Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 09/09/2008 18:01 (GMT+7)

GS.TSKH.NGND Phan Nguyên Hồng: Ươm giống cây ngập mặn giữa lòng Hà Nội

Đạp xe gần 6.000km nghiên cứu rừng ngập mặn

Người ta kể rằng, ông đã hết sức bất ngờ khi nghe tin mình đoạt giải Cosmos? Trước đó, ông không quan tâm và chưa biết gì về giải thưởng này?

Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện. Mấy tháng trước có một số đoàn nhà khoa học của Nhật sang Việt Nam tìm hiểu về hệ sinh thái rừng ngập mặn (RNM). Tôi tưởng đấy là chuyện rất thường lệ. Tôi giới thiệu một số hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái RNM... Sau này, tôi biết đó là những người muốn tìm hiểu kết quả nghiên cứu để xét chọn giải thưởng Cosmos. Là người duy nhất được nhận giải thưởng trong khi trước đó có rất nhiều nhà khoa học đến từ nhiều nước lớn được đề cử, tôi rất bất ngờ. Nhưng tôi luôn nghĩ, thành quả của tôi đạt được là công sức của cả một tập thể đặc biệt là MERC, một mình tôi không thể làm được nhiều như thế.

Được giải thưởng nhờ hoạt động không mệt mỏi trong lĩnh vực bảo tồn RNM. Điều này làm tôi thắc mắc, cớ gì ông chọn RNM, một mảng nghiên cứu mà giới khoa học thế hệ ông chẳng ai mặn mà?

À. (Cười một cách thú vị). Tôi tìm hiểu về hệ sinh thái RNM một cách ngẫu nhiên. Năm 1964, tỉnh Quảng Ninh nhờ trường Đại học Sư phạm I (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội- PV) - nơi tôi công tác, xây dựng quy hoạch phân vùng tự nhiên và kinh tế của tỉnh. Những nghiên cứu đầu tiên về vùng ven biển ở Quảng Ninh ngày đó khiến tôi phát hiện ra RNM mà thời đó người ta gọi là "bãi sú vẹt" có rất nhiều điểm đặc biệt về mặt sinh thái học. Tôi nghĩ, những kiến thức này cần phải được đưa vào giáo trình giảng dạy của Việt Nam . Lúc đó, tài liệu về hệ sinh thái ở Việt Nam còn rất ít, nếu đưa thêm được nhiều dẫn liệu thực tế thì hiệu quả sẽ cao hơn. Mặt khác, việc nghiên cứu cũng có thể giúp cho cộng đồng ven biển hiểu biết rõ hơn về giá trị của RNM.

(GS.TS KH Phan Nguyên Hồng thoáng trầm ngâm, đôi mắt sáng hướng về bức tranh vẽ hệ sinh thái RNM cỡ lớn treo ngay lối ra vào).

Thời gian sau đó, không quân và hải quân Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt miền Bắc. Trường Đại học Sư phạm 1 phải sơ tán về một vùng núi xa của Thái Nguyên. Thấy tôi thiết tha với RNM, trường đã tạo điều kiện cho tôi dạy dồn để mỗi tuần có thể để ra 3 - 4 ngày đi "thực hiện ước mơ". Tôi đã đi các vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh bằng xe đạp. Tôi có một chiếc mũ và một chiếc áo, trên đó ghi lại hành trình của mỗi chuyến đi. Tính sơ sơ, tôi đã đạp xe gần 6.000km trên những con đường nham nhở hố bom.

Ươm giống cây ngập mặn trên tầng thượng tại Hà Nội

Khi nghiên cứu, điều gì về RNM của Việt Nam thu hút ông?

Tôi phát hiện RNM có một ý nghĩa lớn đối với đời sống người dân. Nhiều người sống nhờ vào việc thu bắt hải sản như cá, tôm, cua, nghêu, sò... có trong vùng RNM.

