GIỚI THIỆU BỘ SÁCH THIẾT KẾ VÀ TRIỂN KHAI CÔNG NGHỆ SÁNG TẠO SẢN PHẨM CƠ KHÍ
Theo đánh giá của các nhà khoa học và các chuyên gia cơ khí, đây là công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc, có hàm lượng trí tuệ và giá trị thực tiễn cao, đặc biệt đối với hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, phục vụ mục mục tiêu đào tạo kỹ sư chuyên nghiệp và phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nội dung cuốn “Thiết kế chế tạo sản phẩm cơ khí”
Cuốn sách tổng hợp những vấn đề liên quan đến thiết kế sản phẩm cơ khí, gắn kết các kiến thức trong các môn học chuyên ngành vào các giai đoạn của quá trình thiết kế sản phẩm. Giới thiệu các quy định trong TCVN về: yêu cầu đối với tài liệu thiết kế, các dạng tài liệu thiết kế, quản lý tài liệu thiết kế, phương pháp lập tài liệu thiết kế dạng văn bản, phương pháp lập tài liệu thiết kế dạng bản vẽ.
Cuốn sách gồm 9 chương:
- Chương I: Sản phẩm và thiết kế chế tạo sản phẩm giới thiệu phương pháp phân loại sản phẩm, các yêu cầu đối với sản phẩm được thiết kế, các giai đoạn của quá trình thiết kế, phương pháp kết hợp giữa thiết kế với triển khai các nhiệm vụ về công nghệ. Đây là những vấn đề chung về thiết kế sản phẩm cơ khí, cần sử dụng khi hoạch định thiết kế chế tạo một sản phẩm.
- Chương II: Tính toán động học và động lực học trình bầy các vấn đề cơ bản về tính toán động học và động lực học các cơ cấu liên kết bản lề và khớp trượt, các cơ cấu cam; tính toán chuyển động của máy (máy cứng). Đây là các nội dung cơ bản thuộc môn nguyên lý máy, được áp dụng khi tính toán xây dựng sơ đồ nguyên lý (thiết kế sơ bộ) của máy.
- Chương III: Dao động của máy nêu những vấn đề cơ bản về dao động của máy, bài toán dao động tuyến tính nhiều bậc tự do, dao động của hệ xoắn và dầm chịu uốn, dao động của hệ vô hạn bậc tự do, ứng dụng phương pháp phần tử hữu hạn trong động lực học máy. Đây là các nội dung cơ bản của môn động lực học máy, được áp dụng để nghiên cứu các “kết cấu mềm” của máy (có xét đến biến dạng).
- Chương IV: Vật liệu dùng trong chế tạo máy giới thiệu cấu trúc và cơ tính của các loại vật liệu; Các tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế về các loại thép, hợp kim, gang, kim loại màu làm cơ sở cho việc lựa chọn vật liệu đối với các chi tiết máy. Chương V: Đặc tính hình học của sản phẩm trình bầy về dung sai lắp ghép các bề mặt trơn và kích thước góc, dung sai hình học, nhấp nhô bề mặt theo tiêu chuẩn Việt Nam (đồng nhất với tiêu chuẩn quốc tế) làm cơ sở để đưa ra các quy định về đặc tính hình học của sản phẩm.
Chương VI: Thiết kế nguyên lý hệ dẫn động nêu nguyên lý truyền động, phương pháp xác định các thông số hình học, tính toán độ bền đối với các bộ truyền thường gặp trong máy và thiết bị. Nội dung được kết hợp giữa các kiến thức của môn học “nguyên lý máy” và môn học “chi tiết máy” đối với từng loại bộ truyền.
Chương VII: Thiết kế ổ trục, khớp nối và các mối ghép giới thiệu phương pháp tính toán thiết kế ổ trượt và ổ lăn, các khớp nối, các mối ghép thường dùng trong các kết cấu cơ khí. Các nội dung được áp dụng trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
Chương VIII: Thiết kế các chi tiết cơ khí trình bầy phương pháp xác định kết cấu và lập bản vẽ thiết kế chế tạo cho một số dạng chi tiết cơ khí thường gặp: chi tiết dạng trục, chi tiết dạng hộp, chi tiết bánh răng,... Đây là các nội dung cần thực hiện trong giai đoạn lập bản vẽ thiết kế chế tạo.
Chương IX: Phương pháp lập tài liệu thiết kế giới thiệu các quy định trong TCVN về: yêu cầu đối với tài liệu thiết kế, các dạng tài liệu thiết kế, quản lý tài liệu thiết kế, phương pháp lập tài liệu thiết kế dạng văn bản, phương pháp lập tài liệu thiết kế dạng bản vẽ.
