Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 31/01/2007 14:48 (GMT+7)

Giữa các xác ướp và những hoa hậu

Trong số các học trò và cộng sự gần gũi của cố giáo sư Đỗ Xuân Hợp (người sáng lập và là vị chủ tịch đầu tiên của Hội Hình thái học Việt Nam, giải thưởng Testut của Viện Hàn lâm Y học Pháp), giáo sư Nguyễn Quang Quyền được giới y học và giải phẫu học trong ngoài nước mến phục, tin yêu.

Mùa hè năm 1952, ông tốt nghiệp trung học với thành tích xuất sắc. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp đang ráo riết bắt lính. Gia đình có ý định cho ông và người anh ruột là Nguyễn Quang Riệu sang Pháp du học để tránh quân dịch, nhưng Nguyễn Quang Quyền một mực chối từ. Cuối cùng, tấm vé đi Pháp đành phải nhường lại cho người em trai út là Nguyễn Quý Đạo (hiện nay, hai ông Riệu và Đạo đều là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, ở hai chuyên ngành khác nhau: vật lý vũ trụ và lý hoá). Thế là mùa thu năm 1952, chàng trai Nguyễn Quang Quyền vừa tròn 18 tuổi bước vào cổng trường Đại học Y dược Hà Nội. Cuối năm 1956, với cương vị phó chủ tịch Hội liên hiệp sinh viên, Nguyễn Quang Quyền dẫn đầu đoàn đại biểu sinh viên Việt Nam đi dự Hội nghị sinh viên quốc tể tổ chức tại Tiệp Khắc. Trên diễn đàn Praha, ông đọc tham luận hưởng ứng phong trào đấu tranh của thanh niên dân chủ thế giới, chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình.

Từ giữa năm 1959, sau khi tốt nghiệp y khoa, bác sĩ Quyền đã bắt tay vào nghiên cứu giải phẫu thuỳ phổi. Kết quả của các công trình nghiên cứu này đã được các nhà phẫu thuật lồng ngực ứng dụng trên lâm sàng và được đưa vào sách giáo khoa, được giáo sư Liên Xô V.P. GcLev trích dẫn và giới thiệu trên báo Archiv anatomishistologii iembriologiitháng 11-1964 (tiếng Nga) và được nhắc tới trong tạp chí Oto-rhino-larygologie(Pháp) năm 1968.

Từ đầu năm 1969, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cùng các đồng nghiệp, Nguyễn Quang Quyền khoác ba lô lên đường xây dựng trường đại học trên núi rừng Việt Bắc. Chính tại nơi đây, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị về hình thái và thể lực các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam.

Đặc biệt, những công trình nghiên cứu về cổ nhân và nhân chủng học của ông đã được các nhà khoa học nước ngoài đánh giá cao. Giáo sư Borikovxki, một nhà nhân chủng học Xô Viết, đã coi đó như là một đóng góp xuất sắc về mặt nhân chủng thời đại đồ đá ở Đông Nam Á; còn viện sĩ G.Olivier, giáo sư trường Đại học Y Paris VI thì rất tâm đắc và năm 1975 đã mời ông sang Pháp cộng tác nghiên cứu đề tài Đặc điểm nhân chủng học người Việt Nam, nhưng vì những lý do tế nhị lúc bấy giờ nên ông đã từ chối.

Ông tập hợp những kiến thức của mình về lĩnh vực này để biết hai cuốn sách phổ biến khoa học Tổ tiên của người hiện đại và Các chủng tộc loài người(1977). Rủi thay, vì những ý kiến không trung thực và thiếu thiện chí của một đồng nghiệp, suýt nữa hai cuốn sách đó không ra đời được. Ngày ấy, tôi bắt gặp trên khuôn mặt đôn hậu của ông một thoáng buồn nhân tình thế sự, tuy vậy ông vẫn kiên định đấu tranh để bảo vệ chân lý khoa học. Cuối cùng, sách vẫn được xuất bản và phát huy tốt tác dụng.