Ngoài ra, khi còn nhỏ, tôi thường phải đi gánh nước xa. Tôi dùng lá bầu đậy lên thùng nước để nước không trào ra ngoài. Khi đến vùng biển, hình ảnh này trở lại trong tôi. Tôi thấy, nơi nào có RNM, nơi đó có khả năng chắn sóng, bảo vệ đê điều tốt. Trong một số hội thảo, tôi có báo cáo về vai trò của RNM với việc bảo vệ đê biển. Tiếc là mãi đến những năm gần đây, một số cơ quan quản lý và địa phương mới quan tâm đến việc dùng RNM để bảo vệ đê chắn sóng bão.

Nói thật, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi đã kiên trì. Hồi mới làm về RNM chúng tôi phát hiện, cây bần chua mọc nhanh, có nhiều rễ nên giữ được đất bồi, cản được sóng. Nhưng ở miền Bắc, bần chua rất khó tái sinh. Hạt rơi xuống đất, nảy mầm thì bị vịt, chim và còng cáy ăn. Mặt khác, trồng bần chua đúng mùa quả chín sau một thời gian ngắn cây bị chết rét rất nhiều do gió mùa đông bắc.

Lúc đó, tôi đang ở nhờ nhà bố mẹ vợ ở số nhà 91 Nguyễn Khuyến, Hà Nội. Căn nhà chỉ rộng hơn 10m 2. Tôi biến tầng thượng thành một nhà kính nhỏ. Tôi, anh Lê Xuân Tuấn (cán bộ của MERC) và anh ASANO (người Nhật) thí nghiệm giữ hạt bần tránh rét và tránh ánh sáng trong khoảng không gian rất hẹp. Kết quả thật thú vị, sau 6 - 10 tháng tỷ lệ nảy mầm cao. Nhờ đó có thể xây dựng một số vườn ươm và phổ biến cho Hội Chữ thập đỏ 8 tỉnh phía Bắc trồng dặm trong các rừng trang phòng hộ. Hiện nay, hầu hết các rừng này đã vượt mặt đê, bảo vệ tốt cho đê biển.

Ở Việt Nam, RNM chỉ còn 1/3 so với ban đầu

So với các nước khác, tốc độ phá rừng RNM của Việt Nam rất nhanh, ông nghĩ gì?

RNM chỉ có ở các nước nhiệt đới và á nhiệt đới, hầu hết là các nước đang phát triển nhưng đang bị mất dần do các mục tiêu kinh tế ngắn hạn. Người ta phá rừng để làm nông nghiệp, nuôi tôm, xây dựng... Ở Việt Nam , tốc độ tàn phá RNM rất nhanh. Hiện RNM ở Việt Nam chỉ còn khoảng 1/3 so với ban đầu, chủ yếu là các rừng trồng lại và rừng thứ sinh. Có thời điểm, Ngân hàng Thế giới định đầu tư một khoản tiền lớn để khôi phục RNM ở 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nhưng qua khảo sát, họ thấy RNM đã bị phá quá nhiều để làm đầm tôm, không còn đất để phục hồi rừng, nên chỉ đầu tư tiền để trồng rừng phòng hộ.

Phá rừng nuôi tôm? Phải chăng đây là thách thức lớn nhất đối với vấn đề bảo tồn RNM?

Đúng là phần lớn diện tích RNM đang bị phá để nuôi tôm. Theo tính toán hợp lý nhất là sử dụng 30% diện tích để nuôi tôm, 70% diện tích để trồng rừng. Nhưng nhiều nơi lại làm ngược lại, 70% diện tích để nuôi tôm, 30% diện tích để trồng rừng. Ngoài ra, còn một vấn đề "nóng" khác là diện tích đất nuôi tôm đang bị thoái hóa biến thành đất chua mặn rất khó cho việc trồng lại rừng...

Thường thì người dân quan tâm đến sự mưu sinh của họ nhiều hơn. Khó có thể khuyên họ rằng, đừng nuôi tôm nữa để bảo vệ rừng. Theo ông, các địa phương phải làm gì để cân bằng giữa nuôi tôm và bảo tồn RNM?