Nội dung cuốn“Thiết kế quá trình công nghệ chế tạo sản phẩm cơ khí”.
Cuốn sách trình bầy tổng hợp những vấn đề cần áp dụng khi thiết kế quá trình công nghệ. Bao gồm các nội dung về phương pháp tổ chức công nghệ để sản xuất một sản phẩm, các dạng công nghệ tạo phôi; công nghệ gia công cắt gọt, nhiệt luyện, mạ, công nghệ lắp ráp. Cơ sở lý thuyết về phương pháp tổ chức công nghệ được biên soạn trên cơ sở lý thuyết tổ chức sản xuất, các tiêu chuẩn “Đảm bảo công nghệ sản xuất” và Bộ tiêu chuẩn tài liệu công nghệ. Đối với các dạng công nghệ đã kết hợp giới thiệu các lý thuyết cơ sở với phương pháp công nghệ và phương pháp lập bộ tài liệu công nghệ.
Cuốn sách được chia thành 10 chương, nội dung gồm:
- Chương I: Quá trình công nghệ và tổ chức sản xuất; giới thiệu tổ chức sản xuất, các phương pháp tổ chức công nghệ, chuẩn bị công nghệ sản xuất, là cơ sở để thiết kế quá trình công nghệ chế tạo sản phẩm. Đây là những vấn đề chung về quá trình sản xuất và quá trình công nghệ và cũng là giải pháp tổng quát cần xác định khi thiết kế quá trình công nghệ sản xuất sản phẩm.
- Chương II: Thiết kế quá trình công nghệ; trình bầy trình tự thiết kế quá trình công nghệ cho sản phẩm và thiết kế quá trình công nghệ cho chi tiết máy, các vấn đề chung về đảm bảo độ chính xác gia công và thiết kế quá trình công nghệ, phương pháp lập bộ tài liệu công nghệ. Các nội dung được biên soạn dựa trên bộ tiêu chuẩn quốc gia “Tài liệu công nghệ”.
- Chương III: Công nghệ đúc và công nghệ hàn; nêu các vấn đề cơ bản về nấu luyện kim loại, công nghệ đúc, công nghệ hàn, phương pháp thiết kế quá trình công nghệ đúc, quá trình công nghệ hàn.
- Chương IV: Gia công bằng áp lực; giới thiệu về cơ sở biến dạng dẻo, ứng dụng trong gia công bằng áp lực, phương pháp công nghệ cán, công nghệ dập tấm, công nghệ tạo hình khối; cách trình bầy phiếu công nghệ gia công bằng áp lực.
- Chương V: Các phương pháp gia công cơ; trình bầy những nội dung cơ bản về nguyên lý cắt, các dạng gia công cơ, cách trình bầy phiếu công nghệ gia công cơ. Chương VI: Các phương pháp gia công đặc biệt; trình bày các phương pháp gia công tiên tiến: công nghệ gia công bằng tia nước, gia công bằng tia lửa điện, gia công điện hóa, gia công bằng siêu âm....
- Chương VII: Công nghệ nhiệt luyện; giới thiệu về cơ sở chuyển biến pha của thép trong quá trình nung nóng và làm nguội; phương pháp tiến hành các dạng công nghệ nhiệt luyện: ủ và thường hoá, tôi thép, ram và hoá già, hoá nhiệt luyện, cơ nhiệt luyện,... cách trình bầy phiếu công nghệ nhiệt luyện.
- Chương VIII: Công nghệ mạ; trình bầy trình điện phân, cơ chế tạo lớp mạ; các phương pháp mạ kẽm, mạ đồng, mạ Nickel, mạ Crôm, công nghệ mạ xoa và mạ hóa Chương IX: Công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình; phương pháp gia công và kiểm tra các chi tiết điển hình: chi tiết dạng trục, chi tiết dạng hộp, chi tiết dạng càng, chi tiết dạng bạc, các bánh răng.
- Chương X: Quá trình công nghệ lắp ráp; phương pháp tổ chức lắp ráp sản phẩm, các nguyên công lắp ráp và cách trình bầy phiếu công nghệ lắp ráp.
Với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên, PGS Nguyễn Ngọc Chương cho biết trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa công trình này trong những lần tái bản sắp tới, đồng thời dành thời gian biên soan các loại sổ tay dành cho kỹ sư ngành cơ khí phục vụ sự phát triển nhanh chóng của ngành khoa học kỹ thuật này.