Nguyễn Quang Quyền rất thích hai câu danh ngôn của nhà toán học Đức Gauss: Toán học là ông hoàng của các nhà khoa họcvà của nhà vật lý Pháp Paul Langevir Ngoại ngữ là cỗ xe đưa ta tới lâu đài khoa học. Suốt đời mình, Nguyễn Quang Quyền đã mày mò tự trang bị cho mình hai thứ vũ khí đó. Với ý chí tự học phi thường, ông đã sử dụng được thành thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp và có thể tham khảo tài liệu chuyên môn bằng các thứ tiếng Nga, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha. Mùa hè năm 1978, sau bốn năm vượt qua bao khó khăn trắc trở theo học tại chức khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi cuộc đời đã bước vào tuổi 45, ông bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp với số điểm cao nhất, trở thành vị bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam có bằng cử nhân toán học.

Vào năm 1975, có một sự kiện đã gây xôn xao dư luận khoa học trong nước. Đó là cuộc tranh luận xung quanh vấn đề sọ cổ Châu Can và quá trình hình thành dân tộc Việt Nam. Với tư cách là người cùng giáo sư Đỗ Xuân Hợp trực tiếp nghiên cứu sọ cổ Châu Can và bằng những cứ liệu, lập luận khoa học xác đáng, đầy sức thuyết phục. Nguyễn Quang Quyền đã dũng cảm bảo vệ giả thuyết của mình trước các bậc học giả “mũ cao, áo dài” khác. Tuy vấn đề này còn nhiều ý kiến cần trao đổi, nhưng theo thời gian, ngày càng có nhiều người tán thành giả thuyết của ông. Thêm một lần, tinh thần quả cảm của Galileo Galilei được tôn vinh và chân lý khoa học lại ngời sáng.

Nguyễn Quang Quyền bảo vệ tới cùng chân lý khoa học cho dù chân lý ấy ông tìm thấy trên các vật chứng câm lặng - những xác ướp mà các nhà khảo cổ nhờ ông xét nghiệm (vua Lê Dụ Tôn; một công chúa chưa rõ tên thời vua Lê chúa Trịnh; bà Nguyễn Thị Trọng, dì ruột vợ bé của Nguyễn Nhạc – anh trai vua Quang Trung...) hay nhận ra từ số đo ba vòng hình thể ứng viên kỳ thi hoa hậu mà ông được mời làm giám khảo. Nhờ những công việc này, ông được “bắt tay” các ông chúa, bà hoàng, sống cách nay hàng mấy trăm năm và bắt tay cả những người đẹp nhất hiện thời. Đó không chỉ là bắt tay với vinh hạnh mà còn là bắt tay vào tranh đấu khoa học. Lại nhớ cuộc thi hoa hậu toàn quốc năm ấy, một người đẹp cố tình vi phạm quy định: hoa hậu phải là con gái chưa chồng, chưa sinh đẻ lần nào. Nếu ông làm ngơ, người đẹp ấy có thể vào chung khảo, rồi có thể giành vương miện, biết đâu. Nhưng Nguyễn Quang Quyền đã không làm ngơ. Người đẹp lỡ thì buồn bực tới đòi quyên sinh, tạo cớ cho những người ủng hộ cô phản đối ban giáo khảo cuộc thi, buộc ông phải lên tiếng trên báo. Đọc bài phỏng vấn ấy, người ta thấy, một mặt, giáo sư Quyền kiên quyết bảo vệ cái đúng hiển nhiên của nhân trắc học, mặt khác lo bảo vệ cho được danh dự của người đẹp kia. Trung thực và nhân ái đều có trong con người nhà khoa học Nguyễn Quang Quyền.

Nhận lời mời của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tháng 5-1984, giáo sư Nguyễn Quang Quyền đã lên đường sang thành phố New Plymouth (New Zealand), tham dự cuộc Hội thảo quốc tế về giảng dạy đại học.

