“Đối với tôi, nhiều tiền chỉ phức tạp”
Kẻ "a ma tơ" học người chu đáo
Khoảng năm 1995, khi là biên tập viên Tạp chí Cộng sản, đọc một số bài báo của ông, thấy có nhiều vấn đề hay liên quan đến lĩnh vực tôi đang theo dõi là khoa học và giáo dục, tôi liền gọi điện xin gặp để mời ông cộng tác.
Đầu dây bên kia là một giọng nói vang, khỏe và rất cởi mở, mời tôi đến phòng làm việc của ông ở Văn phòng Quốc hội.
Gặp ông, ấn tượng đầu tiên của tôi là đằng sau phong thái lịch lãm của một nhà trí thức với cặp kính cận dày cộp là một con người vui vẻ, cởi mở, dễ gần, khác hẳn với những lời đồn đại về phong cách cô độc của ông.
Sau cuộc gặp đó, ông có những bài báo công phu và uyên bác về các vấn đề khoa học công nghệ, công nghệ cao và kinh tế tri thức, gây tiếng vang lớn.
Đầu năm 2000, theo gợi ý của ông, tôi chuyển sang công tác tại Văn phòng Quốc hội, làm thư ký riêng cho ông.
Thời gian làm việc bên ông không nhiều (3 năm) nhưng đối với tôi, đó là khoảng thời gian thực sự có ý nghĩa bởi tôi được mở rộng tầm mắt và học được ở ông rất nhiều điều.
Những chuyến tháp tùng ông đi giám sát tại các ngành, các địa phương hay đi công tác nước ngoài, lắng nghe các phát biểu của ông, cách ông chỉ đạo viết báo cáo giám sát, cách ông tiếp xúc, trao đổi với các đối tác quốc tế, thực sự đối với tôi là những bài học quý giá.
Tôi học được ở ông trước hết là tinh thần trách nhiệm, tính nghiêm túc, cẩn trọng trong công việc, đã định làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn, mọi điều được viết ra, nói ra đều phải được suy nghĩ cần thận, chu đáo, chuẩn bị tư liệu đầy đủ theo kiểu “biết mười nói một”. Điều đó, thời gian đầu quả thật không dễ đối với một người làm báo vốn có tính amateur như tôi.
“Kiếm tiền nhiều cho đất nước thì tôi rất thích”
Xuất thân là một nhà giáo, nhà khoa học, sau đó trở thành chính khách, nhưng dù ở cương vị nào thì trong sâu thẳm trong con người Vũ Đình Cự vẫn là cốt cách của một nhà giáo.
Điều đó thể hiện ở sự mô phạm, mực thước, phong cách nghiêm túc trong công việc, trong giao tiếp, sự quý trọng danh dự, uy tín đến mức hơi thái quá, có vẻ không hợp lắm với một người làm chính trị.
Trọng danh dự, rất chú giữ gìn thanh danh nhưng ông lại rất ghét hư danh, không cố để khoác cho mình những chức danh này nọ mà theo ông chỉ là không thực chất.
Hầu hết những người quen biết Vũ Đình Cự đều biết ông chọn cuộc sống độc thân, không lấy vợ.
Gần ông, tôi hiểu ông là người có thiên hướng sống cô đơn, thanh bạch, giản dị, thậm chí hơi thoát tục. Niềm vui, niềm say mê lớn nhất của ông là công việc, là đọc sách, vào Internet tìm tư liệu, nghiên cứu, viết sách, viết báo. Còn những nhu cầu vật chất trần tục, đối với ông, lại không đáng để quan tâm.
Cho đến lúc qua đời, ông vẫn sống ở căn hộ tập thể 32 m2 ở khu Bách khoa mà ông được phân từ năm 1976. Có lần, ông kể chuyện vui với tôi, trong thời gian ông làm Viện trưởng Viện Công nghệ quốc gia, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác làm ăn.
Có một đoàn doanh nghiệp Mỹ sang làm việc với ông, đến lúc ăn trưa, trưởng đoàn hỏi: “Mr. Cự, ông có thích nhiều tiền không ?”, ông trả lời: “Nếu kiếm nhiều tiền cho đất nước tôi thì tôi rất thích, nhưng cho cá nhân tôi thì không cần. Đối với tôi, nhiều tiền chỉ phức tạp”. Tayngười Mỹ cười: “Nếu thế thì tôi rất khó hợp tác với ngài”.
Có một đức tính rất đáng quý ở Vũ Đình Cự là ông sống khắc kỷ, khắt khe với bản thân mình nhưng không khắt khe với người khác, đặc biệt là những người làm việc gần ông.
Ngược lại, ông luôn có sự quan tâm chu đáo, ân cần. Ông sẵn lòng giúp đỡ nếu có ai đó nhờ ông giúp tác động việc nọ việc kia (tất nhiên là chính đáng).
Cứ Tết đến, ông đều có quà cho những người giúp việc: thư ký, lái xe, bác sỹ. Đối với chúng tôi, đó là những món quà không lớn nhưng vô cùng quý giá vì nó thể hiện tình cảm, sự quan tâm ân cần của ông.
Tôi còn nhớ gần Tết năm 2002, ông bảo tôi chuẩn bị cho ông xuống thăm một trại trẻ mồ côi ở Hà Nội, đồng thời, liên hệ mua mấy bộ máy tính để tặng các cháu. Và đó là những chiếc máy tính được mua bằng tiền riêng của ông (tôi còn nhớ gần 50 triệu đồng). Các cháu ở trại trẻ mồ côi ở Tây Mỗ thuộc Sở LĐ,TB,XH Hà Nội đã nhận được mòn quà đầy ý nghĩa từ vị Phó Chủ tịch Quốc hội.
Cách đây mấy năm, gặp tôi ông khoe: Tớ vừa dành dụm được 300 triệu từ tiền viết sách, làm đề tài khoa học tặng cho làng tớ xây một nhà văn hóa to đẹp. Tiền xây nhà hết 200 triệu, còn 100 triều để trang bị nội thất và duy trì, quản lý sau này.
Ông còn hứa dịp nào rỗi sẽ đưa tôi về thăm làng mình ở Đông Xuân, Đông Hưng, Thái Bình để xem nhà văn hóa của ông, nhưng bây giờ thì không kịp nữa.
Năm 2002, sau khi thôi Phó Chủ tịch Quốc hội, ông vẫn được Trung ương giao nhiều công việc quan trọng. Nhiệt huyết nghiên cứu, sáng tạo trong ông vẫn tràn đầy.
Gặp ông, tôi đề nghị: “Anh chỉ nên nhận những việc mà anh thích và hứng thú thôi, bây giờ nên nghỉ ngơi là chính, đừng tham việc quá!”.
Ông cười: “Cậu yên tâm, tớ biết cách tự điều chỉnh!”.
Vài năm gần đây, mỗi lần gặp ông, tôi đều lo lắng xót xa vì thấy thần sắc ông mỗi ngày một xuống. Duy sự lạc quan, ung dung tự tại thì vẫn nguyên vẹn.
Đáp lại sự lo lắng của tôi, ông cười, dẫn lời Bác Hồ trong di chúc: “Người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp, có gì lạ đâu mà cậu lo lắng. Tớ vẫn ổn!”. Nhìn phong thái lạc quan của ông, tôi phần nào yên tâm. Nhưng không ngờ ông ra đi nhanh quá, đột ngột quá!