Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 21/07/2008 23:14 (GMT+7)

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Dũng cảm, say mê làm việc vì những mục tiêu lớn

1. Tuổi thơ vất vả

Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21 tháng 7 năm 1938 tại làng Cầu Đơ, nay thuộc thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, trong một gia đình viên chức nhỏ. Khi Cách mạng tháng 8 thành công, cậu bé Hùng (tên hồi nhỏ của Nguyễn Văn Hiệu, bước vào lớp đồng ấu (lớp 1 hiện nay). Năm cậu học lớp dự bị (lớp 2), cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cậu phải cùng mẹ dắt díu các em nhỏ tản cư vào Bến Đục, chùa Hương. Đến năm 1949, mới hơn 10 tuổi đầu, cậu đã phải rời ghế nhà trường để ở nhà giúp mẹ. Thời gian này, bố của Hùng, một thầy giáo trường làng, đã trở thành người lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Công việc kháng chiến buộc ông phải thường xuyên vắng nhà. Một mình mẹ Hùng phải tần tảo nuôi 7 đứa con thơ và lo dẫn con từ Hà Đông chạy ra vùng tự do để tránh giặc Pháp. Mấy mẹ con trôi dạt vào tận làng Lam Vĩ, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Ở đây, Hùng đã tự học nhờ sách vở của bạn để hoàn thành bậc tiểu học. Lúc này, ở bên kia sông Chucó trường trung học Nguyễn Thượng Hiền. Tuy đường từ nhà đến trường rất xa, nhưng Hùng vẫn tha thiết được theo học trung học. Cậu đã mạnh dạn làm đơn xin học và đã vượt qua được cuộc thi sát hạch. Nhưng chỉ học được một thời gian Hùng phải bỏ dở chừng để đi làm lấy tiền giúp mẹ nuôi các em. Cậu được nhận vào làm việc trong một xưởng dệt nhỏ với hai bữa cơm hàng ngày và một khoản tiền lương ít ỏi. Một lần, chủ xưởng sai Hùng lên thị trấn Hậu Hiền (huyện Hoằng Hóa) để đặt làm một số bàn máy khâu. Năm ngày sau, khi nhận đủ số bàn thì trời đã về chiều. Làm thế nào để chuyển được những chiếc bàn này về cho chủ xưởng? Đây quả thật là một thử thách đối với một cậu bé. Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu Hùng: Xưởng mộc nằm ngay bên bờ kênh, còn xưởng dệt của Hùng cũng nằm trên bờ kênh đó, cách nhau khoảng 5 km theo dòng nước. Thế là Hùng vần số bàn đó xuống kênh, buộc níu chúng lại và dùng một sợi dây thừng chắc kéo chúng xuôi theo dòng nước về xưởng. Thấy Hùng tháo vát, sáng dạ, chủ xưởng rất hài lòng và bảo: “Từ mai, bác sẽ dạy cháu công việc của người thợ dệt”. Sau buổi ấy, Hùng được sử dụng máy may. Cậu làm việc ban ngày trong xưởng và tự học vào buổi tối qua các bài giảng của thầy cô mà cậu chép lại từ vở ghi của các bạn con nhà khá giả cạnh nhà. Bằng cách học này, Hùng đã đạt điểm kiểm tra vào lớp 7 của một ngôi trường tư mới được mở trong vùng.

Thế nhưng, cái khó vẫn chưa buông tha Hùng, một lần nữa cậu bé lại phải bỏ dở chừng lớp 7 để đi làm kiếm tiền giúp mẹ. Một thời gian sau, một trường tư trung học khác mở ngay gần nhà. Và lần này, Hùng lại vượt qua được cuộc kiểm tra kiến thức để nhập trường với lòng quyết tâm của một thiếu niên ham học.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hùng ra Hà Nội dự kỳ thi vào khoa Vật lý của trường Đại học Sư phạm dưới cái tên: Nguyễn Văn Hiệu.

2. Dũng cảm, say mê làm việc vì những mục tiêu lớn

Vào tháng 10 năm 1956, Nguyễn Văn Hiệu tốt nghiệp cử nhân Vật lý vào loại xuất sắc và được điều về giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi đó, anh vừa tròn 18 tuổi, là một trong hai cán bộ giảng dạy trẻ nhất của trường.

