Gặp người tính kế thoát nghèo cho bà con nông dân
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng bức xúc: “Đấy không gọi là nghề lý tưởng. Một nghề 4 người làm trong một ngày ít nhất phải có 100.000 đồng. Thậm chí họ còn phải đổ sức ra làm những nghề có thể đem lại hơn 100.000 đồng!”.
Viết sách cho nông dân
Ông nhận định, vấn đề quyết định hiện nay cho nông dân không phải là cái tay, không phải là tiền mà là “cái đầu”. Theo ông, đây là giai đoạn khó nhất của nông dân, là giai đoạn mà nông dân đang loay hoay chưa biết xoay xở thế nào.
“Dứt khoát nông dân phải có nghề phụ, làm ra tiền. Đây là cách giúp nông dân vượt qua khó khăn này” - giáo sư Hùng trăn trở. Trong một chuyến đi Thái Lan, ông biết được việc vua Thái Lan làm 500 cuốn sách và đích thân làm chủ nhiệm chương trình này, giao cho các trường đại học viết sách cho nông dân. Ông nung nấu ý tưởng sẽ về Việt Nam thực hiện bộ sách 100 cuốn (mỗi cuốn một nghề) cho nông dân cách đây đã 8 năm.
Mỗi lần đi các địa phương thăm nông dân về, ông lại thấy trong người như lửa đốt. Với nỗi khát khao cháy bỏng ấy, ông đã quyết định một mình đứng ra với tư cách tổng thư ký Hội Các ngành sinh học để kêu gọi các nhà khoa học trong ngành sinh học, nông nghiệp, thậm chí cả những nông dân giỏi viết sách dạy nghề cho nông dân.
Ông đã nghĩ đến viễn cảnh 100 nghề này không phải cho một nơi mà là cho cả nước. Mỗi vùng chỉ cần chọn 20- 30 nghề, mỗi gia đình chọn 1-2 nghề thì cả nước sẽ có nghề phụ. Ông lạc quan cho rằng, còn rất nhiều tiềm năng khai thác được trong thiên nhiên Việt Nam , từ con giun, con dế cho đến con lớn hơn, cây lớn hơn.
Sách sẽ viết thật đơn giản, cách viết ngắn gọn để người dân đọc là làm được. Tất cả các cuốn sách đều có các mô hình nông dân điển hình kèm theo địa chỉ những nơi làm thành công, người đọc có thể liên hệ để mua giống, học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, mỗi bộ sách đi kèm băng hình dài 30-50 phút dạy nghề để người dân học trực quan hơn, hơn nữa người không biết chữ cũng học được.
Hiện ông đã lên danh sách, năm nay cố được 50 cuốn, sang năm 50 cuốn nữa rồi sẽ hoàn thành 100 cuốn. Ông tự tin thực hiện bộ sách, bởi vì ông cũng chính là người đầu tiên viết về nghề nuôi ba ba, ếch, lươn, cua biển, giun đất, lợn rừng, nhím... và nay không ít người gặt hái thành công.
“Cậy” đến doanh nghiệp
Dự định, mục đích là vì hàng chục triệu nông dân nghèo, ông đã đặt hàng các nhà khoa học nhưng ông cũng sợ sẽ khó đi tiếp. Lý do: Chưa có tiền.
Khi được hỏi tại sao giáo sư không “gõ cửa” các cơ quan Nhà nước để thực hiện bộ sách? Ông ngậm ngùi nói: “Tôi đã từng đăng lên báo xin 3 tỉ đồng để dạy nghề cho nông dân cả nước nhưng không ai trả lời. Tôi đến các bộ nhiều lần nhưng không nhìn thấy triển vọng. Các bộ đều tìm cách đẩy sang bộ khác, bộ thì bảo không đúng “kênh”, nơi bảo “chỉ duyệt những dự án trên chục tỉ”.
Và thế là ông nghĩ đến các doanh nghiệp. Giáo sư Hùng viết thư đến các công ty nói rõ việc thực hiện bộ sách, chi tiết từng khoản chi. Doanh nghiệp nào ủng hộ sẽ in logo lên sách. Giáo sư Hùng giở cuốn sổ tay cho tôi xem: Thạch Bàn, UNESCO, FPT... Trong danh sách có đến cả trăm công ty. Ông cho biết đã có những người gọi điện ủng hộ. Vì thế ông càng tin sẽ làm được.
Ông còn mơ ước thành lập 3 văn phòng tư vấn miễn phí cho nông dân ở TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. “Tôi đi nói chuyện khắp nơi, bà con khao khát vô cùng, thậm chí bản thảo chưa ra bà con đã đòi đi photocopy. Cuốn sách có thể chỉ có giá chục ngàn đồng nhưng nó làm ra hàng chục triệu cho bà con. Cứu hàng chục triệu nông dân trong thời điểm này. Dứt khoát phải giúp nông dân vươn lên. Nhất định thế!” - giáo sư Hùng bày tỏ.
Phát sách miễn phí là tốt nhất “Tôi cần 5,1 tỉ đồng. Mỗi cuốn sách mất khoảng 10 triệu đồng (6 triệu đồng cho tác giả, 1 triệu đồng cho họa sĩ, 1 triệu đồng cho nhà xuất bản, 2 triệu đồng cho biên tập). Như vậy là mất 1 tỉ đồng cho 100 cuốn. Mỗi cuốn sách in khoảng 2.000 bản đầu tiên, mỗi cuốn giá 10.000 đồng là đã 2 tỉ đồng. Còn lại 2 tỉ đồng sẽ làm phim đính kèm. 100 triệu đồng còn lại cho các cuộc họp hành, quảng bá về sách. Tiền càng nhiều càng in được nhiều sách hơn, nếu có thể phát sách miễn phí cho nông dân là tốt nhất” - giáo sư Hùng bộc bạch. |
Nguồn: Người Lao Động