Giảm tổn thất sau thu hoạch, giải pháp tăng gấp đôi lợi nhuận cho nông dân: Mới ở phòng thí nghiệm!
Không chỉ mất 3.000 tỷ đồng/năm vì TTSTH
Đối với lúa gạo, TTSTH của ta dao động trong khoảng 9 - 17%, thậm chí 20 - 30%, tuỳ từng khu vực và mùa vụ. Nghĩa là chúng ta mất khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, số tiền lớn hơn tổng thu ngân sách của hầu hết các tỉnh hiện nay. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ TTSTH cao nhất. Năm 1999, khu vực này sản xuất gần 17 triệu tấn lúa, với mức thiệt hại 20%, nông dân mất 3 - 3,5 triệu tấn, tương đương sản lượng lúa của Cần Thơ và Sóc Trăng cộng lại. Cứ 1% TTSTH là ĐBSCL mất 7 triệu USD.
Đối với sản xuất rau quả, thu nhập của nông dân giảm từ 15 - 30% vì sản phẩm không được sơ chế, bảo quản, tiêu thụ kịp thời. Với gần 600.000ha, sản lượng khoảng 4-5 triệu tấn/năm, gồm nhiều loại cây ăn quả đặc sản nhưng năng lực chế biến chỉ đạt khoảng 200.000 tấn/năm (chiếm 2% sản lượng), còn lại được sử dụng dưới dạng tươi sống. Chính vì không có công nghệ chế biến nên thu hoạch không đúng độ chín là chuyện "cơm bữa" bởi việc này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, thời tiết. Quá trình thu hoạch chưa được cơ giới hoá, thiếu cách thu hoạch thích hợp với từng loại rau, quả dẫn đến đa tổn thương cơ học và độ thối rữa cao. Việc phân loại, sơ chế và vận chuyển không đảm bảo do thiết bị đóng gói kém; công nghệ bảo quản thiếu đồng bộ trong kiểm dịch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,… đã hạn chế đáng kể số lượng, phẩm cấp và sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam. So với gạo Thái Lan, giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn do công nghệ sấy thóc gạo của ta chưa phát triển, thóc thường phơi trên các sàn đất, bê tông hay trên đường rải nhựa nên độ rạn, gãy cao (~ 30%); tỷ lệ sạn, cát vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Vì thế giá gạo của ta thường thấp hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 20 - 30USD/tấn... Cả ông Bạch Quốc Khang- Cục trưởng Cục Chế biến Nông-lâm sản và Nghề muối và bà Trần Thị Mai- Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đều chung nhận định: Để có được sự đồng bộ các khâu từ trước, trong và sau thu hoạch, sự phối hợp nhịp nhàng giữa nông dân, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp để phát triển công nghệ bảo quản, chế biến như của Thái Lan và nhiều nước có nền nông nghiệp mạnh, có lẽ Việt Nam phải mất 15 đến 20 năm nữa… Nông dân ta đang thu hoạch, bảo quản với công nghệ thủ công, lạc hậu, các doanh nghiệp chế biến cũng trong tình trạng bi đát không kém. Theo thống kê của Viện Kinh tế nông nghiệp, hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp chuyên chế biến nông - lâm sản đã qua 3 - 4 thế hệ; 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; chỉ 1- 5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế; 8 - 15% số doanh nghiệp đăng ký chất lượng sản phẩm; 40% doanh nghiệp không có trình độ chuyên môn, tay nghề...