Năm 1957, hai nhà khoa học Trung Quốc là Tsun Dao Lee và Chen Ning Yang đạt được một bước tiến dài về lý thuyết, đó là: “Hiện tượng không bảo toàn chẵn lẻ” (Một khám phá về sự không đối xứng của thế giới vi mô đem lại cho họ một giải Nobel về Vật lý). Chủ đề trên được tranh luận sâu rộng trong nhiều ấn phẩm khoa học của Liên Xô (cũ) vào năm 1958 và được giáo sư Tạ Quang Bửu giới thiệu ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyễn Văn Hiệu lúc đó 20 tuổi, bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của vấn đề nên đã nghiên cứu rất kỹ các bài tranh luận và cảm thấy có thể tìm thấy một điều gì đó tại chủ đề mới mẻ này.

Sau khi tìm mua được cuốn sách của nhà khoa học Nga Bogolubov, Nguyễn Văn Hiệu vô cùng sung sướng và khoe nó với giáo sư Lê Văn Thiêm. Giáo sư Thiêm đã tế nhị lưu ý anh: “Dè chừng đấy, còn lâu cậu mới đọc được cuốn sách này”. Tiếp nhận ý kiến của người thầy, Nguyễn Văn Hiệu đã thận trọng bắt tay vào việc tìm hiểu vấn đề. Bằng nghị lực và đam mê, anh đã tự trang bị cho mình những kiến thức toán học để có thể tiếp nhận sâu hơn nữa nội dung cuốn sách. Anh đã đọc cẩn thận từng trang, từng dòng nhỏ trong cuốn sách và ghi lại những tính toán của riêng mình về những công thức phức tạp.

Năm 1960, ở tuổi 22, anh được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ), một trung tâm nghiên cứu vật lý nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ, cách Matxcova không xa. Vào thời kỳ này, vật lý năng lượng cao đang phát triển mạnh theo hướng: vật lý neutrino và tương tác mạnh giữa các hạt. Ở Dubna, việc nghiên cứu theo cả hai hướng ấy đều được tiến hành rất sôi động. Viện sĩ M. A. Markov và Viện sĩ B. M. Pontencorvo chủ trì hướng neutrino. Còn hướng về lý thuyết giải thích tương tác mạnh do Viện sĩ N. N. Bogolyubov và Giáo sư A.A. Logunov chủ trì.

Khi được biết viện sĩ Markov là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực mà mình quan tâm, Nguyễn Văn Hiệu đã đánh bạo đến hỏi ông xem anh có thể làm việc dưới sự hướng dẫn của ông không. Đến nay, khi nghĩ lại việc làm đó, anh mới thấy mình thật liều lĩnh: Một chàng trai Việt Nam mới tốt nghiệp đại học lại bổ nhào vào một mảng nghiên cứu lý thuyết mới tinh.

Tháng 4 – 1963, sau hai năm rưỡi ở Dubna với 12 công trình nghiên cứu về vật lý neutrino được công bố, Nguyễn Văn Hiệu đã dành ra một số tuần lễ để viết bản luận văn tiến sĩ (lúc đó gọi là phó tiến sĩ) dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Markov. Và bài luận văn đã được anh bảo vệ rất thành công. Tiếp sau đó, không nghĩ một ngày, anh tập trung toàn bộ thời gian, sức lực vào một mảng nghiên cứu mới cùng với giáo sư Logunov: Lý thuyết giải tích tương tác mạnh. Đây là hướng triển vọng nhất, giải quyết những vấn đề cơ bản, chủ chốt và khó khăn nhất của vật lý năng lượng cao. Chưa đầy một năm làm việc trong nhóm của Logunov, Nguyễn Văn hiệu đã công bố một loạt kết quả nghiên cứu tuyệt vời khiến đích thân giám đốc của Viện Dubna đã nói với anh: “Luận văn tiến sĩ của cậu đã kết thúc một năm rồi. Bây giờ, cậu đã có vẻ rất sẵn sàng cho một luận văn tiến sĩ khoa học. Hãy làm nó ngay đi”. Thế là anh bắt tay viết luận văn tiến sĩ khoa học với chủ đề: “Những tính chất của biên độ phát xạ của các hạt năng lượng cao”. Chỉ trong vòng một tháng, luận văn được viết xong và được bảo vệ năm 1964 với sự đồng ý tuyệt đối của Hội đồng xét duyệt. Lúc này, Nguyễn Văn Hiệu chưa đầy 26 tuổi.

