Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 19/05/2008 15:51 (GMT+7)

GS Phạm Song, Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế: Danh vọng đến rồi sẽ lại đi

Nhiều người nói ông là vị bộ trưởng rất giản dị, phải chăng ông không phải là người thức thời?

Tôi làm thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 1984, năm 1988 lên làm bộ trưởng và giữ chức vụ này 5 năm. Nếu nói về chuyên môn tôi làm rất tốt, sắp xếp các công việc của Bộ cũng không đến nỗi nào nhưng làm giàu cho bản thân thì đúng, tôi không phải là người thức thời. Khi còn làm thứ trưởng tôi vẫn còn dạy 171 tiết để kiếm thêm tiền cho bà xã đi chợ, bây giờ thì có ai còn làm thế nữa. Lên Bộ trưởng, muốn cơ sở của Bộ khang trang hơn, tôi chỉ đạo anh em lấy tiền viện trợ ra xoay vòng để mở mang trụ sở, suýt nữa tôi bị kỷ luật vì sử dụng tiền sai mục đích. Cũng may hồi đó các vị lãnh đạo cấp cao trong đó có anh Kiệt (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và Anh Mười (Tổng Bí thư Đỗ Mười) hiểu, nói rằng, nó lấy tiền đem xây trụ sở chứ có xây nhà riêng đâu. Vì không tơ hào đồng nào nên mới thoát (cười).

Một vụ nữa là khi Việt Nam bị dịch sốt rét ác liệt, lúc đó tôi và cộng sự nghiên cứu rất kỹ về chiết suất Artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng Việt Nam, chuyển hóa thành các dẫn chất có hoạt tính mạnh hơn để chữa sốt rét kháng thuốc. Qua thử nghiệm, thuốc giảm tới 97% tử vong do sốt rét. Theo đề nghị của tôi, Văn phòng Thủ tướng giao cho phó thủ tướng Nguyễn Khánh đem cây thanh hao hoa vàng phát động trồng phủ khắp Hà Nam, Văn Điển để chiết xuất thuốc chống sốt rét. Do phát động hăng quá, nhiều người đổ xô trồng loại cây này. Lúc đầu thu mua 7 triệu đồng/kg sấy khô (giá này được tôi cho ký hợp đồng 6 tháng), song về sau nhiều người trồng nên giá thấp xuống, thu mua không xuể thế là từ ý định tốt ban đầu, chiến dịch trồng cây này lại làm khổ dân. May nhờ hợp đồng thu mua tôi đã ký là giữ giá trong 6 tháng đầu mà không bị tội. Năm 2000, công trình khoa học chiết xuất cây thanh hao hoa vàng dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh sốt rét của tôi và cộng sự đã được nhân Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đúng là giữa làm khoa học và làm quản lý khác nhau một trời một vực.

Nói đến GS Phạm Song người ta nói nhiều về các chuyên ngành truyền nhiễm ông gắn bó, tại sao ông lại chọn một ngành có rất nhiều nguy cơ?

Ngành y đến với tôi tự nhiên cũng như chuyên ngành truyền nhiễm. Khi tôi học ĐH Y ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang - khóa cuối cùng của Đại học Y trong kháng chiến, tôi được đào tạo để làm bác sĩ tim mạch. Thế rồi như có cơ duyên, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch lúc đó nhận định, Việt Nam là nước nhiệt đới nên bệnh truyền nhiễm là bệnh quan trọng hàng đầu, đòi hỏi phải có cán bộ có trình độ cộng với độ tin cậy cao. Tháng 4/1950, tôi được kết nạp Đảng. Sau đó một thời gian, khoảng 3 giờ chiều, Bộ trưởng Thạch gọi đích danh tôi đến Hàng Chuối để gặp. Tôi không rõ Bộ trưởng gặp mình có việc gì nhưng câu đầu tiên ông nói: "Trông mặt trẻ quá, không biết có làm được việc không?" - (hồi đó mọi người vẫn gọi tôi là Song sữa vì mặt tôi rất bầu bĩnh). Ông Nguyễn Văn Tín - Vụ Chữa bệnh, Bộ Y tế lúc đó liền giới thiệu luôn, rằng đã cử người xuất sắc nhất đến cho Bộ trưởng: "Song đã vào Đảng, đã đi phục vụ nhiều chiến dịch, có luận văn xuất sắc, có điểm thi lấy bằng tiến sĩ cao nhất: 9 điểm (hội đồng không cho 10 vì sợ mắc bệnh tự kiêu)". Bộ trưởng Thạch nghe xong rất phấn khởi liền tạo điều kiện đưa tôi đi học nước ngoài để về gây dựng khoa truyền nhiễm. Cũng vì là cán bộ nguồn của môn này mà sau này tôi được phân công làm chủ nhiệm Bộ môn truyền nhiễm tại ĐH Y, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng nhiệt đới.

Trong quá trình làm bộ trưởng, thành công nhất của ông là gì? Điều gì ông còn chưa làm được?

Thành công nhất là tôi đã lập được Viện Y học lâm sàng nhiệt đới, Viện Tim mạch (chỗ GS Phạm Gia Khải hiện nay), Viện Tâm thần học - BV Bạch Mai, lập được Khoa Phục hồi chức năng - BV Bạch Mai.

