Feynman và các khoa học khác
Tại phòng ăn khoa sau đại học Princeton, mọi người thường ngồi theo nhóm chuyên môn của mình. Tôi thường ngồi với các nhà vật lý, nhưng sau đó, tôi nghĩ: Có lẽ sẽ thú vị hơn nếu biết phần còn lại của thế giới đang làm gì, thế nên từ đó tôi hay ngồi với mỗi nhóm khoảng một vài tuần.
Khi ngồi với các nhà triết học, tôi nghe họ thảo luận một cách cực kỳ nghiêm túc về quyển sách có tên Quá trình và hiện thựccủa tác giả Whitehead. Họ sử dụng từ ngữ theo những cách nực cười và tôi thường không hiểu họ đang nói gì. Tôi thường không muốn ngắt lời họ để nhờ họ giải thích, nhưng đôi lần không kìm được có hỏi thì họ rất nhiệt tình giải thích cho tôi, thế nhưng tôi vẫn không sao hiểu được. Thế là họ mời tôi tham gia seminar của họ.
Những nhà triết học tổ chức buổi seminar như một buổi học vậy. Mỗi tuần seminar được tổ chức một lần để thảo luận một chương mới rút ra từ quyển Quá trình và hiện thực- một nghiên cứu sinh đọc báo cáo về chương đó, tiếp theo là thảo luận. Tôi tới đó, tự hứa rằng sẽ không mở miệng, và luôn tâm niệm mình chẳng hiểu gì về chủ đề này, rằng tôi chỉ đến đó để xem thôi.
Những điều xảy ra sau đó thật kỳ cục - quá kỳ cục đến mức không thể tin được, nhưng đó là sự thật. Hôm đó một nghiên cứu sinh báo cáo về một chương trong cuốn sách, trong đó, Whitehead sử dụng thuật ngữ “đối tượng cốt lõi” theo cách đặc biệt triết học mà ông đã định nghĩa từ trước, mà tôi thì không hiểu gì cả.
Sau một hồi thảo luận “đối tượng cốt lõi” nghĩa là gì, giáo sư chỉ đạo buổi seminar đứng dậy giải thích một hồi và vẽ một cái gì đó lên bảng, có vẻ giống như những tia sét “Ngài Feynman” - ông nói - “Liệu chúng ta có thể nói electron là một đối tượng cốt lõi được không?”
Chà, vậy là tôi đã gặp rắc rối rồi. Thừa nhận rằng mình chưa đọc quyển sách đó, nên tôi chẳng có ý nhiệm những gì về thuật ngữ đó, tôi chỉ xem buổi seminar thôi. “Nhưng” - tôi nói - “Tôi sẽ cố gắng trả lời câu hỏi của giáo sư nếu ngài trả lời trước một câu hỏi của tôi, để tôi có những ý niệm tốt hơn về cái gọi là “đối tượng cốt lõi”. Câu hỏi đó là: Liệu viên gạch có phải là một “đối tượng cốt lõi” không?”
Điều mà tôi muốn làm, là xem họ có coi những kết cấu lý thuyết là những “đối tượng cốt lõi” hay không. Electron là một lý thuyết được chúng tôi sử dụng, nó giúp chúng tôi hiểu tự nhiên diễn ra thế nào, vì vậy hầu như ta coi nó là tồn tại và có thật. Tôi muốn sử dụng sự tương đồng để làm sáng tỏ ý tưởng về một lý thuyết. Với viên gạch, tôi sẽ hỏi câu tiếp theo: “Thế theo ngài, cái bên trongcủa viên gạch là gì?” và sau đó tôi sẽ chỉ ra rằng không ai có thể nhìn thấy cái bên trong của viên gạch. Mỗi khi đập vỡ viên gạch, ta chẳng thấy gì ngoài những bề mặt. Như vậy viên gạch có cái bên trong là một lý thuyết đơn giản giúp ta hiểu sự vật một cách tốt hơn. Lý thuyết về electron cũng giống như vậy. Thế nên tôi bắt đầu bằng việc đưa ra câu hỏi: “Liệu viên gạch có phải là một “đối tượng cốt lõi” không?”
Những câu trả lời ngay lập tức được đưa ra. Một người đứng ngay dậy và nói: “Một viên gạch là một thực thể, một viên gạch riêng biệt. Đó chính là cái mà Whitehead muốn nói là một “đối tượng cốt lõi”.
Một người khác lại cho rằng “không phải viên gạch cụ thể là “đối tượng cốt lõi”, mà là đặc điểm của các viên gạch nói chung - đó là tính gạch - đó mới là “đối tượng cốt lõi”.
Lại một người nữa đứng lên: “Không, đó không phải là chính các viên gạch. “Đối tượng cốt lõi” ở đây thực ra là ý niệm mà chúng ta có trong óc khi chúng ta nghĩ về những viên gạch”.
Rồi một người nữa nêu ra ý kiến của mình, sau đó là nhiều người khác và tôi phải thú nhận là, chưa bao giờ tôi được nghe nhiều cách nhìn bất thường khác nhau như vậy về một viên gạch. Kết thúc câu chuyện, cũng như trong các câu chuyện về các nhà triết học, là một sự hỗi độn tuyệt đối. Như vậy tức là những buổi thảo luận trước đó, họ thậm chí không tự hỏi mình liệu một vật đơn giản như viên gạch, không cần phải quá phức tạp như electron, có là một “đối tượng cốt lõi” hay không.