Từ đấy đến nay, hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, vẫn chưa có một người Việt Nam nào bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ khoa học ở độ tuổi trẻ như anh lúc đó. Giáo sư, Viện sĩ Markov đã tự mình viết một bài báo nhan đề: “Thành công lớn của một nhà bác học trẻ”đăng trên báo ảnh Liên Xô, cho biết: “Việc bảo vệ luận văn của một nhà bác học Việt Nam chưa đầy 26 tuổi là một sự kiện ở Dubna (…). Các nhà bác học lớn nhất của Liên Xô và của các nước thành viên Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna đều đã đến nghe anh…”.Nhà báo Liên Xô Svanev viết một bài tường thuật buổi bảo vệ luận văn của Nguyễn Văn Hiệu, trong đó có đoạn ghi lại nhận định của Viện sĩ Markov khi trả lời phỏng vấn của nhà báo về Nguyễn Văn Hiệu: “Đồng chí và tôi– lời viện sĩ Markov – đang tiếp xúc với một con người xuất chúng. Đôi khi người ta thực sự gặp may trong công việc nhờ tìm thấy một ý tưởng thiên tài dẫn đến những kết quả quan trọng như tìm thấy một mỏ vàng. Nguyễn Văn Hiệu đi theo một con đường khác. Như người ta thường nói, anh không ngồi chờ khoa học đến “bố thí”, anh đã đạt được những kết quả đang ngạc nhiên bằng cách lao động rất nhiều, bằng năng lực lao động rất lớn. Viện Dubna đã tạo cho một môi trường thuận lợi. Mọi điều còn lại phụ thuộc vào lao động và phẩm chất cá nhân. Nguyễn Văn Hiệu là một nhà bác học thật lớn”.

Sau bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ khoa học, Nguyễn Văn Hiệu bắt tay ngay vào một hướng nghiên cứu mới vừa xuất hiện: tính chất đối xứng cao, thống nhất sự đối xứng nội tại của các hạt cơ bản với tính đối xứng của không – thời gian. Viện Dubna quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu mới và giao cho anh phụ trách. Nhóm gồm các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch: Liên Xô, Hungari, Rumani và Việt Nam . Viện còn đề nghị anh soạn một loạt bài giảng về lý thuyết mới hình thành đề trình bày với các nhà thực nghiệm. Về sau, các bài giảng đó được viết lại thành sách, dưới nhan đề “Các bài giảng lý thuyết đối xứng unita” và được nhà xuất bản Nguyên tử in ở Matxcơva với lời giới thiệu của nhà bác học lừng danh Bogolubov, viện trưởng Viện Dubna.

Năm 1968, khi mới 30 tuổi, Nguyễn Văn Hiệu được công nhận chức danh giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonosov.

Năm 1969, Nguyễn Văn Hiệu trở về Việt Nam . Lúc này, chính phủ đang chủ trương thành lập một số viện nghiên cứu khoa học. Anh được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý (một trong hai viện đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam bấy giờ) và là thành viên của Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước. Anh là một viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam .

Gần 20 năm trôi qua kể từ khi GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đảm nhiệm cương vị viện trưởng Viện Vật lý, những ký ức về một thời gian đầy khó khăn của những người trí thức đi mở đường cho một ngành khoa học trong nước vẫn còn sống động trong ông. Ngày đó, cả Viện Vật lý đã không quản ngại vất vả, thiếu thốn, cùng ông ngược lên Phú Thọ mua tre, nứa, lá cọ để dựng trụ sở ở Nghĩa Đô, Hà Nội. Ngay sau khi trụ sở được hoàn thành, cả Viện Vật lý đã hân hoan chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm. Thủ tướng thấy hoàn cảnh của các anh chị em cán bộ trong viện khó khăn quá nên đã ký lệnh cấp cho mỗi người một chiếc xe đạp để thuận tiện cho công việc. “Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại về kỷ niệm ấy, tim tôi vẫn còn thắt lại vì xúc động”– GS. VS Nguyễn Văn Hiệu đã từng tâm sự với các học trò của mình như vậy.

