Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 17/11/2008 16:52 (GMT+7)

Hai Lúa và website về... khoai lang

Trang web này giới thiệu các giống khoai lang mà anh đã trồng, giúp anh từ tay trắng trở thành ảy phú.

Chân đất... mê khoa học!

Một buổi sáng mùa thu năm 2002, giáo sư (GS) tiến sĩ khoa học Nguyễn Công Hào, Phân viện trưởng Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, đón một người khách từ phương xa đến. Anh ta có dáng vóc vạm vỡ nhưng lại hết sức mộc mạc. Vị khách cứ nằng nặc đòi gặp thầy Hào để xin "thọ giáo".

GS Hào rất ngạc nhiên và khi tiếp người khách lạ này, GS hỏi: "Anh quen biết thế nào với GS Hào mà tìm gặp mặt?". Anh nông dân trả lời gọn lỏn: "Tôi đâu có họ hàng, quen biết gì với GS Hào đâu. Mùa trước thất mùa, tôi đi mua sách của thầy Hào về đọc rồi đem áp dụng thành công. Nay tôi tìm tác giả để cảm ơn và hỏi thêm về cách trị sâu trên đồng ruộng...!".

Rất cảm kích vì sự nhiệt tình của anh, GS Nguyễn Công Hào đã không những chỉ giúp cho anh phương pháp trị sâu bệnh trên đồng ruộng, mà còn chọn anh làm cộng tác viên cho mình trong những lần áp dụng kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh mới.

Anh đã khiến thầy Hào bất ngờ, khi nghĩ ra cách kết hợp biện pháp sinh học và thủ công để diệt bọ hà (trong khoai lang). Thay cho phương pháp thường dùng là đặt bẫy pheromone cho bọ hà đực chui vào rồi chết để con cái không sinh sản được nữa, anh nghĩ ra cách cầm pheromone (được tẩm trong nút nhựa) đi dạo trên đám ruộng vào buổi chiều để bọ hà đực ngửi mùi chui lên khỏi mặt đất, tụ lại. Cứ như vậy, anh có thể một tay giết bọ, một tay đánh dấu để thuê người đào khoai bị xâm hại, triệt tiêu ổ bệnh mà không cần dùng đến thuốc hay hóa chất nào khác.

Người nông dân có sáng kiến đặc biệt ấy là Đỗ Quý Hạo hay còn gọi là Ba Hạo, chủ trang trại khoai lang Ba Hạo tại ấp Hiệp Lợi, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang và có văn phòng đại diện tại B17/5 Lương Định Của, P Bình An, Q 2, TP Hồ Chí Minh.

Chỉ là một nông dân mới học hết lớp 7 (hệ 10 năm) nhưng anh Hạo có thể nói vanh vách về các công thức hóa học cũng như tên khoa học của các loại virus gây bệnh cho cây. Có được điều này là nhờ chuỗi ngày dài anh đã "tầm sư học đạo" tại các trường đại học, các viện khoa học kỹ thuật.


Thành lập website về... khoai lang


Giao diện trang web của Ba Hạo.
Giao diện trang web của Ba Hạo.
Đỗ Quý Hạo sinh tại Thái Bình, đi bộ đội năm 1975 và năm 1980 xuất ngũ về quê. Nhà nghèo, không đất đai, không nghề nghiệp, anh rời quê hương đi xây dựng kinh tế mới ở vùng tứ giác LongXuyên.

Năm 1981, Nông trường Kiên Bình (Kiên Giang) giao cho anh 30 công ruộng (3ha) và đầu tư vật tư, anh chỉ bỏ công làm đến khi thu hoạch thì chia lời. Ba Hạo làm mỗi năm hai vụ, một vụ anh trồng khoai lang và một vụ dưa hấu.

Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi và áp dụng kỹ thuật mới, khoai lang anh trồng cho năng suất bình quân 18-20 tạ/công. Đến năm 2001, Ba Hạo có được 78 công đất, vụ hè - thu anh trồng toàn khoai lang. Trừ chi phí, anh lời trên 310 triệu đồng.

Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, đến năm 2003, Ba Hạo quyết định bỏ lúa đông - xuân để chuyển sang trồng khoai lang trái vụ. Đến kỳ thu hoạch, năng suất đạt bình quân 62 tạ/công (một kỷ lục), bán với giá 80.000đồng/tạ, trừ chi phí anh lời hơn 400 triệu đồng. Có được thu nhập từ khoai lang, Ba Hạo chuyển sang nghiên cứu sâu về loại cây trồng này và anh chuyển hẳn sang trồng khoai lang.

Năm 2005, Ba Hạo mua máy tính và... thuê người dạy cho mình. Sau khi học xong, anh đã nối mạng Internet. Từ khi có Internet, tối nào sau ngày làm việc, Ba Hạo cũng ngồi lướt web. Các website liên quan đến nông nghiệp, thị trường giá cả và trang web của các trường đại học, các trung tâm, các viện khoa học kỹ thuật là những địa chỉ thân thuộc đối với anh.

Tiếp cận với Internet, Ba Hạo nhận ra đây là một kênh thông tin đặc biệt của cộng đồng. Từ đó anh nảy ra ý định thành lập trang web chuyên về khoai lang để giới thiệu các giống khoai mới cũng như kỹ thuật trồng.

Sau thời gian tập hợp thông tin, ngày 15-8 vừa qua, trang web đầu tiên về khoai lang Việt Nam do Ba Hạo sáng lập đã được hình thành tại địa chỉ www.khoailangbahao.com.vn .

Ngoài sản phẩm, trang web còn giới thiệu các biện pháp kỹ thuật giảm tồn đọng dư lượng thuốc trừ sâu, tiến tới trồng khoai sạch, đồng kích cỡ, đồng mầu sắc, hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài (nhất là châu Âu)... Nhờ trang web này, nhiều công ty trong và ngoài nước đã đến đặt mua sản phẩm và hợp đồng làm ăn dài hạn với Ba Hạo.

Từ khoai lang, mỗi năm anh có nguồn thu ổn định, trung bình lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp phòng trị bệnh cho bà con trong vùng, tạo nên phong trào trồng khoai lang đại trà. Hiện tại số đất trồng khoai lang mà anh thuê đã lên đến 50ha, Ba Hạo còn dự tính mua máy bộ đàm và ống nhòm về chỉ đạo nhân công.

"Đất rộng, đi không nổi đâu. Có ống nhòm sẽ xem được nhân công thao tác đúng hay sai - Ba Hạo tâm sự - Sắp tới trang trại sẽ mở rộng diện tích lên 50ha để cho sản lượng 1.000 tấn, chủ yếu là khoai lang tím Nhật xuất khẩu vì loại khoai này phù hợp với vùng đất, có dáng đẹp và năng suất cao".

Ngày 6-8 vừa qua, Ba Hạo được chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Kiên Giang đi dự Hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc năm 2007 và sáng 23-8, Ba Hạo là một trong những nhân vật tham gia giao lưu trực tiếp tại trường quay S9, Đài Truyền hình Việt Nam với những gương nông dân làm ăn giỏi.

Ba Hạo tâm sự: Từ lâu tôi vẫn nghĩ có người nào làm được trang web để thế giới biết về khoai lang Việt Nam thì chắc hàng hóa mình dễ tiêu thụ hơn nhưng chờ mãi không thấy. Nhiều khi tháng 8 âm lịch, nước lũ tràn về phải thu hoạch chạy lũ nhưng khoai lang để trên bờ cả tháng mà không có người mua, lúc đó mơ ước về một trang web khoai lang càng mãnh liệt. Một hôm tôi được mời dự hội thảo về đầu tư và thương mại của Singapore tại Việt Nam, được gặp khách hàng Singapore, họ nói từ trước đến giờ không có thông tin về khoai lang ở Việt Nam làm tôi càng bức xúc và quyết tâm phải làm được, nếu làm không được thì nhờ trợ giúp. Thế rồi tôi lên Khoa Kinh tế - Đại học An Giang dự thính một số môn học để làm web và nhờ thạc sĩ Trần Minh Hải tư vấn. Ngày 15-8, trang web đã được kích hoạt trước sự chứng kiến của đông đảo giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế - Đại học An Giang" .

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.