GS.VS Trần Đại Nghĩa và những công trình "bom tấn" - Kỳ 2: Anh cả của ngành công nghiệp quốc phòng
Những sáng chế, phát minh chấn động
Trở về nước ngày 20/10/1946, 7 ngày sau, Phạm Quang Lễ được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên để nghiên cứu, chế tạo súng chống xe tăng theo mẫu Bazooka của Mỹ. Ngày 5/12/1946, ông lại được gọi về Bắc bộ phủ gặp Bác. Lúc bấy giờ, tình hình kháng chiến đã hết sức căng thẳng. Bác giao cho Phạm Quang Lễ làm cục trưởng Cục Quân giới, toàn tâm toàn ý lo vũ khí cho bộ đội. Sau đó, Bác đặt tên cho ông Lễ là Trần Đại Nghĩa để giữ bí mật và bảo vệ gia đình của ông.
Sau buổi gặp ấy, trong căn lán nhỏ với ngọn đèn dầu tù mù, ông hí hoáy với những bản thiết kế đến quên ăn, quên ngủ. Những kiến thức tích lũy trong 11 năm trời lần lượt được đưa ra áp dụng. Cuối cùng, một khẩu súng Bazooka và 60 quả đạn đầu tiên được ra đời nhưng đạn chưa xuyên thủng được xe tăng. Lao vào tìm hiểu, Trần Đại Nghĩa thấy đạn "Badôca" của Mỹ được nhồi bằng thuốc phóng, còn ta chỉ có loại thuốc súng lấy được từ bom đạn của Pháp. Bởi thế, ông lại mày mò tính toán nhiều chi tiết. Cuối tháng 2/1947, việc chế tạo súng Bazooka đã thành công. Đạn bắn ra đâm xuyên đạt độ sâu 75cm, sức công phá tương đương súng của Mỹ.
Đêm 2/3/1947, sau khi nhận được lệnh khẩn cấp chế tạo súng đạn để chặn cuộc hành quân của Pháp, những người đồng chí quây quần bên cái "lán nguy hiểm" (bởi dưới gầm giường của ông Nghĩa luôn có vài tạ thuốc nổ) để nhồi thuốc, lắp đạn. 3 giờ sáng, tổ nghiên cứu của Trần Đại Nghĩa cùng anh em trong cơ quan Cục Quân giới nhồi lắp được 10 quả đạn mang mã hiệu B60, kèm 1 quả đạn khói, 1 súng Mỹ cải tiến đưa ra mặt trận. Nhờ thế, sáng 3/3/1947, quân ta đã bắn cháy những xe tăng "dọn đường" của địch khiến chúng vô cùng bất ngờ, không hiểu tại sao Việt Minh lại có những vũ khí có sức công phá khủng khiếp như vậy.
Sau Bazooka, Trần Đại Nghĩa lại tiếp tục suy nghĩ về các loại vũ khí mới có uy lực mạnh hơn. Những năm 1948 - 1949, Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu các loại vũ khí hạng nặng để công phá những lô cốt bê tông cốt thép. Ngày ấy, ông Nghĩa luôn nghĩ về một loại súng thật nhẹ để mang vác dễ dàng. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông nghĩ tới súng không giật (SKZ), một loại vũ khí mới mà chỉ người Mỹ mới biết. Với các cộng sự gần gũi như ông Trinh Tiếp, Lê Tâm..., ông Nghĩa đã thành công với khẩu súng khoảng 20kg, đầu đạn lõm cỡ 160mm, xuyên thủng bê tông hàng mét. Sau này, ký giả Lucien Bodart viết: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ".
Tiếp sau SKZ, Trần Đại Nghĩa lại nung nấu chế tạo ra thứ vũ khí sấm sét. Ông nghĩ tới các loại bom bay của Đức. Nhưng vấn đề làm sao để đẩy cả khối thuốc nổ đó đi xa một hành trình dài tới mấy km là một bài toán hóc búa. Nhưng với phương án ép từng lớp thuốc vào ống thép, ông đã thành công và đặt tên nó là "đạn bay". Theo kể lại, có một hàng binh đã từng khai: Ngay cả lính cảm tử cũng có nhiều kẻ muốn chạy sang hàng ngũ Việt Minh để tránh được thảm cảnh gây ra bởi một loại vũ khí mới khủng khiếp.
Nhà khoa học anh hùng
Với nhiều cống hiến cho quân đội, Trần Đại Nghĩa đã vinh dự được Trung ương Đảng và Bác quyết định phong hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên (cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vào ngày 20/11/1948. Với niềm tự hào ấy, Trần Đại Nghĩa lại tiếp tục con đường khoa học, phục vụ quân đội. Năm 1949, khi mới 36 tuổi, Trần Đại Nghĩa được giao đồng thời hai nhiệm vụ cục trưởng Cục Quân giới và cục trưởng Cục Pháo binh. Với sự cầm lái của người thuyền trưởng tài ba, lực lượng pháo binh đã hoàn thành xuất sắc chiến dịch Biên giới năm 1950, sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954...
Năm 1952, trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên, GS Trần Đại Nghĩa lại có thêm một vinh dự lớn lao nữa. Ông đã được trao tặng hai danh hiệu cao quý là Huân chương Hồ Chí Minh và Anh hùng Lao động. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trần Đại Nghĩa được chuyển ra ngoài quân đội. Năm 1966, ông được gọi trở lại để chế tạo vũ khí trong chiến tranh chống Mỹ với chức danh phó chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần phụ trách về kỹ thuật. Cũng trong năm này, ông được bầu làm Viện sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, danh vị cao nhất của những người làm khoa học.
Trở lại quân đội, nhiệm vụ của GS.VS Trần Đại Nghĩa rất nặng nề khi chúng ta phải đối đầu với những vũ khí hiện đại và phức tạp của Mỹ. Lúc đầu, ta phải cải tiến các vũ khí được viện trợ rồi phát triển nhiều loại vũ khí khác nhau để địch đối phó khó hơn. Rồi phải nghiên cứu những vũ khí của giặc, tìm ra nhược điểm để đối phó... Giải phóng miền Nam, GS Trần Đại Nghĩa mừng vui ghi vào cuốn sổ tay của mình: "Nhiệm vụ của Bác giao cho chúng tôi và tập thể các nhà khoa học Việt Nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành".
Nguồn: KH&ĐS, số 106, 2/9/2008, tr 4