Một năm sau khi về nước, năm 1970, tại hội nghị Vật lý Quốc tế ở Kiev , GS. Nguyễn Văn Hiệu đã có một bản báo cáo gây tiếng vang lớn và thu hút được sự chú ý của cử tọa khi ông đề cập những kết quả khám phá của mình cùng với Viện sĩ Logunov. Kết thúc hội nghị, Bogolubov đã nói riêng với anh: “Tớ nghĩ rằng, cậu sẽ có được một giải thưởng Lênin. Cậu phải quay lại Liên Xô ngay thêm vài năm nữa để tiếp tục nghiên cứu”.Nhưng lúc này, đối với GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, điều quan trọng hơn cả là công việc của Viện Vật lý đang đòi hỏi sự có mặt của ông. Vì vậy, ông đã ở lại Việt Nam để tổ chức các hoạt động nghiên cứu của viện. Tuy nhiên,ông vẫn không rời những đề tài nghiên cứu của riêng mình. Song song với việc nghiên cứu lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản, ông đã hợp tác với Logunov (về sau là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô kiêm Hiệu trưởng Đại học Lomonosov) nghiên cứu quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao. Tham gia nhóm nghiên cứu Logunov – Nguyễn Văn Hiệu còn có nhiều tiến sĩ khoa học khác. Các kết quả nghiên cứu của nhóm được nhà nước Liên Xô cấp bằng phát minh năm 1981.

Năm 1982, GS Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga).

Năm 1984, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Czech.

Năm 1986, Viện sĩ Logunov và Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu được nhận giải thưởng Lênin về công trình nghiên cứu tuyệt vời của hai người ở lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao.

Năm 1996, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về tập hợp các công trình nghiên cứu mà ông đã thực hiện trong nhiều năm trước đó.

GS. VS Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít các nhà khoa học Việt Nam coi khoa học là sự nghiệp suốt đời. Số công trình khoa học của ông lên tới con số 130, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn. Hầu hết số công trình đó đều được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

Năm 1964, khi một nhà báo nước ngoài hỏi ông tại sao ông lại có thể hoàn thành luận văn tiến sĩ khoa học chỉ một năm sau luận văn tiến sĩ, ông đã trả lời: “Tôi không nghĩ gì đến luận văn. Điều lúc nào cũng thường trực trong tôi chỉ là làm thế nào để có thể có ích nhất cho quê hương”.Từ cuộc đời mình, ông đã đi đến một chân lý sống: “Hãy sống và làm việc vì những động cơ lớn; trước nhất, luôn đặt mình trong mục tiêu làm việc , bạn sẽ có một sự đền bù xứng đáng”.

Sau hơn 50 năm hoạt động không mệt mỏi cho sự nghiệp khoa học, mặc dầu đã gần 70 tuổi, GS. VS Nguyễn Văn Hiệu vẫn tràn đầy nhiệt huyết cho nhiều kế hoạch lớn và đang truyền nhiệt huyết của mình cho một thế hệ các nhà khoa học mới đang hăng say học tập, nghiên cứu để chiếm lĩnh một lĩnh vực khoa học và công nghệ mới: khoa học và công nghệ nano.

Ý thức được vai trò quan trọng của các Hội khoa học kỹ thuật trong sứ mệnh tập hợp, đoàn kết, phát huy chất xám của đội ngũ tri thức trong và ngoài nước phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, GS. VS Nguyễn Văn Hiệu đã và đang tham gia tích cực các hoạt động của các tổ chức hội trên cương vị ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 70 của GS. VS Nguyễn Văn Hiệu (21/7/2008), chúng ta xin cảm ơn ông về những đóng góp xuất sắc của ông cho khoa học đã đem lại vinh quang cho đất nước và xin chúc ông mạnh khỏe, trường thọ để tiếp tục cống hiến tài trí cho sự phát triển của nền khoa học, công nghệ của nước nhà.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.