Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 18/08/2008 23:34 (GMT+7)

Giáo sư Hoàng Phê - một tấm gương lao động khoa học hết mình

Về công tác ở Viện Ngôn ngữ học từ năm 1967, chúng tôi được làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của GS Hoàng Phê trong nhiều năm. Cán bộ ở Viện Ngôn ngữ học, nhất là ở Phòng Từ điển học thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng của ông rất nhiều về cách làm việc cũng như cách sống.

GS Hoàng Phê là một chuyên gia có uy tín về ngữ nghĩa học và từ điển học, đồng thời là một nhà nghiên cứu sâu sắc về các vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt, chữ viết và cải tiến chữ viết tiếng Việt. Ông đã để lại cho ngôn ngữ học Việt Nam nhiều công trình khoa học có giá trị: Từ điển tiếng Việt (chủ biên), Logic ngôn ngữ học, Từ điển chính tả, Chính tả tiếng Việt, Từ điển vần…và hơn 60 bài nghiên cứu khác. Trong khoa học cũng như trong các mặt khác của hoạt động xã hội, ông là người sống có tâm huyết: dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Để trở thành một nhà nghiên cứu hàng đầu trên nhiều lĩnh vực trong ngôn ngữ học nói chung và Việt ngữ học nói riêng, GS Hoàng Phê đã không ngừng phấn đấu, trăn trở tìm tòi và miệt mài nghiên cứu khoa học trong hơn 40 năm của cuộc đời mình. Lao động khoa học hết mình, đầy tâm huyết là đặc trưng nổi bật trong phẩm chất của ông.

Trang bị kiến thức ngôn ngữ học bằng con đường tự học

Là học trò và đồng nghiệp của GS Hoàng Phê trong nhiều năm, tôi được biết ông đi vào ngành ngôn ngữ học là theo yêu cầu của tổ chức, của xã hội. Vào khoảng năm 1959, khi đang công tác ở Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, một lần ông được GS Đặng Thai Mai, Viện trưởng Viện Văn học lúc bấy giờ mới đến gặp. Nội dung của cuộc gặp gỡ là GS Viện trưởng mời ông về xây dựng và phụ trách Tổ ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học (tiền thân của Viện Ngôn ngữ học ngày nay). Đề nghị ấy quá đột ngột nên ông hứa sẽ suy nghĩ và trả lời sau. Khi ấy, ở Việt Nam ngôn ngữ học là một lĩnh vực rất mới, thực tế chỉ đang ở giai đoạn hình thành. Càng tìm hiểu, GS Hoàng Phê càng thấy khó khăn, phức tạp, e rằng sức mình khó đảm đương nổi nên ông đã đến gặp GS Đặng Thai Mai nói lời từ chối. Nghe xong, GS Đặng Thai Mai im lặng hồi lâu rồi nói, đại ý rằng mình rất thông cảm và hiểu tại sao đồng chí từ chối. Đây đúng là công việc rất khó, nhưng chính vì vậy mà Đảng yêu cầu đồng chí gánh vác trách nhiệm này. Câu nói đó khiến GS Hoàng Phê suy nghĩ nhiều, và vài hôm sau ông chính thức trả lời nhận công việc mới.

Những ngày đầu thực khó khăn. Với trình độ văn hoá tú tài phần thứ nhất (ông thường nói mình có “trình độ văn hoá lớp 10”), với kinh nghiệm hoạt động trong công tác tuyên huấn, thanh niên, với tuổi đời không còn trẻ (tuổi 40), ông đã đi vào ngôn ngữ học từ ABC. PGS Đào Thản kể rằng, hồi đó các trường đại học chưa có chuyên khoa ngôn ngữ học, tài liệu về ngôn ngữ học rất ít, hằng ngày GS Hoàng Phê thường chở ông (PGS Đào Thản) trên chiếc xe đạp đi – a – măng cũ đi tới các thư viện để tìm đọc các tài liệu ngôn ngữ học bằng tiếng nước ngoài, cũng như những bài viết về tiếng Việt. Và chính trong giai đoạn này, GS Hoàng Phê đã được đọc Giáo trình ngôn ngữ học đại cươngcủa F. de Saussure. Như ông thường tâm sự, tác phẩm ấy đã cuốn hút ông, tạo cho ông một niềm say mê và quyết tâm đi vào nghiên cứu ngôn ngữ học. Có thể nói, F. de Saussure đã có ảnh hưởng lớn, tuy gián tiếp, trong việc hình thành các tư tưởng khoa học của ông sau này.

