Hàm ý hội thoại trong các truyện cười dân gian: Khoe của và Hai kiểu áo
Từ góc nhìn dụng học, sự khai thác hàm ý trong các truyện này nhằm mục đích làm rõ thêm đặc tính của truyện cười.
Trong truyện cười dân gian Việt Namcó tới 98% truyện có hội thoại (theo thống kê của chúng tôi qua Tiếng cười dân gian Việt Nam của Trương Chính - Phong Châu). Trên thực tế, không một cuộc hội thoại nào nằm ngoài ngữ cảnh. Ngữ cảnh bao gồm toàn bộ hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh lịch sử và thế giới tâm lí mà trong đó ở trong một thời điểm nhất định, người ta sử dụng ngôn ngữ. Theo đó hàm ý hội thoại là ý nghĩa ngầm ẩn thể hiện trong phát ngôn gắn với ngữ cảnh giao tiếp cụ thể, được người nghe tiếp nhận thông qua suy luận theo chủ đích của người nói.
Theo quan điểm này, hàm ý được xác định bởi các tiêu chí sau:
- Là nội dung ngầm ẩn của phát ngôn được suy ra từ câu nói trong một ngữ cảnh giao tiếp.
- Nội dung ngầm ẩn này phải được người nghe giải đoán đúng như ý định của người nói thông qua suy ý.
- Là chủ định của người nói mặc dù người nói có thể “rút lui ý kiến” hoặc phủ nhận trách nhiệm của mình về nội dung ngầm ẩn đó.
Hội thoại có nhiều quy tắc, các quy tắc này cần thiết cho diễn biến bình thường của một cuộc hội thoại. Tuy nhiên trong giao tiếp nhiều khi người nói cố ý không gắn kết với một quy tắc đã biết nhằm một ý định giao tiếp xác định, hoặc dùng cấu trúc này để nói lên chức năng kia. Những phát ngôn được tạo ra bởi sự cố ý như vậy đều là những phát ngôn có hàm ý ngữ dụng.
2. Phân tích
2.1. Phân tích hàm ý của truyện Khoe của
Câu chuyện nói về một thói thường của người đời: tính khoe khoang. Nội dung truyện ngắn gọn, tình tiết đơn giản với hai tham thoại của hai nhân vật. Cả tham thoại hỏi và tham thoại hồi đáp đều chứa hàm ý.
Hỏi: Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?
Đáp: Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chưa thấy con lợn nào chạy qua đây cả.
Nội dung hàm ý của người kể là: Cả người hỏi và người trả lời đều thích khoe khoang.
Với mục đích khoe khoang, quan trọng hơn là thích khoe, người nói luôn muốn được người khác biết cái mình có thể nhận những lời khen, ca ngợi, khâm phục về tài năng, danh vọng, của cải, quyền lực… Người thích khoe chỉ muốn trưng bày tất cả cho thiên hạ biết.
Ở chuyện này, anh “mất lợn” cũng giống như anh “có áo mới” đều là những người rất thích khoe khoang. Trong tâm trạng tiếc của, hốt hoảng chạy ngược chạy xuôi tìm lợn, lời hỏi thăm lẽ thường chỉ cần: Bác có thấy con lợn của tôi chạy qua đây không?Thế nhưng tất cả mọi sự vất vả và trạng thái trên chưa đủ để lấn át được cái sở thích khoe khoang, nhất là lúc này đây cần phải khoe về đám cưới của mình. Thế từ cưới biết là thừa nhưng vẫn phải nói. Đối với anh ta, đây là hoàn cảnh thích hợp nhất, đây là việc đáng nói hơn bao giờ hết, vì nói cốt để gắn hàm ý. Anh “có áo mới” cũng vậy. Đáng lẽ anh ta cần phải trả lời ngay vào câu hỏi của anh “mất lợn”: Tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả(hoặc có thể trả lời đơn giản là không). Nhưng vì sốt ruột muốn khoe áo nên cơ hội này cũng không thể bỏ quan để trình bày ngụ ý của mình Từ lúc tôi mặc cái áo mới này… Nếu như câu hỏi của anh “mất lợn” chỉ thừa có một từ thì câu trả lời của anh “có áo mới” còn thừa nhiều hơn - thừa cả một vế câu.
Trong cuộc hội thoại này, cả người hỏi và người trả lời đều chủ động dùng hàm ý. Lí do dùng hàm ý, cách thức tạo ra hàm ý và nội dung của hàm ý là giống nhau. Hàm ý có lực ngôn trung thông báo. Về mặt hành động nói hàm ý thuộc hành động biểu hiện. Các nhân vật tham gia giao tiếp có cộng tác và nắm được năng lực giải đoán hàm ý của nhau. Hàm ý được sử dụng thành công đến mức cả hai nhân vật không hề nghĩ rằng có gì khác thường trong câu nói của mình.
Cuộc thoại cho thấy cả tham thoại hỏi và tham thoại hồi đáp đều liên quan đến phương châm hội thoại: nói những đều dư thừa về lượng tức là cố ý vi phạm phương châm về lượng ( lợn cưới và áo mới) trong nguyên tắc cộng tác hội thoại. Các câu nói này trở thành bất thường có phần kì quặc. Câu hỏi và lời đáp đều cố ý không gắn kết với quy tắc, nhằm thực hiện chủ định khoe khoang.
