Dùng vệ tinh giám sát tài nguyên môi trường
Tất cả các hiện tượng diễn biến bất thường của thiên nhiên: bão lụt cũng như cháy rừng, biến đổi rừng, dịch bệnh mùa màng... sẽ được dự báo chi tiết, chính xác thông qua hệ thống chụp ảnh từ vệ tinh. Nếu hệ thống này đi vào hoạt động, mỗi năm nước ta không chỉ tiết kiệm hàng triệu USD mà còn mang lại lợi ích cho nhiều ngành kinh tế xã hội khác. Đồng thời, đây cũng là công nghệ nghiên cứu vũ trụ hiện đại đầu tiên ở nước ta hiện nay.
Hằng năm tiết kiệm hàng triệu USD
Ở nước ta chưa có đơn vị nào có khả năng thu nhận được ảnh vệ tinh để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, mới chỉ có những trung tâm ứng dụng sử dụng và xử lý ảnh vệ tinh. Tuy nhiên, hầu hết ảnh mà các trung tâm sử dụng đều phải mua ở nước ngoài với giá rất cao. Mỗi bức ảnh vũ trụ có giá khoảng 4.000-5.000 USD.
Ông Lê Minh, Giám đốc Trung tâm viễn thám (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, riêng ở Trung tâm, có năm đã phải mất gần 1 triệu USD để mua ảnh làm dự án và phục vụ nghiên cứu. Trung bình mỗi năm, nước ta đã phải bỏ ra hàng triệu USD để mua ảnh viễn thám của thế giới.
Hiện nay, toàn bộ ảnh phục vụ nghiên cứu của 15 trung tâm nghiên cứu, các viện và trường đại học liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường ở nước ta như: ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Nông nghiệp... đều phải mua ảnh từ nước ngoài và phải có đơn đặt hàng trước hàng tháng.
Có thể trong một vài năm đầu trung tâm sẽ cung cấp ảnh vệ tinh miễn phí hoặc với giá thấp hơn rất nhiều so với giá nước ngoài cho các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta không chỉ cung cấp đủ nhu cầu ảnh vệ tinh trong nước mà còn mở rộng kinh doanh ở trong khu vực để có kinh phí nâng cấp hệ thống.
Ông Minh cho rằng có thể chỉ trong vòng 2 năm, chúng ta sẽ thu lại được số vốn đầu tư. Đầu tư vào công nghệ cao mà đặc biệt công nghệ vũ trụ sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho kinh tế đất nước mà đặc biệt là trong giám sát, quản lý lãnh thổ.
Có thể cảnh báo động đất và sóng thần?
Bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định, đây là một hệ thống giám sát về tài nguyên thiên nhiên và môi trường hiện đại và toàn diện nhất ở nước ta từ trước tới nay. Để thực hiện dự án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hợp tác thương mại với cơ quan DSC của châu Âu. Theo đó, DSC sẽ cung cấp cho chúng ta một trạm tiếp nhận ảnh vệ tinh chụp từ các vệ tinh quan sát trái đất SPOT của Pháp và cơ quan vũ trụ châu Âu (ENVISAT).
Ngoài trung tâm thu hình của Uỷ ban vũ trụ châu Âu, chúng ta sẽ có một trung tâm dữ liệu quốc gia lưu trữ và xử lý toàn bộ dữ liệu. Tầm bán kính của trạm thu này là 2.500 km. Như vậy có thể thu được ảnh cả ở những quốc gia chung quanh chứ không chỉ nước ta.
Với hệ thống hoàn toàn mới và hiện đại này, chúng ta có thể thu nhận ảnh ở 3 cấp độ: SPOT 2, 4 và 5 với độ phân giải từ 2,5- 20m. Và đến năm 2007 chúng ta sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cấp để thu nhận được ảnh vệ tinh với độ phân giải 0,7m.
Ngoài ra, sẽ có các thể loại ảnh ENVISAT phục vụ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và theo dõi diễn biến môi trường. Toàn bộ hệ thống ảnh sẽ được xử lý bằng công nghệ số thay vì dùng ảnh giấy như trước đây.
Thay bằng việc kiểm tra cụ thể, hệ thống này có thể giám sát mùa màng dịch bệnh, giám sát thay đổi rừng, cây rừng, cháy rừng cũng như các tai biến về rừng. Cũng thông qua hệ thống này mà chúng ta có thể biết trước được các hiện tượng thiên tai, theo dõi biến động về biển, cung cấp thông tin cứu nạn cứu hộ trên biển...Hệ thống này còn phục vụ cho hoạt động địa chất, thăm dò khoáng sản, khai thác dầu khí...
Ngoài ra, ông Minh còn cho biết, hệ thống này còn có thể
Thực ra ở nước ta, nghiên cứu viễn thám bắt đầu từ năm 1980 do Cục đo đạc bản đồ với công nghệ KOSMOS của Nga. Suốt từ đó cho tới nay, chúng ta chưa xây dựng một cơ quan viễn thám tập trung mang tầm quốc gia. Chúng ta mới chỉ có một trung tâm dữ liệu quốc gia làm nhiệm vụ thu nhận ảnh vệ tinh, tổ chức dữ liệu, cung cấp phân phối ảnh viễn thám và sản phẩm viễn thám, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ phát triển nền kinh tế quốc dân. Trên thế giới, công nghệ vũ trụ và nghiên cứu vũ trụ đã có từ lâu và phát triển rất mạnh như: Mỹ, Nga, Pháp... Trong khu vực châu Á, mới chỉ có một số nước như: Trung Quốc, Thái-lan... có hệ thống này. Với những nước phát triển trên thế giới thì 80% hoạt động kinh tế xã hội dựa trên nền tảng vị trí địa lý. Vì vậy đây sẽ là một dự án đầu tư phát triển công nghệ vũ trụ quốc gia đầu tiên ở nước ta. |
Dự án đã được giao cho Trung tâm viễn thám làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Minh Khai - Từ Liêm và thực hiện trong vòng ba năm. Sau 20 tháng triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các thiết bị công nghệ sẽ được lắp đặt và tiến hành đào tạo cán bộ.
Chúng ta sẽ có 16 tháng để vận hành thử nghiệm với sự giám sát của các chuyên gia Pháp. Sau ba năm, chúng ta sẽ chính thức vận hành hệ thống này một cách độc lập.
Dự án này sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần phục vụ đắc lực trong quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, ông Minh cho rằng nó sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ vũ trụ vốn còn rất yếu ở nước ta.
Nguồn: nhandan.com.vn 30/8/2005