Rút kinh nghiệm quá trình tự học tiếng Hán lúc còn trẻ, GS Hoàng Phê đã kiên trì tự học tiếng Nga qua tiếng Hán (cuốn giáo trình Ngữ pháp tiếng Nga qua các bảng biểu,3 tập bằng tiếng Hán đó sau này ông tặng lại cho tôi). Với bốn ngoại ngữ cơ bản (Pháp, Anh, Hán, Nga), ông không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, thường xuyên tiếp cận với những trường phái mới, những tư tưởng khoa học của ngôn ngữ học hiện đại. Ông thường nói, điều mà cán bộ khoa học cần chú tâm nhất là chất lượng của công trình, mà muốn vậy thì không bao giờ được ngừng học, ngừng đọc. Quán triệt tư tưởng đó, các công trình nghiên cứu và biên soạn của ông luôn cố gắng bắt kịp những khuynh hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới. Ông đã có một số công trình đóng góp về lí luận trên cơ sở thực tiễn tiếng Việt trình bày ở các Hội nghị khoa học quốc tế và đăng trên tạp chí có uy tín của nước ngoài.

Làm việc với cường độ cao, sự kiên trì, lòng say mê và trách nhiệm

Chỉ vài năm sau khi thành lập Tổ ngôn ngữ học, GS Hoàng Phê phụ trách mảng Từ điển tiếng Việt, và công việc này gắn bó với ông suốt đời. Biên soạn từ điển là một công việc vất vả, choán rất nhiều thời gian và rất lâu mới cho ra sản phẩm. Do đặc điểm của Viện ngôn ngữ học từ lâu đã “đúc kết” cho chuyên ngành của mình “3 chữ k”: khô, khó, khổ. Các nhà từ điển học thế giới cũng có chung nhận xét. Nhà từ điển học Anh L. Zgusta đã ví công việc soạn từ điển với cánh tù khổ sai. Tức là, chỉ biên soạn từ điển đã đủ vất vả khó nhọc, chứ chưa nói gì tới việc nghiên cứu và viết lách, một công việc không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui và khát vọng vươn tới đối với mỗi cán bộ khoa học. Nhưng GS Hoàng Phê không bao giờ phàn nàn về “thân phận” của mình. Với lòng ham mê khoa học và tinh thần trách nhiệm, ông đã biến khó khăn thành thuận lợi.

Với tư cách là chủ biên cuốn Từ điển tiếng Việt,GS thực sự là “kiến trúc sư”, là “linh hồn” của công trình này. Ông là người tổ chức biên soạn từ điển, từ khâu xây dựng kho tư liệu gần 3 triệu phiếu ngữ cảnh trích dẫn (một cơ sở ngữ liệu tiếng Việt phong phú nhất ở Việt Nam hiện nay), đến khâu biên soạn qua các bước và khâu tổng duyệt cuối cùng. Ông thực hiện vai trò chủ biên giống như người chỉ huy dàn nhạc: từ việc chỉ đạo toàn bộ tư tưởng học thuật của công trình, đến việc đọc duyệt từng phiếu biên soạn cụ thể, góp ý rút kinh nghiệm cho từng cán bộ. Đồng nghiệp gần gũi của ông đều biết, hằng ngày ông thường dậy từ 3 giờ sáng để duyệt từ điển. Khi công trình đến giai đoạn gấp rút, ông đã dồn hết tâm sức sao cho các phiếu biên soạn của 16 biên tập viên (cuốn Từ điển tiếng Việtcó 40 nghìn mục từ với khoảng 100 nghìn phiếu biên soạn) đều được duyệt sửa, nâng cao chất lượng mà vẫn đảm bảo tiến độ công trình.

Với cường độ lao động như vậy nhưng người ta chưa bao giờ và không thể dùng các tính từ “cần cù”, “chịu khó” để nói về ông. Bởi vì ở ông, đó là loại lao động sáng tạo, say mê và quả cảm. Cái mâu thuẫn giữa nghiên cứu và biên soạn đã từng làm day dứt bao nhiêu cán bộ biên soạn từ điển đã được ông giải quyết thật tuyệt vời. Để biên soạn từ điển tốt, ông đi sâu vào nghiên cứu lí luận ngôn ngữ học, từ điển học hiện đại. Nhiều vấn đề lí thuyết chung, như vấn đề chuẩn ngôn ngữ, chuẩn chính tả, quan niệm về đơn vị từ vựng và những thao tác mô tả chúng, những phương pháp phân tích ngữ nghĩa… đã được chuyển tải hợp lí và sáng tạo trong từ điển. Mặt khác, tiếp xúc với kho ngữ liệu phong phú và những vấn đề nảy sinh do đặc thù của tiếng Việt trong quá tình biên soạn từ điển đã kích thích, khơi gợi trong ông khát vọng tìm tòi và giải chúng. Và thế là ông đã đi sâu nghiên cứu ngữ nghĩa học và cho ra đời hàng loạt bài nghiên cứu về ngữ nghĩa từ vựng, ngữ nghĩa của lời, logic của ngôn ngữ tự nhiên… Như vậy là với ông, nghiên cứu và biên soạn không những không mâu thuẫn nhau, mà ngược lại đã thúc đẩy lẫn nhau.

