Giáo sư Phạm Thị Trân Châu: cần tự khẳng định mình qua công việc và cuộc sống
Thưa bà, xin bà giới thiệu đôi nét về những công việc đang làm hiện nay và những dự định sắp tới?
Hiện nay, tôi đang thực hiện một đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, giai đoạn 2006-2008, đó là: “Nghiên cứu protein, proteinase và các chất có hoạt tính ức chế proteinase của một số cây thuốc”, mã số 621306. Tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị cho “Hội nghị toàn quốc lần thứ 4 về hoá sinh và sinh học phân tử (HS-SHPT) phục vụ nông, sinh, y học và công nghiệp thực phẩm” sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10.2008 tại Hà Nội. Đặc biệt, ngay sau đó sẽ là Hội thảo về đào tạo HS-SHPT với sự tham dự của nhiều chuyên gia quốc tế, trong đó có một GS đã từng đoạt giải Nobel.
Tuy đã nghỉ hưu, nhưng hiện tôi vẫn tham gia giảng dạy về Enzim tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng đang đảm nhận một số công việc khác như: Uỷ viên Hội đồng HS-SHPT châu Á - Thái Bình Dương; Uỷ viên Hội đồng HS-SHPT thế giới; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hoá sinh Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học - giáo dục của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thành viên Uỷ ban Giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam…
Trong thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục các công việc nghiên cứu của mình, hoàn thành tốt đề tài đang làm chủ nhiệm và các công việc đang đảm nhận, tham gia công tác giảng dạy.
Tham gia rất nhiều công việc, vậy bà tâm đắc nhất việc nào và bà có gặp khó khăn gì khi đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau?
Khó khăn duy nhất của tôi khi phải đảm nhiệm nhiều việc khác nhau trong cùng một thời điểm là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, tôi nghĩ: Đã đảm nhận việc gì thì phải làm tốt việc đó. Một ngày có tới 24 giờ, do vậy, chỉ cần sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học, thậm chí bớt giờ nghỉ ngơi của chính mình là có thể giải quyết mọi việc. Có những khi công việc bận rộn, tôi chỉ nghỉ 3-4 tiếng/ngày nhưng vẫn cảm thấy thoải mái vì mọi việc trôi chảy và có nhiều niềm vui trong công việc. Tính cẩn thận và hay ghi chép cũng giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi.
Khi tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, bà có gặp phải sự “kỳ thị” của phái nam?
Thật may mắn là tôi chưa gặp một sự “kỳ thị” nào của phái nam trong khi làm việc. Tôi luôn cố gắng, toàn tâm toàn ý cho công việc, tự tin và tìm cách đạt hiệu quả công việc cao nhất. Tôi nghĩ, khi mình đã có kết quả làm việc tốt, thường xuyên học hỏi và trau dồi trình độ chuyên môn cho thật tốt thì không thể gặp sự “kỳ thị” của phái nam được.
Để góp phần đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới, theo bà, chúng ta cần phải có giải pháp như thế nào?
Theo tôi, việc nâng cao trí tuệ cho phụ nữ là giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới. Điều đó sẽ làm cho phụ nữ tự tin lên rất nhiều. Nếu hai người có năng lực ngang nhau thì việc ưu tiên và tạo cơ hội cho người nào là phụ nữ là việc đáng làm, nhưng không thể chấp nhận nếu ưu tiên một người chỉ vì người đó là phụ nữ.
Bên cạnh đó, việc đấu tranh tạo cơ hội học tập, làm việc và thăng tiến cho phụ nữ bình đẳng với nam giới là rất cần thiết hiện nay. Không thể có người phụ nữ nào đạt đến vị trí đỉnh cao của khoa học khi mà họ phải mất nhiều năm để sinh con và chăm sóc con nhỏ, không kể công việc gia đình luôn khiến họ bị phân tâm; các cơ hội học tập và làm việc bị hạn chế hơn nhiều so với nam giới.
Việc thúc đẩy phát triển các tổ chức, dịch vụ phục vụ đời sống gia đình cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự bình đẳng giới. Sự xuất hiện và phát triển của hệ thống nhà trẻ, siêu thị, dụng cụ gia đình hiện đại… đã làm nhẹ bớt công việc nội trợ và giảm bớt thời gian nội trợ cho người phụ nữ. Từ đó, phụ nữ sẽ có nhiều thời gian hơn để tham gia các công tác xã hội và nghiên cứu khoa học.
Bà có thể chia sẻ với các nhà khoa học nữ, đặc biệt là các bạn trẻ một số kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống?
Việc tổ chức cuộc sống một cách khoa học có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để dẫn tới sự thành công. Các bạn trẻ cần phải biết ưu tiên việc gì trước để đầu tư về thời gian, tiền bạc, công sức…, nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Tôi không nghĩ rằng, tất cả phụ nữ đều phải làm khoa học, nhưng bất cứ ai, dù làm việc gì cũng cần ứng dụng các phương pháp làm việc khoa học, các kiến thức khoa học và công nghệ để phục vụ tốt hơn công việc và cuộc sống của mình.
Xin cảm ơnbà!