Có một phương án mà thế giới rất quan tâm là xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái (cả rừng và tôm đều có thể cùng nhau phát triển). Theo đó, tại các rừng ngập nước người ta sẽ tạo ra những con mương, nước sẽ được dẫn vào mương để nuôi tôm. Cách này vừa giúp bà con có đất nuôi tôm, vừa bảo vệ được rừng. Cách nuôi tôm như hiện nay, chỉ 5 - 6 năm nữa, đất sẽ bị thoái hóa và môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng.

(Cười nhẹ). Thật may mắn là hiện nay, các nước có RNM đang rất tích cực bảo vệ RNM. Thái Lan đang chủ trương yêu cầu chủ đầm tôm trả lại đất để trồng rừng. Ở Việt Nam gần đây, việc tàn phá RNM có giảm và phong trào trồng rừng tăng lên. Nhưng chắc là công việc của chúng tôi vẫn còn nhiều.

Tôi chưa biết làm gì với giải thưởng lớn

Tôi nghe kể rằng ông từng viết luận án PTS về RNM mà không cần người hướng dẫn?

Không phải là không cần người hướng dẫn, mà lúc đó, ở Việt Nam , chẳng có ai làm về RNM để nhờ hướng dẫn. Năm 1963, tôi bị lỡ chuyến du học do chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô. Tôi nghĩ ở trong hay ngoài nước thì cũng phải nghiên cứu và tự nâng cao trình độ. Năm 1968, tôi được cử tham gia đoàn cán bộ tìm cây rừng làm thức ăn cho bộ đội Trường Sơn. Tôi đề nghị trường cho tổng kết công trình đang nghiên cứu với mục đích có thể giúp ích cho những người đi sau nếu bị hy sinh chứ không dám nghĩ đến học vị này nọ. Viết xong, tôi được gợi ý viết tóm tắt rồi gửi sang Liên Xô. Sau đó 8 nhà khoa học Liên Xô trả lời là công trình của tôi có thể bảo vệ luận án PTS (nay là TS). Năm 1970, cùng với hai cán bộ khác của trường, tôi bảo vệ thành công luận án PTS. Đây là ba luận án PTS đầu tiên được bảo vệ trong nước. (Giọng đầy xúc động). Những thời điểm đó quả là khó khăn. Bạn bè thì nhiều, nhưng không ai có thể giúp tôi tìm nổi một cuốn sách vì họ không nghiên cứu về RNM, tài liệu của nước ngoài lại rất hiếm. Tôi làm luận án chủ yếu dựa vào thực tế. May mà bên cạnh tôi có các em sinh viên. Chính họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều.

Quay trở lại giải thưởng Cosmos, ông đã có dự định gì với khoản tiền thưởng gần 6 tỷ đồng?

Quả thực là đến giờ này, tôi vẫn còn rất băn khoăn. Có nhiều người khuyên tôi nên sử dụng tiền thưởng để trao học bổng cho sinh viên, đầu tư cho các dự án phát triển RNM... Có người còn đề nghị tôi xây lại một cây cầu ở quê hương (bật cười vui vẻ). Nhưng tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhiều người khác xem nên sử dụng số tiền này thế nào cho hợp lý. Có điều chắc chắn tôi sẽ dành một khoản tiền để làm những việc có ích.

Chân thành cảm ơn ông.

- GS.TSKH.NGND Phan Nguyên Hồng sinh năm 1935 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông nguyên là giảng viên khoa Sinh, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh Thái RNM, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), phụ trách Ban Nghiên cứu Hệ sinh thái RNM (MERD).

- Cosmos là giải thưởng quốc tế về lĩnh vực môi trường. Từ năm 1993 đến nay, giải thưởng đã trao cho 15 nhà khoa học trên toàn thế giới.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.