Nước ta trước đây chưa hề quan tâm đến phục hồi chức năng mà mới chỉ quan tâm đến chữa bệnh. Từ khi có khoa này chúng tôi cổ động cho phục hồi chức năng tại cộng đồng, nhiều người tàn tật, tai nạn lao động nhờ tự tập luyện mà đi lại được.

Một việc làm khác tôi cho rằng có tác dụng tốt là tách được Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình ra khỏi Bộ Y tế. Sở dĩ phải tách ra để Ủy ban Dân số này có cơ chế tốt tự lo được kinh phí để giảm tỷ lệ sinh. Ông Mai Kỷ, chủ nhiệm Ủy ban dân số lúc đó nói rằng, đầu tư cho công tác dân số kế hoạch hóa gia đình 1 đồng vốn thì sinh được 7 đồng lời, quả thật năm 1999 tỷ lệ giảm sinh của ta đã được Liên Hiệp quốc biểu dương, một năm chỉ có 1,1 triệu trẻ sơ sinh ra đời (hiện nay là 1,5 triệu).

Về việc chưa làm được thì còn rất nhiều. Ví dụ như giá thuốc, từ năm 1988 tôi đã đặt vấn đề kiểm soát sự tăng giá thuốc nhưng do bị cuốn vào nhiều việc quá nên không tham mưu trực tiếp cho chính phủ được, đến nay giá thuốc vẫn là vấn đề gây rất bức xúc trong dư luận.

Được biết trong tủ sách y học có 4 cuốn sách do ông viết ra và được nhiều thầy thuốc coi là sách gối đầu giường của mình, quỹ thời gian nào đã cho ông làm được những điều phi thường như thế?

Công việc nhiều, đam mê viết sách lớn, may mà tôi có người vợ rất đảm. Vợ tôi là PGS sơ sinh học Tô Thanh Hương, trước công tác tại BV Nhi Thụy Điển. Vợ tôi được cái vất vả cũng không kêu ca, phàn nàn gì. Bà cũng đam mê viết lách sách vở nhưng khi về hưu, bà bỏ hết về phục vụ bố con tôi cùng các cháu. Nhà tôi cả nội, cả ngoại có 6 cháu, chúng đều sống với chúng tôi. Khi bố mẹ chúng đi nước ngoài học tập thì vợ chồng tôi nuôi chúng cả nên đứa nào cũng quấn quýt ông bà.

Nhiều người vẫn kể chuyện, là bộ trưởng nhưng ông vẫn đi họp phụ huynh cho con, phải chăng ông cũng là người rất chăm chút cho gia đình?

Suốt từ cấp I đến cấp III hai cháu nhà tôi đi học thì tôi đều giành lấy việc đi họp phụ huynh cho cháu. Ngồi họp mà chẳng có ai khen con tôi, cũng chẳng có ai chê chúng. Các phụ huynh khác cũng không biết tôi là ai. Trường các con tôi học rất bình thường, ví dụ trường Thăng Long, Trần Phú, Quang Trung và tôi cũng không bao giờ có ý định chọn trường, chọn lớp, chọn cô cho con. Con trai cả của tôi sau này được du học ở Đức cũng nhờ đạt điểm cao, có học bổng mới có điều kiện đi học. Nhiều người đã hỏi tôi, tại sao lại phải đi họp cho con mà không nhờ người khác? Tôi trả lời, bà xã lo xếp hàng tem phiếu, mình cũng phải đi họp để xem các con học hành ra sao chứ, vả lại con cái là tương lai của mình mà.

Được biết, ông không tán thành con đường mà con ông lựa chọn nhưng ông vẫn phải nhượng bộ, tại sao vậy?

Tôi rất muốn các con đi theo con đường khoa học. Tôi vẫn dạy các con tôi rằng, trong đời chỉ nên làm một việc chuyên môn thật giỏi thì nghề không phụ mình nhưng con tôi lại có suy nghĩ khác. Khi cháu chuyển sang lập công ty riêng hai cha con tôi đã thức trắng một đêm để tranh luận. Nó hỏi tôi rằng làm GS, làm Bộ trưởng thì lương để dành được bao nhiêu? Trong khi làm doanh nghiệp mỗi năm nó có thể để dành vài chục ngàn đô rất dễ dàng. Cũng vì nó làm doanh nghiệp mà hai cha con góp tiền mới xây được cái nhà. Phải nói rằng bọn trẻ trong cơ chế thị trường nhanh nhẹn, xông xáo hơn lớp chúng tôi trước kia. Nhưng ngược lại, chúng tôi sống trong thời kỳ bao cấp, thời kỳ này có nhiều điều chưa được nhưng nó đã tạo ra một lớp trí thức lớn còn lâu lớp trẻ hiện nay mới theo kịp. Ngẫm ra, thời nào cũng có cơ chế riêng của nó. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới giúp ta hội nhập quốc tế nhưng theo tôi sẽ rất khó khăn về công bằng xã hội.

Xin cảm ơn ông.

Nguồn: KH&ĐS, số 55, 6/5/2008, tr 14

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.