Dương Quang Trung, bác sĩ tim mạch có nhiều cống hiến
Sinh ra tại thị xã An Xuyên, quận Cà Mau (nay là tỉnh Cà Mau), cậu thiếu niên Dương Quang Trung đã sớm cảm nhận cảnh khổ nhọc ở một vùng nước mặn hoang sơ. Ông sống trong một gia đình mà mẹ là nữ hộsinh, cha làm thư ký cơ quan bưu điện.Nếu như người mẹ đã truyền cho con trai đức chịu thương chịu khó của người thầy thuốc, thì cha ông - vốn từ Nho học chuyển sang Tây học - lại khai mở trí tuệ, chuẩn bị cho con ý chí và bản lĩnh đểvào đời.
Năm 1945, ở tuổi 17, Dương Quang Trung đã tham gia Lực lượng Thanh niên giải phóng quận Giá Rai, tham gia Đoàn cứu thương khu 9 và Hội Học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn. Chính trong thời gian này, cậu họctrò nhỏ Dương Quang Trung đã "ngộ" ra một điều lớn: Chỉ có học thật tốt mới thực hiện được những điều mình ấp ủ.
Năm 20 tuổi, Dương Quang Trung sang Pháp. Sau hai năm học trung học, lấy bằng tú tài, anh thi vào Trường đại học Y khoa Bordeaux. Thời gian này, anh tham gia lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước vàđược kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1952.
Năm 1958, Dương Quang Trung ra trường với bằng tiến sĩ y khoa, sau đó, anh lại học thêm hai năm chuyên ngành phẫu thuật phổi tại Bệnh viện Foch của Đại học Y khoa Paris. Năm 1960, anh hăm hở cùng vợcon từ Paris hoa lệ về nước.
Trong bốn năm, từ 1960 đến 1964, bác sĩ Dương Quang Trung làm việc tại Viện Chống lao Trung ương, có dịp sống và làm việc bên cạnh Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Trong mắt ông, anh Tư Thạch (tên thân mậtcủa bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) không chỉ là nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhìn xa trông rộng, mà còn là người anh đức độ, lo toan.
Ông kể lại: "Năm 1962, vào một đêm trăng sáng ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, khi nghe những bài vọng cổ anh em miền Nam hát theo điệu tài tử, tôi bỗng nhớ mẹ và chị trong Nam da diết. Một hôm, tôigặp anh Tư Thạch xin vào Nam chiến đấu. Anh rất đỗi băn khoăn: "Cậu đi còn vợ con thì sao?". Tôi đáp: "Chắc phải nhờ tổ chức và các anh lo hộ gia đình".
Ông thú vị kể về một trong những kỷ niệm theo ông đến bây giờ: "Anh Tư Thạch sống gần anh em lắm. Thỉnh thoảng anh rủ tôi đi ăn mì trên đường Lý Thường Kiệt, ở phố Đường Thành. Anh tự lái chiếc xehơi màu nâu cũ kỹ"...
Đầu năm 1965, bác sĩ Trung chia tay vợ con để vào Nam. Đến nơi, ông được điều về công tác tại Bệnh viện Hoàng Lệ Kha, tham gia xây dựng Ban Dân y - Trung ương Cục và sau đó đảm nhận công tác trí vậnvùng Sài Gòn - Gia Định.
Năm 1975, ông được phân công lãnh đạo sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Suốt ba năm, từ 1975-1977, ngành y tế TP đã phải đương đầu khốc liệt với dịch sốt xuất huyết, dịch tả, dịch hạch... có lúc tưởng chừngkhông vượt qua được.
Rồi đến năm 1978 lại nảy sinh hai vấn đề mới, đau đầu hơn: Một là cạn kiệt thuốc men, thiết bị y tế; hai là hàng trăm bác sĩ, dược sĩ có tiếng, trước năm 1975 lần lượt ra đi.
Bác sĩ Trung nói: "Lúc ấy, chúng tôi đề xuất cho tổ chức phòng mạch tư ngoài giờ và mở hình thức đại lý thuốc để giữ chân anh em lại. Phải tạo điều kiện cho anh em sống được, làm việc được và con cáihọ học hành dễ dàng. Tôi không nghĩ anh em bỏ đi là xấu, bởi nếu vậy họ đã đi từ ngày giải phóng".
Rồi tình hình lắng dịu dần cho đến năm 1980, những bác sĩ ở lại đã bắt nhịp với công việc và cuộc sống, nhiều tên tuổi được bệnh nhân và đồng nghiệp trong và ngoài nước biết đến với sự quýtrọng.
Đến năm 1988, với ca mổ Việt - Đức, gần 70 GS, BS tầm cỡ có cảnh đời khác nhau đã được hội tụ. Ca mổ có tiếng vang lớn, được ví như một "bản giao hưởng trí tuệ và nhân văn" cất lên dưới chiếc đũa củanhạc trưởng Dương Quang Trung.
Khó khăn lại xuất hiện! Bác sĩ Trung cho biết vào những năm 1987, 1988 có nhiều người mắc bệnh tim, nhất là trẻ em, mà "đụng" tới bệnh này coi như cầm chắc cái chết. Giọng ông bỗng chùng xuống, ưutư: "Không thể ngồi nhìn được, tôi xin một tổ chức nhân đạo Pháp mỗi năm gởi sang 5 - 7 cháu để mổ. Rất tốn kém nhưng đâu phải sống hết, có trường hợp các cháu chết phải cho vào hòm kẽm đưa về nước.Rất thảm! Thế là phải tìm cách khác".
Năm 1988, ông sang Bệnh viện Broussais, Pháp gặp nhà phẫu thuật tim Alain Carpentier mong được giúp xây dựng Viện Tim. Cả ba lần gặp đều không thành. Ông kiên trì tác động cả GS Alain Deloche, phụ tácủa GS Alain Carpentier.
Mấy tháng sau, bác sĩ Trung lại mời GS Alain Carpentier sang thăm Bệnh viện Nhi Đồng II. Hôm ấy, rất ngẫu nhiên, một bé gái 12 thổi bị bệnh tim bẩm sinh vừa chết trước mắt GS Alain Carpentier, xáccòn hơi ấm. Cái chết đau đớn của cháu bé đã lay động ông GS Pháp. Lần này, GS Alain Carpentier không chỉ đồng ý giúp đỡ xây dựng Viện Tim tại Việt Nam mà còn siết tay BS Trung cam kết."Chúng ta phảihành động!".
Và rồi hơn mười năm nay, các bác sĩ Viện Tim đã giành lấy sự sống cho trên 11.000 bệnh nhân; trả lại nhịp đập bình thường cho vài chục nghìn bệnh nhân khác. Khoảnh hơn 1/3 số trường hợp mổ tim đượcmiễn giảm chi phí, trong đó gần 90% do Hiệp hội Alain Carpentier tài trợ. Hiện Viện Tim đang phẫu thuật hết công suất mỗi ngày nhưng vẫn còn 6.000 trường hợp chờ mổ.
Hơn 50 năm trôi qua, ông Hai Ngọ (bí danh của bác sĩ Trung) đã trải qua biết bao sự kiện, biến cố đi qua trong đời thầy thuốc của mình... Giờ đây, tuy tuổi cao nhưng sức làm việc của ông còn nhiều.Sau những giờ phút mệt nhọc, ông lại về với mái ấm gia đình trên đường Hoàng Diệu, quận Phú Nhuận vui với bầy cháu nội - ngoại, ông gọi chúng là "thuốc an thần".
Nguồn: Cao Tuấn(Báo Người lao động), www.nhandan.org.vn 19-1-2004