GS Lê Văn Thiêm: Người đặt nền móng cho giáo dục đại học Việt Nam
Giáo sư Lê Văn Thiêm hình như chưa bao giờ tự nói về mình. Những người khác cũng chỉ viết về ông từ sau khi ông mất, ngày 3 tháng 7 năm 1991. Nhưng cả lúc ông còn sống cũng như khi ông đã ra đi, người ta thường nhắc tên ông trong những câu chuyện hàng ngày, kể cho nhau nghe những giai thoại về ông.
Những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống bao giờ cũng rất giản dị. Thầy Thiêm giản dị như những câu chuyện giản dị nhất của đời thường. Bởi thế, viết về ông thật khó. Lúc này đây, tôi như thấy ông với ánh mắt thật hiền lành nhưng có pha chút giễu cợt khi thấy tôi định liệt kê những công việc ông đã làm, những chức vụ ông từng đảm nhiệm, như lệ thường, khi viết về một người đã thành danh. Không dám trái ý thầy, tôi xin được bắt đầu từ một kỷ niệm.
Đó là năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang ở thời kỳ ác liệt nhất. Các trục giao thông chính, đường bộ, đường sắt bị phá hoại nghiêm trọng. Kênh nhà Lê (con kênh được đào từ thời Lê, chạy gần song song với quốc lộ 1) được sử dụng để chuyên chở hàng hóa, vũ khí. Lòng sông đã cạn nhưng không thể dùng một lực lượng quá đông người để nạo vét dưới bom đạn suốt ngày đêm. Giáo sư Lê Văn Thiêm đã đề xuất dùng phương pháp nổ mìn định hướng, tức là dùng mìn nổ dưới lòng kênh, nhưng bố trí sao cho sau khi nổ, hầu hết đất đá rơi lên bờ kênh, chứ không rơi lại xuống lòng kênh. Ông đã dạy cho chúng tôi lý thuyết nổ định hướng,là: khi có một vụ nổ lớn, những vật chất gần tâm nổ chuyển động theo quy luật của chất lỏng lý tưởng (không nhớt, không nén được). Có thể mô tả chuyển động này bằng lý thuyết hàm biến phức, là chuyên ngành mà GS nghiên cứu từ nhiều năm.
Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể điều khiển hoàn toàn vụ nổ, tức là sắp xếp sao cho vật chất quanh tâm nổ chuyển động theo một quỹ đạo định sẵn. Chúng tôi, một nhóm gồm 4 sinh viên Toán năm thứ 3 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hăm hở lên đường vào Nghệ An để cùng một đơn vị Thanh niên xung phong thực hiện công việc đó. Ai cũng biết là chuyến đi đầy nguy hiểm nên nhóm chúng tôi được bạn bè và bà con nơi trường sơ tán tiễn đưa khá “long trọng”. Nhưng kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên là, trước khi chuyến xe phía Nam gần chuyển bánh, thầy Thiêm hớt hải đạp xe tới, gọi tôi xuống dặn dò đôi lời và đưa cho tôi 72 đồng. Hồi đó, 72 đồng lớn lắm, bằng hai phần ba số tiền lương giáo sư mà thầy vừa nhận xong. Chúng tôi hết sức cảm động, vì biết thầy chỉ giữ lại cho mình số tiền tạm đủ để sống đến kỳ lương sau.
Chuyến đi đó đã để lại nhiều bài học lớn cho đời làm toán của chúng tôi, mà trước hết là bài học về việc áp dụng các lý thuyết học ở nhà trường vào phục vụ sản xuất và chiến đấu. Bài học đó, thầy Thiêm dạy cho chúng tôi bằng chính cuộc đời làm toán của thầy. Từ một chuyên gia hàng đầu trong một lĩnh vực toán học lý thuyết đang được xem là mốt nhất thời đó, GS Lê Văn Thiêm đã chuyển hẳn sang nghiên cứu những vấn đề toán học đặt ra từ thực tiễn Việt Nam, mà một trong những vấn đề đó chính là nổ định hướng để nạo vét lòng kênh mà tôi vừa nhắc tới. Khi học năm thứ 4 ở trường, chúng tôi lại được cùng một đơn vị Thanh niên xung phong áp dụng phương pháp đó để làm đường chiến lược trong rừng sâu. Giáo sư Lê Văn Thiêm đã biên soạn thành giáo trình hoàn chỉnh, dễ sử dụng để hướng dẫn cho những người không có chuyên môn toán học.