Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 08/11/2008 00:16 (GMT+7)

Hai Thuận và sáng chế giàn phun thuốc diệt rầy nâu

1.Nói về sáng chế của mình, anh Thuận, ở ấp Vĩnh Yên, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, bộc bạch: “Nói thiệt với chú em, tui là nông dân, đâu có nghĩ chuyện chế tạo hay sáng chế gì. Tui nghĩ ra cái giàn phun này chỉ vì bức xúc ba cái chuyện con rầy hại lúa mà thôi”.

Ý tưởng để Hai Thuận sáng chế giàn phun thuốc diệt rầy bắt đầu từ vụ lúa hè thu 2008. Trong một lần ra đồng thăm lúa, Hai Thuận cầm thanh tre dài gạt ngang thân cây lúa để xem dưới gốc lúa có rầy nâu bám hay không. Nhìn thấy rầy nâu bám ở gốc và thân cây lúa trong khi cách đó vài hôm anh vừa phun xịt thuốc trị rầy, anh nghĩ “khi phun thuốc không xuống được đến gốc nhiều nên rầy không chết”.Nghĩ lại công phun xịt cực khổ có khi mất cả mấy ngày trời, Hai Thuận chợt nghĩ: Nếu có sẵn một thanh gạt sẵn như thanh tre này cho lúa hơi nghiêng rồi phun thì thuốc sẽ xuống ngay thân và gốc cây lúa. Như vậy, rầy sẽ tiêu ngay.

Trong đầu Hai Thuận lóe lên một ý tưởng mới. Anh bỏ ngang buổi thăm đồng, về nhà trầm ngâm vẽ vẽ, kẻ kẻ. Bác Sáu, cha anh Hai Thuận, kể: “Tui cũng thấy lạ. Thằng Hai ngày thường tối ngày lo chuyện ruộng đồng, chỉ khi nào đi họp chi hội nông dân ấp thì nó mới rờ tới cuốn sổ cây viết. Vậy mà bữa đó nó ngồi cả buổi. Nhưng đâu phải một bữa, sau đó cả nửa tháng trời, cứ rảnh chuyện đồng là nó lại ôm cuốn tập ngồi viết, vẽ. Anh em bạn trong xóm rủ lai rai nó cũng ậm ừ rồi ở nhà luôn” .Riết có người chọc ghẹo: “Chuyến này Hai Thuận tính chuyện làm ăn lớn hay sao mà bỏ luôn chiến hữu”.Nghe bạn bè nói vậy, Hai Thuận chỉ cười trừ, ra chiều bí mật. Đến trung tuần tháng 7-2008, mọi người mới vỡ lẽ khi anh chở về nhà một cái khung sắt hình bán nguyệt. Đến lúc này Hai Thuận mới bật mí với mọi người: “Cái giàn này để phun thuốc diệt rầy”.Ban đầu chẳng ai tin. Đến khi Hai Thuận kéo giàn phun ra ngoài ruộng làm thử thì mọi người phục lăn.

Giàn phun đầu tiên sáng chế, Hai Thuận đặt tên TY01. Giàn này nặng 10kg, có 6 béc phun thuốc, phía dưới mỗi đầu có một thanh sắt uốn cong hình bán nguyệt để dễ trượt trên ruộng. Chưa hết, giàn phun còn có một thanh gạt (có thể điều chỉnh cao thấp tùy theo tuổi lúa-PV) gạt lúa ngả xuống để 6 béc xịt thẳng thuốc vào thân và gốc có rầy bám. Giàn phun có thể tháo, ráp rất tiện dụng. 6 béc phun thuốc có thể điều chỉnh phun thẳng hoặc phun nghiêng tùy theo yêu cầu công việc. Giàn phun TY01 có thể phun trong phạm vi 1,6m, sử dụng cho bình gạt. Đến tháng 9-2008, từ giàn phun TY01, Hai Thuận đã cải tiến thành giàn phun TY02 và giàn phun này có thể phun trong phạm vi 2,5m với 8 béc phun và sử dụng luôn cho máy phun lẫn bình gạt.

Giá thành để làm một giàn phun thuốc diệt rầy nâu chỉ từ 450.000-600.000 đồng. Tính ra 1ha nếu phun bằng tay thì tốn hết 556.000 đồng, bao gồm: 4 ngày công 240.000 đồng (mỗi ngày 60.000 đồng), tiền thuốc 316.800 đồng; phun bằng giàn phun thì chi phí chỉ hết 357.900 đồng, gồm: 2,5 ngày công (150.000 đồng), tiền thuốc là 207.900 đồng. Tính chung, mỗi ha khi sử dụng giàn phun sẽ tiết kiệm được 198.000 đồng/ha/đợt phun. Sáng chế giàn phun thuốc diệt rầy nâu không chỉ giúp nông dân tiết kiệm công lao động, tiết kiệm chi phí thuốc mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đối với người phun...

