Giới thiệu giống tre Lục Trúc
Măng Lục Trúc là thực phẩm rất tốt, có lợi cho sức khỏe con người, có nhiều dinh dưỡng về đường, chất khoáng và các loại vitamin… Măng ăn ngon, là loại rau sạch, có thể dùng tươi, sấy khô, ướp làm đồ hộp xuất khẩu. Thân tre có thể làm nông cụ, làm đồ dùng mỹ nghệ, làm nguyên liệu giấy, lá có thể dùng gói bánh, nguyên liệu men rượu.
Hiện nay, ở Đài Loan trồng khoảng 4,459 ha Lục Trúc. Ở Trung Quốc sản xuất hàng năm 1,7 triệu tấn măng tươi, 120.000 tấn măng khô và 200.000 tấn măng đóng hộp. Ở Thái Lan, hàng năm xuất khẩu hàng trăm tấn măng. Ở Nhật Bản, sản xuất 150.000 tấn măng nhưng nhu cầu tiêu thụ 300.000 tấn. Sản phẩm măng đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Tre Lục Trúc phân bổ vùng á nhiệt đới, yêu cầu khí hậu có nhiệt độ bình quân hàng năm 18 – 20 độ C, lượng mưa trên 1.400mm, độ cao dưới 500m, ưa đất ẩm, tầng dày, tơi xốp, có thể trồng ở ruộng màu đất nương rẫy, đất còn tính chất rừng, đất đồi trọc chưa bị đá ong hóa. Những nơi đất đai khô hạn, nghèo xấu, đá lẫn nhiều đất sét, bí chặt không nên trồng vì năng suất không cao.
Thời vụ trồng chủ yếu: vụ xuân và vụ thu. Mật độ trồng thường 500 – 600 cây/ha.
Thời vụ thu hoạch măng từ tháng 5 đến tháng 9. Năng suất măng tươi trong điều kiện thâm canh tốt có thể đạt từ 15 – 18 tấn/ha.
Giống tre Lục Trúc có thể trồng bằng gốc lấy từ bụi mẹ, cách này bảo đảm tỷ lệ sống cao, nhanh thành rừng nhưng giá thành cao, cũng có thể nhân nhanh giống bằng phương pháp vô tính chiết mắt.
Kỹ thuật gieo trồng:
- Đất trồng: Được chọn nơi tầng đất dày, ẩm, dễ thoát nước. Nếu nơi đất nghèo dinh dưỡng thì trước lúc trồng tre cần trồng cây họ đậu để cải tạo đất trong trường hợp đất chưa cần bón vôi để điều chỉnh độ pH.
- Đào hố: Đào hố trước lúc trồng 1 tháng, khi đào chú ý để đất mặt 1 bên, sau đó trộn đất với phân hữu cơ, lân rồi lấp xuống hố để ủ.
Hố đào: 50 x 50cm (càng sâu, càng rộng càng tốt).
Khoảng cách: 5m x 4m hay 4m x 4m có thể trồng dày hơn phụ thuộc vào đất và điều kiện thâm canh.
Phân bón chủ yếu là phân chuồng hoai từ 10 – 15kg/hố và 0,1 – 0,5kg NPK trộn lẫn đều.
Thời vụ nên trồng chủ yếu từ tháng 1 – 3.
Cách trồng:
Đảo trộn hỗn hợp phân đất hố ủ. Đào 1 lỗ vừa đủ đặt bầu cây. (Nếu là bầu nilon thì phải rạch xé bầu), đặt cây nghiêng 30 – 60° và đặt nghiêng bầu để 2 cành phát triển 2 bên thân. Dùng chân nén chặt xung quanh gốc dày 15 – 20cm cách gốc 5 – 10cm rồi phủ lên lớp đất mỏng mục đích giữ độ ẩm và tránh cỏ mọc. Có thể đóng cọc, rào xung quanh để bảo vệ.
Chăm sóc:
Sau khi trồng luôn kiểm tra và tưới nước cho cây đủ ẩm, trồng dặm nếu cây nào bị chết, chú ý bảo vệ trâu bò, gia súc phá hoại, lay chuyển gốc. Trong 2 năm đầu, tre chưa phân tán có thể trồng kết hợp một số cây họ đậu thành băng gần các hàng tre để bảo vệ đất và tăng thêm chất hữu cơ trong đất cho tre.
Xào xới làm cỏ 4 – 5 lần trong một năm kết hợp tủ gốc giữ ẩm và bón phân. Chăm sóc 3 năm đầu: phân chuồng từ 15 – 35kg/cây; NPK 0,5 – 1,0kg/cây. Có thể trộn lẫn phân hữu cơ và lấp kín để phân không bị bốc hơi hoặc rửa trôi vào thời gian tháng 2 – 3 và tháng 6 – 8.
Phòng trừ sâu hại:
Song song với việc chăm bón, cần thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại. Như sâu vòi voi hại măng, châu chấu phá hoại cành non, bọ xít, mối, dế gây thiệt hại mạnh cây ươm từ hom trong vườn ươm. Cần áp dụng phương pháp phòng ngừa sâu hại bằng kỹ thuật lâm sinh như kỹ thuật chăm sóc nhằm tạo ra lâm phần có sức sinh trưởng và đề kháng cao. Cần sử dụng phương pháp quản lý tổng hợp vật gây hại (IPM) là phương pháp tốt đang được sử dụng rộng rãi để giải quyết một cách thỏa đáng mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.