Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 26/11/2008 20:17 (GMT+7)

Gần 200 năm tự nuôi giữ một giống gà

Gà Đông Tảo - Một hấp dẫn đặc biệt

Gà Đông Tảo là giống gà xuất hiện từ rất lâu cùng với nền kinh tế, văn hoá, phong tục, tập quán sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt giống gà này chỉ tập trung nhiều ở xã Đông Tảo - huyện Khoái Châu - tỉnh Hưng Yên, ở các vùng khác rất hiếm gặp giống gà Đông Tảo.

Tuy nhiên, tên gốc xưa kia của xã này là xã Đông Cảo, sau đổi thành xã Cấp Tiến, đến năm 1987 lại đổi tên thành Đông Tảo (nhân dân truyền miệng là do tên Chủ tịch xã là Cảo nên tránh phạm huý đặt lại tên xã chệch đi thành Đông Tảo mà không giữ tên cũ là Đông Cảo). Vì vậy, cũng giống gà này hiện vẫn được gọi bằng hai tên là Đông Tảo và Đông Cảo.

Giống gà Đông Tảo là một đặc sản quý của xã Đông Tảo, xưa kia đã từng là một trong những giống gà “tiến vua”. Do có đặc điểm ngoại hình đặc biệt (gà có thể nặng đến 4,8 kg và đôi chân kềnh càng tới 7 – 9 lạng) nên gà Đông Tảo được nhân dân vùng này từ xa xưa đã nuôi giữ vừa làm cảnh vừa nuôi thịt. Trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng nhân dân vùng này vẫn lưu giữ được giống gà quý này.

Ông chủ gà Đông Tảo thuần chủng duy nhất còn lại ở xã Đông Tảo – ông Nguyễn Trọng Tích vẫn tự hào kể cho chúng tôi nghe về chuyện ông cố nội của ông khi chạy loạn chiến tranh đã bỏ lại hết tài sản mà chỉ mang theo mỗi cái máy may (ông cụ kiếm sống bằng nghề may) và một “cỗ” gà Đông Tảo (2 mái 1 trống). Đời này qua đời khác, liên tiếp 3 thế hệ cùng với sự truyền nghề may để kiếm sống thì việc nuôi gà mà chỉ là gà Đông Tảo thuần chủng cũng được nuôi giữ truyền đời, lúc nào trong nhà cũng có 2 – 3 “cỗ”.

Nhờ sự say mê và truyền thống gắn bó với con gà của quê hương mà người dân nơi này đã giữ lại được giống gà quý hiếm này từ rất lâu trước khi có sự can thiệp hỗ trợ của Nhà nước.

Năm 1963, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đích thân đến thăm gà Đông Tảo và bày tỏ mong muốn nhân dân trong vùng lưu giữ giống gà quý này.

Tiếng tăm quý hiếm của gà Đông Tảo được lưu truyền, vang xa trong và ngoài nước. Những năm 1960 – 1967 các đoàn cán bộ của Bộ Nông nghiệp các nước như Triều Tiên, Nga, Nhật,… đã đến Đông Tảo để thăm quan và xin giống gà này mang về nước.

Bảo tồn gà Đông Tảo – Chưa tương xứng với tiềm năng

Bắt đầu từ năm 1992, chương trình “Bảo tồn quỹ gen vật nuôi” của Nhà nước Việt Nam có hỗ trợ cho công tác bảo tồn giống gà này. Bắt đầu hỗ trợ từ 5 – 6 triệu đồng (năm 1992) để nuôi giữ 40 – 50 gà sinh sản. Đến năm 1994 nâng mức hỗ trợ lên 10 – 15 triệu đồng để nuôi giữ 100 – 150 gà sinh sản thuần chủng bằng các phương pháp chọn nhân giống thông dụng truyền thống đến các phương pháp hiện đại như ghép nhóm gia đình, giao phối chéo, phân tích sinh hoá, sinh lý máu có liên quan đến di truyền.

Ngày nay, nhờ công tác lưu giữ vốn gen thuần chủng của giống gà này, ngành chăn nuôi gia cầm đã nhân giống ra hàng nghìn con gà ông bà, bố mẹ mỗi năm để cung cấp giống cho một số địa phương trong cả nước như Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, thành phố Hồ Chí Minh,… để làm con lai với các giống nội khác như gà Ri, gà Mía,… tạo ra gà thương phẩm tăng trọng nhanh, thịt ngon, giá trị kinh tế cao.

Song thực tế, địa chỉ duy nhất có giống gà thuần chủng Đông Tảo thì chỉ là gia đình ông Nguyễn Trọng Tích – thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên với quy mô mỗi năm cũng chỉ đạt được 100 – 150 con có mặt thường xuyên.

Ông Tích khẳng định, nuôi gà Đông Tảo không khó, với giá thịt hơi hiện nay 75.000/kg, giá giống 60.000 đ/con 28 ngày tuổi thì mỗi gà mái cũng lãi từ 1 – 1,5 triệu đồng/năm mặc dù sức sinh sản của giống gà này không cao (13 – 15 quả/lứa, mỗi năm 5 lứa/mái/năm), tỷ lệ đực cái dày 1 trống : 4 mái. Thị trường đầu ra rất rộng lớn nhưng phát triển rộng rãi vướng nhiều khó khăn. Gà Đông Tảo khó có khả năng công nghiệp hoá, gà còi cọc, chết yểu nếu nuôi nhốt hoàn toàn, mỗi con có nhu cầu diện tích đẩt trung bình 1m 2cho dù với đôi chân to lớn chúng ít nhanh nhẹn hơn gà Ri, gà Tre,… trong bới tìm thức ăn. Thức ăn của chúng cũng phải là ngô, thóc chứ không “khoái khẩu” thức ăn công nghiệp.

Mặc dù dòng gà Đông Tảo nuôi không khó, năng suất cao nhưng mở rộng quy mô bảo tồn giống gà này trong thực tế lại rất khó. Gà được bán cho các địa phương ngoài tỉnh thường lập tức bị lai tạp và chỉ nuôi giết thịt, chưa gặp trường hợp tận tâm say mê tự lưu giữ giống thuần như gia đình ông Tích.

Nuôi giữ giống gà Đông Tảo cũng như nhiều giống vật nuôi bản địa khác hiện nay thường vẫn ở quy mô nuôi giữ nhỏ lẻ, hỗ trợ ít ỏi, chưa xây dựng được thương hiệu và ưu đãi thu hút đầu tư nên hiệu quả thường chưa cao. Các giống vật nuôi bản địa đều thường mang một số hạn chế nên chưa thu hút người chăn nuôi làm kinh tế nên công tác bảo tồn cần phải được hỗ trợ thích hợp.

Thiết nghĩ, nuôi giữ một tài sản sinh học quý giá như gà Đông Tảo, một vốn gen quý của nước nhà có thể được bắt đầu từ lòng yêu mến hình ảnh gắn bó quê hương của nhân dân nhưng để có thể bảo tồn bền vững và phát triển giống gà đặc biệt này còn quá nhiều điều phải lo lắng và còn quá nhiều việc phải làm.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.