Theo ông Phan Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Trị: “Với sáng chế của Hai Thuận, hiệu quả phun thuốc trừ rầy rất cao so với bình phun theo kiểu thông thường. Khi phun có thanh gạt lúa nằm nghiêng xuống nên thuốc thấm xuống thân, gốc lúa nên hiệu quả diệt rầy rất cao. Bởi rầy nâu chỉ đeo bám ở thân và gốc lúa. Với giàn phun, chỉ cần người đeo bình đi trước kéo giàn theo sau, thanh gạt của giàn phun sẽ gạt ngang làm thân lúa nghiêng xuống và lúc đó hệ thống béc phun thuốc đúng vào phần thân và gốc. Áp dụng giàn phun này vừa tiết kiệm thuốc, vừa rút ngắn thời gian phun và người phun thuốc an toàn hơn trong việc chịu ảnh hưởng của thuốc bởi đã đi trước rồi thuốc mới xịt phía sau. Còn phun xịt thông thường thì người xịt đi sau nên bị ảnh hưởng của thuốc”.

Khi Hai Thuận sáng chế giàn phun đầu tiên, Hội Nông dân xã Thạnh Trị đã tổ chức trình diễn cho bà con nông dân trong xã tham quan đánh giá. Mọi người đều công nhận đây là sáng chế rất hữu ích đối với nhà nông. Nói như chú Sáu Ẩn - một lão nông ở xã Thạnh Trị: “Có chứng kiến tận mắt mới thấy, giàn phun thuốc diệt rầy của Hai Thuận hoạt động ngon lành. Sắp tới, tôi cũng nhờ làm một giàn để xài cho ruộng nhà”.“Tiếng lành đồn xa” về giàn phun thuốc diệt rầy của Hai Thuận sáng chế, ngay sau đó, Công ty Thuốc bảo vệ thực vật An Giang mời Hai Thuận đi Đồng Tháp để trình diễn sáng chế cải tiến giàn phun thuốc diệt rầy. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị Lê Ngọc Mới tâm đắc: “Chúng tôi rất trân trọng những nông dân có óc sáng tạo như anh Hai Thuận”.

2.Là con trai đầu trong gia đình có 11 anh em. Hiện giờ Hai Thuận sống với cha mẹ già và chăm lo 12 công ruộng. Em trai, em gái đã dựng vợ gả chồng được 7 người, con ẵm, con bồng, nhưng Hai Thuận vẫn là “lính phòng không”. Từ năm 2005 đến nay, Hai Thuận là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Yên, xã Thạnh Trị. Anh nói: “Mình cũng là nông dân thôi. Mà lãnh nhiệm vụ rồi thì phải mần ăn cho ngon lành để bà con làm theo”.Còn về chuyện chế tạo giàn phun thuốc diệt rầy, Hai Thuận tâm sự: “Là một nông dân đã từng trải qua nhiều trận dịch rầy nâu, tôi hiểu thế nào là nỗi khổ của nông dân khi phải đối diện dịch rầy nâu gây hại. Do phun thuốc diệt rầy phải tốn kém nhiều công sức, nếu không thực hiện đúng cách thì việc phun thuốc coi như của bỏ trôi sông. Thậm chí chỉ trong một lứa rầy có nhiều bà con nông dân phải phun đi phun lại 2-3 lần nhưng vẫn bị cháy rầy. Xuất phát từ những khó khăn trên, tôi đã suy nghĩ và phác họa ra giàn phun với mục đích chủ yếu là diệt rầy nâu”.

Một chuyện ít ai biết cách đây 13 năm (năm 1995), Hai Thuận là một trong số 34 điển hình thanh niên trẻ có mô hình làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao... được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mời lên TP. Hồ Chí Minh giao lưu. Nghe anh Phan Văn Thuận nhắc chuyện cũ, Hai Thuận xua tay: “Thôi anh. Chuyện cũ mèm. Nhắc chi”.

... Hồi đó (năm 1995) với mô hình lúa - dưa, Hai Thuận đã nổi tiếng khắp vùng đất Gò (Gò Công Tây), là nông dân sản xuất giỏi của huyện. Thời điểm năm 1995, gần 1ha đất, chỉ vụ hè thu Hai Thuận đã thu về trên 5 tấn lúa và sau vụ hè thu, anh trồng tiếp vụ dưa và thu nhập hơn 17 triệu đồng. Điều này chưa đáng nói bằng việc Hai Thuận từng được bà con ở Thạnh Trị gọi vui là “Kiện tướng trồng màu” với mô hình xen canh: “cà, kê, cải, cá, dưa”. Trên phần đất của mình, Hai Thuận thả cá nuôi trên ruộng theo rỗng (mương nhỏ - PV) và bắt về ao, đìa khi trồng dưa để tránh ảnh hưởng thuốc trừ sâu. Vì trồng dưa nên mô liếp của ruộng gia đình anh rất cao, rỗng sâu lại đầy đủ thức ăn nên cá mau lớn. Sau khi thu hoạch dưa hấu, trên liếp dưa cũ anh xới đất trồng cà chua. Dưới liếp anh gieo sa kê. Dọc bờ thửa, Hai Thuận trồng cải.

Mải chuyện trò với Hai Thuận,trời nhá nhem tối lúc nào không hay. Ngược đường về lại Mỹ Tho, tôi nhớ tới lời chân tình của anh khi nói về sáng chế cải tiến giàn phun thuốc diệt rầy: “Nôngdân mình một nắng hai sương mới làm ra hột lúa nhưng nhiều khi giá trị thu về chẳng bao nhiêu bởi giá cả bấp bênh. Tôi chỉ mong cải tiến của mình giúp bà con nông dân mình đỡ cực hơn, chia sẻ khókhăn với bà con”.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.