Công nghệ, mới dừng lại ở phòng thí nghiệm
Mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nông - lâm sản, trong đó có một phần không nhỏ dành cho công nghệ sau thu hoạch. Thế nhưng phần lớn các công trình này chỉ dừng lại ở… phòng thí nghiệm vì khó thích ứng và quá đắt với quy mô hộ gia đình. Nói cách khác, người nông dân chưa được thụ hưởng thành quả nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch. Kết quả khảo sát ở 13 tỉnh ĐBSCL của Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang và Đại học Nông- lâm TP. Hồ Chí Minh từ năm 2002 đến nay cho thấy: 50% nông dân ở vùng này bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch, vì đầu tư một lò sấy công suất 1 - 1,5 tấn/mẻ tốn hơn 10 triệu đồng. Ở An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang, những nơi có số lượng máy sấy lúa nhiều nhưng cũng chỉ có khoảng 10 - 15% sản lượng lúa được sấy. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, thừa nhận: “Dù mạnh dạn cho nông dân vay vốn với lãi suất 0% trong vòng 3 năm để đầu tư lò sấy lúa và kết quả là lắp được 1.400 lò công suất từ 1 đến 25 tấn/mẻ nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 35% sản lượng. Không phải nông dân không nhận thấy lợi ích của lò sấy, họ ngại vì tốn kém quá. Kiên Giang có sản lượng lúa xấp xỉ An Giang nhưng các doanh nghiệp thu mua chỉ dám nghĩ tới việc tạm trữ 50% sản lượng lúa hè thu năm 2005 đối với vùng ngập lũ Tứ giác Long Xuyên vì cứ 1 tấn gạo tạm trữ phải cộng thêm lãi suất vay không dưới 2USD/tấn/tháng; nếu trữ lâu hơn, phẩm cấp gạo giảm, tổn thất còn lớn hơn. Ngay với doanh nghiệp thì việc bảo quản cũng khó khăn, nói gì đến nông dân?
Khi được hỏi về những thành tựu của Viện Cơ điện nông nghiệp&Công nghệ sau thu hoạch, một trong những đơn vị nghiên cứu nhiều về lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch, một cán bộ của Viện không nêu kết quả cụ thể mà thừa nhận: " Phần lớn các công trình nghiên cứu hiện nay chỉ nằm ở phòng thí nghiệm.Có những sản phẩm sấy giá rẻ, công nghệ chế tạo đơn giản thì lại khó kiểm soát chế độ sấy nên chất lượng sản phẩm thấp, hình thức, mẫu mã chưa mang tính công nghiệp; còn những giàn sấy hiện đại thì giá quá cao. Đành rằng người nông dân chưa thể bỏ ngay tập quán canh tác, bảo quản cũ, nhưng giúp họ tiếp cận và sử dụng thiết bị mới là trách nhiệm của các nhà khoa học".
Giảm tỷ lệ TTSTH, cách nào?
Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng Khoa học - Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Cơ điện nông nghiệp&Công nghệ sau thu hoạch) cho rằng, nước ta đang thiếu một hệ thống các nhà sơ chế, bảo quản rau, quả. Ở Malaysia , nhà nước bỏ tiền xây dựng rất nhiều nhà lạnh bảo quản cho từng vùng khác nhau, bao gồm tất cả các công đoạn từ rửa, phân loại, đo chỉ tiêu chất lượng, đóng gói,… trên dây chuyền hoàn toàn tự động. Còn ở Việt Nam, người nông dân phần lớn tự thu hoạch, bảo quản bằng một số chế phẩm hoá học nên chất lượng, mẫu mã giảm là điều đương nhiên.
Theo Cục Chế biến Nông- lâm sản và Nghề muối, để giảm TTSTH, cần đưa tỷ lệ cơ giới hoá đạp lúa trong cả nước đạt trên90%, tẽ ngô đạt 60%; nâng cấp hệ thống kho tàng, bảo quản lúa, ngô, cà phê,… để giảm tổn thất do nấm, mốc; ứng dụng thiết bị và công nghệ hiện đại trong sơ chế, bảo quản, xử lý, phân loại, bao gói rau - quả tươi.
Tất cả những điều này đều đúng và rất cấp thiết. Vấn đề là ai làm và làm như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Chúng ta đã có hẳn một hệ thống các vụ, viện chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này, hàng năm cũng có hàng loạt công trình được bảo vệ nhưng tại sao nông dân vẫn chưa tiếp cận được, vẫn chịu “mất mùa trong nhà" với tổn thất “phát khiếp”. Ở đây không thể không nói đến trách nhiệm của những nhà quản lý.
Nguồn: Báo Kinh tế Nông thôn, số 33 (467), 15/8/2005