Đi vào những lĩnh vực nghiên cứu mới, áp dụng những phương pháp mới

Điểm nổi bật ở GS Hoàng Phê là luôn ham mê vươn tới cái mới, điều này có vẻ như mâu thuẫn với tuổi tác của ông. Ông thường xuyên theo dõi những kết quả nghiên cứu, những khuynh hướng và trường phái mới trong ngôn ngữ học các nước, tìm hiểu, tiếp thu có cân nhắc, và thông báo giới thiệu cho đồng nghiệp. Trong những sinh hoạt khoa học ở trong nước cũng như ở nước ngoài, ông say sưa thuyết trình những vấn đề khoa học, nhạy bén phản bác khi trao đổi học thuật, lại có khi thẳng thắn thừa nhận những sai lầm trong quan điểm hoặc trong phân tích khoa học của mình. Ông là như vậy, một con người toàn tâm toàn ý cho chân lí khoa học.

GS Hoàng Phê rất quan tâm tới những phương pháp nghiên cứu mới. Ông là một trong những nhà ngôn ngữ học đầu tiên của Việt Nam áp dụng những thành tựu và phương pháp của tin học để nghiên cứu ngôn ngữ học. Các cuốn từ điển ra đời sau những năm 90 của ông, như Từ điển chính tả, Từ điển vần, Dạy và học chính tả - Dấu hỏi hay dấu ngã?, Chính tả tiếng Việt, Từ điển từ và ngữ Hán - Việt(đang soạn), đều được biên soạn trên máy tính, sử dụng những phần mềm riêng tiện ích. Nhờ vậy, thời gian soạn thảo những cuốn sách này được rút ngắn, kết quả thu được có độ chính xác cao, toàn diện và đáng tin cậy.

Làm việc trong tập thể, làm việc theo nhóm

Từ điển tiếng Việtlà một công trình tập thể. Là người chịu trách nhiệm chính của công trình, GS Hoàng Phê cố gắng tổ chức và xây dựng một êkíp làm việc thực ăn ý, đoàn kết giúp đỡ nhau. Sinh hoạt khoa học là công việc thường xuyên của Phòng Từ điển học trong nhiều năm. Ở đó, ông hoặc cán bộ nào đó thuyết trình những tác phẩm hay, những trào lưu mới trong ngôn ngữ học thế giới mà mình đọc được, hoặc trình bày những kết quả nghiên cứu mới của bản thân để mong nhận được góp ý của đồng nghiệp; cũng có khi là những buổi “chữa phiếu”: thảo luận rút kinh nghiệm để tìm cách giải thích một từ ngữ khó, phức tạp hoặc điển hình trong quá trình biên soạn. GS Hoàng Phê không khó chịu trước những ý kiến khoa học trái ngược và không áp đặt ý kiến riêng, vì vậy không khí học thuật thường sôi nổi, thoải mái bình đẳng, phát huy được nhiều yếu tố tích cực.

Bản thân say mê khoa học nên GS Hoàng Phê rất quý trọng những người làm khoa học say mê, trân trọng mọi cố gắng tìm tòi vươn lên, dù đó là của một giáo sư danh tiếng hay một sinh viên mới ra trường. Ông thường kể lại cho bạn bè về những đóng góp của người khác và không giấu nổi niềm vui, lòng tin vào những điều tốt đẹp.

GS Hoàng Phê là một đảng viên trung thành, có trách nhiệm trước Đảng và trước quần chúng, là một cán bộ khoa học đầy tâm huyết, trung thực, luôn xông xáo tìm tòi, là một chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về ngữ nghĩa học và từ điển học, đồng thời là một nhân cách lớn.

Ông ra đi khiến mọi người bâng khuâng nhớ tiếc và không khỏi chạnh lòng nghĩ tới những người thế hệ ông: GS Hoàng Tuệ, GS Nguyễn Kim Thản, GS Lê Khả Kế, GS Lưu Vân Lăng… Đây là lớp những người đầu tiên đã đi vào khoa học ngôn ngữ theo yêu cầu của Đảng, của dân, đã hết sức phấn đấu nâng cao trình độ để trở thành những nhà khoa học thực tài, có kiến thức sâu, có tầm nhìn rộng lớn, có nhiều cống hiến đối với ngành khoa học non trẻ này ở Việt Nam.

Thắp nén hương thành kính trên bàn thờ ông nhân 100 ngày GS Hoàng Phê vĩnh viễn ra đi, chúng tôi mong linh hồn ông được thanh thản, nguyện đi theo con đường ông đã chọn, thực hiện tiếp những việc ông chưa kịp hoàn thành, để ông mãi trọn vẹn lòng tin và niềm vui vào con người và cuộc sống hôm nay.

-----
(*) Giáo sư Hoàng Phê sinh ngày 15 - 7 - 1919, mất ngày 29 - 1 - 2004.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.