Sau đó tôi tới bàn sinh học để ăn tối. Sinh học luôn gây cho tôi những điều thú vị, và những nhà sinh hcọ cũng nói về những vấn đề hết sức hấp dẫn. Một trong số họ mời tôi tham dự một buổi học về sinh học tế bào. Tôi cũng biết chút ít về sinh học, nhưng đây là một khoá học dành cho nghiên cứu sinh. “Anh có nghĩ rằng tôi theo kịp lớp không? Liệu giáo sư có để tôi vào?” Tôi hỏi.
Họ hỏi người hướng dẫn, E. Newton Harvey, người đã có một số nghiên cứu về các vi khuẩn phát quang. Harvey trả lời tôi rằng tôi có thể tham gia lớp học nâng cao đặc biệt này, với một điều kiện là tôi phải làm mọi công việc và phải viết báo cáo về các bài báo như những sinh viên khác.
Trước khi buổi học đầu tiên bắt đầu, những người đã mời tôi tham gia lớp học muốn chỉ cho tôi xem một số thứ bằng kính hiển vi. Họ có một vài tế bào thực vật, và tôi có thể nhìn thấy những điểm xanh gọi là diệp lục (chúng tạo ra đường khi được chiếu sáng) chuyển động tròn. Tôi nhìn vào kính, rồi ngẩng lên hỏi: “Chúng quay tròn bằng cách nào nhỉ? Cái gì đẩy chúng quay như vậy”
Không ai biết. Hoá ra đó là vấn đề mà khi đó chưa giải thích được. Ngay lập tức tôi hiểu thêm về môn sinh học: việc đặt ra một câu hỏi hấp dẫn thật quá dễ dàng, mà không ai có thể trả lời được câu hỏi đó. Trong vật lý, bạn phải tìm hiểu sâu hơn một chút mới có thể tìm ra được một câu hỏi thú vị mà không ai trả lời được.
Khi lớp học diễn ra, Harvey mở đầu bằng cách vẽ một hình to và đẹp về một tế bào trên bảng và chỉ ra mọi thức trong tế bào đó. Ông ấy giảng về chúng, và tôi hiểu gần như toàn bộ những điều ông ấy nói.
Sau buổi giảng, một người trong số đã mời tôi, hỏi: “Thế nào, anh thích chứ?”
“Cũng rất hay”, tôi nói “Điều duy nhất mà tôi chưa hiểu là phần về lexithin?”
Anh bạn tôi bắt đầu nói bằng một giọng đều đều: “Tất cả sinh vật sống, thực vật cũng như động vật, đều cấu tạo nên từ những viên gạch nhỏ gọi là tế bào…”
“Nghe này”, tôi nói - “Mình đã biết tất cả những thứ đó rồi, nếu không thì mình đã không tham gia vào lớp học này. Thế nhưng lexithin là gì nhỉ?”
“Tôi không biết”. Anh ấy thản nhiên đáp.
Tôi phải viết báo cáo về các bài báo cũng như mọi sinh viên khác, và vấn đề đầu tiên hấp dẫn tôi là ảnh hưởng của áp suất lên tế bào - Harvey đã chọn cho tôi đề tài này vì nó có chút gì đó liên quan tới vật lý. Mặc dù tôi hiểu đang làm gì, nhưng tôi luôn phát âm nhầm khi tôi trình bày báo cáo của tôi. Mọi người cười như nắc nẻ khi tôi nói về “blasstospheres” thay vì “blastomeres”, hoặc những thứ đại loại như thế.
Bài báo thứ hai đuợc Adrian và Bronk chọn cho tôi. Họ đã chứng minh được rằng những xung thần kinh là rất ngắn, gọi là hiện tượng xung đơn. Họ đã làm những thí nghiệm trên con mèo và đo được điện áp trên các dây thần kinh.
Tôi bắt đầu đọc bài báo đó. Nó nói về các loại cơ gấp, cơ duỗi, cơ hoành và rất nhiều loại cơ khác. Cơ này được đặt tên, bó cơ kia cũng vậy, nhưng tôi không hề thấy mối liên hệ nào giữa những bó cơ với hệ thần kinh, dù là nhỏ nhất. Tôi đành phải tới thư viện và hỏi bộ phận sách sinh học ở đây liệu có quyển sách nào về “bản đồ” của con mèo không.
“Bản đồ của con mèo?” Bà thủ thư kinh ngạc hỏi: “Chắc ông muốn nói đến Biểu đồ động vật”. Từ đó ở thư viện lan truyền câu chuyện về một sinh viên đã tốt nghiệp ngành sinh học hỏi về Bản đồ của con mèo.
Rồi cũng đến lúc tôi phải trình bày về chủ đề của mình, và tôi bắt đầu bằng việc vẽ hình con mèo và kể tên vô vàn những bó cơ.
Những sinh viên khác ngắt lời: “Những điều đó chúng tôi biết hết rồi”.
“Ô” tôi nói “Các anh đã biết sao? Vậy thì không nghi ngờ rằng tôi có thể đuổi kịp các anh nhanh như vậy mặc dù anh có những bốn năm học sinh học”. Như vậy họ đã tiêu tốn thời gian của mình chỉ để nhớ tên những bó cơ, những điều mà tôi đã nắm được chỉ sau 15 phút đọc sách.