Chuyện này tiếng cười bật ra từ tình huống buồn cười. Hai anh hay khoe gặp nhau và cùng khoe. Anh nào cũng vừa hả hê vừa bực dọc! Hả hê vì có người để được dịp mà khoe! Bực dọc vì đợi suốt một ngày mới có dịp để khoe cái áo mới. Bực dọc vì con lợn cướichạy đi đằng nào chưa tìm ra…
2.2. Phân tích hàm ý của truyện Hai kiểu áo
Câu chuyện xoay quanh cuộc đối thoại giữa một ông quan lớn với người thợ may. Khi người thợ may hỏi quan may chiếc áo này để tiếp ailà đã có ý kháy quan, nhưng hàm ý thực có giá trị nằm ở câu: Nếu ngài mặc hầu quan trên thì vạt đằng trước phải may ngắn đi dăm tấc, còn nếu ngài mặc để tiếp dân đen, thì vạt đằng sau phải may ngắn lại.
Thông thường kiểu áo lương ngày xưa hai vạt trước và sau đều bằng nhau. Nhưng khi may áo cho quan người thợ may nói ra điều trên với nội dung ngầm ẩn: để ngài cúi gập trước quan trên và vênh mặt lên khi đứng trước thường dân. Nói cụ thể hơn thì quan là kẻ xu nịnh, cúi người (thậm chí quỳ dưới chân) trước quan trên và hống hách (thường ưỡn ngực ta đây) trước đám dân đen con đỏ. Khi ưỡn ngực thì vạt trước phải hếch lên, vạt sau chùng xuống nên phải cắt ngắn đi, còn khi phải cúi xuống thì vạt trước chùng nên phải may ngắn đi dăm tấc.
Quan hiểu được hàm ý của người thợ may, nên đã cho là chí lívà truyền lệnh may cho ta cả hai kiểu. Trong cuộc thoại này, người nói chủ định dùng hàm ý, người nghe chủ động nhận biết (lần hỏi lại thứ hai). Hàm ý trong câu nói của người thợ may thích hợp với năng lực nhận biết của quan lớn. Sự cộng tác giữa các nhân vật trong giao tiếp khá chặt chẽ, nhịp nhàng. Người nói quen nghĩ như vậy, người nghe quen làm như thế.
Điều rút ra trong nhận thức của người thợ may (tức hàm ý) dựa trên lẽ thường có tính chất văn hoá: Khi nịnh phải cúi người, vạt đằng trước chùng, vạt đằng sau ngắn; khi hống hách vệnh mặt lên, ưỡn ngực ra thì vạt đằng trước ngắn đằng sau chùng. Như vậy, người thợ may đã dùng kiểu câu tường thuật với lực ngôn trung trực tiếp là miêu tả để diễn đạt nội dung của hàm ý. Tuy nhiên đó chỉ là cái cớ nhằm đến một sự mỉa mai, giễu cợt. Về mặt nói năng, hàm ý này thuộc hành động biểu hiện.
Người nói phải dùng hàm ý vì sợ mếch lòng quan lớn. Về sau người thợ may nói ra điều đó vì quan hỏi anh ta, tức là buộc anh ta phải nói. Thực ra câu nói đầu của anh thợ may cũng đã có hàm ý, và hàm ý này quá “kín” khiến quan không giải đoán được nên phải hỏi lại. Đây là một thủ thuật nhạo báng quan của người viết truyện: quan kém thua cả người thợ may về mặt trí tuệ(!).
Hoàn cảnh giao tiếp bắt buộc người nói phải dùng hàm ý. Sau khi nắm được năng lực giải đoán hàm ý của người đối thoại, người thợ may đã dùng hàm ý thích hợp. Quan lớn hiểu được và cộng tác hội thoại, và thế là hàm ý được sử dụng thành công.
3. Kết luận
Hàm ý hội thoại trong các truyện trên là có thực, có vai trò quan trọng trong việc tạo ra tiếng cười - mục đích của truyện cười. Những thói hư tật xấu của các đối tượng trong xã hội thể hiện ở nội dung hàm ý có những mức độ khác nhau với bài học luân lí khác nhau.
Truyện Khoe củađem đến cho người đọc tiếng cười to sảng khoái nhưng ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng (chớ khoe khoang mà thành trò cười). Truyện Hai kiểu áocũng đáng cười, nhưng tiếng cười mang một ý nghĩa phê phán sâu sắc. Hai truyện cùng hướng tới sự phê phán tính cách, nhưng ở hai mức độ rất khác nhau. Một kiểu tính cách có thể sửa được còn kiểu kia đã trở thành cố hữu và không thể thay đổi.
_________________
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Hữu Châu, (2001) - Đại cương ngôn ngữ học- tập hai - Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Trương Chính - Phong Châu, (2004) - Tiếng cười dân gian Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Đặng Thị Hảo Tâm, (2003) - Cơ sở lí giải nghĩa hàm ẩn của các hành vi ngôn ngữ gián tiếp trong hội thoại, Luận án tiến sĩ, Hà Nội.
4. Yule.G. Dụng học(nhóm biên dịch: Hồng Nhâm, Trúc Thanh, Ái Nguyên. Hiệu đính: Diệp Quang Ban, 2003), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 3 (125), 2006, tr 5-7