi mà hầu như mỗi người đều có thể bị nhiễm. Đặc biệt, nhiễm ngay từ khi còn bé, thường từ mẹ sang con, và rồi vi khuẩn lưu lại trong dạ dày có khi đến suốt đời”.


Bác sĩ Gabe Mirkin, trong báo cáo về tầm tác động của công trình của Barry Marshall (“How are ulcers spread? Helicobacter”, CBS Radio News 31-5-1995), có viết: “Các nghiên cứu sau này cho thấy hầu như 100% các ca ung thư dạ dày là do nhiêm khuẩn Helicobacter qua nước uống hay ăn thức ăn bị ô nhiễm.


Một nghiên cứu gần đây của Viện MIT cho thấy Helicobacter có trong nước uống bị nhiễm. Một báo cáo khác đăng trên chuyên san nghiên cứu về bệnh dạ dày đường ruột European Journal of Gastroenterologycho thấy các nguy cơ nhiễm loét dạ dày tá tràng chủ yếu do điều kiện sinh sống chật hẹp, đông người, thiếu giáo dục và điều kiện vệ sinh”.


Helicobacter có thể lan truyền như thế nào? Một tài liệu của Michigan Rural Water Association (Hiệp hội Nước bang Michigan ) cho biết: “Vi khuẩn có thể vào dạ dày bằng ngả miệng qua các thức ăn, thức uống nhiễm chất thải của người (phân). Nước không được xử lý có thể là “đại lộ” chung cho các khuẩn đó” ( http://www.mrwa.com/juneregs.htm ).


Chuyên san vi trùng học lâm sàng Journal of Clinical Microbiology(10-2003) trình bày rất chi tiết về vấn đề nhiễm khuẩn này từ phân người. Nói chung, các nghiên cứu với kết luận trên là đầy rẫy.


Nhà bên sông rạch

Nhà bên sông rạch

Từ những cảnh báo trên, xem ra vấn đề nước ô nhiễm và Helicobacter không xa lạ gì đối với thực tế nước ăn uống ở Việt Nam. Tập quán sử dụng nước ao (bên cạnh ao là hố xí hay chuồng heo...), hồ (... nuôicá), sông, rạch rất phổ biến ởViệt Nam, mặt khác cũng do người dân không có tiền.


Vấn đề thứ nhất sẽ có thể phần nào giải quyết được nếu như giải xong bài toán giáo dục, phổ cập xong giáo dục trung học cơ sở, sao cho người dân hiểu được đâu là nguy cơ tiềm ẩn trong lối sống, lối ăn, lối uống, lối thả chất thải... Vấn đề thứ hai (tiền) thì WB cùng các tổ chức quốc tế khác cũng đang giải quyết cho vay vốn, kể cả cho vay xây nhà vệ sinh ở nông thôn.


Vấn đề còn lại là những người có trách nhiệm về các dự án giáo dục, kinh tế xã hội, y tế “làm ăn” như thế nào. “Chuyện dài” nước thủy cục ở TP.Hồ Chí Minh là một thí dụ.


Nguồn: tuoitre.com.vn 9/10/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.