Thành phố New Plymouth nằm trên bắc đảo xinh đẹp và mến khách, trong những ngày tháng năm rực rỡ ánh mặt trời, dang rộng cánh tay đón chào hơn 200 đại biểu từ gần 30 nước trên thế giới đến dự hội thảo. Cuộc hội thảo kéo dài suốt một tuần. Những ngày đầu dành để thảo luận các vấn đề liên quan tới giảng dạy: yêu cầu, mục đích, phương tiện dạy học, các hình thức tổ chức và phương pháp lên lớp... Hai ngày cuối cùng dành cho các cuộc bình giảng. Mỗi đại biểu phải giảng một bài theo đúng chuyên khoa của mình trong 45 phút. Sau đó, mọi người thảo luận, góp ý kiến và cuối cùng, một ban giám khảo do Tổ chức Y tế thế giới chỉ định (gồm 4 giáo sư Thụy Sĩ, Úc, New Zealand và Ấn Độ) ghi nhận xét cho từng người giảng.

- Điều đó thật hoàn toàn bất ngờ đối với tô – giáo sư Nguyễn Quang Quyền nói – vì tôi chỉ được mời dự hội thảo nên không chuẩn bị tinh thần để tham gia giảng bài. Tuy vậy, tôi đã suy nghĩ kỹ và nhận giảng.

Giáo sư Nguyễn Quang Quyền quyết định sử dụng hình thức bài giảng lý thuyết và phương tiện là vừa giảng, vừa vẽ bằng phấn màu lên bảng như đã từng giảng ở trong nước. Đó là phương pháp tốt nhất, có thể giúp cho các bạn quốc tế tham khảo và áp dụng trong trường hợp còn có khó khăn, thiếu thốn về phương tiện nghe – nhìn hiện đại. Suốt 45 phút, ông giảng bài trực tiếp bằng tiếng Anh. Kết quả thật không ngờ: cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay kéo dài. Đại biểu một số nước đang phát triển ở vùng Tây Thái Bình Dương như Philippin, Indonesia, Tây Samoa... coi đây là một phương pháp rất tốt không những cho các nơi còn thiếu phương tiện nghe – nhìn, mà cả cho các nước đã phát triển, vì nó dễ hiểu, dễ theo dõi. Một số đại biểu khác còn đề nghị ông giảng thêm bài thứ hai để rút kinh nghiệm chung. Đó là một ngoại lệ ở hội nghị.

Bản nhận xét của Ban giáo khảo về bài giảng của ông hôm ấy, ngoài các từ xuất sắc (exelent) dành cho các mục, đặc biệt là mục ghi về phương tiện giảng dạy bằng phấn màu và bảng đen, ở phần kết luận tổng hợp, ánh lên một dòng chữ đậm: Một bài giảng “nhà nghề” xuất sắc. Thật là một niềm vinh dự không phải chỉ dành cho riêng ông.

100 công trình lớn nhỏ (25 tài liệu viết bằng các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc), hơn 20 cuốn sách giáo khoa và các chuyên khảo chưa kể tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Lần ra dấu vết: với khối lượng trước tác nhiều như vậy, ông đã được Viện phân tích nhân chủng học Schvidesky ở Cộng hoà liên bang Đức đưa vào danh sách các nhà nhân chủng học hàng đầu thế giới.

Gần đây, ông tăng cường quan hệ đối với các nhà khoa học nước ngoài, khai thác khả năng hợp tác và giúp đỡ của họ với nền y học và giải phẫu nước nhà. Các nhà khoa học có tiếng như Pétrepski (Mỹ), Istvan Kiszely (Hungari), Lassau, Urban (Pháp), Hellhake (Đức)... là những người bạn thân thiết của ông.

Người ta vẫn gặp giáo sư Nguyễn Quang Quyền trong ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam. Bằng kiến thức phong phú và khả năng sư phạm, ông đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng phương pháp tập luyện và tiêu chuẩn đánh giá người đẹp ở nước ta - người đẹp Việt Nam.

Nguồn: Tài trí Việt Nam, trang 116

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.